(Baothanhhoa.vn) - Vừa qua, Báo Thanh Hóa nhận được phản ánh của một số tiểu thương tại chợ Hội, xã Quảng Ngọc (Quảng Xương) về những bức xúc xung quanh việc quản lý, thu phí hoạt động tại chợ.

Việc quản lý, thu phí tại chợ Hội, xã Quảng Ngọc gây bức xúc cho tiểu thương

Vừa qua, Báo Thanh Hóa nhận được phản ánh của một số tiểu thương tại chợ Hội, xã Quảng Ngọc (Quảng Xương) về những bức xúc xung quanh việc quản lý, thu phí hoạt động tại chợ.

Chợ Hội, xã Quảng Ngọc được cải tạo lại năm 2015. Ảnh: V.H

Theo đó, các tiểu thương cho rằng chợ Hội có mức thầu cao, việc thu các khoản phí, lệ phí tại chợ không đúng mức quy định, ban quản lý chợ “vẽ” ra nhiều hoạt động để thu tiền của người kinh doanh, buôn bán. Người dân muốn vào chợ buôn bán không chỉ phải nộp tiền “quét chợ” mỗi phiên cao mà hàng năm còn phải đóng nhiều tiền để mua lại các ki-ốt làm địa điểm kinh doanh... Đáng nói, các tiểu thương cho rằng đầu năm 2018, ông Năm (người được giao thầu quản lý chợ) đã thu tiền địa điểm kinh doanh tại quầy hàng cố định với mức 800.000 đồng/quầy nhưng đến nay (tháng 10-2018) lại tiếp tục thu thêm 800.000 đồng một lần nữa. Một số tiểu thương cho rằng, ông Năm sắp hết hạn thầu nên cố tình “vơ vét” bởi chợ Hội sắp được chuyển đổi mô hình hoạt động, có doanh nghiệp sẽ vào quản lý, khai thác chợ... Vì quá bức xúc, một số tiểu thương đã lên UBND xã để khiếu nại và đề nghị làm rõ sự tình.

Theo tìm hiểu, chợ Hội là chợ truyền thống, nằm ngay ở trung tâm xã Quảng Ngọc với diện tích 9.980,4m2. Chợ họp 2 ngày/phiên vào những ngày chẵn âm lịch. Hoạt động tại chợ Hội khá tấp nập do đây là địa điểm thuận lợi để giao lưu, mua bán, phục vụ nhu cầu không chỉ của nhân dân xã Quảng Ngọc mà còn của nhiều xã lân cận. Chợ Hội mới được nâng cấp, cải tạo lại vào năm 2015 với 1 nhà chợ chính, tường gạch chỉ, lợp tôn với diện tích hơn 200m2, các dãy ki-ốt, khu chợ dân sinh, công trình phụ trợ đã được xây dựng bằng cột thép, mái lợp tôn. Hiện tại, chợ Hội vẫn hoạt động theo mô hình giao thầu cho cá nhân quản lý, UBND xã Quảng Ngọc chỉ quản lý về mặt hành chính Nhà nước. Cá nhân nhận thầu trực tiếp thu phí thuê địa điểm kinh doanh cố định theo định kỳ và lệ phí với người kinh doanh vãng lai. Phần thu này chỉ chi để duy trì hoạt động thường xuyên tại chợ như điện, nước, vệ sinh môi trường, trả công lao động... và nộp vào ngân sách Nhà nước theo hợp đồng thầu.

Ông Hoàng Văn Năm, người có hợp đồng nhận thầu tại chợ Hội hiện nay, cho biết: Ông và gia đình đã nhận thầu, quản lý tại chợ Hội từ năm 2011. Đến năm 2016, khi chính quyền xã Quảng Ngọc tổ chức đấu thầu lại chợ Hội, ông tiếp tục trúng thầu với thời hạn 3 năm (từ 2016 đến tháng 2-2019) với mức thầu là 371 triệu đồng/năm, trong khi giá sàn UBND xã đưa ra thời điểm đó chỉ 190 triệu đồng. Ông cũng tự nhận thấy mức thầu này là khá cao so với quy mô hoạt động của chợ hiện nay, bởi 2 ngày/phiên chợ chỉ có khoảng 100 tiểu thương lớn (hàng vải, hàng xén, hàng thịt)... Trong khi để duy trì hoạt động ông đã phải thuê khoảng 6 lao động. Việc xây dựng các ki-ốt tại chợ đã được ban quản lý chợ triển khai cụ thể, ban quản lý chỉ thống nhất, giám sát về hình thức xây dựng để thay thế các mái lợp fipro xi măng cũ nát bằng mái tôn, còn lại các tiểu thương tự thỏa thuận, xây dựng và trả tiền trực tiếp cho người thi công...

Về việc thu phí địa điểm năm 2018 đối với một số tiểu thương, ông Năm giải thích: Việc bức xúc, phản ánh của một số tiểu thương là do có sự hiểu lầm. Ông Năm khẳng định ông chỉ mới thu phí địa điểm kinh doanh của năm 2016, 2017. Từ ngày 10-10 đến 22-10-2018, ông đã thông báo rộng rãi cho các hộ việc thu phí địa điểm kinh doanh năm 2018. Hiện nay, ông đã thu được khoảng 20/40 hộ tại quầy hàng gian chợ chính. Tuy nhiên, một số tiểu thương lại nhớ nhầm đã nộp từ đầu năm 2018.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngọc xác nhận có sự việc một số tiểu thương tại chợ Hội đến UBND xã phản ánh. Xã đã yêu cầu ông Năm đến làm việc, đồng thời yêu cầu các tiểu thương cung cấp giấy tờ chứng minh nhưng không có giấy tờ gì để chứng minh, do vậy UBND xã cũng không có cơ sở để giải quyết. UBND xã chỉ giải thích, hướng dẫn ông Năm và các hộ kinh doanh thương thảo, làm rõ.

Ông Hoàng Văn Hồng cho biết thêm: Việc chợ được khoán thầu với mức cao cũng không ảnh hưởng đến hoạt động tại chợ bởi từ trước đến nay chợ hoạt động khá ổn định, UBND xã không nhận được đơn, thư phản ánh của các hộ tiểu thương về mức thu cũng như các vấn đề về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... Bên cạnh đó, chợ Hội hiện đang trong quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác. UBND xã Quảng Ngọc đã báo cáo đảng ủy xã xin chủ trương và làm tờ trình đề nghị HĐND xã thông qua từ năm 2017. UBND xã tập trung tuyên truyền để các hộ tiểu thương hiểu được chủ trương chuyển đổi, từ đó mới tổ chức lấy phiếu đồng thuận. Và, ngày 28-7-2018, UBND xã đã tổ chức họp các hộ tiểu thương, lấy ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu. Kết quả có 73,8% số tiểu thương bỏ phiếu đồng ý; 19,4% không đồng ý. Ngày 18-10-2018, hội đồng xác định giá, tài sản trên đất của huyện Quảng Xương đã tiến hành kiểm kê, xác định tài sản trên đất. Sau khi hoàn thiện hồ sơ sẽ đưa ra mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp tiếp nhận quản lý, khai thác chợ.

Tuy nhiên, một số cán bộ, người dân cho rằng việc chợ Hội được giao thầu với mức 371 triệu đồng/năm cho cá nhân là cao, bởi ở thời điểm tổ chức đấu thầu năm 2016 giá sàn UBND xã đặt ra chỉ là 190 triệu đồng. Đáng nói, với mức thầu cao này, mặc dù tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước nhưng nếu không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, thì rõ ràng sẽ dễ nảy sinh những khoản thu, mức thu không đúng quy định đối với các tiểu thương kinh doanh, buôn bán để bù chi phí? Được biết, chợ Hội được quy hoạch là chợ hạng III và nằm trong danh sách 85 chợ trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác năm 2017. Tại hội nghị xin ý kiến các tiểu thương về việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, hầu hết các tiểu thương đều cho rằng mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm được mức thu phí hợp lý, công bằng đối với các hộ kinh doanh, giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường, quản lý chợ để chợ ngày càng khang trang, sạch đẹp, thu hút được người tiêu dùng đến mua sắm. Tuy nhiên, để góp phần thực hiện tốt chủ trương đó, ngay ở thời kỳ chuyển giao hiện nay, chính quyền xã Quảng Ngọc cũng cần có hình thức quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động thu phí tại chợ Hội, tránh để phát sinh những bức xúc không đáng có, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương cũng như mất niềm tin của những người kinh doanh, buôn bán tại chợ.


Nhóm PV Phòng Bạn đọc – Tư liệu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]