(Baothanhhoa.vn) - Duy trì và phát triển các làng nghề là giải pháp phù hợp góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để hoạt động của các làng nghề phát triển bền vững đòi hỏi phải gắn với công tác bảo vệ môi trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở huyện Hoằng Hóa

Duy trì và phát triển các làng nghề là giải pháp phù hợp góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để hoạt động của các làng nghề phát triển bền vững đòi hỏi phải gắn với công tác bảo vệ môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải mới được đầu tư xây dựng tại Nhà máy Sản xuất mây tre đan Quốc Đại, xã Hoằng Thịnh.

Môi trường còn nhiều bức xúc

Làng nghề mộc Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt có gần 200 hộ làm nghề, tạo việc làm cho khoảng 450 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ. Bên cạnh việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nghề mộc đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí, tiếng ồn... Khu vực làng nghề mộc nằm ngay khu vực trung tâm xã với hàng chục cơ sở sản xuất tập trung hai bên đường. Do mặt bằng của các cơ sở sản xuất chật chội, thiết bị xử lý bụi gỗ thô sơ, thậm chí không ít hộ còn mang hàng ra hai bên đường để đánh bóng, bào... gây nên tình trạng ô nhiễm không khí. Những người lao động dù khẩu trang kín mặt vẫn không thể tránh được mạt bụi mùn cưa. Bên cạnh đó, ở xã Hoằng Đạt, nhiều hộ gia đình làm nghề mộc vẫn nằm xen lẫn trong khu dân cư; bụi bẩn từ mùn cưa, mùi sơn cứ thế hòa lẫn vào nhau, “len lỏi” đến các hộ xung quanh, gây bức xúc trong đời sống, sinh hoạt của người dân.

Nhà máy sản xuất mây tre đan Quốc Đại thuộc Công ty TNHH Quốc Đại đi vào hoạt động từ năm 2009 tại Cụm làng nghề xã Hoằng Thịnh. Hiện nay, nhà máy giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương. Khoảng đầu năm 2018, do quy trình xử lý nước thải chưa đảm bảo, nguồn nước xả ra hệ thống mương Thái Thịnh gây ô nhiễm môi trường, khiến một số người dân bức xúc, có đơn, thư khiếu nại. Ngày 23-3-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với UBND huyện Hoằng Hóa, UBND xã Hoằng Thịnh kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy. Qua kiểm tra ở thời điểm đó, kết luận: Nhà máy còn một số tồn tại về công tác bảo vệ môi trường, như: Hệ thống xử lý nước thải sản xuất chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, còn có tình trạng thải nước thải sản xuất có màu đen, mùi hôi ra môi trường; khí thải lò sấy chưa có hệ thống xử lý, chỉ được thu qua ống khói cao khoảng 10m ra môi trường. Căn cứ vi phạm nêu trên, Thanh tra Sở TN&MT đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Quốc Đại với mức tiền phạt là 15 triệu đồng.

Phát triển bền vững môi trường làng nghề

Huyện Hoằng Hóa có khoảng 20 nghề truyền thống, trong đó, chỉ còn những nghề như: Nghề mộc, mây tre đan, nấu rượu, chế biến hải sản và nước mắm..., tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt và được lưu giữ, phát triển tốt đến ngày nay. Theo quy định tại Thông tư 116/2006/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 66/2006/NĐ-CP về tiêu chí làng nghề truyền thống, qua khảo sát trên địa bàn có 18 làng đạt tiêu chí làng nghề truyền thống, trong đó có 12 làng nghề mây tre đan tại xã Hoằng Thịnh, Hoằng Thái (có 4 làng của Hoằng Thịnh đã được công nhận làng nghề truyền thống); 5 làng nghề mộc tại xã Hoằng Hà, Hoằng Đạt; 1 làng nghề chế biến hải sản tại xã Hoằng Phụ. Những làng nghề truyền thống này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi địa phương, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Để phát triển làng nghề một cách bền vững gắn với bảo vệ môi trường, huyện Hoằng Hóa đã tăng cường các giải pháp, nâng cao trách nhiệm thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền, cơ sở sản xuất và mỗi cá nhân, trong đó kịp thời giải quyết các vấn đề môi trường gây bức xúc với người dân. Đơn cử như đối với xã Hoằng Đạt, nhằm hạn chế ô nhiễm bụi trong khu dân cư ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, xã đã quy hoạch 3,2 ha diện tích đất tại cánh đồng Bờ Rè, thôn Hạ Vũ 1 cho khu làng nghề tập trung, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất thuê đất, chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền các hộ dân làm nghề nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, triển khai các giải pháp giảm thiểu bụi, hạn chế tiếng ồn theo giờ quy định tại các cơ sở sản xuất gần khu dân cư.

Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường tại Nhà máy sản xuất mây tre đan Quốc Đại, ông Lường Ngọc Đào, phó giám đốc công ty cho biết: Giai đoạn 2016-2018, do nhà máy mở rộng quy mô sản xuất nên hệ thống xử lý nước thải không đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến ảnh hưởng môi trường. Vì vậy, Công ty TNHH MTV Quốc Đại đã đầu tư 743 triệu đồng để nâng cấp và cải tạo hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy, đáp ứng được công suất khoảng (60m3/ngày), trong khi đó lượng nước xả thải ra hằng ngày khoảng 30-40m3. Nước thải được xử lý sơ bộ, rồi chảy vào bể xử lý sinh học theo công nghệ AO, sau đó dẫn vào bể lắng thứ cấp. Nước sau lắng được chuyển sang bể xử lý dạng màng MBR theo công nghệ mới, bảo đảm nước thải đạt nguồn loại A sau xử lý, có thể tái sử dụng. Đối với hệ thống khói, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống lọc bụi bằng tháp nước nhằm hạn chế tối đa khói bụi bay ra môi trường, khói lò đốt được đi qua hệ thống tháp nước, bụi và nước được dập và thu hồi về hệ thống xử lý nước thải, khói sạch bay ra môi trường. Hệ thống này đã được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2018.

Để phát triển các nghề truyền thống một cách bền vững, huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường tại các làng nghề theo đúng quy định. Trong đó, các cơ sở hoạt động trong làng nghề phải thực hiện đầy đủ các biện pháp thu gom, xử lý nước thải; khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng. Hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề, không để xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng. Các phòng, ngành chức năng và các địa phương có làng nghề phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý đối với những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và buộc phải đầu tư khắc phục ô nhiễm.


Bài và ảnh: Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]