“Cô có vào thăm bản “nhiều không” nhất ở xã Trung Lý không? Xa đấy”. Sự tò mò háo hức khiến tôi đồng ý ngay. 3 phương án được đưa ra để tôi lựa chọn cung đường đi. Cuối cùng tôi quyết định đi đường Mường Lý, qua sông đến bản Cánh Cộng, Cá Giáng, rồi vào Tà Cóm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đất nghèo rồi sẽ hồi sinh

“Cô có vào thăm bản “nhiều không” nhất ở xã Trung Lý không? Xa đấy”. Sự tò mò háo hức khiến tôi đồng ý ngay. 3 phương án được đưa ra để tôi lựa chọn cung đường đi. Cuối cùng tôi quyết định đi đường Mường Lý, qua sông đến bản Cánh Cộng, Cá Giáng, rồi vào Tà Cóm.

Đất nghèo rồi sẽ hồi sinhTổ liên ngành tại bản Tà Cóm thăm hỏi đời sống của bà con khi ở trong ngôi nhà do Bộ Công an phối hợp với tỉnh Thanh Hóa cùng Ngân hàng Vietcombank hỗ trợ.

Con đường từ bến thuyền vào Tà Cóm dài 4 km. Thật may mắn là tôi có người bạn đường là Đại úy Triệu Văn Tý - Đội trưởng đội vận động Tuyên truyền của Đồn Biên phòng Trung Lý. Len theo con đường rộng chừng 50 cm, đá lởm chởm, tôi liên tục gồng mình, tay trái túm lấy áo của Đại úy Tý, tay phải đưa ra đằng sau giữ lấy yên xe. Chiếc xe máy khi gằn lên, lúc chúi xuống cảm giác như lao đầu về phía trước. Người lái xe cũng vận công vừa phanh xe vừa thả chân dồn sức đẩy xe. Cảm giác chỉ cần lơi tay ra là tôi có thể rơi xuống đường ngay lập tức.

Tà Cóm rộng 934,48 ha. Từ nhà này sang nhà kia, xa ơi là xa. Người đầu tiên tôi muốn được gặp là trưởng bản Thào A Thái (SN 1975). Đơn giản vì anh là hộ đầu tiên và duy nhất của bản nộp đơn xin thoát nghèo.

Gia cảnh của Thào A Thái thì ai cũng biết. Bố mẹ anh đều nghiện. Năm 1991, anh chuyển từ Sơn La đến Thanh Hóa sinh sống. Cảnh nghèo khiến nhiều năm anh chẳng nghĩ được gì. Nhưng chính cái gia đình 13 nhân khẩu, gồm một mẹ già, vợ chồng anh và những người con, cháu buộc anh phải thay đổi để cái nghèo, đói không còn đeo bám hết năm này sang năm khác. Năm 2010, anh Thái mạnh dạn vay ngân hàng chính sách 15 triệu đồng mua bò sinh sản. Ngoài ra, gia đình anh nhận hơn chục ha đất rừng để trồng vầu, xoan. Không có kinh nghiệm cả trồng rừng lẫn chăn nuôi, anh chẳng những chỉ đói kém mà còn thêm nợ nần. Không nản và cũng chẳng có con đường nào khác, năm 2015, anh vay thêm 30 triệu nữa để đào ao nuôi cá. Dần dần các con vật, cây trồng bắt đầu cho thu nhập, anh Thái trả hết nợ ngân hàng, lại có vốn quay vòng để đầu tư chăn nuôi, sản xuất. Đến nay nhà anh có tổng cộng 70 con bò, 30 con trâu, cá dưới ao ngày một nhiều và 3 ha rừng vầu. Mỗi năm, trưởng bản Thào A Thái cũng thu nhập gần 100 triệu đồng.

Sau khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Ổn định dân di cư tự do”, bản Tà Cóm chính thức được thành lập theo Quyết định 268 ngày 26-2-1998. Trong gần 25 năm ấy, anh Thào A Thái có hơn 15 năm làm trưởng bản. “Nếu mình không làm, thì ai sẽ làm và biết khi nào mảnh đất này mới đỡ nghèo, đỡ khổ. Làm cán bộ, tôi có thêm nhiều động lực để thay đổi cuộc sống của chính mình”, giọng của trưởng bản rất rõ ràng.

Bản nhỏ, 108 hộ dân và 579 nhân khẩu. Trong đó có tới 107 hộ nghèo. Chỉ nhìn vào con số ấy thôi, có lẽ chẳng cần đặt chân đến nơi này một người ít trí tưởng tượng nhất cũng có thể hình dung được cái nghèo. Tôi đến nhà Sùng A Su A, hộ gia đình có tới 17 người ở trong ngôi nhà đất 80m2. Bước vào nhà đúng lúc mọi người chuẩn bị ăn trưa, tôi ngó đi ngó lại, tài sản ngoài 2 cái giường ra thì chỉ có 1 cái mâm, 2 cái nồi là đáng giá. Nhà 17 người, bữa ăn vỏn vẹn 2 quả trứng và bát nước mắm. Những đứa trẻ mắt tròn xoe, lăm lăm nhìn 2 quả trứng. Ai ăn ai nhịn? Tôi cứ nghĩ đến con gái của mình ở nhà, lớp 7 rồi nhưng bữa nào mẹ nấu món gì không vừa ý là phụng phịu, thậm chí đặt cái bát cũng cố tình phát ra âm thanh khó chịu.

Một ngày trên mảnh đất cằn này khiến tôi hiểu ra nhiều điều về khoảng cách miền xuôi và miền núi. Liệu bao giờ thì những con người trong bản này thoát được nghèo. Tôi mang suy nghĩ ấy hỏi ông Thái, ông nói ngay: “Các hộ nghèo ở đây chủ yếu là có người nghiện. Trong số 108 hộ, tới 40 hộ có người nghiện và buôn bán ma túy. Nghiện cũng với nhiều lý do. Có khi, chả biết làm gì thì nghiện. Đó là hộ gia đình Hờ A Su, gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con. Hết tiền lại lên rừng chặt cây vầu, cây nứa, tổng thu nhập cả nhà tính nhanh may ra được 1 - 2 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, mỗi lần lên cơn nghiện, Su có cớ đánh vợ. Lại có người rất ngoan ngoãn, vì hoàn cảnh mà ập vào ma túy. Như hộ gia đình Sùng A Su B chẳng hạn. Cái năm 2018, lũ ống, lũ quét đã làm sạt lở mất cả nhà cửa. Chán quá, Su B nghĩ ngay đến việc vận chuyển ma túy. Cô bảo, thế thì biết bao giờ cho hết nghèo?”.

Những đứa trẻ lớn lên nhìn thấy xung quanh mình toàn người nghiện, chúng sẽ thế nào đây? Chỉ nghĩ thôi, tự tôi cảm thấy buốt nhói. Nổi bật trong bức tranh nhuốm màu xanh đại ngàn là điểm trường lẻ Tà Cóm (Trường Tiểu học Trung Lý 2), dù nứt nẻ nhưng rất sạch sẽ. Đứng trong lớp học, nhìn những vạt nắng cuối ngày xuyên qua cánh cửa nứt gá vội, soi vào gương mặt lũ trẻ, tôi lại nghĩ về những ngày mưa gió rét mướt. Lũ trẻ mặc chiếc áo mỏng, cái quần ngắn chưa tới mắt cá chân và loẹt quẹt đôi dép tổ ong. Hẳn sẽ lạnh thấu xương thịt?. Cô giáo Lò Thị Văn, nhà ở huyện Bá Thước, cách nơi này khoảng 150 km. Ở đây 4 năm, một hai tuần về nhà, mang thực phẩm lên, ăn vội ăn vàng vài hôm vì sợ thiu, thối. Thức ăn chính của 4 thầy cô là các loại cá khô. So với người dân ở bản Tà Cóm thì các cô “sướng” vì có lương, có nghề nghiệp và có những bộ quần áo đẹp. Cô Văn cho biết: “Tôi chỉ mong các em học lấy cái chữ, có động lực để xây dựng bản mình thôi”.

Đó cũng chính là chuyện của thầy giáo người Mông Sùng A Chai cả chục năm về trước. Mới học đến lớp 6, anh đã bị bố mẹ bắt về cưới một cô gái người Mông ở tận xã Hua Nhàn của huyện vùng cao Bắc Yên (Sơn La). Sợ nghèo, Chai quyết học tiếp cấp 2. Anh ra tận bản Táo cách Tà Cóm gần 50 km, rồi cứ thế học mãi lên đến đại học và quay về chính nơi anh bắt đầu đi tìm con chữ để dạy học với mong ước mở lối cho những đứa trẻ của bản. Anh chia sẻ: “Ở Tà Cóm nếu không đi học thì không thể thoát nghèo. Tôi thường nói với bọn trẻ, hãy nhìn vào cuộc đời thầy đã đi qua, đừng lấy vợ quá sớm, đừng rời xa trường lớp. Dù khó khăn không từ bỏ con chữ”. Sùng A Chai là 1 trong 4 người của Tà Cóm cho đến nay học hết đại học. Nhưng Chai là người duy nhất mang con chữ về bản. Vừa biết tiếng dân tộc, vừa hiểu phong tục tập quán, lại quen với đất và người nơi này nên anh nói gì bọn trẻ cũng nghe theo. Chính hình ảnh của thầy Chai và các thầy cô giáo “cắm bản” mà tỷ lệ đến trường ở Tà Cóm là 100%.

Bản nghèo thêm nghèo hơn, kể từ khi dịch COVID-19 đến. Người dân ở đây chủ yếu vào rừng kiếm nguồn sống, chỉ có dăm hộ trong bản vỡ được ít ruộng cạnh các con suối để trồng lúa, trồng sắn. Vài năm gần đây, người dân nhờ cây sắn mà có ít tiền mua đồ ăn thức uống. Cây sắn bắt đầu được trồng từ tháng 5, đến tháng 11, 12 thu hoạch. Không đường, xe cũng chẳng thể vào bản, người dân phải chuyển sắn qua đò, xuống thủy điện Trung Sơn cách bản khoảng 8 km. Cả bản hiện có 30 ha sắn. Mỗi ha trừ tất cả chi phí, bà con lãi chừng 20 triệu đồng. Năm nay, giá sắn cao hơn, khoảng 14.000 đồng/yến, nhưng bà con lại không trồng nhiều, vì lượng người thu mua ít, vận chuyển khó khăn.

Ông Thào A Thái cho biết, đất ở đây cằn khô đến mức chỉ trồng vầu và sắn được thôi. Gần như không cây gì có thể sống sót qua 3 tháng mùa hè. Thào A Thái còn nói thêm: Tới đây, mình sẽ cùng bà con trong bản trồng thêm cây vầu, cây nhám, vì đây là những loại cây trồng rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng đất này.

Dẫn chúng tôi đi một vòng xung quanh bản, dừng lại ở công trình nước sinh hoạt tập trung của bản được hoàn thành tháng 12-2020, Thào A Thái giơ tay mở vòi hứng nước vỗ vào mặt, làm một tợp. “Tà Cóm có 3 con suối gồm suối Pừm, suối Quặc và suối Trại; có con sông Mã chạy qua đấy, nhưng nước thì vẫn thiếu. Từ khi có nước sạch người dân vui lắm, trẻ con sạch sẽ hơn nhiều. Cùng với có nước sạch, những ngôi nhà do Bộ Công an phối hợp với tỉnh Thanh Hóa cùng Ngân hàng Vietcombank hỗ trợ là điểm sáng ở Tà Cóm trong vài năm gần đây”, Thào A Thái cho biết.

Trong số 600 căn nhà xây cho hộ dân nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, bản Tà Cóm có 24 căn (trị giá 50 triệu đồng/căn) đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng: “Nền cứng, mái cứng, vách cứng”. Nhớ lại những ngày đầu, bà con chê nhà nhỏ quá. Bao năm họ gắn bó và thân thuộc với nhà đất. “Chúng tôi thuyết phục họ rằng vừa có nhà mới đảm bảo an toàn mưa lũ, sau có điều kiện hơn thì làm cái nhà đất ngay bên cạnh”. Trước đây trưởng bản, bí thư chi bộ Thào A Thái vào những ngày tháng 8-9 phải đi tuần tra liên tục, nguy cơ sạt lở lúc nào cũng rình rập. “Gần 1 năm, cuộc sống của bà con ổn định, trời mưa gió thì cũng yên tâm hơn nhiều”.

Tôi hỏi: Ngoài anh ra, không có hộ gia đình nào có thể thoát nghèo được ạ? Thào A Thái rất vui: “Còn hộ của Phó bí thư chi bộ bản, Sùng A Tông (1986). 2 vợ chồng, 4 đứa con nuôi 7 con trâu, 25 con bò. Ngoài ra, chưa hộ nào có triển vọng thoát nghèo. Muốn phát triển kinh tế, việc đầu tiên là phải cai nghiện, xóa tệ nạn buôn bán ma túy”.

Chia sẻ điều này, ông Quách Văn Mỵ, Chủ tịch UBND xã Trung Lý khẳng định: Theo nghị quyết, nhiệm kỳ 2021-2026, chúng tôi sẽ tập trung phát triển nông lâm nghiệp, giải quyết việc làm lúc nông nhàn, tăng cường khai hoang diện tích lúa nước, cho bà con tiếp cận khoa học để tăng năng suất, đồng thời trồng xen các loại cây nông nghiệp hàng năm. Đặc biệt nhất là đảm bảo điện lưới và khơi thông tuyến đường từ Tà Cóm đi bản Chiềng (xã Trung Sơn) từ đó giúp bà con dễ dàng giao lưu buôn bán.

Xuân đã về. Cũng như mọi năm, trưởng bản Thào A Thái đang chuẩn bị mổ bò, mời mọi người đến vui một bữa. Tiếc là sau trận lũ lụt năm 2018, bản không còn một con lợn tự nhiên nuôi thả trên rừng. Nhưng bà con cũng đã sẵn vài ba con gà Mông trong nhà, chuẩn bị mua quần áo, nhà nghèo nhất cũng có 5 đến 10 kg gạo nếp để làm bánh dày. Tết với người Mông bản Tà Cóm là những ngày vui nhất trong năm, quên mọi lo toan buồn phiền, phụ nữ thi múa hát, đàn ông thi bóng đá... Thịt trâu, bò với vài ba chai rượu, đủ để họ thấy cả mùa xuân.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]