(Baothanhhoa.vn) - Trong số 13 sản phẩm đã được hội đồng cấp tỉnh chấm điểm, xếp hạng đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2019, riêng Hoằng Hóa đã có tới 3 sản phẩm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoằng Hóa “làm” OCOP

Trong số 13 sản phẩm đã được hội đồng cấp tỉnh chấm điểm, xếp hạng đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2019, riêng Hoằng Hóa đã có tới 3 sản phẩm.

Hoằng Hóa “làm” OCOP

Mắm của Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia được ủ trong những chiếc thùng gỗ bời lời. Ảnh: Tô Dung

Những sản phẩm OCOP đầu tiên

Chúng tôi tìm đến thôn Hồng Kỳ, xã Hoằng Phụ - nơi có cơ sở sản xuất mắm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, đơn vị đã có 3 sản phẩm là mắm tôm, mắm tép, nước mắm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Như đã quen với việc được phân công tiếp đón khách đến tham quan và tìm hiểu về sản phẩm, anh Sơn - nhân viên của công ty nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở. Vừa đi, anh vừa giải thích cho chúng tôi về quy trình sản xuất mắm. Từ đầu vào nguyên liệu là nguồn cá cơm tươi đến quá trình ủ cá với muối tinh trong thùng gỗ bời lời. Sau khoảng thời gian từ 18-24 tháng sẽ được “rút nỏ” cho ra sản phẩm nước mắm. Cùng với sản phẩm nước mắm, công ty còn sản xuất ra mắm tôm, mắm tép, mắm nêm, mắm kho quẹt...

Chia sẻ với chúng tôi sau khi 3 sản phẩm mắm Lê Gia được xếp hạng cao nhất trong đợt đánh giá xếp hạng OCOP đợt I năm 2019 của tỉnh tổ chức, anh Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, cho biết: Ước mong của tôi là gìn giữ và nâng tầm nước mắm truyền thống của quê hương. Cùng với việc xuất khẩu, đưa vào những chuỗi phân phối lớn thì việc có được đánh giá chứng nhận OCOP thêm một lần nữa khẳng định và tiếp thêm sức mạnh, niềm tin vào con đường mình đang đi bởi vì phát triển mắm truyền thống thực sự rất gian truân.

Năm 2012, anh trở về quê và bắt đầu hành trình hiện thực hóa mơ ước của mình. Để khởi nghiệp thành công, anh đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức đi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nước mắm của các nơi kết hợp với phương pháp sản xuất nước mắm của gia đình cùng sự trợ giúp của các chuyên gia tư vấn. Anh đã chọn ủ mắm trong những thùng gỗ bời lời, theo phương pháp truyền thống nén gài tự nhiên. Anh và gia đình rất vui và tự hào khi cả 3 sản phẩm mang thương hiệu mắm Lê Gia đã được hội đồng cấp tỉnh đánh giá cao. Bởi, để làm ra các sản phẩm mắm OCOP như hôm nay là sự phối hợp của 3 nhà: Nhà nông (ngư dân, diêm dân) - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, cùng với triết lý của thương hiệu đó là làm thật, trân trọng sức khỏe của người tiêu dùng như chính sức khỏe của nhà sản xuất. Hiện nay, tại hệ thống nhà xưởng sản xuất mắm và nước mắm ở xã Hoằng Phụ có quy mô sản xuất 500 tấn cá chượp, tương đương 500.000 lít nước mắm/năm và 200 tấn mắm tôm, mắm tép mỗi năm. Các sản phẩm mắm mang thương hiệu Lê Gia đang được bán tại hệ thống đại lý, siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước. Nước mắm Lê Gia là một trong số ít những sản phẩm nước mắm được bán tại kênh bán lẻ hàng đầu - Vinmart+. Đặc biệt sản phẩm cũng đã xuất khẩu tới các quốc gia: Hàn Quốc, Nam Phi, Nga, Panama.

Và phát triển những sản phẩm OCOP tiếp theo

Cùng chung mục đích hướng đến được xếp hạng là sản phẩm OCOP, sản phẩm đông trùng hạ thảo của gia đình anh Nguyễn Hữu Tấn, ở khu du lịch Hải Tiến, xã Hoằng Thanh cũng đang được huyện Hoằng Hóa đưa vào là 1 trong 15 sản phẩm, ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2020. Được biết, đây là 1 trong 2 cơ sở đầu tiên trên địa bàn huyện Hoằng Hóa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo.

Sau khi dẫn chúng tôi vào tham quan phòng nuôi trồng đông trùng hạ thảo, trong đó có hàng trăm hộp đông trùng đang được nuôi cấy và chuẩn bị cho ra sản phẩm đông trùng tươi, anh Tấn mời chúng tôi uống nước từ sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi vừa được pha xong và cho biết: Nấm đông trùng hạ thảo có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, là nguồn nguyên liệu tốt cho ngành y dược học. Trong đó nổi lên với 3 công dụng chính là bồi bổ cơ thể, phục hồi sức khỏe sau đau ốm; tăng cường chức năng thận và tăng cường hoạt động hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và khả năng miễn dịch của cơ thể... Tuy nhiên, nấm đông trùng hạ thảo tự nhiên có giá rất cao và cũng không nhiều trên thị trường nên người tiêu dùng chỉ nghe nói hoặc đọc qua sách vở, ít có cơ hội sử dụng. Từ việc đánh giá tác dụng và giá trị thương mại của nấm đông trùng hạ thảo, đầu năm 2019 anh đã tìm tòi và nhờ người chuyển giao khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo với quy mô phòng cấy giống 35m2, phòng ủ tơ 62m2, phòng nuôi trồng 256m2. Các phòng đều bảo đảm tiêu chuẩn về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, có đầy đủ các thiết bị bảo đảm cho quy trình sản xuất. Đến thời điểm này, cơ sở của anh đã sản xuất và tiêu thụ được 2 lứa đông trùng hạ thảo và đang đi vào ổn định với sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, sản phẩm khô và rượu đông trùng hạ thảo. Thành công này đã mở ra một cơ hội nghề mới có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, cũng như góp phần đưa thêm những sản phẩm có chất lượng phục vụ du khách tại Khu Du lịch Hải Tiến.

Khi được hỏi về cách làm OCOP của huyện, ông Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho biết: Nhận thấy các sản phẩm OCOP sẽ góp phần quan trọng trong việc khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Hoằng Hóa, hướng đến thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg, UBND huyện Hoằng Hóa đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm với chủ đề “Phát triển sản phẩm chủ lực OCOP huyện Hoằng Hóa”.

Sau khi xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình, huyện đã thành lập ban điều hành chương trình gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bố trí cán bộ, công chức kiêm nhiệm tham mưu, giúp việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp huyện, cấp xã gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; hàng tháng tổ chức giao ban đánh giá tiến độ thực hiện các công việc để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương có thể thành lập các tổ nghiệp vụ giúp việc chuyên môn cho ban chỉ đạo, ban điều hành cấp huyện, xã. Đồng thời, rà soát, đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí. Tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có bảo đảm mục tiêu đề ra, bao gồm các nhóm sản phẩm: Thực phẩm và đồ uống; thời trang và lưu niệm; nội thất và trang trí; dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, huyện đưa ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2019-2020, khởi động chương trình và tập trung xây dựng cho một số sản phẩm trong huyện, như: Nước mắm và sản phẩm thủy sản ở các xã vùng biển, vùng triều; bánh nhãn (Hoằng Phú, Hoằng Quỳ), nem chua (Hoằng Quỳ), mắm cáy (Hoằng Khê), nghề mộc (Hoằng Đạt, Hoằng Lương, Hoằng Cát), mật ong (Hoằng Xuân), dừa nước (Hoằng Thành, Hoằng Trạch), rượu (Hoằng Thắng, Hoằng Yến), thuốc lào (Hoằng Tân), mây tre đan (Hoằng Thịnh), rau VietGAP (Hoằng Hợp, Hoằng Giang, Hoằng Trinh), gạo (Hoằng Phú, Hoằng Quý, Hoằng Đức, Hoằng Đạt), my mắt thời trang (Hoằng Trinh)... Khởi tạo ý tưởng cho ra các sản phẩm mới như: Du lịch cộng đồng, nông nghiệp - du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, khôi phục sản phẩm truyền thống... Phấn đấu xây dựng thương hiệu từ 5 đến 10 sản phẩm cấp huyện; từ 1 đến 2 sản phẩm cấp tỉnh. Giai đoạn 2021-2025, tập trung xây dựng thương hiệu 15 sản phẩm, trong đó có 5 sản phẩm cấp tỉnh, 2 sản phẩm cấp quốc gia. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm.

Từ mục tiêu cụ thể trên, huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đưa mục tiêu thực hiện chương trình OCOP bổ sung vào chương trình công tác trọng tâm hằng năm và kế hoạch 5 năm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể bắt đầu từ năm 2019 trở đi; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình, lựa chọn sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, sản phẩm tiềm năng để đưa vào OCOP, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, làng nghề, HTX, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế được ổn định, lâu dài. Bước đầu thực hiện chương trình, huyện đã có 3 sản phẩm, gồm: Mắm tôm, mắm tép, nước mắm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Để các sản phẩm còn lại tiếp tục đạt được xếp hạng sản phẩm OCOP như của Lê Gia thì ngoài sự hỗ trợ của huyện, của tỉnh, điểm mấu chốt quyết định sự thành công vẫn phải là chất lượng của sản phẩm, là giá trị mà sản phẩm mang lại cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, yếu tố không thể thiếu được là sự quyết tâm của doanh nghiệp, của đơn vị sản xuất ra sản phẩm để từ đó sẵn sàng thay đổi từ tư duy, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ cho đến xây dựng nhãn mác hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường... Và quan trọng nhất là sau khi được xếp hạng là sản phẩm OCOP thì đơn vị phải phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Đó mới là giá trị thực mà sản phẩm được xếp hạng OCOP cần hướng tới.

Tô Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]