(Baothanhhoa.vn) - Ở xã Hoàng Giang (Nông Cống), nhiều người biết đến Đậu Thị Xuân bởi đó là một tấm gương vượt khó, thoát nghèo. Giờ nhắc đến cái tên Đậu Thị Xuân, người dân xã này còn tự hào vì những nghĩa cử cao đẹp mà doanh nghiệp của chị mang đến cho họ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về những phụ nữ khởi nghiệp

Ở xã Hoàng Giang (Nông Cống), nhiều người biết đến Đậu Thị Xuân bởi đó là một tấm gương vượt khó, thoát nghèo. Giờ nhắc đến cái tên Đậu Thị Xuân, người dân xã này còn tự hào vì những nghĩa cử cao đẹp mà doanh nghiệp của chị mang đến cho họ.

Đậu Thị Xuân sinh năm 1972 trong một gia đình nghèo ở xã Vạn Thắng (Nông Cống). Năm 1991, lúc vừa tròn 19 tuổi chị Xuân lập gia đình với anh Lê Văn Hiếu, người khác xã nhưng cùng huyện. Họ về ở với nhau trong một mái nhà cấp 4, trời mưa vẫn thường bị dột, nhà thì chỉ đủ kê một chiếc giường. Và cũng thật khó hình dung về những tháng ngày ở phía trước khi nhìn vào gia cảnh quá khó của cặp vợ chồng nghèo này.

Đúng thời điểm khó khăn đấy, chị Xuân bàn với chồng làm lò vôi bởi đây là một nghề có từ lâu ở xã Hoàng Giang. Không thể “tay không bắt giặc”, họ đành đi mượn tiền của họ hàng, anh em. Rồi những mẻ vôi nhỏ ra lò. Dẫu làm vôi lúc đó không cho thu nhập cao nhưng cũng giúp hai vợ chồng trang trải sinh hoạt hàng ngày. Đến năm 1994, chị Xuân bỏ nghề nung vôi chuyển sang làm mộc. Nghề mộc kéo dài được gần 10 năm thì năm 2002, chị Xuân tham gia thầu mỏ đá ở xã và đến năm 2013, vợ chồng chị chính thức là chủ mỏ đá này. Trong thời gian làm mỏ đá, vợ chồng chị Xuân đã thành lập Công ty TNHH Xuân Hiếu và chị với vai trò là phó giám đốc. Có vốn, năm 2016, chị Xuân bàn tiếp với chồng làm trang trại. Hiện trang trại 5 ha của 2 vợ chồng chị đang nuôi 100 lợn thịt, 150 lợn nái và 5.000 con gà. Đến nay công ty của gia đình chị Xuân tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động, nếu tính cả lao động thời vụ thì có lúc lên tới 100 người, thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Có những lao động thu nhập lên tới 15 triệu đồng/tháng. Bình quân 1 tháng, trừ tất cả các khoản chi phí, công ty của gia đình chị Xuân thu về hơn 100 triệu đồng. Chị Xuân chia sẻ: Dự định tới đây tôi sẽ xây thêm chuồng để nuôi thêm 150 lợn nái và dành 2 ha đất để trồng rau sạch... Trong kinh doanh, lợi nhuận cũng là một vấn đề nhưng tôi không tham nhiều mà điều tôi hướng tới là tạo việc làm cho người lao động bởi bản thân vợ chồng tôi cũng đều xuất phát từ nghèo khó... Ông Lê Hữu Hồng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Giang, cho biết: Nếu không có công ty của chị Xuân, có lẽ nhiều công trình ở thôn sẽ hoàn thiện chậm hơn bởi có những công trình công ty chị Xuân hỗ trợ lên đến 50% kinh phí. Đối với xã cũng vậy, hễ có phong trào gì, công ty chị Xuân cũng tích cực tham gia, ủng hộ.

Ở số nhà 57, ngõ Đàn Xã Tắc, phố Trần Phú, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa), cách đây gần 20 năm, vào năm 2001, anh Lê Trọng Hùng và chị Đỗ Thị Xiêm đã nên duyên chồng vợ. Hai vợ chồng nghèo khi đó cũng chỉ có mái nhà cấp 4 lợp tôn, chị Xiêm chưa có việc mà anh Hùng cũng chưa có nghề. Cuộc sống túng quẫn cứ đeo bám hai vợ chồng trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Một ngày, chị Xiêm bàn với chồng quay lại làm nghề kẹo lạc gia truyền của gia đình chồng. Lời đề nghị này được anh Hùng đồng ý và nhờ vào sự giúp đỡ vốn của anh em, họ hàng nên từ đó, cứ đều đặn hàng ngày, chồng thì nấu, vợ gói tay, mỗi ngày làm được 30-40 kg kẹo lạc. Trên chiếc xe đạp cà tàng, chị Xiêm đi rải hàng cho các đại lý, các quán nước trong tỉnh. Đây cũng là thời gian nhiều người bắt đầu biết đến kẹo lạc Gia Huy của gia đình chị. Năm 2004, vợ chồng chị bỏ thủ công để làm công nghệ, đầu tư mua máy bao gói với giá 150 triệu đồng. Sau đó anh chị đầu tư tiếp 2 máy bao gói nữa và đến năm 2017, chiếc máy cán cắt kẹo lạc tự động với trị giá 500 triệu đồng đã có mặt tại gia đình chị Xiêm, đây cũng là chiếc máy đầu tiên ở khu vực Bắc miền Trung. Hiện sản phẩm kẹo lạc và chè lam đã vượt ra thị trường ngoài tỉnh sang cả Lào, Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 3 tấn kẹo lạc, cho thu nhập 100 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động với thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Chị Xiêm cho biết: Đã qua những tháng ngày khó khăn mà có lúc tưởng như không vượt qua được. Cũng may là luôn có chồng bên cạnh để đồng hành, chia sẻ. Đó là một hạnh phúc lớn đối với tôi.

Họ - những người phụ nữ khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ vào nghị lực phi thường, vào sự sáng suốt, bản lĩnh đã dẫn dắt họ tới thành công. Họ đang tiếp tục thắp sáng niềm tin để tự khẳng định bản thân trên con đường đã chọn.


Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]