(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, trên địa bàn huyện Quảng Xương có nhiều nghề truyền thống như nghề trồng cói và sản xuất các sản phẩm từ cói tại các xã Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Vọng, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc, Quảng Hợp; nghề chế biến thủy sản ở xã Quảng Nham và nghề trồng đào xã Quảng Chính.

Phát triển sản phẩm làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu tại huyện Quảng Xương

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quảng Xương có nhiều nghề truyền thống như nghề trồng cói và sản xuất các sản phẩm từ cói tại các xã Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Vọng, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc, Quảng Hợp; nghề chế biến thủy sản ở xã Quảng Nham và nghề trồng đào xã Quảng Chính.

Phát triển sản phẩm làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu tại huyện Quảng XươngAnh Trần Văn Nuôi (xã Quảng Nham) giới thiệu sản phẩm “Nước mắm Sông Yên”.

Được kế nghiệp xưởng sản xuất nước mắm từ gia đình, anh Trần Văn Nuôi, xã Quảng Nham (Quảng Xương) đã nỗ lực phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thành công nhãn hiệu “Nước mắm Sông Yên”, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và góp phần nâng tầm giá trị nước mắm truyền thống. Với anh Nuôi, cái tâm và niềm đam mê chính là nền tảng để đưa sản phẩm của gia đình vươn xa. Vừa nhanh tay mở từng chiếc chum để kiểm tra sản phẩm, anh Nuôi tâm sự: Ở xã vùng biển này, hầu hết mọi người đều biết ủ cá và muối mắm, nhưng cơ duyên với nghề thì không phải ai cũng có, bởi để có được một sản phẩm chất lượng, ngoài việc lựa chọn nguyên liệu tươi, ủ muối đúng kỹ thuật thì cần phải có sự cần mẫn của người lao động. Với nguyên liệu chủ yếu là cá cơm than giàu đạm, muối hạt ướp cá phải bảo quản ít nhất 1 năm để loại bỏ hết vị đắng và chát... Cá cơm sau khi đưa về được rửa sạch và ướp muối theo tỉ lệ 3:1, nén chặt trong bể để lên men tự nhiên. Sau 9 đến 12 tháng theo dõi, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt mới tạo ra những giọt nước mắm nhĩ đầu tiên có độ đạm cao, màu vàng cánh gián, đậm đà hậu vị, mùi hương nhẹ dịu đặc trưng.

Đứng trước thách thức vừa phát triển sản phẩm nghề vừa xây dựng thương hiệu, anh Nuôi đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, mạnh dạn cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa hình thức, mẫu mã cho sản phẩm. Để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, anh còn chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm... Với chiến lược kinh doanh hợp lý, trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của anh Nuôi cung cấp ra thị trường hơn 60 nghìn lít nước mắm, doanh thu hàng trăm triệu đồng. Sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, ngày càng được nhiều người biết đến. Hiện sản phẩm của anh đã được truy xuất nguồn gốc, giá trị sản phẩm ngày càng tăng cao.

Ngoài nghề chế biến hải sản, trồng và chế biến cói cũng là nghề đã phát triển lâu đời trên địa bàn. Đến nay, huyện Quảng Xương có 550 ha trồng cói, tập trung ở các xã: Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Vọng, sản lượng cói đạt gần 7.000 tấn/năm. Để phát triển các sản phẩm từ nghề trồng cói gắn với xây dựng thương hiệu, huyện Quảng Xương đã có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động nông thôn. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 450 máy dệt chiếu và gần 1.000 hộ tham gia dệt chiếu, với sản lượng hàng năm khoảng 3 triệu đôi chiếu các loại. Không chỉ mang lại lợi nhuận cho các hộ chủ máy, nghề sản xuất chiếu cói còn giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 5.000 lao động địa phương, với thu nhập từ 3 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện, huyện đang tiếp tục chỉ đạo các xã có nghề quan tâm xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm, duy trì và mở rộng vùng trồng cói để đáp ứng yêu cầu nguồn nguyên liệu cho sản xuất, phấn đấu xây dựng thương hiệu chiếu cói Quảng Xương.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quảng Xương, phấn đấu đến năm 2025, có 100% sản phẩm làng nghề được xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu; 100% sản phẩm làng nghề được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đăng ký nhãn hiệu, 100% các sản phẩm làng nghề được ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập của lao động làng nghề. Để thực hiện kế hoạch này, địa phương sẽ tiếp tục định hướng, hỗ trợ các xã, thị trấn xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề, máy móc, thiết bị và chuyển giao công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người lao động. Xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm làng nghề. Đồng thời, hỗ trợ các làng nghề quảng bá, xúc tiến thương mại, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm của tỉnh. Bên cạnh đó, hướng dẫn các làng nghề tuân thủ tốt vấn đề bảo vệ môi trường; các sản phẩm làng nghề liên quan đến chế biến thực phẩm được hướng dẫn bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; xây dựng lộ trình các sản phẩm làng nghề được chứng nhận OCOP.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]