(Baothanhhoa.vn) - Từ chiều 30 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, hầu như với bác sĩ Đỗ Văn Long, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh không có ngày nghỉ ngơi. Vừa làm công việc tổng hợp báo cáo số liệu, thông tin tình hình dịch bệnh, vừa cùng đồng nghiệp trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, người có yếu tố nghi ngờ để điều tra dịch tễ, từ đó giúp lãnh đạo đơn vị có những quyết định, tham mưu hiệu quả cho công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai!”

Từ chiều 30 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, hầu như với bác sĩ Đỗ Văn Long, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh không có ngày nghỉ ngơi. Vừa làm công việc tổng hợp báo cáo số liệu, thông tin tình hình dịch bệnh, vừa cùng đồng nghiệp trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, người có yếu tố nghi ngờ để điều tra dịch tễ, từ đó giúp lãnh đạo đơn vị có những quyết định, tham mưu hiệu quả cho công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai!”

Bác sĩ Đỗ Văn Long (người ngoài cùng bên trái) điều tra dịch tễ tại Sư đoàn 390. Ảnh: T.H

Sẵn sàng tâm thế hoàn thành nhiệm vụ được giao

Còn nhớ, chiều 30 Tết Nguyên đán, trong ca trực, nhận được cuộc thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa về ca bệnh có tiền sử dịch tễ tham gia một khóa tập huấn tại TP Vũ Hán, tỉnh Hà Bắc (nơi tâm dịch COVID-19 tại Trung Quốc) nhập viện để cách ly, điều trị với các triệu chứng sốt, ho, tức ngực, bác sĩ Long cùng đồng nghiệp lập tức chuẩn bị dụng cụ, trang phục bảo hộ khẩn trương lên đường ngay để điều tra, giám sát, cảnh báo, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm xem có nhiễm vi-rút Corona hay không.

Là bác sĩ trong lĩnh vực y tế dự phòng lâu năm, tâm huyết với nghề, sẵn sàng tham gia tuyến đầu trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Thanh Hóa. Nhưng lúc ban đầu đó cũng có sự lo lắng, hoang mang vì không biết diễn biến bệnh như thế nào, rồi nguy cơ đối với sức khỏe gây ra cho con người ra sao. Ngay sau khi nhận được thông tin bệnh nhân Nguyễn Thị Trang (Yên Định) dương tính, bác sĩ Long đã phải đưa vợ con sang gia đình bà ngoại để tự cách ly, hạn chế tiếp xúc với tất cả mọi người vì chưa rõ sự lây lan như thế nào. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải bảo đảm sức khỏe để thực hiện công việc điều tra dịch tễ, phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn kịp thời không để dịch lây lan ra cộng đồng. Và sau thời gian điều trị, bệnh nhân Trang có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính, không có sự lây lan ra cộng đồng, bác sĩ Long cùng đồng nghiệp vui mừng khôn siết, từ đó tăng thêm niềm tin, sự hiểu biết về loại vi-rút này để tiếp tục công việc của các bác sĩ điều tra, giám sát, cảnh báo, lấy mẫu xét nghiệm và sàng lọc thông tin từ tất cả các nguồn. Mỗi ngày, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa phải nhận dồn dập rất nhiều loại thông tin về các trường hợp nghi nhiễm COVID-19, trách nhiệm của cán bộ là phải sàng lọc, nhận biết chỗ nào cần phải điều tra, phải cách ly. Trong quá trình triển khai có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành, đặc biệt là sự gắn kết của cán bộ trong khoa. Khi các đơn vị trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện có tham vấn, có yêu cầu về việc điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ Long cùng các cán bộ trong khoa lại sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ bất cứ thời gian nào trong ngày, trong đêm để trực tiếp xuống cộng đồng, nhà dân điều tra dịch tễ, lẫy mẫu, xác minh các thông tin được cung cấp.

Từ khi bước vào “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19 đến nay, bác sĩ Long vẫn miệt mài đi về sớm khuya, đến tận nơi, tiếp cận, nắm bắt thông tin đối tượng nghi ngờ, hướng dẫn cho đối tượng cách phòng dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng... Ngoài ra còn hỗ trợ, giám sát, kiểm tra chuyên môn các tuyến (xã, huyện). Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, người thân trong gia đình, họ hàng cũng e ngại khi gia đình có người tham gia vào công tác phòng, chống dịch, nhưng bác sĩ Long đã giải thích, vận động... để mọi người hiểu, cảm thông, bớt dần tâm lý lo sợ và là nguồn động viên để anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Dạn dĩ với công việc đầy rủi ro

Trong quá trình thực hiện, về thời gian, về sức khỏe đôi khi cũng có nhiều áp lực, nhưng vượt lên tất cả là sự đam mê, tâm huyết với nghề, bác sĩ Long luôn sẵn sàng tham gia bất kỳ tình huống dịch xảy ra để tiếp cận các đối tượng nguy cơ mà không ngại khó khăn, nguy hiểm, mục đích cuối cùng là làm sao quản lý, không sót đối tượng để ngăn chặn, hạn chế, khống chế và kiểm soát không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Để làm được điều đó, đòi hỏi những thầy thuốc phải vào cuộc, phải lăn xả với công việc bằng cả trái tim và trách nhiệm của mình. Nói nghe thì dễ, nhưng làm được mới khó và không phải ai cũng có đủ can đảm để làm công việc điều tra dịch tễ, bởi công việc ấy phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trực tiếp tiếp xúc với nguồn lây. Căng thẳng, lo lắng nhất là thời điểm điều tra, lấy mẫu các trường hợp du học sinh, lao động trở về từ châu Âu cách ly tại Sư đoàn 390, tại thời điểm đó châu Âu (Ý, Anh,...) và Mỹ đang là điểm nóng của dịch COVID-19. Khi vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không biết nguy cơ lây nhiễm cho bản thân như thế nào, bởi hơn 400 trường hợp cách ly tại Sư đoàn 390 đều từ châu Âu về. Thế nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bác sĩ Long luôn tự nhủ rằng mình là cán bộ tuyến đầu phòng chống dịch không có lý do gì để từ chối, e ngại khi tham gia thực hiện nhiệm vụ ở khu vực nhạy cảm như thế.

Ngay sau khi có một ca, hai ca, rồi ba ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Sư đoàn 390 đối với nhóm từ châu Âu trở về, bác sĩ Long cũng rất lo lắng không biết sự phơi nhiễm đối với bản thân ở mức độ nào dù thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và thực hiện tất cả các biện pháp phòng hộ để mình có nhiễm cũng không để bạn bè, đồng nghiệp, gia đình bị phơi nhiễm từ mình. Sau khi hết thời gian có khả năng lây nhiễm (14 ngày sau phát hiện ca bệnh) tâm lý bác sĩ Long mới cảm thấy thoải mái hơn khi tham gia thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm đối với Sư đoàn 390.

“Thời điểm đó, bản thân cùng các đồng nghiệp cũng thấy căng thẳng, ngày không ăn, đêm không ngủ, lo lắng bởi mình tiếp xúc với nguồn lây từ 3 trường hợp dương tính. Là trưởng đoàn lấy mẫu, tôi luôn quán triệt hạn chế tối đa sờ, chạm vào những bề mặt; thường xuyên đeo găng tay (2-3 cái), đeo mặt nạ, khẩu trang (y tế, N95, 3M), mặc trang phục phòng hộ lao động cẩn thận, bởi là cán bộ y tế nếu bị nhiễm bệnh thì nhân lực tham gia công tác phòng chống dịch khi dịch bệnh bùng phát sẽ rất khó khăn cho đơn vị trong phòng chống dịch” – bác sĩ Long chia sẻ.

Không thể kể hết những lần nhận lệnh lên đường vào thời điểm đêm tối, mưa gió. Ví như, thời điểm các trường hợp trốn về từ khu cách ly vùng của ổ dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc). Nhận được lệnh của lãnh đạo Sở Y tế, ngay trong đêm (khoảng 22 giờ), kíp trực, đồng thời là cán bộ khoa thực hiện ngay việc lập đội công tác đến tận nhà 3 trường hợp vừa trở về từ xã Sơn Lôi để khai thác, xác minh lại thông tin, điều tra dịch tễ, lẫy mẫu xét nghiệm; đồng thời tư vấn cho các đối tượng này đến các trung tâm, bệnh viện đa khoa huyện để thực hiện cách ly tập trung. Ngoài ra, hướng dẫn cho gia đình, những người tiếp xúc vòng 2 (F2) thực hiện cách ly tại nhà, hạn chế tối đa việc ra ngoài, để ngay sau khi chưa có kết quả đã thực hiện cách ly đối với các trường hợp nguy cơ, hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Công việc không chỉ mất nhiều thời gian mà còn gian khổ và nguy hiểm. Vượt qua những nỗi lo lắng, nguy cơ lây nhiễm, bác sĩ Long vẫn lăn xả vào công việc, ngày đêm cùng đồng nghiệp đến tận nơi để tìm rõ căn nguyên, vừa điều tra ca nghi nhiễm bệnh vừa điều tra những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh... Từ đó, tham mưu cho lãnh đạo ngành thực hiện tốt việc ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và lây lan, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân. Hiện tại Thanh Hóa đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên không thể lường trước được diễn biến tiếp theo của dịch bệnh, bác sĩ Long luôn sẵn sàng tham gia phòng chống dịch ở tuyến đầu của tỉnh. Khi được hỏi về những khó khăn vất vả của cán bộ tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Long chỉ cười hiền, và nói: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai!”

Tô Hà


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]