(Baothanhhoa.vn) - “Di sản” mà chất độc da cam để lại không nằm ở phương diện khoa học hay kinh tế. Nó nằm ở lòng tử tế của con người! Có người đã thốt lên như vậy khi chứng kiến những mảnh đời bi kịch, những nỗ lực bước qua tuyệt vọng và cả sự tử tế như dòng nước mát lành, đang hồi sinh những khô cằn đời người.

Nỗi đau da cam - Chuyện chưa hồi kết: Bài cuối - Tiếng nói của lương tri hay câu chuyện truyền cảm hứng

Nỗi đau da cam - Chuyện chưa hồi kết: Bài cuối - Tiếng nói của lương tri hay câu chuyện truyền cảm hứng

Với sự nỗ lực vượt khó và chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình nạn nhân chất độc da cam Bùi Thiết Thực (xã Thành Long, huyện Thạch Thành) ngày càng ổn định. Ảnh: P.V

“Di sản” mà chất độc da cam để lại không nằm ở phương diện khoa học hay kinh tế. Nó nằm ở lòng tử tế của con người! Có người đã thốt lên như vậy khi chứng kiến những mảnh đời bi kịch, những nỗ lực bước qua tuyệt vọng và cả sự tử tế như dòng nước mát lành, đang hồi sinh những khô cằn đời người.

Không được phép lãng quên

Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, khi người dân Việt Nam đang hối hả chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, thì ở tận nước Pháp xa xôi, cuộc chiến đòi công lý của người phụ nữ Pháp gốc Việt - bà Trần Tố Nga, chính thức được mở tại tòa đại hình thành phố Evry (phía Nam thủ đô Pari). Đây được xem là “phiên tòa lịch sử” khi nó đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc chiến pháp lý kéo dài suốt 6 năm qua: “Cuộc chiến không tưởng” giữa nguyên đơn là người phụ nữ nhỏ bé mang căn bệnh ung thư - di chứng chất độc da cam, với bên kia là “những gã khổng lồ hóa chất” đầy quyền lực, vô cảm và xảo trá. Song, mục đích của cuộc chiến pháp lý ấy đã vượt ra ngoài quyền lợi của một cá nhân. Bởi như chia sẻ của bà Tố Nga với báo chí, thì đó là “một sứ mệnh không phải cho riêng mình mà để đòi công lý cho những người đau khổ”. Dù chưa có phán quyết cuối cùng và bất kể tòa xử bà thắng hay thua, thì bà vẫn tin công lý sẽ chiến thắng. Bởi chỉ cần “thảm họa chất độc da cam được biết đến rộng rãi trên thế giới”, thì với bà đã là một thắng lợi quan trọng.

Những nạn nhân chất độc da cam - như nhận định của một học giả phương Tây - là một trong những “hậu quả trực quan khó chịu nhất”, gợi nhớ đến cuộc chiến chẳng mấy vẻ vang mà Mỹ đã gây ra trên lãnh thổ Việt Nam. Đã 46 năm, cuộc chiến tranh có thể đang dần trở thành hồi ức và thảm họa da cam cũng sẽ theo đó mà rơi vào quên lãng. Thế nhưng, hơn ai hết, chúng ta không được phép lãng quên hay chối bỏ sự thật rằng, chất độc da cam đã và đang hủy hoại hàng ngàn cuộc đời vô tội. Chính vì vậy, vụ kiện của bà Trần Tố Nga như một lời nhắc nhở nhân loại về tội ác kinh hoàng từng xảy ra và chưa hề chấm dứt. Bởi hàng triệu người Việt Nam vẫn đang là hiện thân oan nghiệt của sự vô cảm và độc ác. Đồng thời, đó cũng là lời cảnh tỉnh rằng, thảm họa vẫn có thể xảy đến nếu con người thờ ơ, nếu tiếng nói đấu tranh trở nên yếu ớt và nếu chúng ta thỏa hiệp với tội ác.

Hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, chắc chắn sẽ còn vô vàn khó khăn và càng cần thêm rất nhiều người như bà Trần Tố Nga cùng đồng sự - những luật sư, nhà báo, nhà văn giàu lòng nhân ái, đã cảm thông và sẻ chia với nỗi đau, sự bất lực của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đó cũng là hành trình để khơi dậy tiếng nói của lương tri và trách nhiệm. Tiếng nói ấy không chỉ đại diện cho dân tộc Việt Nam vốn trọng tình và lấy sự hòa hiếu làm đầu; mà còn cần tiếng nói đồng thuận của các cá nhân, tổ chức, các quốc gia và nhân loại tiến bộ. Bởi nỗi đau da cam mà nhiều người Việt Nam đã và đang phải gánh chịu là một nghịch lý, khi “không có lý do gì mà người ngồi trên máy bay để rải chất độc được công nhận bị nhiễm và mắc bệnh; còn người bị rải chất độc lên đầu, phải ăn uống những thức ăn nước uống có chất độc lại không được công nhận. Đây là sự vi phạm nhân quyền cực kỳ nghiêm trọng!” (nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Bình). Đồng thời, “nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là nỗi đau chung của Nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới” (nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết).

Xuất phát từ thực tế ấy, Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, cũng đã chỉ rõ: Cần tăng cường tuyên truyền, vận động để các tầng lớp Nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới, hiểu rõ thảm họa chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Qua đó, tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.

Truyền cảm hứng sống đẹp

Ở tầm vĩ mô, cuộc chiến đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đòi hỏi sự cộng đồng trách nhiệm vô cùng rộng rãi. Còn ở mức vi mô, sự tồn tại và nỗ lực sống từng ngày của mỗi nạn nhân, cũng sẽ là một trợ lực cho cuộc chiến lâu dài và đầy thách thức. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, họ cần các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội như một trụ đỡ. Đồng thời, sự chung tay chăm lo của toàn xã hội sẽ trở thành cứu cánh, để nâng dậy những thân phận kém may mắn. Tỉnh Thanh Hóa hiện có 14.905 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và con đẻ của họ đang được nhận đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp hàng tháng. Ngoài chi trả thường xuyên, tỉnh ta còn xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp và kêu gọi các nhà hảo tâm tích cực trợ giúp đối tượng yếu thế này. Song, suy cho cùng, mọi yếu tố bên ngoài chỉ là trợ lực; còn nghị lực và khao khát mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn, mới chính là nội lực thôi thúc những phận đời bi kịch vươn lên, thoát khỏi xiềng xích trói buộc của đói nghèo, bất hạnh.

Những năm tháng thanh xuân nhiệt huyết, chàng trai vừa tròn 17 tuổi Lê Xuân Khương (xã Cát Tân, huyện Như Xuân) đã dùng máu viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Được biên chế vào đơn vị đặc công thuộc Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, chiến đấu tại mặt trận Đường 9 Khe Sanh, rồi tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, chiến dịch Nam Lào 1971, chiến dịch Quảng Trị 1972 và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lăn lộn khắp các chiến trường ác liệt, ông đã nhiễm chất độc da cam từ lúc nào. Mãi đến tháng 12-1986 khi lập gia đình và sinh 6 người con thì đứa 3 tật nguyền, khi ấy ông mới hay chất độc da cam trong cơ thể đã di truyền sang con. Cộng thêm cuộc sống khốn khó trăm bề, ăn bữa nay lo bữa mai, tưởng chừng đã ghì chặt lấy cuộc đời người lính. Không cam chịu số phận, vợ chồng chăm chỉ làm lụng, từ khai hoang trồng trỉa đến đào ao thả cá, đôi bàn tay không mấy khi ngơi nghỉ. Nhưng khi xoay sang trồng cây cà phê, ông thất bại khiến bao nhiêu vốn liếng, công sức đổ sông đổ suối hết.

Trớ trêu thay, đúng lúc ấy, cô con gái thứ hai đang theo học Trường Dân tộc nội trú Văn hóa Hữu nghị Trung ương, bỗng dưng phát bệnh rồi bại liệt toàn thân. Ông vội vã bán gần hết gia tài, từ bầy trâu, đàn dê đến ngôi nhà rồi vay mượn thêm để chạy chữa cho con. Tai ương dồn dập, kinh tế sa sút và di chứng chất độc trong cơ thể đã tàn phá sức khỏe ông ghê gớm. Chia sẻ với khó khăn của gia đình, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể địa phương và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã hỗ trợ ông cất được căn nhà tình nghĩa. Tiếp đó, từ nguồn vốn vay ưu đãi, năm 2004, ông Khương xây dựng trang trại tổng hợp (đây cũng là trang trại đầu tiên của huyện Như Xuân). Đến nay, trang trại của gia đình đã phát triển ổn định, mang lại thu nhập bình quân từ 250 - 300 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho từ 10 - 15 lao động. Không chỉ là tấm gương sáng làm kinh tế giỏi, ông Khương còn là nhân tố điển hình trong xây dựng nông thôn mới, khi ông tự bỏ kinh phí để mở gần 2 km đường nối từ trang trại ra đường liên thôn.

Trở về từ chiến trường Kon Tum sau 12 năm chiến đấu và công tác (từ năm 1969-1981), ông Bùi Thiết Thực (xã Thành Long, huyện Thạch Thành) kết hôn với người bạn gái cùng quê. Nhưng mong ước xây dựng mái ấm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ khi ấy cứ hao mòn dần, khi lần lượt 9 đứa con ra đời không một đứa lành lặn. Di chứng quái ác của chất độc da cam đã cướp đi sinh mạng 4 đứa con, 5 đứa đang sống đều dị dạng, dị tật. Dù sốc nặng, ông vẫn phải gắng gượng lao động để nuôi nấng và chạy chữa cho con. Đầu năm 1990, khi Nhà nước có chủ trương cho đấu thầu đất lâm trường, ông Thực đã nhận 10,8 ha để trồng keo và lát hoa. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm sản xuất, cộng thêm thời tiết bất lợi, ông đã thất bại. Sau đó, được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kỹ thuật, cộng thêm sự cần cù, chịu khó của ông mà cây keo và lát hoa đã dần bén rễ xanh tốt. Dưới tán cây, ông nuôi gia cầm, nuôi ong lấy mật và trồng thêm cỏ nuôi bò sinh sản. Cuộc sống cũng từ đó mà dần ổn định và khấm khá.

...

Nếu sinh mệnh bị phó mặc cho số phận, thì đời người nào khác gì cánh lục bình. Còn nếu sinh mệnh như cuốn sách do chính tay ta tự viết, thì đau thương hay hạnh phúc, chiến đấu hay buông bỏ, tất cả đều ở sự lựa chọn cách viết - cách sống của mỗi người. Ông Khương, ông Thực và hàng chục, hàng trăm nạn nhân chất độc da cam đã trải qua chuỗi ngày đằng đẳng dày vò thể xác và tinh thần. Song, họ đã trụ vững và vượt lên nghịch cảnh, để truyền cảm hứng về một lối sống đẹp. Rằng không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh mà thôi!

Nhóm PV Văn hóa - Xã hội


Nhóm PV Văn hóa - Xã hội

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]