(Baothanhhoa.vn) - Năm 2019 là năm thứ chín, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ 10-11 đến 10-12 hàng năm).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS!

Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS!

Học sinh Trường THPT Trường Thi (TP Thanh Hóa) tìm hiểu thông tin phòng, chống HIV/AIDS.

Năm 2019 là năm thứ chín, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ 10-11 đến 10-12 hàng năm).

Năm nay, Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hưởng ứng các chủ đề của chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS phát động, đó là tiếp tục thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) và đặc biệt tập trung vào chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS!” vào năm 2030.

Tại Thanh Hóa, sau ca nhiễm HIV đầu tiên phát hiện vào tháng 11-1995, tính đến tháng 10-2019 lũy tích toàn tỉnh có hơn 8.000 người nhiễm, hơn 2.500 người đã tử vong, hiện có 4.182 người nhiễm đang còn sống và quản lý được; 100% huyện, thị xã, thành phố, 93,8% xã/phường/thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS. Dịch HIV/AIDS tại Thanh Hóa vẫn trong giai đoạn tập trung, nhóm người nghiện chích ma túy vẫn là nhóm có hành vi nguy cơ nhất, chiếm hơn 50% ca nhiễm HIV mới hàng năm.

Triển khai chương trình 90-90-90, trong những năm qua, Thanh Hóa đã chủ động lồng ghép các hoạt động, nguồn lực của chương trình, dự án trên địa bàn. Ưu tiên bố trí địa điểm, cơ sở vật chất và hỗ trợ cán bộ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bố trí nguồn lực để hỗ trợ cho công tác phòng chống HIV, như: Mua thuốc điều trị, phụ cấp cho cán bộ và duy trì các hoạt động trực tiếp, hiệu quả của chương trình. Hệ thống mạng lưới phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng và phát triển có chiều sâu. Đội ngũ cán bộ chuyên môn các tuyến đã được đào tạo và từng bước nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. 100% các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã thành lập các phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS. Các hoạt động lưu động về tư vấn, xét nghiệm, điều trị và cấp phát thuốc ARV về tuyến xã... được triển khai hiệu quả. Bên cạnh chương trình can thiệp bơm kim tiêm sạch, Thanh Hóa đã triển khai thêm chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cho người nghiện chích ma túy (NCMT). Chương trình đã đạt được nhiều kết quả to lớn và đã cho thấy hiệu quả trong việc làm giảm số nhiễm HIV mới trong nhóm này, đồng thời giúp họ có cuộc sống ổn định hơn, khỏe mạnh hơn, có thể lao động đóng góp cho gia đình và xã hội. Năm 2019, để đáp ứng sự đa dạng hóa trong lựa chọn can thiệp, Thanh Hóa được mở rộng thêm chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc buprenorphine. Chương trình can thiệp bơm kim tiêm, methadone và buprenorphine cho người NCMT đang là ba giải pháp song song tác động tích cực trong việc can thiệp giảm tỷ lệ nhiễm HIV đáng kể trong nhóm NCMT. Các hoạt động điều trị và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PreP) cũng được tăng cường trên địa bàn toàn tỉnh. Điều trị ARV cho người nhiễm HIV thông qua khám BHYT và cấp thẻ BHYT miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS đang tạo ra một bước ngoặt lớn cho người nhiễm HIV/AIDS. Tại huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân và TP Thanh Hóa đã bước đầu được cung cấp thuốc điều trị kháng virut (ARV) do BHYT chi trả từ tháng 1-2019. Việc cung cấp thuốc điều trị ARV thông qua BHYT và hệ thống y tế chung đã tạo điều kiện cho những người đang điều trị kháng HIV dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế khác ngoài HIV. Đây là một bước chuyển mang ý nghĩa to lớn hướng tới một chương trình điều trị HIV bền vững, với dịch vụ điều trị bảo đảm chất lượng và chi phí phải chăng, đóng góp cho nỗ lực chung hướng tới tiếp cận phổ cập về chăm sóc sức khỏe. Các hoạt động xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng HIV trước phơi nhiễm (PreP) và nỗ lực tuyên truyền giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV cũng được đẩy mạnh.

Chia sẻ về việc quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu 90-90-90, tiến tới đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu trên bởi là tỉnh có diện tích rộng, 11 huyện miền núi giao thông đi lại khó khăn, là rào cản không nhỏ khi người nhiễm HIV, NCMT muốn tiếp cận với dịch vụ chương trình. Bên cạnh đó, tình hình HIV/AIDS diễn biến ngày càng phức tạp, có chiều hướng lan rộng ra cộng đồng ở nhóm người ít có nguy cơ cao như người nội trợ, người làm nông nghiệp và cả những đứa trẻ sinh ra. Đặc biệt, vấn đề kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS đến nay tuy đã được cải thiện nhưng nhiều người vẫn còn nặng nề, cản trở việc quản lý cung cấp và tiếp cận dịch vụ; các nguồn viện trợ quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang dần bị cắt giảm, chính vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên và tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu 90-90-90, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mỗi người dân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Tô Hà


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]