(Baothanhhoa.vn) - Nằm ngay ở vùng hạ lưu sông Chu, sông Mã, xung quanh là đồng ruộng trù phú, làng mạc đông vui, ngã ba sông rộng mở, bãi bồi bát ngát hoa màu, rừng cây, thuyền đi ngược, về xuôi…, chùa Vồm đặt bên chân núi Bàn A thuộc xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) hiện lên như một nét điểm xuyết cho bức tranh phong cảnh sinh động, muôn màu, muôn vẻ mà rất mực nên thơ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Núi Bàn A - chùa Vồm: Đặc sắc một thắng cảnh

Nằm ngay ở vùng hạ lưu sông Chu, sông Mã, xung quanh là đồng ruộng trù phú, làng mạc đông vui, ngã ba sông rộng mở, bãi bồi bát ngát hoa màu, rừng cây, thuyền đi ngược, về xuôi…, chùa Vồm đặt bên chân núi Bàn A thuộc xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) hiện lên như một nét điểm xuyết cho bức tranh phong cảnh sinh động, muôn màu, muôn vẻ mà rất mực nên thơ.

Núi Bàn A - chùa Vồm: Đặc sắc một thắng cảnh

Gian chính của chùa Vồm được đặt ngay dưới chân núi Bàn A, trong khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng.

Núi Bàn A là ngọn núi danh thắng nổi tiếng xứ Thanh có hình thù và màu sắc rất đẹp, được hợp thành từ hai ngọn núi là núi Vồm và núi Bằng Trình. Nơi đây gắn với truyền thuyết về cuộc tranh đấu giữa ông Vồm, 1 nhân vật trong thần thoại xa xưa ở xứ Thanh, có sức khỏe phi thường, có công đào sông, đắp núi, lập ấp với ông Bưng, tức Lê Phụng Hiểu, một danh sĩ thời Lý được nhân dân huyền thoại hóa.

Núi Bàn A - chùa Vồm: Đặc sắc một thắng cảnhCổng chùa đã phủ màu rêu phong gồm có 1 cổng chính và 2 cổng phụ hai bên, mang đậm phong cách đặc trưng của kiến trúc thế kỉ 15.

Chuyện kể rằng: Ông Vồm vốn là một đô vật vô địch ở đất Thiệu Hóa, nghe tiếng ông Bưng liền tìm đến đọ sức. Khi Vồm đến thì mẹ Bưng cho biết con trai bà đang đi đốn củi ở núi xa sắp về đến nhà. Vồm ngạc nhiên hỏi tại sao bà biết Bưng sắp về. Bà trả lời: “Anh không thấy sao, bóng nó gánh củi từ xa đã ngả về đến sân rồi đó”. Vồm nhìn thấy bóng của Bưng rợp cả một vùng, vội vã rút lui ngay. Về đến sân, nghe mẹ kể chuyện Vồm đến thách vật, Bưng quay ngang gánh củi đuổi theo Vồm. Vừa gặp Vồm, hai người lao vào giao đấu. Trận đấu giữa hai lực sĩ diễn ra gay cấn, căng thẳng kéo dài đến keo vật thứ 18 thì Vồm đuối sức nên đã bị Bưng nhấc bổng người lên, quật đòn chí mạng. Thân thể đồ sộ của Vồm bay vút ra xa, dính chặt vào vách núi và hóa thân thành đá. Từ đó, sông núi, chùa chiền, tên làng xã nơi đây được mang tên ông Vồm.

Chùa Vồm (hay còn gọi là chùa Đại Hùng) được xây dựng ở chân núi Bàn A vào năm Quang Thuận (1460) dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ngôi chùa có thế dựa vào núi đá, được dãy núi và tầng tầng lớp lớp cây xanh mướt che chở tạo nên một không gian bình yên, tĩnh lặng pha chút nét kì bí, hoang sơ.

Trong khuôn viên chùa lưu giữ nhiều di vật, dấu tích có giá trị cao về văn hóa, lịch sử, như: Tượng Phật A Di Đà khắc bằng đá, những bài thơ của các nhân vật lịch sử được khắc trên sườn núi… Chùa Vồm cùng với núi Bàn A là loại hình di tích thắng cảnh và kiến trúc nghệ thuật, thể hiện trí tuệ, sự tài hoa, khéo léo của người xưa và được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2011.

Núi Bàn A - chùa Vồm: Đặc sắc một thắng cảnhTượng Phật A Di Đà cao 6m, rộng 3,2m được khắc trực tiếp vào vách đá xuất hiện từ thế kỉ 17.

Núi Bàn A và chùa Vồm từ xa xưa đã trở thành điểm dừng chân, là nơi tri ngộ và gợi nhiều cảm hứng cho các tao nhân, mặc khách. Nhiều bậc quân tử, nhà thơ đã không thể kìm lòng mình trước vẻ đẹp độc đáo, thơ mộng ở vùng đất nơi Ngã Ba Đầu mà để lại nhiều tác phẩm thi ca được khắc trên vách núi.

Núi Bàn A - chùa Vồm: Đặc sắc một thắng cảnhNhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật núi Bàn A được cổ nhân khắc vào vách núi.

Từ trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp vừa kì vĩ vừa sinh động của cảnh vật xung quanh, mới thấy được cổ nhân xưa đã tinh tường cảm nhận và đúc kết mười cảnh đẹp quây quần, hội tụ xung quanh núi: Khánh Bằng liệt chướng/ Lương Mã song phàm/ Thạch tượng dục hà/ Linh quy xuất thủy/ Cổ độ kỳ đình/ Viễn sầm yên thụ/ Cô thôn mao xá/ Cách ngạn thiền lâm/ Sơn hạ ngư kỳ/ Giang trung mục phố. Dịch nghĩa là: Núi Bằng Trình ở Đại Khánh giăng hàng/ Đôi cột buồm trên dòng sông Lương (sông Chu), sông Mã/ Voi đá (núi Voi) tắm sông/ Rùa thiêng rẽ nước/ Đình cờ cổ độ/ Cây khói non xa/ Nhà tranh thôn vắng/ Chùa cách bên sông/ Làng chài dưới núi/ Bãi tắm trâu ở trong sông.

Núi Bàn A - chùa Vồm: Đặc sắc một thắng cảnh

Tấm bia đá ghi mười cảnh đẹp của danh thắng Bàn A được đặt trên đỉnh núi.

Núi Bàn A - chùa Vồm: Đặc sắc một thắng cảnhKhánh bằng liệt chướng.

Núi Bàn A - chùa Vồm: Đặc sắc một thắng cảnhLương Mã song phàm.

Núi Bàn A - chùa Vồm: Đặc sắc một thắng cảnh

Thạch tượng dục hà.

Núi Bàn A - chùa Vồm: Đặc sắc một thắng cảnhXa xa, núi Đọ sừng sững, nơi còn lưu dấu tích của người nguyên thủy.

Có thể nói, núi Bàn A - chùa Vồm như có sự sắp đặt tự nhiên của tạo hóa và con người để cả hai gắn kết, hòa quyện với nhau không thể tách rời, tạo nên một không gian đặc sắc như thực, như hư, làm mê đắm những ai đã từng dừng chân thưởng lãm. Việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy di tích thắng cảnh núi Bàn A - chùa Vồm cũng chính là gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan môi trường thiên nhiên, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và cả cộng đồng.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]