(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi về xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy) khi nước đã rút. Vậy nhưng, nỗi kinh hoàng vẫn còn hiển hiện trong ánh mắt của mỗi người dân nơi đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chung tay ổn định đời sống người dân vùng lũ

Chúng tôi về xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy) khi nước đã rút. Vậy nhưng, nỗi kinh hoàng vẫn còn hiển hiện trong ánh mắt của mỗi người dân nơi đây.

Các lực lượng hỗ trợ người dân xã Cẩm Phong khắc phục hậu quả sau lũ.

Cả xã Cẩm Phong vẫn còn ngổn ngang đất đá, bộn bề công việc. Công sở xã vắng hoe. Tất cả cán bộ xã cùng các lực lượng đều được huy động cho công tác khắc phục hậu quả sau lũ. Trong câu chuyện vội vã, đồng chí Trần Anh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trong cơn lũ này có 5/6 thôn trong xã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng nước lũ ngâm quá lâu khiến nhiều tài sản trong nhân dân và hệ thống cơ sở vật chất của địa phương bị hủy hoại. Theo thống kê, toàn xã có 1.360 hộ với 5.578 nhân khẩu, 130 ha lúa và hoa màu bị ngập; 800 con lợn, 10.000 con gia cầm bị chết... Hiện, đường 217 cũ đi qua địa bàn xã Cẩm Phong vẫn còn ngập trong bùn đất.

Để khắc phục hậu quả của mưa lũ, từ sáng ngày 2-9, xã Cẩm Phong đã huy động gần 4.000 lượt người bao gồm các cán bộ, dân quân, công an, thanh niên cùng lực lượng của các xã lân cận, phương tiện máy móc dọn dẹp, vệ sinh các tuyến đường và nhà cửa cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Chiều 4-9, 60 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng được điều động tăng cường giúp xã Cẩm Phong khắc phục hậu quả. Đang khẩn trương thu dọn, gột rửa bùn ra khỏi nhà, bác Nguyễn Hoài Phi, thôn Phong Ý, cho biết: Nước lên rất nhanh, trong vòng 1 giờ đồng hồ mà nước đã lên hơn 2 m khiến cho gia đình tôi trở tay không kịp. Toàn bộ đồ đạc, tài sản đều ngập trong nước. Nước rút, nhà chỉ có hai vợ chồng già, may mà có bà con xóm giềng giúp đỡ, thu dọn đồ đạc, hỗ trợ lương thực không thì gia đình tôi không biết xoay xở ra sao. Gia đình anh Nguyễn Văn Sâm, thôn Nghĩa Dũng cũng chưa khỏi bàng hoàng khi cơn lũ đã đi qua. Gia đình làm nghề thu gom phế liệu. Nước lũ lên quá nhanh khiến toàn bộ tài sản và hàng hóa thu gom ngập trong nước và bùn đất. Nhiều đồ đạc bị cuốn trôi. Ước tính, gia đình anh bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nếu chỉ có sức của gia đình thì có lẽ không biết khi nào mới xử lý xong.

Theo thông tin từ huyện Cẩm Thủy, đến chiều ngày 4-9, trên địa bàn huyện có 5 người chết. Thiệt hại về cơ sở vật chất rất nặng nề. Hiện còn 3 xã Cẩm Sơn, Cẩm Lương, Cẩm Phong cần tiếp tục được dồn sức để khắc phục hậu quả. Toàn huyện đã huy động các lực lượng nạo vét bùn, khắc phục được 51,7 km đường giao thông để nhân dân đi lại. Trong chỉ đạo, điều hành, công tác khắc phục được ưu tiên thực hiện tại các điểm trường để kịp cho khai giảng năm học mới. Trong những ngày qua, cùng với sự nỗ lực của địa phương, huyện Cẩm Thủy đã nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ thiết thực của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhiều đoàn công tác, cứu trợ đã trực tiếp xuống địa phương giúp đỡ đồng bào vùng lũ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đến nay, huyện Cẩm Thủy đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.079 lít nước uống, 2.219 thùng mì tôm, 14 tấn gạo, 2,2 tấn lương khô, 32 triệu đồng tiền mặt cho các hộ dân. Ngoài ra, các cụm dân cư không bị ảnh hưởng, các công ty... đã tổ chức nấu và cấp hàng nghìn suất cơm cho các hộ dân vùng lũ. Từ ngày 2-9, 12 cán bộ, y, bác sĩ Đội y học dự phòng - Quân khu 4 đã có mặt tại huyện Cẩm Thủy để cấp phát hóa chất, xử lý nguồn nước và phun tiêu độc, khử trùng môi trường, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đội đã cấp 150kg cloraminB và 150kg phèn chua, phun, xử lý môi trường tại các xã Cẩm Thành, Cẩm Sơn, Cẩm Phong, Cẩm Lương, Cẩm Vân, Cẩm Bình.

Huyện Vĩnh Lộc cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của trận lũ vừa qua. Lũ đã rút, nhưng còn đó những nỗi lo. Người dân mất phương tiện sản xuất, học sinh thiếu sách vở đến trường, bàn ghế các nhà trường bị hư hỏng nặng nề... Sau lũ, rất nhiều gia đình chỉ còn lại một đống bùn lầy. Đồng chí Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã có 4/6 thôn với 761 hộ bị ngập lụt, 80 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn. Cả 3 trường học trên địa bàn xã đều bị ngập sâu đến 3m nên tất cả bàn ghế, thiết bị, đồ dùng học tập đều hư hỏng. Để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, xã Vĩnh Yên đã huy động các lực lượng thực hiện nạo vét bùn đất, thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, sớm ổn định đời sống trong dân cư. Tại Trường Tiểu học Vĩnh Yên, trời đã nhá nhem tối, nhưng cô giáo Nguyễn Thanh Dung - hiệu trưởng, cùng các giáo viên trong trường vẫn đang tất tả công việc cho ngày khai giảng. Cô Dung cho biết: 2 trận lũ liên tiếp dồn xuống trong một thời gian ngắn khiến cơ sở vật chất của nhà trường bị thiệt hại rất nghiêm trọng. Được sự trợ giúp của các lực lượng trong xã, phụ huynh học sinh, công tác dọn vệ sinh cơ bản đã thực hiện xong. Tuy nhiên, nỗi lo hiện tại đang hiện hữu khi nhà trường sẽ bị thiếu trầm trọng cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Nhà trường sẽ phải ghép lớp, tận dụng các bàn ghế cũ để phục vụ công tác giảng dạy trong những ngày tới.

Công tác huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ hiện vẫn đang được các địa phương khẩn trương thực hiện. Nhưng do mức độ tàn phá quá lớn, thiệt hại nghiêm trọng nên hơn lúc nào hết, các địa phương đang cần sự chung tay, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần của toàn xã hội.


Bài và ảnh: Phương Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]