(Baothanhhoa.vn) - Hàng chục năm qua, biết bao thế hệ người dân ở bản Vui (xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa) hằng mơ ước có một chiếc cầu kiên cố bắc qua sông Mã để đi lại an toàn, không còn bị cô lập mỗi khi mưa lũ về. Thế nhưng, mơ ước chưa thể thành hiện thực nên họ vẫn đang phải đánh cược tính mạng trên con thuyền nhỏ để qua sông.

Cần lắm một cây cầu

Hàng chục năm qua, biết bao thế hệ người dân ở bản Vui (xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa) hằng mơ ước có một chiếc cầu kiên cố bắc qua sông Mã để đi lại an toàn, không còn bị cô lập mỗi khi mưa lũ về. Thế nhưng, mơ ước chưa thể thành hiện thực nên họ vẫn đang phải đánh cược tính mạng trên con thuyền nhỏ để qua sông.

Người dân bản Vui qua sông bằng những con thuyền nhỏ.

Chúng tôi đến bản Vui vào một buổi chiều tháng 8, mưa tầm tã. Có tận mắt chứng kiến cảnh người dân phải qua sông bằng con thuyền nhỏ để ra đường lớn mới thấu hiểu hết những hiểm nguy chờ trực người dân. Theo quan sát của chúng tôi, con thuyền có chiều dài khoảng 5m, rộng khoảng 1,5m và không có phao cứu sinh. Chị Hà Thị Mai ở bản Vui – một khách đi thuyền, cho biết: Con thuyền có thể chở tối đa được 3 chiếc xe máy và 10 người.

Thời điểm này, lũ trên thượng nguồn đổ về, nước sông Mã dâng cao nhưng người chèo thuyền chỉ níu theo sợi dây thừng buộc qua hai bờ sông để kéo cho đò qua sông. Người dân trong bản đều biết rằng, kiểu đi thuyền đu dây rất nguy hiểm nhưng vẫn phải đi. Bởi, nếu đi đường vòng phải mất hơn 12km mới đến được xã Phú Xuân, còn qua thuyền đu dây thì nhanh chóng hơn nhiều. “Nông dân nghèo, phải tìm cách tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi di chuyển”, chị Mai vừa nói vừa cười.

Thật vậy, đoạn đường từ bến sông vào bản chỉ 7km nhưng chúng tôi phải mất hơn 2h đồng hồ di chuyển. Mùa mưa, đường lầy, đất bám chặt, chúng tôi phải quấn xích vào bánh xe, mang ủng mới qua được. Bản làng ở đây chẳng khác gì những bản vùng cao Tây Bắc tôi đã có dịp ghé qua. Trong bản, những ngôi nhà chủ yếu được đóng bằng những tấm ván gỗ, mái lợp tranh, đót... có những căn chỉ đan những tấm tre tạm bợ rồi lấy dây buộc lại cũng gọi là nhà nằm ven con đường đất đỏ ngoằn nghèo, đồi dốc khúc khuỷu.

Trò chuyện với ông Cao Hồng Nghĩa, trưởng bản Vui, ông cho biết: Bản Vui của xã Thanh Xuân có 113 hộ dân với 587 nhân khẩu, nằm cách biệt bởi sông Mã. Từ bao đời nay, người dân bản Vui đi làm hay có công việc phải ra trung tâm xã đều phải qua thuyền. Người lớn sống ở đây hàng chục năm nay đã quen với việc chèo thuyền qua sông, hay đưa cả xe máy lên thuyền để đưa sang bờ bên kia đi tiếp. Tuy nhiên, việc khó khăn và nguy hiểm vẫn là chuyện đi học của con em trong bản vì các cháu còn nhỏ, ý thức còn kém, hay nghịch nên dễ xảy ra rủi ro. Nếu lỡ có chuyện không may thì người lớn có thể bơi được chứ trẻ nhỏ thì rất nguy hiểm. Chúng tôi từ trẻ tới già luôn ước mong Nhà nước xây cho một chiếc cầu, được như thế thì cuộc sống của chúng tôi sẽ đỡ khổ hơn rất nhiều.

Theo những người dân bản Vui, mỗi khi nước sông Mã dâng cao, người dân muốn qua sông phải thả thuyền cách bến thật xa để nó trôi tự do theo dòng nước rồi từ từ kéo dạt vào bờ. Năm nào cũng vậy, khi mùa nước chảy xiết cũng là lúc xảy ra không ít những vụ lật thuyền. Do việc đi lại khó khăn nên vào mùa nước lũ chẳng những học sinh không thể đến trường mà người bệnh cũng không thể đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, phụ nữ mang thai trở dạ buộc phải sinh nở ngay tại bản. Không những thế, sản vật làm ra tại bản chỉ được mua bằng một nửa giá thị trường vì giá chi phí vận chuyển quá cao.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã Thanh Xuân, cho biết: Bản Vui là một trong những bản khó khăn nhất của xã Thanh Xuân. Ở đây chỉ mới có điện được vài năm nay, sóng điện thoại thì chưa có. Điều này khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Dù rất trăn trở nhưng vì điều kiện ngân sách của xã có hạn nên xã không thể đầu tư cho người dân một cây cầu được. Xã đã nhiều lần họp dân lấy ý kiến, rồi làm văn bản kiến nghị lên UBND huyện, UBND tỉnh và các ngành xem xét hỗ trợ kinh phí để có thể xây dựng một cây cầu dân sinh giúp người dân bớt khổ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Chia tay bản Vui khi mưa đã ngớt hạt, mặt trời le lói sau triền núi. Trong tôi bỗng dấy lên niềm hy vọng bản Vui sẽ sớm có một cây cầu.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]