(Baothanhhoa.vn) - Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo áp lực lên công tác giải quyết việc làm, duy trì thu nhập và bảo vệ sức khỏe người lao động. Cũng vì lẽ đó, giải bài toán an sinh xã hội được xem là “chìa khóa” góp phần ổn định đời sống Nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh.

Chung tay bảo đảm an sinh xã hội cho người dân

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo áp lực lên công tác giải quyết việc làm, duy trì thu nhập và bảo vệ sức khỏe người lao động. Cũng vì lẽ đó, giải bài toán an sinh xã hội được xem là “chìa khóa” góp phần ổn định đời sống Nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh.

Chung tay bảo đảm an sinh xã hội cho người dân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng thăm, tặng quà gia đình chính sách ở huyện Yên Định nhân Ngày Thương binh – liệt sĩ 27-7-2021.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Cùng với tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế; các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, nỗ lực vượt khó thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với các đối tượng yếu thế, người có công, với mục tiêu để không ai bị bỏ lại phía sau.

Là hộ có con dâu vừa qua đời sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19, ông Nguyễn Sỹ Trọng ở thôn Thành Liên, xã Trường Sơn (Nông Cống) ngậm ngùi chia sẻ về hoàn cảnh éo le của 2 đứa cháu nội: “Mẹ mất khi đứa lớn mới 8 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi. Bố thì chơi bời, nợ nần, để lại món nợ lớn cho gia đình. Hai ông bà đều ngoài 60 tuổi, vừa phải chắt bóp lo trả nợ cho con trai, vừa phải chăm sóc 3 đứa trẻ (thêm 1 đứa cháu, con của người con trai út đã ly dị vợ và hiện đang làm ăn trong Nam) nên khó càng thêm khó. Ngay khi biết tin con dâu tôi mất, nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đã quan tâm thăm hỏi, động viên, hỗ trợ bằng cả vật chất và tinh thần để gia đình lo hậu sự cho cháu. Riêng Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống đã hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng; công ty nơi con dâu làm việc hỗ trợ 200 triệu đồng; Hội LHPN huyện, xã nhận đỡ đầu 2 cháu nhỏ... Những tình cảm đó gia đình tôi vô cùng biết ơn và trân quý”.

Sự tàn khốc của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến một làn sóng di dân, dịch chuyển lao động chưa từng có trên phạm vi cả nước. Tại Thanh Hóa, trong số trên 330.000 lao động làm việc ngoại tỉnh có khoảng 205.000 người tự phát trở về quê. Trong dòng người nườm nượp vượt hàng nghìn cây số, có không ít hoàn cảnh khốn khó đã được chính quyền, người dân địa phương tiếp tế đồ ăn, nước uống, tiền bạc... dẫu chưa từng quen biết nhau. Ông Trịnh Duy Nam (huyện Yên Định) sẽ không bao giờ quên chuyến hồi hương từ Đồng Nai về Thanh Hóa. Do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền, ông buộc phải đi bộ vượt hơn 1.000 cây số để trở về quê. Sau khi đi bộ đến tỉnh Quảng Ngãi, ông được người dân giúp đỡ, tặng cho một chiếc xe đạp để tiếp tục cuộc hành trình. Khi về đến Quảng Bình, biết được hoàn cảnh của ông, các tình nguyện viên “chuyến xe không đồng” đã quyết định chở ông cùng chiếc xe đạp từ Quảng Bình về Thanh Hóa.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 1.500 doanh nghiệp, 60.000 hộ kinh doanh phải tạm dừng hoặc dừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của hàng trăm nghìn người lao động. Theo ông Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc đóng cửa. Thực trạng đó kéo theo một bộ phận người lao động sẽ tiếp tục đối diện với nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập giảm, đặc biệt ở các ngành thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch... Trước tác động của đại dịch, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kịp thời xét hỗ trợ cho 11.712 đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với tổng số tiền trên 4,4 tỷ đồng. Đồng thời vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ công tác phòng, chống dịch thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh, với trị giá trên 45 tỷ đồng cùng hàng trăm tấn hàng hóa và các nhu yếu phẩm.

Chính sách nhân văn “thấm” vào đời sống

Trong bối cảnh cả nước đang dồn lực cho công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với khoản trợ cấp lên đến 26.000 tỷ đồng. Nghị quyết 68 đã bám sát tình hình thực tiễn và đối tượng thụ hưởng để đưa ra gói hỗ trợ phù hợp, thiết thực, hiệu quả; qua đó, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác an sinh xã hội.

Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, trao đổi với bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, được biết: Thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngành lao động - thương binh và xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng thời thành lập ban công tác triển khai chính sách, tổ giúp việc, thiết lập tài khoản đầu mối tổng hợp cập nhật việc triển khai thực hiện chính sách; tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại 20/27 huyện, thị xã, thành phố. Thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương, nhằm đưa chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất.

Tính đến ngày 15-12-2021, trên địa bàn tỉnh đã có 6.469 đơn vị, doanh nghiệp với 291.576 lao động được hỗ trợ giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với tổng số tiền trên 38,358 tỷ đồng. Có 3 đơn vị với 143 lao động được hỗ trợ tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, tổng số tiền tạm dừng đóng là trên 589 triệu đồng. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 1.134 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, với kinh phí phê duyệt hỗ trợ trên 3,355 tỷ đồng. Phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 1.240 trường hợp F0, F1, trong đó có 142 trẻ em, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng... Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 922 hộ kinh doanh, với tổng kinh phí 2,766 tỷ đồng. Có 6 doanh nghiệp được hỗ trợ vay trên 3,3 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động và 2 doanh nghiệp được hỗ trợ vay trên 1,358 tỷ đồng để trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động. Đối với chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, đã có 979 lao động được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí trên 907 triệu đồng.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp khiến người lao động bị mất việc làm ồ ạt trở về quê, ngành lao động - thương binh và xã hội tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Phương án số 198/PA-UBND ngày 2-9-2021 về đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. Thanh Hóa cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành phương án và triển khai thực hiện hỗ trợ cho đối tượng lao động này. Trong khoảng 205.000 người trở về từ vùng dịch, có 161.000 người trong độ tuổi lao động, có 42.566 lao động có nhu cầu giải quyết việc làm, đào tạo nghề (1.101 người có nhu cầu đào tạo nghề, 2.119 người có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, tổng số vốn đề nghị vay là trên 169 tỷ đồng). Căn cứ Phương án số 198, sở đã triển khai các hoạt động hỗ trợ tương đối hiệu quả. Đến nay, đã có 34.230 lao động được tạo việc làm trên địa bàn tỉnh; 1.080 lao động được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp theo hình thức đào tạo kèm cặp, truyền nghề tại doanh nghiệp; trên 24.500 lao động trở lại làm việc ở tỉnh ngoài và hỗ trợ 346 dự án vay vốn giải quyết việc làm, với số tiền đã giải ngân là 24,151 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm cho 610 lao động.

Có thể khẳng định, cùng với việc khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng và trong mỗi người; việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đã thổi một luồng sinh khí mới, làm dịu bớt cuộc chiến cam go với dịch bệnh. Từ đó, góp phần ổn định đời sống và tạo điểm tựa giúp người lao động trở lại thị trường lao động trong bối cảnh bình thường mới.

Bài và ảnh: Mai Phương


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]