(Baothanhhoa.vn) - Công việc của người làm cán bộ y tế dự phòng rất đa dạng như giám sát, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm; khi có dịch thì trực tiếp triển khai các biện pháp chống dịch, giảm thiểu số người mắc; bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ở bất cứ đâu có dịch bệnh thì cán bộ y tế dự phòng đều có mặt để sát cánh cùng với cán bộ y tế địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng - họ chính là những chiến sĩ áo trắng vẫn ngày đêm thầm lặng đóng góp một phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh

Công việc của người làm cán bộ y tế dự phòng rất đa dạng như giám sát, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm; khi có dịch thì trực tiếp triển khai các biện pháp chống dịch, giảm thiểu số người mắc; bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ở bất cứ đâu có dịch bệnh thì cán bộ y tế dự phòng đều có mặt để sát cánh cùng với cán bộ y tế địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng - họ chính là những chiến sĩ áo trắng vẫn ngày đêm thầm lặng đóng góp một phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh

Bác sĩ Lê Hồng Sơn, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (người bên phải ảnh) tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại huyện Nông Cống.

Gắn bó với hệ thống y tế dự phòng đến nay đã 15 năm, bác sĩ Lê Hồng Sơn, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đầu năm 2020, Thanh Hóa là nhóm tỉnh đầu tiên trên cả nước có ghi nhận ca bệnh COVID-19, bác sĩ Sơn đã trực tiếp kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng lây lan, tiêu độc, khử trùng, lập danh sách người tiếp xúc bệnh nhân, theo dõi cách ly ngay từ ngày đầu tiên; chỉ đạo kíp trực của CDC tỉnh phối hợp lấy mẫu xét nghiệm bệnh phẩm của bệnh nhân gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm chẩn đoán xác định. Cũng từ đó, các cán bộ của Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh đã làm việc không kể ngày đêm, nhiều cán bộ đã phải gác lại việc gia đình, con cái để tập trung cho công việc.

Với vai trò là đầu mối tuyến tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bác sĩ Sơn đã tham mưu cho giám đốc trung tâm, Sở Y tế, UBND tỉnh ban hành các văn bản thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Tăng cường và đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần 3 chủ động (chủ động nắm vững tình hình dịch; chủ động theo dõi, giám sát; chủ động cách ly, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch) và 4 tại chỗ (dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ). Từ những kinh nghiệm có được từ thực tiễn, bác sĩ Sơn đã ký ban hành các văn bản kịp thời mang tính cầm tay chỉ việc để các cấp, các ngành, các đoàn thể trong tỉnh dễ triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch một cách đồng bộ và có hiệu quả; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt trong ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập lây lan ra cộng đồng thông qua thành lập các tổ giám sát theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh từ cấp tỉnh đến cấp thôn bản, khu phố để kiểm soát dịch bệnh COVID-19...

Với chức năng, nhiệm vụ là thực hiện công tác y tế dự phòng, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo đúng chức năng, nhiệm vụ; có kế hoạch cụ thể cho công tác phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị đủ điều kiện về cơ số thuốc, vật chất, hóa chất, sinh phẩm để triển khai kế hoạch phòng, chống dịch. Năm 2021, trung tâm đã tổ chức xét nghiệm 105 lượt người để xác định đối tượng nghiện ma túy, xét nghiệm sàng lọc COVID-19 hơn 23.000 lượt, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm PCR hơn 2.000 lượt; tổ chức quản lý và cấp phát vật tư, vắc-xin, thuốc đúng quy trình và kịp thời đạt hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; lập kế hoạch, tổng hợp dự trù thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm theo đúng nhu cầu của đơn vị. Đã cung ứng kịp thời 19.500 liều vắc-xin tiêm chủng mở rộng và vật tư kèm theo; 52.306 liều vắc-xin tiêm chủng COVID-19; 30 lượt vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19..., được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát Hồ Văn Trọng cho biết, đồng hành trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh, các cán bộ của đơn vị luôn nhiệt tình, hết lòng trong công việc, sẵn sàng đáp ứng kịp thời trong mọi điều kiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xử lý, đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn.

Đóng góp không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh là đội ngũ cán bộ làm công tác xét nghiệm luôn phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. Công việc của họ đòi hỏi sự tỉ mỉ, thận trọng, khéo léo nên mặc dù thường xuyên ở trong phòng xét nghiệm từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ với bộ quần áo bảo hộ, nhưng mỗi cán bộ xét nghiệm luôn tập trung cao độ để có kết quả chính xác nhất. Với họ việc có kết quả xét nghiệm nhanh, chính xác có vai trò rất quan trọng để triển khai các biện pháp cách ly đặc biệt ngay từ giờ đầu và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Ngoài ra, còn là căn cứ xác định bệnh dịch để khoanh vùng, cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm, từ đó dập dịch kịp thời.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phụng Đại, Trưởng Khoa Xét nghiệm – chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng CDC tỉnh chia sẻ: “Trải qua rất nhiều lần chống dịch như: cúm AH5N1, SARS, MERS-CoV – hội chứng hô hấp cấp Trung Đông, tả, cúm Mexico 2009..., nhưng chưa bao giờ thấy công việc áp lực như phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Từ khi bước vào cuộc chiến chống COVID-19, tập thể cán bộ, nhân viên của khoa luôn “trên từng cây số”, bất cứ khi nào có thông tin về những trường hợp nghi ngờ, chúng tôi đều trực tiếp đến tận nơi để lấy mẫu xét nghiệm, hoặc nhận mẫu từ cơ sở để xét nghiệm. Sau khi nhận bệnh phẩm phải tiến hành xét nghiệm ngay để có được kết quả sớm nhất, phục vụ nhanh nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh”. Trong môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm thì sự tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xét nghiệm, quy định về an toàn sinh học là những đòi hỏi không thể thiếu đối với cán bộ xét nghiệm. Chỉ cần bỏ qua một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm sẽ làm sai lệch kết quả, tác động trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch. Dù khó khăn, vất vả, luôn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm khi làm xét nghiệm, song vì lòng yêu nghề, sự động viên từ gia đình, đồng nghiệp đã tiếp thêm động lực giúp anh cùng các đồng nghiệp hoàn thành tốt công việc của mình.

Ở mọi thời kỳ, trong mọi hoàn cảnh những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh với lòng nhiệt huyết, cần mẫn làm việc không quản ngày, đêm, vượt qua mọi khó khăn, góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 cũng như nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh và để hướng tới mục tiêu cao nhất là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Bài và ảnh: Hà Bắc


Bài và ảnh: Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]