(Baothanhhoa.vn) - Bám bản, bám dân để chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhất là hơn 100 trường hợp đang điều trị methadone, ARV luôn là trách nhiệm của người thầy thuốc ở Trạm Y tế xã Trung Sơn (Quan Hóa).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Công tác chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS ở Trạm Y tế xã Trung Sơn

Bám bản, bám dân để chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhất là hơn 100 trường hợp đang điều trị methadone, ARV luôn là trách nhiệm của người thầy thuốc ở Trạm Y tế xã Trung Sơn (Quan Hóa).

Tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí cho người có nguy cơ cao được triển khai đến tận thôn, bản ở xã Trung Sơn.

Xã Trung Sơn cách trung tâm huyện khoảng 60 km, dân cư sinh sống ở 7 thôn, bản. Trong đó để đến được bản xa nhất - bản Pượn, phải leo núi, đi bộ từ hai đến ba giờ. Thế nhưng các nhân viên y tế trên địa bàn thường xuyên xuống thôn, bản nắm bắt tình hình, cập nhật các trường hợp phát sinh, vận động làm các xét nghiệm liên quan, hướng dẫn, đôn đốc người bệnh tuân thủ điều trị, không bỏ liều; thực thi các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Theo thống kê, hiện xã Trung Sơn có khoảng trên 150 đối tượng nghiện ma túy (số công khai), trong đó có 37 trường hợp phát hiện nhiễm HIV đang được quản lý điều trị ARV. Từ năm 2016 điểm uống methadone tại trạm y tế xã đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, giúp người nghiện ma túy thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và tham gia điều trị, giảm đáng kể những hệ lụy khó lường do ma túy gây ra, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị địa phương.

Anh P.B.B, bản Chiềng có một thời gian dài “sống dở, chết dở” với ma túy. Nhớ lại những ngày tháng trước đó khi vẫn còn lệ thuộc vào ma túy, B. cho biết: Cách đây hơn 10 năm, nghe theo bạn bè thử sử dụng và nhiều năm liền chìm đắm trong ma túy. Đã nhiều lần gia đình khuyên ngăn, đưa đến các trung tâm cai nghiện, với mong muốn làm lại cuộc đời nhưng không thành. Tiền bạc, đồ dùng trong nhà lần lượt “đội nón” ra đi. Và đến ngày, B. bị sốt cao, được người thân đưa xuống bệnh viện đa khoa huyện khám mới phát hiện anh đã nhiễm HIV. Đúng lúc kiệt quệ nhất, cuộc đời đi vào ngõ cụt, B. được các cán bộ y tế đến tuyên truyền về lợi ích của việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone và ARV đã giúp cuộc đời B. được “hồi sinh”. Hiện, B. đã không còn phụ thuộc vào ma túy nữa, sức khỏe dần ổn định, tăng cân, lại làm được nhiều việc giúp đỡ cho gia đình, vợ con, kinh tế gia đình ổn định hơn.

Còn anh P.B.T. ở bản Co Me nghiện ma túy từ sau những lần ở lán chặt luồng với đám bạn cùng bản. Kiếm được bao nhiêu tiền T. lại đổ vào ma túy. Có thời điểm T. phải chi 2 triệu đồng mỗi ngày để “phiêu” với “nàng tiên nâu”. Cực chẳng đã, bao lần vợ con van xin, khóc lóc, T. cũng quyết tâm cai. T. tự xích chân vào cột nhà để cai nghiện nhiều lần nhưng không được. “Chỉ khi được tiếp cận methadone, mình mới thực sự bỏ được ma túy. May mắn cho mình là giờ đây chương trình điều trị methadone được đưa về gần nhà nên việc đi lại không còn vất vả như trước nữa”, T. chia sẻ.

Trao đổi với bác sĩ Bùi Văn Long, Trưởng Trạm Y tế xã Trung Sơn được biết: Qua việc thăm khám hàng ngày, nhận thấy hơn 100 đối tượng đang điều trị tại trạm tuân thủ tốt phác đồ điều trị. Đa số bệnh nhân hồi phục sức khỏe, ổn định tâm lý, có thể làm việc, lao động bình thường, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Chương trình methadone đã và đang giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình người nghiện, nên được nhân dân trong vùng đồng tình ủng hộ và tạo điều kiện để con em, người thân tham gia. Cùng với việc đưa methadone về xã, công tác tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí cho người có nguy cơ cao cũng được triển khai đến tận thôn, bản tại xã Trung Sơn đã nâng cơ hội tiếp cận cho nhóm người nhiễm HIV và nhóm đối tượng nguy cơ cao tiềm ẩn có hoàn cảnh khó khăn chưa đến được với dịch vụ. Test nhanh HIV chỉ trong vòng chưa đến 30 phút từ khi lấy máu là có thể cung cấp cho khách hàng kết quả xét nghiệm. Nếu kết quả phản ứng dương tính với HIV sẽ phải gửi mẫu xuống Trung tâm Y tế huyện Quan Hóa để xét nghiệm cho kết quả khẳng định. Trong trường hợp phản ứng âm tính, các cán bộ tư vấn sẽ cho người xét nghiệm biết kết quả ngay... Và để công tác phòng, chống HIV/AIDS thực sự có hiệu quả, ngành y tế đã tổ chức nhiều chương trình truyền thông tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến thay đổi hành vi của người dân địa phương. Thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu có sự tham gia của người nhiễm HIV để họ có thể chia sẻ tâm tư, tình cảm bản thân. Từ đó, xóa bỏ mặc cảm, tự ti và nhận được sự thấu hiểu, cảm thông từ cộng đồng.

Theo một số người dân ở đây cho biết, trước đây có đám ma của người chết vì AIDS, dân bản không ai dám đến, chỉ có cán bộ y tế và cán bộ xã cùng gia đình làm thủ tục khâm liệm, chôn cất. Sau khi mai táng, những người thân trong gia đình có người chết vì AIDS còn rắc vôi bột khắp nơi xung quanh nhà. Bây giờ thì khác rồi, bà con đã hiểu rõ hơn về căn bệnh này, mọi người đều đến chia sẻ, vì vậy những người bị nhiễm HIV có thể sinh hoạt bình thường cùng những người dân khác. Đây là bước tiến đáng kể của những người làm công tác y tế ở địa phương trong mở rộng các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và giảm tác động đến kinh tế do HIV/AIDS gây ra, góp phần đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm HIV/AIDS.


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]