(Baothanhhoa.vn) - Hàng tháng, người lao động (NLĐ) vẫn trích một phần lương để đóng các khoản tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đều đặn, thế nhưng hiện nay, quyền lợi của nhiều NLĐ lại không được bảo đảm. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nghịch lý: Doanh nghiệp (DN) nợ đọng, trốn đóng BHXH - NLĐ chịu thiệt thòi đang diễn ra ở nhiều đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Báo động tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH

Hàng tháng, người lao động (NLĐ) vẫn trích một phần lương để đóng các khoản tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đều đặn, thế nhưng hiện nay, quyền lợi của nhiều NLĐ lại không được bảo đảm. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nghịch lý: Doanh nghiệp (DN) nợ đọng, trốn đóng BHXH - NLĐ chịu thiệt thòi đang diễn ra ở nhiều đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh.

Công ty CP Xây dựng Hancorp 2, một trong những đơn vị nợ BHXH lớn trên địa bàn tỉnh.

Người lao động bị “treo” quyền lợi

Trao đổi với chúng tôi về quyền lợi được hưởng khi làm việc tại một công ty kinh doanh chuyên về lĩnh vực quảng cáo (TP Thanh Hóa), anh Trần Thanh L. bức xúc nói: Tôi làm việc ở đây đã 5 năm, thời gian đầu sau khi ký hợp đồng, tôi được công ty phát thẻ BHYT. Nhưng từ năm thứ 2 trở đi thì có thời điểm được phát thẻ, có thời điểm lại không. Đầu năm nay, vì mắc bệnh viêm phổi và bệnh xương khớp, tôi phải nghỉ làm để khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh 15 ngày nhưng vì không có thẻ bảo hiểm nên mọi chi phí nằm viện tôi phải tự túc thanh toán. Đem thắc mắc đến hỏi giám đốc công ty thì hết lần này đến lần khác tôi chỉ nhận được những câu trả lời quanh co, không rõ ràng.

Anh L. chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp NLĐ đang phải chịu hệ lụy từ việc chậm, trốn đóng bảo hiểm của nhiều đơn vị trên toàn tỉnh. Hiện rõ trên khuôn mặt chị Lê Thị Thùy, nữ công nhân làm việc tại Công ty CP Xây dựng Hancorp 2, là sự buồn rầu, lo lắng: Chị sinh con đã được 16 tháng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết chế độ thai sản. Công việc trước đây của chị làm ở tổ sản xuất gạch vất vả, nặng nhọc nhưng nếu đi đầy đủ công thì thu nhập cũng chỉ được 3 triệu đồng/tháng. Những tháng nghỉ sinh, quyền lợi bảo hiểm không được hưởng khiến cuộc sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn.

Việc các DN nợ đọng, trốn đóng BHXH không chỉ gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện kế hoạch thu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. Đã có hàng nghìn lao động bị mất quyền hoặc chậm được hưởng các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động..., gặp khó khăn trong việc chốt sổ khi hưởng chế độ hưu trí; tham gia bảo hiểm với đơn vị mới hay hưởng chế độ BHTN khi thôi việc... do người sử dụng lao động không đóng BHXH cho họ.

Cần những giải pháp khả thi

Hiện nay, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH đang là vấn đề đáng báo động ở tỉnh ta, bởi số đơn vị và số tiền nợ BHXH ngày càng có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến ngày 31-5-2018, toàn tỉnh có 9.114 đơn vị đang tham gia đóng BHXH, trong đó có 4.706 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN (chiếm 51,63%) thì đến ngày 30 - 9 - 2018, con số này đã lên tới 5.534 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN (chiếm 60,72%), với tổng số tiền nợ lên đến 351,6 tỷ đồng. Những DN nợ với số tiền lớn là: Công ty CP Xây dựng Hancorp 2 nợ 25,13 tỷ đồng; Công ty TNHH TS Vina nợ 12,42 tỷ đồng; Công ty CP Licogi 15 nợ 8,90 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng số 5 nợ 10,4 tỷ đồng; Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Long nợ 6,04 tỷ đồng...

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là bởi ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động chưa nghiêm. Nhiều đơn vị đã trích tiền lương tháng của NLĐ đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng không nộp vào quỹ bảo hiểm mà sử dụng vào mục đích khác. Chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, nhiều DN sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, một số đơn vị ngừng hoạt động và không có khả năng thanh toán nợ BHXH, BHYT, BHTN... Mặt khác, hầu hết chủ DN chưa thực sự coi NLĐ là “tài sản” của DN mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận kinh doanh. Bên cạnh đó, một phần là do NLĐ thiếu hiểu biết về pháp luật, như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn nên chưa hiểu hết những quyền lợi được hưởng khi tham gia đóng BHXH.

Để khắc phục tình trạng các doanh nghiệp chây ỳ, thời gian qua, BHXH tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiều biện pháp thu nợ, như: Gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến chủ sử dụng lao động để đôn đốc việc đóng, nộp BHXH, BHYT, BHTN. Cử cán bộ chuyên quản đến đơn vị để đôn đốc hoặc mời đơn vị lên làm việc, yêu cầu đơn vị cam kết lộ trình trả nợ BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; chú trọng đối thoại trực tiếp giữa cơ quan thực hiện chính sách với người lao động, nhằm làm cho người lao động nhận thức đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia. Bên cạnh đó, cung cấp hồ sơ và đề nghị tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án đối với các DN chây ỳ BHXH, BHYT, BHTN. Chuyển hồ sơ của các DN này đến cơ quan công an để đề nghị xem xét điều tra, xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Định kỳ báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN đến thường trực cấp ủy, HĐND, UBND các cấp và các đơn vị hữu quan trên địa bàn để tranh thủ sự chỉ đạo, phối hợp; đề nghị không biểu dương khen thưởng các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Có thể thấy, những giải pháp mà BHXH tỉnh đưa ra là cần thiết nhưng trên thực tế, tính hiệu quả chưa cao vì những lý do: Ngành bảo hiểm là cơ quan có trách nhiệm thu tiền BHXH và phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, chứ không có quyền xử phạt DN. Việc khởi kiện lại là trách nhiệm của tổ chức công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, công đoàn cơ sở là một bộ phận của DN, cán bộ công đoàn chính là nhân viên kiêm nhiệm của DN, là người được DN trả lương nên việc khiếu kiện lại chính “ông chủ” của mình là trường hợp bất khả thi. Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh, đề nghị: Chỉ khi nào Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn sửa đổi, cho phép công đoàn cấp trên trực tiếp đại diện cho NLĐ đứng ra khởi kiện những DN nợ đọng, trốn đóng BHXH thì lúc đó những vướng mắc về vấn đề khởi kiện mới được tháo gỡ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa ra những văn bản hướng dẫn cụ thể để tiến hành xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm nợ đọng, trốn đóng BHXH thì mới ngăn chặn hiện tượng “nhờn luật”, khắc phục triệt để tình trạng các DN vi phạm tái đi tái lại trong thời gian dài, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]