(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra và lớn lên từ làng nghề truyền thống, hơn bao giờ hết lớp trẻ nơi đây thấu hiểu và trân trọng những giá trị tinh hoa nghề nghiệp của cha ông tạo dựng bao đời. Để từ đó, nhiều thanh niên đã tiếp nối, phát huy nghề, khẳng định được bản lĩnh và tìm thị trường ổn định cho sản phẩm của gia đình, quê hương.

Khởi nghiệp từ nghề truyền thống

Sinh ra và lớn lên từ làng nghề truyền thống, hơn bao giờ hết lớp trẻ nơi đây thấu hiểu và trân trọng những giá trị tinh hoa nghề nghiệp của cha ông tạo dựng bao đời. Để từ đó, nhiều thanh niên đã tiếp nối, phát huy nghề, khẳng định được bản lĩnh và tìm thị trường ổn định cho sản phẩm của gia đình, quê hương.

Khởi nghiệp từ nghề truyền thốngAnh Nguyễn Bá Quý trở thành nghệ nhân làng nghề khi chưa đầy 30 tuổi.

“Giữ hồn” nước mắm quê hương

Làng mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) có từ hàng trăm năm nay, nhưng trước đây, người dân chỉ muối cá mắm ăn trong nhà và lấy mắm trao đổi hàng hóa cho những người ở xa. Mắm Khúc Phụ thời ấy có giá vô cùng, vì mắm nổi tiếng thơm ngon, nên cuộc sống của người dân trong làng cũng no đủ nhờ mắm. Thế nhưng, chưa đầy nửa thế kỷ sau khi đất nước thống nhất, vị thế lẫn danh tiếng của nước mắm truyền thống mai một dần khi cuộc đối đầu với nước chấm công nghiệp nổ ra. Nghề không sống được với thời cuộc, người làng dần bỏ sản nghiệp tổ tiên.

Để đưa nghề làm nước mắm trở lại, bên cạnh sự nỗ lực của các tổ chức chính quyền, nhiều bạn trẻ có trình độ, bản lĩnh của làng mắm đã không ngại khó, ngại khổ, mạnh dạn đầu tư, quyết tâm gắn bó với nghề, trở thành những tấm gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, điểm sáng cho phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích phát triển kinh tế của địa phương. Điển hình như câu chuyện của anh Nguyễn Văn Các, 36 tuổi, thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ - chủ nhân sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, nước mắm Khúc Phụ thương hiệu Bà Hoan.

Sinh ra và lớn lên cùng với hương vị nước mắm quê hương nhưng vì áp lực cuộc sống, anh Các buộc phải xa quê, tìm kiếm cơ hội nơi xứ người. Tuy nhiên, chính cuộc sống xa gia đình, xa quê khiến anh càng thêm thương nhớ vị mắm đã thấm đượm ký ức, tuổi thơ. Mang theo nỗi nhớ thương da diết ấy, cùng với trăn trở làm sao tiếp tục theo nghề làm nước mắm, năm 2015, anh Các quyết tâm trở về, nối dài truyền thống của gia đình, đóng góp sức mình xây dựng quê hương. Anh Các chia sẻ: “Nước mắm không chỉ là nghề mưu sinh, đó là sản nghiệp tiền nhân phải gìn giữ”.

Để có cái nhìn toàn diện hơn về nước mắm truyền thống trong thị hiếu của người tiêu dùng, anh Các đã không ngừng tìm tòi các tài liệu nghiên cứu, khảo sát thị trường; tham quan nhiều mô hình nước mắm truyền thống tại Nha Trang, Phú Quốc... với mong muốn cho ra sản phẩm mắm đậm đà truyền thống và hạn chế những điểm bất lợi (nặng mùi, vị gắt). Nhận thức rõ việc muốn sản phẩm vươn xa, không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát mà phải thành lập công ty để có cơ sở pháp lý đưa sản phẩm thâm nhập những thị trường khó tính, theo đó, năm 2017, anh Các thành lập Công ty TNHH Khuê Các tại thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ hoạt động đa lĩnh vực, trong đó, việc sản xuất, chế biến nước mắm Khúc Phụ thương hiệu Bà Hoan là “mũi nhọn”.

Vì là người trẻ nên anh muốn mang “hơi thở” của tuổi trẻ thổi hồn vào từng giọt mắm, cũng bởi lẽ vậy nên anh Các làm mắm theo phong cách và tư duy mới mẻ, đó là phải có chiến lược và khác biệt. Năm 2018, anh Các nhập 8 thùng gỗ bời lời về sử dụng, thay thế cho các thùng phuy, thùng nhựa, bể xi măng thường được dùng trong khâu ủ chượp và tiến hành muối mắm theo công thức riêng của gia đình kết hợp với kinh nghiệm truyền thống. Anh bảo, bí kíp gia truyền ấy mang vàng đến cũng không đổi được. Đó là tinh túy tổ tiên mà người Hoằng Phụ may mắn sở hữu. “Chỉ cá và muối cho ra nước mắm, không có thêm chất gì trong cách làm nước mắm ở nhà tôi cũng như làng này”, anh Các khẳng định.

Năm 2020, anh Các đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, chế biến nước mắm tại thôn Hồng Kỳ, xã Hoằng Phụ với tổng diện tích khoảng hơn 2.000m2, chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Cùng với đó, anh mở rộng quy mô sản xuất, nhập thêm 22 thùng gỗ bời lời phục vụ nhu cầu ủ chượp. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, anh Các chú trọng hoàn thiện quy cách sản phẩm, mẫu mã, nhãn mác. Đồng thời, anh tích cực đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm qua các kênh: website, fanpage, tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... Nhờ đó, hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nước mắm Khúc Phụ của công ty không ngừng được tăng lên. Hiện nay, thương hiệu nước mắm Khúc Phụ Bà Hoan đã có tại các nhà hàng lớn, hệ thống 70 cửa hàng phân phối trong cả nước, một số siêu thị lớn như Co.opmart, BigC... Công ty của anh Các hiện tạo việc làm cho gần 20 lao động có thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Dự kiến trong 3 năm tới, mỗi năm cơ sở sản xuất nước mắm Bà Hoan Công ty TNHH Khuê Các sẽ tăng sản lượng lên khoảng 1 triệu lít nước mắm/năm.

Anh Các tâm niệm, người trẻ khởi nghiệp là phải biết tạo ra các sản phẩm phù hợp với xu thế. Vì vậy, không chỉ tạo ra các sản phẩm mắm truyền thống, mà anh Các còn tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện đại. “Trong thời đại hiện nay, người trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm chẳng phải điều dễ dàng, nhiều người phải bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đi học nghề làm chỗ dựa cho bản thân và gia đình. Trong khi đó, bản thân mình có một nền tảng tốt để phát triển thì tại sao không hết lòng với nó”, anh Các chia sẻ.

Yêu và tự hào với nghề của cha ông

Cũng như nhiều người trẻ đã và đang gắn bó với nghề truyền thống và từng bước gặt hái được những thành công nhất định, anh Nguyễn Bá Quý, làng Chè – Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) xem đó là một may mắn, một niềm tự hào không phải ai cũng có được.

Hơn 30 tuổi đời nhưng anh Nguyễn Bá Quý đã có tới hơn 20 năm tuổi nghề. Sinh ra từ cái nôi của nghề truyền thống đúc đồng nên anh Quý lớn lên bên ánh lửa bập bùng của những lò đúc đồng và được thừa hưởng sự khéo léo, niềm đam mê với nghề đúc đồng truyền thống của người cha nổi tiếng – Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu, người tạo nên nhiều kỷ lục Guinness về đúc đồng truyền thống. Vì thế, đối với anh Quý, nghề đúc đồng không đơn thuần là “kế sinh nhai” mà còn là ký ức tuổi thơ, tình yêu dành cho gia đình, quê hương. Bởi vậy, anh Quý có một niềm tin mãnh liệt về một ngày không xa, làng anh sẽ có những doanh nhân của thời đại mới mà thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp nổi tiếng khắp thế giới.

Bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm của người trẻ, năm 2012, anh Quý bắt tay vào làm trống đồng Ngọc Lũ phiên bản lớn. Sau 6 tháng tâm huyết, hăng say, tỉ mỉ chau chuốt từng công đoạn, chiếc trống hoàn thành trong sự trầm trồ, thán phục của nhiều người bởi sự tinh tế ở đường nét, hoa văn và “số đo khủng”: đường kính là 2m1, thân trống là 2m35, chiều cao của trống đạt 1m58.

Năm 2016 khi chưa tròn 30 tuổi, anh Quý được Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề, góp thêm vào bảng thành tích của gia đình một dấu ấn tiêu biểu. Năm 2018, anh Quý được Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Bằng xác lập kỷ lục “Người thực hiện phiên bản trống đồng Ngọc Lũ bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất Việt Nam”. Hơn 20 năm gắn bó với nghề truyền thống là ngần đấy năm anh góp phần làm rạng danh truyền thống gia đình. Với những cống hiến hết mình trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển làng nghề đúc đồng Trà Đông, chàng nghệ nhân trẻ đã vinh dự nhận được nhiều giấy khen, kỷ niệm chương tại các cuộc thi tay nghề của tỉnh và cả nước.

Được biết, anh Quý hiện là Phó Giám đốc Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Đông Sơn - Chè Đông. Trong những năm qua, cùng với nhu cầu thị trường ngày càng tăng, thương hiệu làng nghề đúc đồng Trà Đông ngày càng được khẳng định, ưa chuộng, công ty định hướng chú trọng đầu tư theo chiều sâu, như: đa dạng hóa, nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, tích cực tham gia xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Đặc biệt, công ty đã mạnh dạn tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Vừa qua, bộ sản phẩm trống đồng Quý Châu của công ty là một trong những sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng 4 sao. Anh Quý cho biết: “Bên cạnh việc mở rộng sản xuất, thời gian tới, công ty thực hiện ứng dụng công nghệ, sản xuất dây chuyền, từ đó đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến các sản phẩm quà lưu niệm bằng đồng phục vụ du lịch”.

“Không bao giờ được phép ngừng cố gắng” - đó là điều mà anh Quý luôn ấp ủ mang theo trên suốt hành trình phấn đấu phát triển nghề, gắn bó với nghề truyền thống của gia đình, quê hương.

Nói về đường hướng phát triển làng nghề truyền thống của xã, ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho biết: “Trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất tham gia sàn giao dịch trực tuyến. Do đó, việc tham gia của lớp trẻ là điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển làng nghề, đưa sản phẩm đúc đồng đến với đông đảo khách hàng trong nước và quốc tế”.

Điều làm nên sức hấp dẫn, nét riêng biệt, độc đáo của những làng nghề truyền thống là dấu ấn thời gian, tinh hoa sáng tạo và sự tiếp nối, trao truyền. Tuy nhiên, cơ chế thị trường đã và đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức. Bởi vậy, hơn ai hết vai trò của những người trẻ ngày càng quan trọng. Bằng tình yêu, tâm huyết đối với nghề ông cha để lại, tin rằng những người thợ ở các làng nghề sẽ làm tốt vai trò là những người kế nghiệp, giữ mãi lửa nghề cho hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]