(Baothanhhoa.vn) - Qua sông trên chiếc đò ngang chòng chành, chúng tôi đến khu tái định cư (TĐC) Sa Lắng, xã Thanh Xuân, huyện miền núi Quan Hóa do Thủy điện Hồi Xuân thực hiện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dân mỏi mòn chờ... tái định cư

Qua sông trên chiếc đò ngang chòng chành, chúng tôi đến khu tái định cư (TĐC) Sa Lắng, xã Thanh Xuân, huyện miền núi Quan Hóa do Thủy điện Hồi Xuân thực hiện.

Sau 3 năm thực hiện, khu tái định cư Sa Lắng vẫn chỉ là bãi đất trống.

Dù cách trung tâm xã có một con sông, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây dường như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Những chiếc lán tạm bợ, những căn nhà sàn nằm chơi vơi bên sườn núi được bện từ những chiếc lá cọ, cây luồng, cây nứa... lấy trên rừng. Có lẽ chỉ một cơn gió to là có thể đổ. Thế nhưng, họ không dám sửa chữa hay xây mới bởi phải chờ... dự án.

Vẫn chỉ là... bãi đất trống

Chúng tôi về khu TĐC Sa Lắng vào những ngày tháng 3 để được “mục sở thị” cuộc sống nơi đây. Đón chúng tôi bên triền sông Mã là bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Sa Lắng Cao Thanh Bình. Trên con đường khúc khuỷu đầy bụi, vị trưởng bản trần tình: Bản Sa Lắng có tất cả 53 hộ dân (trong đó có 27 hộ nghèo và cận nghèo) với 248 nhân khẩu đều thuộc diện di dời nhà cửa đến khu TĐC tập trung. “Tháng 4-2015, bà con trong bản nhận được thông báo của cấp trên là phải nhường đất đai, nhà cửa, ruộng vườn cho vùng ngập lòng hồ của thủy điện. Dù mặt bằng khu TĐC đã được Thủy điện Hồi Xuân san lấp, nhưng người dân vẫn chưa được chia đất để xây dựng nhà. 3 năm qua, người dân chúng tôi nhường đất đai, ruộng vườn cho dự án, nhưng do công trình TĐC kéo dài, dang dở đã làm cho cuộc sống của người dân trong bản bị đảo lộn hoàn toàn. Các công trình công cộng như: Nhà văn hóa bản, trường học (tiểu học và mầm non), hệ thống điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt... hiện vẫn chưa được xây dựng như đúng thiết kế. Tất cả đang là bãi đất trống”, ông Bình cho biết.

Dừng chân bên chiếc lán tuềnh toàng, rộng chừng 20m2, nằm giữa khoảng đất trống trên mặt bằng TĐC Sa Lắng, một người đàn ông khoảng chừng 40 tuổi bước ra đon đả mời chúng tôi vào nhà. Anh là Phạm Hùng Sơn (ở bản Sa Lắng) – một trong những gia đình nhường đất đai, nhà cửa, cây cối cho mặt bằng TĐC này.

Anh Sơn cho hay: “Gia đình tôi có 7 khẩu, gắn bó với mảnh đất này đã 30 năm. Nhưng từ khi Dự án Thủy điện Hồi Xuân triển khai san lấp mặt bằng xây dựng khu TĐC, gia đình tôi cũng như một số hộ dân khác sinh sống ở đây phải tháo dỡ nhà cửa, chặt bỏ cây cối để nhường đất cho dự án. 3 năm trôi qua, mặt bằng khu TĐC này vẫn chưa hoàn thiện nên gia đình tôi phải gửi bà nội gần 90 tuổi đến nhà người thân ở nhờ. Còn bố mẹ, vợ chồng, con cái chúng tôi thì dựng lán ở lại đây rồi nhận trông coi máy móc cho công trình. Không riêng gia đình tôi, mà nhiều hộ dân khác hiện phải đi ở nhờ nhà người thân trong bản, nhiều hộ nhà cửa hư hỏng, dột nát cũng ở tạm chờ... dự án. Nhà chúng tôi dỡ ra chất thành đống, đến lúc có đất liệu còn dựng lại được nữa không hay đã hư hỏng hết rồi”, anh Sơn nói.

Sống khổ đến bao giờ?

Cũng như gia đình anh Sơn, ông Phạm Văn Thụ (bản Sa Lắng) cũng đã dỡ nhà, nhường toàn bộ 800m2 đất mà gia đình đang sinh sống hàng chục năm nay cho mặt bằng TĐC. “Những tưởng, chỉ một thời gian ngắn chúng tôi sẽ được chia đất, làm nhà, có một cuộc sống ổn định... Ai ngờ, đã nhiều năm trôi qua, gia đình tôi cũng như những hộ dân nhường đất cho dự án phải lợp lán ở tạm hoặc vất vưởng sống nhờ nhà người thân, còn một số hộ có nhà nhưng bị hư hỏng, dột nát cũng không được sửa chữa, đành che bạt ở qua ngày”, ông Thụ cho hay.

Chỉ cần nhìn thoáng qua cũng đủ hiểu, cuộc sống của người dân ở đây vất vả đến nhường nào. Tất cả chỉ là những chiếc lán tạm, là những căn nhà thiết kế theo kiểu nhà sàn được bện lại từ những chiếc lá cọ, những cây luồng, cây nứa lấy trên rừng nằm chơi vơi bên sườn núi. Chỉ một cơn gió to là có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Vậy mà, họ không dám sửa chữa hay xây mới, bởi vẫn phải chờ... dự án.

Trước kia, cuộc sống của người dân Sa Lắng dựa vào cây luồng là chính, nhưng giờ khu TĐC lấy hết đất rồi nên đời sống bị ảnh hưởng không ít. Giá cả các loại lương thực, thực phẩm bây giờ cũng tăng cao hơn. Chỉ có chiếc đò ngang là cầu nối duy nhất của hàng trăm con người nơi đây với cuộc sống bên ngoài.

Được biết, theo kế hoạch, Dự án Thủy điện Hồi Xuân được triển khai thi công từ tháng 3-2010, thời gian thực hiện công trình 4 năm, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 3.320 tỷ đồng, công suất 102 MW bao gồm 3 tổ máy, sản lượng điện trung bình 432,61 triệu kWh/năm.

Khi dự án được triển khai, 2.346 hộ dân của huyện Quan Hóa bị ảnh hưởng, trong đó 431 hộ phải di dời TĐC thì có 53 hộ ở bản Sa Lắng thuộc diện TĐC tập trung. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do thiếu vốn nên dự án phải dừng một thời gian. Đến tháng 10-2014, dự án được chuyển giao từ Công ty Thủy điện Hồi Xuân - Vneco, thuộc Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (Bộ Công Thương) cho Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất xây dựng Đông Mê Kông. Đơn vị này tham gia với tư cách cổ đông nắm giữ 90% cổ phần để cùng đầu tư hoàn thiện dự án. Hiện dự án này đang thi công và cam kết hoàn thành vào năm 2018.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân bị ảnh hưởng vùng ngập lòng hồ thủy điện, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng khu TĐC tập trung Sa Lắng đã kéo dài 3 năm nay nhưng tới thời điểm này họ vẫn chưa được chia đất để xây dựng nhà ở. Cùng với đó, vấn đề hỗ trợ, đền bù tài sản cho người dân cũng như hỗ trợ sinh kế cho bà con vẫn chưa thực hiện xong.

Đem câu chuyện dân sống khổ cạnh Thủy điện Hồi Xuân trao đổi với lãnh đạo huyện Quan Hóa, đồng chí Phạm Bá Diệm, Bí thư Huyện ủy, chia sẻ: “Thủy điện Hồi Xuân là hiện do Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất xây dựng Đông Mê Kông thực hiện. Khi nhận được phản ánh của bà con vùng TĐC, đặc biệt là TĐC Sa Lắng, lãnh đạo huyện đã nhiều lần thực địa, đồng thời lên gặp gỡ lãnh đạo công ty để đốc thúc đơn vị này thực hiện các vấn đề liên quan đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng, nhưng phía công ty chỉ cử người đại diện ra họp bàn với lãnh đạo huyện, còn ông tổng giám đốc thì ở tận phía Nam, nên mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, Thủy điện Hồi Xuân vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ đóng thuế vãng lai đầy đủ cho địa phương theo quy định của pháp luật. Theo kế hoạch, tháng 8-2018 đã ngăn dòng rồi”...

Tôi nhớ như in câu nói của cô bé Phạm Ngọc Anh – lớp 8A, Trường TH bán trú Thanh Xuân: “Mong mỏi lớn nhất của cháu là dự án TĐC này nhanh chóng hoàn thành với hy vọng sẽ có một cây cầu treo bắc qua dòng sông Mã để cuộc sống người dân bớt đi cái đói, cái nghèo, trẻ em chúng cháu cũng không còn cảnh thất học...”.

Mong rằng ước mơ của những con người ở vùng đất nghèo này nhanh chóng trở thành hiện thực.


Bài và ảnh: Lâm Tâm Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]