(Baothanhhoa.vn) - Nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ c, nắng gay gắt như thiêu đốt da, thịt, mồ hôi ướt đẫm lưng áo nhưng chị  Hoàng Thị Phượng tay vẫn thoăn thoắt bốc gạch trên thùng xe ô tô chuyền cho chị Hoàng Thị Định, ở xã Đông Vinh (Đông Sơn) đứng dưới để xếp thành đống. Cứ thế, khoảng hơn tiếng đồng hồ thì 2 chị cần mẫn bốc xếp xong một xe gạch 5.000 viên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

An sinh xã hội cho lao động tự do - cần thêm sự quan tâm

An sinh xã hội cho lao động tự do - cần thêm sự quan tâm

Rất ít lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội.

Nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ c, nắng gay gắt như thiêu đốt da, thịt, mồ hôi ướt đẫm lưng áo nhưng chị Hoàng Thị Phượng tay vẫn thoăn thoắt bốc gạch trên thùng xe ô tô chuyền cho chị Hoàng Thị Định, ở xã Đông Vinh (Đông Sơn) đứng dưới để xếp thành đống. Cứ thế, khoảng hơn tiếng đồng hồ thì 2 chị cần mẫn bốc xếp xong một xe gạch 5.000 viên.

Tranh thủ xe gạch kế tiếp chưa đến, chị Phượng và chị Định tìm chỗ gốc cây có bóng mát ngồi nghỉ ngơi. chị Phượng cho biết: 5 năm gắn bó với nghề bốc gạch thuê, cũng từng ấy năm (trừ những ngày ốm đau, bận việc) cứ 5h sáng chị lại lục đục dậy nấu cơm ăn sáng để kịp theo các xe chở gạch đi bốc thuê. “Không được học hành, không có bằng cấp, không kiếm được việc làm nhàn rỗi mới phải đi bán mồ hôi và sức lực cho nghề phu gạch em ạ. Nghề này vất vả lắm, hôm nào có việc, 2 chị em bốc quần quật cả ngày thì thu nhập mỗi người được hơn 200 ngàn đồng. Trừ xăng xe, ăn uống đi cũng còn 100.000 đồng. Nếu ai không chịu được khổ thì không làm được nghề này đâu” – chị Phượng cho biết.

“Vất vả đã đành, có hôm bất cẩn còn bị gạch rơi vào tay, vào chân, dập móng, chảy máu là chuyện thường. Nhưng vì cuộc sống, vì miếng cơm, manh áo nuôi con vẫn phải cố thôi. Mấy tháng dịch COVID-19 ở nhà, không có việc làm đồng nghĩa với không có tiền chi tiêu, bí bách vô cùng. Làm Nhà nước như các em, nghỉ ở nhà còn có lương chứ như các chị thì tay nghỉ miệng cũng nghỉ luôn...”. Vừa nói, chị Định vừa cởi chiếc giày vải để buộc lại vết thương ở đầu ngón chân cái rồi nói “Ngón chân này mới liền móng do lần trước gạch rơi vào, nay lại bị thương tiếp rồi”.

- Lao động nặng nhọc hay bị rủi ro, các chị có mua bảo hiểm gì không? tôi hỏi.

- Thu nhập còn không đủ nuôi “4 cái tàu” ở nhà nói gì đến mua bảo hiểm hả em. Vẫn biết mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện là khi có ốm đau đi viện không phải tốn kém nhưng công việc lúc có, lúc không thì lấy đâu ra tiền cho khoản bảo hiểm. Chỉ mong luôn khỏe mạnh, không phải đi viện thôi...” – chị Định trả lời kèm theo tiếng thở dài.

Thấy chúng tôi nói chuyện về bảo hiểm y tế, chị Trần Thị Tuyết, ở TP Thanh Hóa, đang làm phụ hồ cũng góp chuyện. “Từ sáng đến giờ mồ hôi ra áo ướt không biết bao nhiêu lần, cứ ướt rồi khô. Nhọc nhằn như thế này mà thu nhập không được bao. Đời làm “phu gạch”, “phu hồ” như chị em ta ráo mồ hôi là ráo tiền. Ngày nào không có việc là ngày đó đi ăn đong nói gì đến việc có tiền để mua BHYT, bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện hả em” - chị Tuyết vừa nói với chúng tôi vừa lấy tay lau những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt sạm đen vì nắng.

- Em thấy trên địa bàn tỉnh có nhiều công ty tuyển công nhân lao động, sao các chị không xin vào đó mà làm? tôi hỏi.

- “Chị nhờ người hỏi thăm rồi. Họ không tuyển lao động nhiều tuổi như bọn chị. Nếu được đi làm ở công ty thì thu nhập ổn định, không lo lắng nhiều đến việc thất nghiệp như vừa qua. Trước khi có dịch COVID-19, thu nhập trong ngày của vợ chồng chị (chồng chạy xe ôm) được khoảng từ 4 đến 5 trăm ngàn đồng, sau khi trừ ăn uống, xăng xe, thức ăn cho cả nhà thì cũng tiết kiệm được từ 1 đến 2 trăm ngàn đồng để khi có công việc, đình đám, học hành cho con cái thì lấy đó mà dùng. Nhưng sau mấy tháng nghỉ dịch ở nhà, vợ chồng chị lo lắng vô cùng vì không có tiền để chi tiêu, có vài đồng tiết kiệm cứ thế rút ra để đi chợ. Xót lắm. May mà hết dịch, chứ cứ kéo dài thì có khi phải đi vay để ăn mất” - chị Phượng lên tiếng.

Nỗi niềm lo toan, trăn trở vì miếng cơm manh áo của chị Phượng, chị Định và chị Tuyết là tình trạng chung của rất rất nhiều lao động tự do hiện nay. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, cơm áo, gạo tiền lại càng đè nặng lên vai của họ. Bản thân và gia đình những lao động tự do không biết trông chờ vào “chiếc phao cứu sinh” nào để sống khi mà dịch bệnh kéo dài, bởi công việc của họ không ổn định, không hợp đồng lao động, không được tiếp cận BHXH, BHYT...; thu nhập lại bấp bênh, dẫn đến tình trạng họ không có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật nước ta từng bước được hoàn thiện để bảo đảm quyền an sinh xã hội cho mọi người dân. Với Luật Việc làm ban hành năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam có bộ luật hướng đến khu vực kinh tế phi chính thức; tiếp tục mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, mọi lao động làm việc trong các doanh nghiệp có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Với Luật BHYT sửa đổi năm 2013, BHYT bắt buộc đối với toàn bộ dân cư; mở rộng sự tham gia của người dân vào BHYT; mở rộng đối tượng được Nhà nước bảo hộ một phần và toàn phần để tham gia BHYT. Luật BHXH sửa đổi năm 2014 đã mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc có hợp đồng từ 1 tháng trở lên; tăng cường chế tài đối với việc trốn đóng BHXH; hoàn thiện chế độ BHXH tự nguyện theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện về việc làm và thu nhập của lao động trong khu vực phi chính thức; đề xuất giải pháp khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH... Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân được hưởng các quyền lợi chính, đó là hưởng lương hưu; được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT khi đang hưởng lương hưu (không phải mua BHYT); lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ BHXH. Ngoài các quyền lợi trên, người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng các quyền lợi như: Thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH; người đang hưởng lương hưu, hoặc người đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên, khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần; được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm.

Lợi ích nhiều, nhu cầu của người dân về BHXH tự nguyện rõ ràng là rất lớn nhưng trên thực tế việc thu hút được người lao động tự do tham gia vào loại hình BHXH này lại chưa đạt hiệu quả. Tại hội thảo quốc tế chia sẻ về lao động phi chính thức (còn gọi là lao động tự do) ở Việt Nam tổ chức năm 2019 tại TP Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng cho biết lao động khu vực phi chính thức tại Việt Nam vào khoảng 18 triệu người, chiếm 57,2% tổng số lao động cả nước (không bao gồm lao động trong khu vực hộ nông nghiệp), trong đó có tới 97,9% số lao động không có BHXH. Phần lớn trong số họ không được ký kết hợp đồng lao động nên không được tiếp cận BHXH, BHYT mà chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện, song tỷ lệ rất ít trên thực tế.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 5-2020 cả tỉnh có gần 3,2 triệu người tham gia BHXH, BHYT, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt 31,5 ngàn người.

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, mặc dù đã nhìn nhận rõ thực tế những rủi ro đối với nhóm lao động tự do, đã ban hành hệ thống chính sách, pháp luật khá đồng bộ, song đối tượng lao động tự do chưa tham gia BHXH, BHYT vẫn còn nhiều. Tất nhiên, chúng ta có thể dễ dàng chỉ ra nguyên nhân là do chính người lao động tự do không tích cực tham gia. Song, đối với đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội như những người lao động tự do, thì việc các ngành chức năng, các địa phương vào cuộc để có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể là rất cần thiết, nếu không muốn nói là không thể thiếu.

Lê Nhân


Lê Nhân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]