(Baothanhhoa.vn) - Tính đến nay, gia đình anh đã có hơn 1.500 con chim bồ câu Pháp. Với giá bán 120 đến 130 nghìn đồng/cặp bồ câu thịt, 200 nghìn đồng/cặp bồ câu giống, mỗi tháng gia đình anh thu lãi gần 50 triệu đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp thu lãi gần 50 triệu đồng/tháng ở Vĩnh Lộc

Tính đến nay, gia đình anh đã có hơn 1.500 con chim bồ câu Pháp. Với giá bán 120 đến 130 nghìn đồng/cặp bồ câu thịt, 200 nghìn đồng/cặp bồ câu giống, mỗi tháng gia đình anh thu lãi gần 50 triệu đồng.

Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp thu lãi gần 50 triệu đồng/tháng ở Vĩnh Lộc

Đến làng Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa), hỏi anh Vũ Thanh Thủy (Sinh năm 1986), chủ trang trại nuôi chim bồ câu Pháp thì không ai là không biết đến anh. Bởi anh không chỉ mạnh dạn làm kinh tế, mà còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, phát triển mô hình nuôi chim cho người dân địa phương cùng làm giàu.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Thủy cho biết, đầu năm 2010, anh dùng số tiền đi làm thuê cộng thêm vay mượn, bán xe máy để đầu tư làm chuồng và mua 200 đôi chim bồ câu Pháp. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, lại mua phải nguồn giống trôi nổi, thế nên 200 đôi chim giống của anh Thủy chỉ còn 16 đôi. Khó khăn chồng chất khó khăn, khi vốn không có, lại phải vay mượn, anh đành gác lại ước mơ phát triển mô hình này, để 16 đôi chim còn sống cho vợ chăm sóc và xách ba lô đi làm thuê.

Năm 2012, khi làm ngoài Hà Nội, anh Thủy đã đến trang trại Thụy Phương mua thêm 100 đôi chim giống với giá 500.000 đồng/đôi, cao gấp 2 lần so với lần mua nuôi thử. Trong thời gian này, anh vẫn đi làm lấy vốn và để vợ chăm sóc, nhân giống chim. Đến năm 2015, anh Thủy quyết định bỏ việc trên Hà Nội để về phát triển mô hình nuôi chim bồ câu Pháp.

“Sau đợt nuôi đầu thất bại, tôi vừa đi làm kiếm thêm vốn vừa tham quan một số mô hình nuôi chim bồ câu Pháp để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, kỹ thuật xây dựng mô hình chuồng cũng như cách phòng chống bệnh cho chim để quay lại thực hiện mơ ước của mình”, anh Thủy tâm sự.

Từ năm 2015 đến nay, anh Thủy đã mở thêm 3 khu chuồng, nuôi 1.500 đôi chim bồ câu Pháp sinh sản. Chim bồ câu bán được chia làm hai loại: chim giống và chim thịt. Đối với chim giống từ 45-60 ngày tuổi sẽ được bán với giá 200 nghìn đồng/đôi; còn chim thịt từ 24-28 ngày tuổi có giá 120-130 nghìn đồng/đôi. Anh Thủy chia sẻ, cứ 100 đôi chim sẽ đem lại lợi nhuận từ 24-30 triệu đồng/năm. Với số lượng như hiện nay, gia đình anh đã thu lãi gần 50 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi, anh Thủy cho biết, việc áp dụng khoa học kỹ thuật là điều cơ bản dẫn đến thành công của mình. Từ việc áp dụng công thức cho chim ăn với 6 phần ngô, 4 phần bột công nghiệp, cho ăn 3 lần/ngày vào các giờ cố định với lượng thức ăn 60-80g thức ăn/đôi/ngày, đến việc thiết kế trang trại, anh đã tận dụng các nhà, chuồng chăn nuôi không còn sử dụng, lợp lại sao cho mát về mùa hè, ấm, kín gió về mùa đông. Hệ thống chuồng được làm thành 4 tầng để tiết kiệm diện tích, có máng uống nước tự động. Đặc biệt, việc vận dụng máy để ấp trứng đã giúp anh phát triển nguồn giống ổn định, đây là kỹ thuật đặc biệt quan trọng khi xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu Pháp.

Chim bồ câu Pháp nuôi từ 6-8 tháng sẽ bắt đầu đẻ lứa đầu tiên, thường 2 quả/lứa. Theo anh Thủy, lứa thứ 1, 2, 3 có khả năng ấp nở thấp nên chủ trại nên để đến lứa thứ 4 hãy soi trứng và cho vào máy ấp. Thời gian này cần cho chim bồ câu mẹ ấp trứng giả để không quên mất bản năng nuôi con sau này. Sau 19 ngày, trứng sẽ nở thành con và được đưa vào cho chim bố mẹ nuôi. Nếu nuôi và chăm sóc tốt, chim bồ câu Pháp có thể đẻ bình quân 8-9 lứa/năm.

Từ kinh nghiệm đi học hỏi và chăm nuôi thực tế, anh Thủy đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ dân có ý định nuôi chim. Đồng thời, làm dịch vụ thiết kế, xây dựng cho nhiều trang trại ở các huyện Yên Định, Nông Cống, Hà Trung,... và các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nội.

Nói về ưu điểm của mô hình này, anh Thủy cho biết, nuôi chim bồ câu Pháp tập trung sẽ giúp giảm nhân công chăm sóc. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục hoàn thiện việc mở rộng xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô và số lượng. Tận dụng khu đất còn lại của gia đình để phát triển rộng mô hình nhằm cung cấp sản phẩm chim giống uy tín và chim thịt chất lượng tới các cửa hàng, siêu thị.

Huyền Linh - Ngọc Mai

(Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội)


Huyền Linh - Ngọc Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]