(Baothanhhoa.vn) - Ngày nắng cũng như ngày mưa, hết ca làm việc họ lại trở về căn phòng trọ chật chội, cùng với đó là những nỗi niềm trăn trở kéo dài.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Công nhân xóm trọ và những nỗi niềm

Ngày nắng cũng như ngày mưa, hết ca làm việc họ lại trở về căn phòng trọ chật chội, cùng với đó là những nỗi niềm trăn trở kéo dài.

Công nhân xóm trọ và những nỗi niềm

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường sống chật chội tại một xóm trọ phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa).

Nóng nực, chật chội, mất điện... thời tiết mùa hè đúng là cơn ác mộng đối với người dân nói chung, nhất là những công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp nói riêng. Sự bí bách không chỉ ở thời tiết, mà còn ở những khó khăn về nơi ăn chốn ở hàng ngày. Hiện Thanh Hóa có hơn 190 nghìn công nhân đang làm việc trực tiếp trong các khu công nghiệp. Xuất phát điểm là những lao động nông nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình ở mức không cao, cộng với việc từ nơi xa đến, phải thuê nhà nên đời sống sinh hoạt của nhiều công nhân sinh sống tại các khu trọ trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.

Đến một xóm trọ trên địa bàn phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) giữa ngày nắng oi bức mới thấu hiểu hết sự vất vả của cuộc sống những người công nhân nơi đây. Nằm sâu bên trong con ngõ nhỏ, hai dãy nhà trọ với tất cả 12 phòng nằm đối diện nhau, ở giữa có một hành lang rộng khoảng 2m là nơi phơi quần áo và đi lại. Bờ tường trát vôi vữa đã có nhiều đám mốc bám sát chân tường và mảng vỡ loang lổ trông tức mắt. Mái lợp prôximăng không ngừng phả hơi nóng xuống từng căn phòng nhỏ khiến khoảng diện tích eo hẹp vốn đã ngột ngạt lại càng thêm bức bí.

Sau những phút e dè, ngần ngại, chị Nguyễn Thị Hường, một người có 4 năm đi ở trọ mở lòng hơn với chúng tôi: Hai vợ chồng chị quê ở huyện Thiệu Hóa, chồng đi làm ăn xa nên chị phải đưa cô con gái 6 tuổi xuống thành phố thuê nhà trọ. Căn phòng rộng 10m2 không quá chật hẹp đối với 2 mẹ con nhưng nóng nực nhiều lúc đến ngộp thở. Ban ngày, mẹ đi làm, con đi học nhưng cứ mỗi chiều về, chị Hường phải mở cửa đứng ngoài một lúc lâu mới có thể bước vào bởi hơi nóng hầm hập từ bên trong căn phòng tỏa ra. Nóng đã thế nhưng ở xóm trọ của chị Hường có một “đặc sản” là mất điện. Mất điện ban ngày còn đỡ vì ít ra chị còn có thể đưa con đi tránh nóng trong các siêu thị, khu mua sắm chứ vào ban đêm chỉ có nước ra ngoài ngồi chờ đến khi có điện.

“Mục sở thị” tại một số khu nhà trọ tại phường Quảng Thành, Quảng Đông (TP Thanh Hóa), chúng tôi mới thấy nhà ở cho công nhân cũng muôn hình vạn trạng. Nhìn chung, các khu nhà trọ được sửa chữa, xây mới chắc chắn nhưng thấp và nóng. Một số nơi lại nhếch nhác, chất lượng vệ sinh, an ninh trật tự không bảo đảm. Bình quân mỗi phòng trọ chỉ rộng từ 10 - 15m2, vừa đủ kê một chiếc giường, một chiếc tủ vải cá nhân và chỗ để xe cho công nhân. Không gian nhỏ hẹp, mọi sinh hoạt từ bếp núc, tắm rửa đến nghỉ ngơi cho các thành viên đều gói gọn trong khoảng chừng ấy m2. Giá thuê phòng từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng tùy theo diện tích, chất lượng mỗi phòng. Giá tiền điện nước cũng cao hơn hẳn do chủ nhà trọ quy định. Với mỗi số điện người thuê phòng phải trả 3,5 nghìn đồng và 25 nghìn đồng cho mỗi khối nước. Nhiều gia đình 4 - 5 người hoặc nhóm nữ công nhân chung nhau thuê 1 phòng cho tiết kiệm chi phí. Những mưu cầu trong sinh hoạt nhiều lúc tạo nên những cuộc tranh cãi, giận hờn khiến cuộc sống càng thêm bức bối hơn.

Là cư dân đã từng sống tại nhiều xóm trọ dành cho công nhân, chị Vũ Thị Hoa, 28 tuổi, quê ở thị xã Nghi Sơn tâm sự: “Tôi ra thành phố kiếm việc làm từ khi còn là thiếu nữ. Đến giờ, tôi rút ra cho mình, dù ở khu trọ nào thì vẫn không thể tránh khỏi những cái bí bách, khó chịu. Nơi thì ồn ào, lộn xộn bởi những cư dân trong xóm sống tự do, thiếu ý thức làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Chỗ thì điều kiện ăn ở, sinh hoạt xuống cấp, không đảm bảo. Rồi thì vấn đề về an ninh, chủ nhà khó tính... Nhưng một khi đã đi ở trọ thì phải cố gắng “lờ” đi những cái khó chịu ấy để sống chứ cứ chấp nhặt thì chỉ có về nhà làm nông cho yên phận”.

Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động tại các khu công nghiệp từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Với đồng lương như vậy, trong thời buổi giá cả leo thang thì những chi phí như tiền thuê nhà, tiền điện nước... luôn là gánh nặng đối với lao động xóm trọ. Với những gia đình có con nhỏ thì khó khăn càng nhân lên hơn nữa.

Áp lực về tài chính nên mỗi khi cần mua sắm, đa số công nhân phải cân nhắc kỹ. Ngay cả việc mua thực phẩm hằng ngày cũng vậy, nhiều người chọn thịt, cá, rau, củ không còn tươi vì giá sẽ rẻ hơn. Đang loay hoay chọn cánh gà tại một quầy bán gà làm sẵn, chị Hằng, công nhân Công ty Giày Hong Fu Việt Nam (Khu Công nghiệp Hoàng Long), chia sẻ: “Sau mỗi buổi chiều tan ca, tôi lại ghé vào chợ công nhân ngay gần công ty để mua đồ chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Giá cả các loại thực phẩm ở đây rẻ hơn so với các khu chợ dân sinh khác, cũng đồng nghĩa sẽ không bảo đảm về vệ sinh cũng như không đủ dinh dưỡng, nhiều loại thực phẩm trôi nổi không có nguồn gốc rõ ràng nhưng với thu nhập hạn chế nên công nhân chúng tôi không còn cách nào khác”.

Vật chất khó khăn là vậy, đời sống tinh thần của công nhân cũng còn nhiều thiếu thốn. Ít có điều kiện được tiếp cận thông tin, cũng không có nhiều cơ hội vui chơi giải trí hay tham gia các hoạt động thể thao, tham quan du lịch, dần dần những công nhân xóm trọ thu mình hơn hoặc chỉ giao lưu theo nhóm nhỏ. Môi trường làm việc phần lớn lao động là nữ giới cũng là một trong những nguyên nhân nhiều bạn trẻ gặp khó khăn khi tìm bạn đời khiến họ thấp thỏm lo lắng cho hạnh phúc của mình. Chị Trần Thị Hương bộc bạch: “Chúng em làm gì dám nghĩ nhiều đến chuyện vui chơi, giải trí, du lịch. Được nghỉ dài ngày, hoặc em sẽ gói ghém về thăm gia đình hoặc tranh thủ ngủ cho lại sức chứ đi chơi thì tốn kém lắm”.

Được biết thời gian qua, công đoàn các cấp đã có nhiều hoạt động chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Tuy nhiên, cuộc sống của những người công nhân nơi xóm trọ vẫn còn nhiều khó khăn chưa thể khắc phục triệt để. Hơn nữa, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bị nhiễm bệnh hoặc phải tạm nghỉ việc luân phiên, không tăng ca sẽ ảnh hưởng tới thu nhập, là một trong những lo lắng thường trực khiến nhiều công nhân thêm “đau đầu”. Và rồi những nỗi niềm trăn trở vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]