(Baothanhhoa.vn) - Khởi nghiệp được xem là định hướng chiến lược, một trong những giải pháp cơ bản góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Hưởng ứng lời kêu gọi xây dựng “quốc gia khởi nghiệp” của Thủ tướng Chính phủ, hòa vào xu thế chung của đất nước, với sự quan tâm, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu vươn lên của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Muôn màu khởi nghiệp: Bài 1: Đoàn viên, thanh niên Thanh Hóa với phong trào khởi nghiệp

Khởi nghiệp được xem là định hướng chiến lược, một trong những giải pháp cơ bản góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Hưởng ứng lời kêu gọi xây dựng “quốc gia khởi nghiệp” của Thủ tướng Chính phủ, hòa vào xu thế chung của đất nước, với sự quan tâm, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu vươn lên của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Muôn màu khởi nghiệp: Bài 1: Đoàn viên, thanh niên Thanh Hóa với phong trào khởi nghiệpAnh Hoàng Văn Tuấn – bí thư đoàn xã Xuân Du (Như Thanh) là 1 trong 57 thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI năm 2021. Ảnh: Hương Thảo

Từ ý tưởng khởi nghiệp...

Nếu ví khởi nghiệp như một xa lộ với nhiều dấu mốc, lộ trình thì giai đoạn thai nghén, hình thành ý tưởng khởi nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ý tưởng là chìa khóa mở ra cánh cửa hành động. Dẫu biết rằng, từ ý tưởng đến thành công là con đường rất dài, rất gian nan mà không phải ai cũng có thể chạm tay đến thành công, tuy nhiên, một ý tưởng tốt sẽ hứa hẹn một con đường khởi nghiệp rộng mở.

Nhằm tìm kiếm, phát hiện những nhân tố, ý tưởng khởi nghiệp hay, triển vọng, từ năm 2017, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN”. Đây là sân chơi bổ ích cho đông đảo ĐVTN trên địa bàn tỉnh có ý chí, ý tưởng khởi nghiệp. Cuộc thi thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức kinh tế - xã hội đối với các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của ĐVTN. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã 9 lần tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” trong ĐVTN tỉnh với gần 1.400 ý tưởng tham gia, 90 ý tưởng có chất lượng được trao giải cuộc thi. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và ban thường vụ đoàn trường của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên, thanh niên” để tìm ra các ý tưởng xuất sắc tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa”.

Bước ra và thành công từ cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức, những cái tên như: Thiên Phú Smart Airfarm - Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt; Công ty TNHH Quảng cáo điện tử ABC, Công ty TNHH Thảo Ngọc Việt, Công ty TNHH Vibabo, Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao RichFarm... đã và đang trở nên quen thuộc và từng bước khẳng định vị trí trong cộng đồng doanh nghiệp trẻ của tỉnh.

... đến sự nở rộ của các mô hình

Năm 2019, anh Lê Trọng Thiện (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt) và người bạn của mình đã xuất sắc giành Giải nhất tại cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN lần thứ IV với ý tưởng Thiên Phú smart Airfarm - chế tạo máy phục vụ tự động hóa nghề nấm. Giải thưởng ấy là nguồn động lực, cổ vũ tinh thần và mở ra những cơ hội kết nối, hướng đi mới trên hành trình khởi nghiệp của anh Thiện.

Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện sản phẩm lò hấp phôi nấm tự động, năm 2020, sản phẩm “Lò hấp phôi nấm tự động” của công ty đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh giai đoạn 2020-2022” và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao giải ba trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” toàn quốc. Năm 2021, doanh thu của công ty đạt 2,8 tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2022, doanh thu ước đạt khoảng 210 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức lương từ 6 - 12 triệu đồng. Hiện nay, công ty đã cung cấp sản phẩm cho 35 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có các hệ thống máy móc sử dụng năng lượng mặt trời cho các công ty, HTX sản xuất các loại nấm ở Tây Nguyên. Năm 2022, công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nghiên cứu, chế tạo một số loại thiết bị mới như máy đóng bịch liên hoàn tự động trong sản xuất nấm kim châm, nấm đùi gà...

Khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương còn nhiều thiếu khó, anh Tuấn quyết định gắn bó với nông nghiệp, với cội nguồn đã nuôi sống mình và biết bao thế hệ người dân nơi đây. Không quản ngại khó khăn, vất vả, anh Tuấn trăn trở, cần mẫn với đất đai, ruộng đồng. Đất siêng là bởi tay người, những nỗ lực của anh Tuấn đã đơm hoa thơm, kết trái ngọt. Đến nay, vườn đào phai khoảng hơn 1 nghìn cây của gia đình anh Tuấn luôn được khách hàng yêu thích, lựa chọn mỗi dịp tết đến, xuân về. Năm 2020, với ý tưởng “Xây dựng thương hiệu và bảo tồn, phát triển cây đào phai xã Xuân Du gắn với dịch vụ du lịch trải nghiệm”, anh Hoàng Văn Tuấn – Bí thư Đoàn xã Xuân Du (Như Thanh) đã giành Giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa lần thứ VII.

Có động lực phát triển, luôn hăng hái đổi mới, sáng tạo, anh Tuấn tiếp tục mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới tự động,...) để sản xuất rau, củ, quả hữu cơ, trồng cây nho sữa, nho hạt đen giống nhập khẩu với tổng diện tích trên 8.000m2; mô hình trồng cây rau má bản địa xứ Thanh với diện tích khoảng 15.000m2 và nhiều loại cây trồng khác cho thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho từ 5 - 7 lao động. Năm 2021, anh Tuấn là 1 trong 57 thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI.

Là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Huyện đoàn Như Thanh xác định phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế trong ĐVTN là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó, Huyện đoàn Như Thanh khuyến khích, đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ, HTX thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế. Đây là một cách làm hay, sáng tạo, trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp của tỉnh.

Hiện nay, toàn huyện Như Thanh có 14 câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp với tổng số 295 thành viên. Đây là nơi tập hợp, “mái nhà chung” cho ĐVTN có niềm đam mê, ý chí khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Các hoạt động, thành công của các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp là minh chứng sinh động, thuyết phục tạo nên dấu ấn, sức lan tỏa rộng khắp, trở thành nguồn động lực, cổ vũ tinh thần, ý chí, thu hút ĐVTN trên địa bàn huyện tích cực tham gia phong trào khởi nghiệp. Từ đây, phong trào khởi nghiệp trong ĐVTN huyện Như Thanh có bước phát triển lớn, tạo cơ hội nghề nghiệp, việc làm, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phần nào mở ra hướng đi cho bài toán nan giải “ly hương”, “ly nông” ở các vùng nông thôn, miền núi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương...

Không chỉ có anh Thiện (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt), anh Tuấn – Bí thư Đoàn xã Xuân Du, trong những năm gần đây, được sự quan tâm, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia, xuất hiện một số mô hình hay, gương mặt tiêu biểu.

Đến cuối năm, tổng số dự án khởi nghiệp sáng tạo của ĐVTN trên toàn tỉnh được hỗ trợ là 795 dự án, trong đó: 283 dự án với tổng kinh phí là 30 tỷ 510 triệu đồng từ nguồn tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; 27 dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn vay quốc gia giải quyết việc làm; 18 ý tưởng khởi nghiệp được 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận đỡ đầu, tài trợ; 10 dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn lãi suất không đồng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 186 dự án từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với kinh phí là 2,5 tỷ đồng; 20 hộ thanh niên được hỗ trợ ứng dụng khoa học vào sản xuất, kinh doanh với nguồn vốn là 8,5 tỷ đồng từ chương trình phối hợp giữa tỉnh đoàn cùng Sở Khoa học và Công nghệ; 251 mô hình bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp. Thanh Hóa có 31 sản phẩm từ các mô hình khởi nghiệp do ĐVTN làm chủ được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Doanh nghiệp do ĐVTN làm chủ hiện chiếm khoảng 30% trong tổng số doanh nghiệp trong tỉnh thành lập mới mỗi năm.

Khởi nghiệp như một “làn sóng” đang có sức lan tỏa, thu hút mạnh mẽ. Từ đó, nhiều mô hình, nhiều ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Tư duy, nhận thức về khởi nghiệp trong ĐVTN đã có nhiều thay đổi, nhiều bạn trẻ dám dấn thân, đương đầu với thử thách để mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa cũng còn đó muôn vàn khó khăn, thử thách, tồn tại, hạn chế, đặt ra nhiều vấn đề cần phải nghiêm túc nhìn nhận, trăn trở.

Hương Thảo

Bài 2: Bài toán lượng và chất – những vấn đề đặt ra.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]