(Baothanhhoa.vn) - Đánh ghen không phải là khái niệm được pháp luật quy định. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người thực hiện việc đánh ghen có hành vi bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc gây thương tích cho người khác thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc các tội danh tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đánh ghen – vấn nạn cần loại bỏ

Đánh ghen không phải là khái niệm được pháp luật quy định. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người thực hiện việc đánh ghen có hành vi bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc gây thương tích cho người khác thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc các tội danh tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Chỉ cần gõ từ khóa “đánh ghen” trên Youtube hàng loạt kết quả tìm kiếm được trả về.

Khi nào ớt mới hết cay?

Tối 12-6, tại phố Cao Thắng (TP Thanh Hóa), nhiều người không khỏi sợ hãi khi nhìn thấy một cô gái bị nhóm phụ nữ đánh ngay giữa đường. Không chỉ là những màn mắng chửi, túm tóc, tát, nhóm phụ nữ còn dùng kéo, dao lam xé rách, lột quần áo, thậm chí là dùng nước mắm, ớt bột đổ lên người cô gái. Số đông đều không rõ thực hư câu chuyện của cô gái trẻ ra sao, người thì nói là do ghen tuông, người thì bảo do mâu thuẫn làm ăn... Nguyên nhân là gì thì cách nhóm người phụ nữ này đánh, lột đồ cô gái cũng khó có thể chấp nhận được. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, những vụ đánh người, lột đồ gần đây cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

Ngày nay, bạo lực ghen tuông không chỉ được các phụ nữ trưởng thành sử dụng mà trẻ vị thành niên cũng “đóng góp” vào “làng Youtube Việt Nam” những clip phong phú về việc “đánh ghen hội đồng”, gây chấn động dư luận. Facebook và các mạng xã hội khác cũng được sử dụng như những công cụ để việc “làm nhục” đối tượng bị đánh ghen được hữu hiệu, sâu sắc hơn.

Hồi đầu tháng 3 vừa qua, trang mạng xã hội facebook ngập tràn clip về một vụ đánh ghen mà nạn nhân là một nữ sinh THPT tại Hà Nội tên L., SN 1999, lỡ có tình cảm với một người đàn ông tên T., đã có vợ và hai con. Sau khi sự việc bị bại lộ, vợ cùng mẹ đẻ của T. đã “nhờ” một nhóm bạn của em gái T. “hỏi thăm” L.. Nhóm đánh ghen “hộ” với hơn 10 người chủ yếu là học sinh cấp ba, lao vào đánh túi bụi L., xé quần áo, liên tiếp đạp vào vùng kín, vào mặt L. kèm những câu “giáo dục, cảnh cáo” đầy bạo lực. Sự hung hãn của nhóm nữ sinh này chỉ kết thúc khi có sự xuất hiện của công an khu vực, để lại nạn nhân không mảnh vải che thân nằm trên phố.

Đừng tự biến mình thành tội phạm

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và Truyền thông đại chúng, Viện Xã hội học Việt Nam, cho rằng: Những hành động đánh ghen trên phố với hành vi lột đồ, quay phim, chụp ảnh “người thứ ba”... xuất phát từ sự tổn thương nặng nề của những người vợ khi bị người chồng mà mình yêu thương phản bội. Họ cho rằng, “đánh phủ đầu” như vậy là để răn đe, trả thù... kẻ “thứ ba” vì đã phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Thậm chí, nhiều trường hợp người đánh ghen còn nhờ người khác hay tự mình ghi clip rồi đăng trên mạng xã hội để “cảnh cáo” nhằm bêu xấu tình địch... Nhiều người hả hê, đồng tình với hành động này vì cho rằng đó là biện pháp răn đe cần thiết đối với các “hồ ly tinh” để bảo vệ hạnh phúc gia đình của họ và bảo vệ hạnh phúc gia đình nói chung...

Tuy nhiên, cũng theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình dùng bạo lực để đánh ghen là hành động sai lầm khiến người đánh ghen 2 lần chịu thiệt. Sau trận đánh ghen như vậy thì việc đổ vỡ hôn nhân là khó tránh, thêm vào đó người đánh ghen có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị xử lý hình sự và sẽ mất nhiều thứ hơn là cách giải quyết mềm dẻo trên cơ sở pháp luật. Vẫn biết rằng, ghen tuông là chuyện “nữ nhi thường tình”, nhưng ghen như thế nào cho đúng, cho có hiệu quả và hợp pháp, vừa giữ gìn được hạnh phúc gia đình, vừa buộc kẻ phụ tình phải trả giá mới là cái đáng bàn. Có những hành động đánh ghen khiến hôn nhân tan vỡ, người đi đánh ghen chịu tù tội, con cái bơ vơ, còn người chồng và nhân tình nhân đà đó họ về với nhau... Đây là một kết cục “thiệt hại kép” cho người đánh ghen không đúng cách.

Đồng tình với quan điểm của vị chuyên gia xã hội học, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội, chia sẻ: Dưới góc độ pháp lý, pháp luật chỉ cho phép đối thoại, hòa giải để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong hôn nhân. Tuyệt đối không cho phép đánh ghen (đánh người khác vì ghen tuông), không cho phép xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, tính mạng, sức khỏe người khác vì ghen tuông, bức xúc. Việc đánh ghen sẽ biến người đúng thành sai. Người nào cố tình đánh ghen, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác hoặc xâm hại tính mạng, sức khỏe người khác thì tùy vào tính chất, mức độ hành vi, tùy thuộc vào hậu quả và nhân thân của người vi phạm thì người vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính hoặc hình sự.

“Trong vụ việc đánh người kinh hoàng xảy ra tại Thanh Hóa (đánh đập, lột quần áo, xát ớt bột, đổ nước mắm vào người...), nếu xác định thương tật nạn nhân có thương tích từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự thì người đánh sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp không đủ mức độ thương tích để xử lý về tội cố ý gây thương tích thì vẫn có thể xem xét xử lý đối tượng đánh ghen về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, để xử lý người vi phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và tội làm nhục người khác thì cần có đơn yêu cầu của bị hại. Nếu bị hại không yêu cầu thì cơ quan điều tra vẫn có thể xử lý người gây ra sự việc về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự. Tất cả những người tham gia đánh ghen (lột quần, áo, cắt tóc, đánh đập, đăng lên mạng xã hội) đều bị xử lý về cùng một tội danh với vai trò đồng phạm” - Luật sư Nguyễn Anh Thơm, nhận định.

Một trong những nguyên nhân khiến các vụ đánh ghen không giảm bớt mà ngày càng gia tăng về số vụ cũng như mức độ tàn nhẫn là do những người đánh ghen không hiểu biết pháp luật, không biết hành vi của mình có thể phạm tội. Theo Luật sư Thơm, việc xử lý các vụ đánh ghen còn chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe. Không ít vụ bị tung lên mạng xã hội gây bức xúc lớn, song khi xử lý lại là hòa giải, bồi thường hoặc phạt hành chính. Nhiều vụ đánh ghen ngay cả bị hại cũng có lỗi nên chính quyền thường gọi các bên đến để giảng hòa. Tuy nhiên, theo tôi đã xâm phạm thân thể người khác thì không nên dung túng. Tất cả hành vi này phải bị xử lý nghiêm và các bản án công khai để làm bài học cho mọi người.

Ngày nay, chúng ta sống trong thời đại văn minh, hiện đại, nhận thức con người ngày càng thông thoáng, cởi mở hơn trong các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ta quên mất đi giá trị, phẩm chất, chuẩn mực, đạo lý làm người đã được xã hội ghi nhận. Mỗi chúng ta cần xây dựng cho riêng mình một cách ứng xử trong các mối quan hệ xã hội làm sao để hài hòa, phù hợp chuẩn mực, đạo lý làm người và phù hợp với quy định pháp luật. Tránh tình trạng chạy theo nhận thức sai lệch của một số bộ phận đám đông, xa rời chuẩn mực, đạo lý làm người để rồi gây ra hậu quả đáng tiếc cho đối phương và phải gánh chịu sự trừng phạt của pháp luật đối với bản thân mình.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]