(Baothanhhoa.vn) - Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh (TP HCM), ngày 19-7-2021! Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày lựa chọn theo đuổi ước mơ được công tác trong ngành y tế, tôi luôn tự ý thức rằng, dẫu trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mình cũng phải thật kiên cường, mạnh mẽ để làm chỗ dựa vững chắc, niềm tin, hy vọng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Bệnh nhân cần chúng tôi, TP Hồ Chí Minh cần chúng tôi

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh (TP HCM), ngày 19-7-2021! Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày lựa chọn theo đuổi ước mơ được công tác trong ngành y tế, tôi luôn tự ý thức rằng, dẫu trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mình cũng phải thật kiên cường, mạnh mẽ để làm chỗ dựa vững chắc, niềm tin, hy vọng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Bệnh nhân cần chúng tôi, TP Hồ Chí Minh cần chúng tôi

Phía trong Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh – bệnh viện tuyến cuối với quy mô 1.000 giường bệnh điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 từ nặng đến nguy kịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhưng lúc này, giữa TP Hồ Chí Minh đau thương vì dịch COVID-19, khi đối diện với nỗi đau, sự sợ hãi, lời cầu cứu của những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP HCM này, tôi đã khóc. Tôi thương bệnh nhân của tôi. Nhìn họ cố gắng vượt qua nỗi đau, chiến đấu với bệnh tật để có thể về đoàn tụ cùng gia đình khiến tôi biết rằng khát vọng sống của họ lớn lao đến thế nào.

Hôm nay, trong kíp trực của chúng tôi có trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng vào lúc 4 giờ sáng. Khi chúng tôi tiến hành kiểm tra thấy mạch của bệnh nhân yếu, khó bắt, spo2 tụt xuống 20. Chúng tôi đã nhanh chóng gọi đồng nghiệp đến hỗ trợ cấp cứu cho bệnh nhân. Mặc dù kíp trực đã nỗ lực hết sức, tình trạng bệnh nhân ngày càng diễn biến nặng hơn. Chúng tôi tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn và đặt nội khí quản cho bệnh nhân. Sau gần 2 tiếng đồng hồ cố gắng, bệnh nhân ấy đã không qua khỏi.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy lòng mình buồn đến vậy – một cảm giác đớn đau, nghẹn ngào khó diễn tả thành lời. Tôi bước ra khỏi phòng bệnh và khóc như một đứa trẻ. Khóc vì xót thương cho những người đã khuất, những người đang thoi thóp nằm đây nặng nhọc giành giật từng hơi thở. Khóc vì thương đồng nghiệp của mình. Hỏi có đau thương không? Có! Nhưng hơn hết, lúc này, tôi và đồng nghiệp của mình hiểu rằng: Phải biết biến đau thương thành hành động, vững tâm đứng lên và quyết tâm chiến đấu đến cùng. Vì hơn bao giờ hết, bệnh nhân cần chúng tôi, Sài Gòn cần sự giúp sức của chúng tôi. Chúng tôi là những người trên tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19.

Bệnh nhân cần chúng tôi, TP Hồ Chí Minh cần chúng tôi

Các nhân viên y tế tận tình chăm sóc cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP HCM

Đó là những dòng nhật ký ghi vội của nữ điều dưỡng viên Nguyễn Thị Tuyết, Khoa nội A, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Thanh Hóa trong thời gian làm việc tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh, Chị Tuyết là thành viên trong đoàn công tác gồm 59 y, bác sĩ tại các bệnh viện trong tỉnh Thanh Hóa lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 13–7–2021. Được biết, ngoài chị Tuyết, gia đình chị còn có 2 người khác cũng đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Đó là Thượng úy Nguyễn Văn Thuận (anh trai chị Tuyết), hiện công tác ở Đội Điều tra tổng hợp, Công an TP Thủ Đức, tham gia trực ở chốt kiểm soát phòng, chống dịch, làm án tử vong chưa rõ liên quan đến dịch bệnh COVID-19; em Nguyễn Văn Hưng, sinh viên năm cuối của Trường Đại học An ninh Nhân dân (TP Hồ Chí Minh) tham gia trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại TP Thủ Đức. “Khi biết cả 3 người con đều tham gia tuyến đầu chống dịch, bố mẹ mình rất lo lắng. Riêng mình, khi đăng ký tình nguyện tham gia đoàn công tác hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19, đã giấu gia đình, đến ngày lên đường mới báo cho bố mẹ biết. Dẫu lo lắng, thấp thỏm không yên nhưng bố mẹ hiểu trách nhiệm, ý nghĩa công việc của chúng mình nên bố mẹ đã động viên cả ba anh em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và an toàn trở về” – chị Tuyết tâm sự.

Là một điều dưỡng viên công tác tại bệnh viện lớn nhất, nhì tỉnh Thanh Hóa, trước khi quyết định dấn thân vào tâm dịch, chị Tuyết hiểu rõ hơn ai hết tính chất công việc sẽ vô cùng khó khăn, gian nan, vất vả. Đó không đơn thuần là chuyến công tác xa nhà hay sự bất tiện, mất sức khi phải bó mình trong bộ đồ bảo hộ giữa thời tiết nắng nóng gay gắt suốt nhiều giờ. Diễn biến dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh khi ấy rất phức tạp, số bệnh nhân dương tính với COVID-19 mỗi lúc càng tăng khiến cho nguy cơ lây nhiễm cao. Chỉ một chút sơ hở, bất kể ai, dù là y, bác sĩ cũng có thể hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Bệnh nhân cần chúng tôi, TP Hồ Chí Minh cần chúng tôi

Niềm vui của bệnh nhân khi được các nhân viên y tế tận tình chăm sóc.

Tuy nhiên, vượt qua tất cả nỗi sợ hãi, ám ảnh ấy, đội ngũ y, bác sĩ – những người trên tuyến đầu chống dịch vẫn kiên cường, nghị lực với mục tiêu cao nhất là điều trị tốt bệnh nhân, góp phần giúp TP Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều đoàn công tác là các y, bác sĩ, điều dưỡng viên, lực lượng cảnh sát, lực lượng quân đội... từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tình nguyện xung phong vào tâm dịch, lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh chiến thắng dịch bệnh. Tất cả cùng hướng về thành phố mang tên Bác bằng tất cả tình yêu mến, sẻ chia, chung sức đồng lòng. Không chỉ chị Tuyết mà bất kỳ ai trong đoàn công tác cũng chung một suy nghĩ, tấm lòng như thế. “Suốt quãng thời gian ở làm việc trong “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh, bản thân mình và cả đoàn cán bộ y tế tỉnh Thanh Hóa cùng các đoàn ở nhiều tỉnh khác đã nỗ lực hết mình cứu chữa, chăm sóc cho bệnh nhân. Tuy rằng mọi người từ rất nhiều nơi khác nhau nhưng khi đã bước vào tâm dịch thì tất cả cùng đồng lòng quyết tâm cao nhất sẽ đẩy lùi dịch bệnh, không phân biệt vùng miền hay chức danh” – chị Tuyết chân thành chia sẻ.

Trong tâm dịch, chị Tuyết được phân công nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Đây là bệnh viện tuyến cuối với quy mô 1.000 giường bệnh điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 từ nặng đến nguy kịch. Chị Tuyết cho biết: Đoàn y, bác sĩ tỉnh Thanh Hóa là đoàn đầu tiên vào tiếp nhận công việc từ lúc bệnh viện mới thành lập đến khi đón những bệnh nhân đầu tiên. Một kíp trực thường chỉ có 4 điều dưỡng viên phải chăm sóc cho 62 bệnh nhân, chưa có hộ lý, nhân viên môi trường nên áp lực công việc và cường độ làm việc rất lớn. Ngoài các công việc chuyên môn, thực hiện y lệnh, chăm sóc bệnh nhân toàn diện, những ngày đầu khi đang thiếu nhân lực thì công việc rất nhiều, các bác sĩ phải làm giúp các công việc cho điều dưỡng viên, trong khi đó các điều dưỡng viên phải làm những công việc của hộ lý, nhân viên môi trường... Tất cả đều ở trạng thái căng sức làm việc trong thời tiết nóng bức với bộ đồ bảo hộ kéo dài suốt nhiều giờ. Chị Tuyết chia sẻ: “Dù cho công việc hằng ngày gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, số lượng bệnh nhân đông, áp lực công việc lớn, môi trường làm việc có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng bản thân mình và đồng đội chưa bao giờ nản chí và có ý định bỏ cuộc”.

Sau gần hai tháng “chiến đấu” kiên cường trong tâm dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngày 6–9, đoàn y, bác sĩ tại các bệnh viện của tỉnh Thanh Hóa vào chi viện cho TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19 đợt I đã trở về địa phương, thực hiện nghiêm túc việc cách ly, theo dõi y tế tập trung theo đúng quy định, được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR có kết quả âm tính với COVID-19. Chị Tuyết cho biết: “Trước khi đoàn chúng tôi trở về, tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh tuy vẫn còn phức tạp nhưng đã có nhiều tín hiệu tốt, số ca nhiễm và số ca bệnh nặng, nguy kịch giảm; một số quận, huyện đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh”. Từ ngày 13-7 đến ngày 6-9, đoàn công tác đã góp phần điều trị, chữa khỏi bệnh cho khoảng 600 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19.

Ngày chia tay các đồng nghiệp, bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh, chị Tuyết và tất cả y, bác sĩ trong đoàn, ai ai cũng chất chứa trong lòng nhiều tâm sự, cảm xúc riêng. Chị Tuyết cho biết: “Cảm xúc buồn vui lẫn lộn và có đôi chút tiếc nuối. Nghĩ đến việc đoàn đã nỗ lực, cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nay sắp được về quê hương, được gặp lại gia đình, đồng nghiệp, bạn bè sau bao ngày xa cách thật vui sướng. Nhưng nhìn lại tình hình dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, bệnh viện vẫn đang bộn bề công việc, các đồng nghiệp ở lại vẫn đang dũng cảm chiến đấu chống lại với đại dịch mà lòng không nỡ rời đi”.

Với những người y, bác sĩ, còn điều gì hạnh phúc, ý nghĩa hơn là được nhìn thấy bệnh nhân của mình sớm bình phục, tiếp tục sự sống. Có lẽ, gần hai tháng chiến đấu hết mình trong tâm dịch TP Hồ Chí Minh sẽ mãi là quãng thời gian khắc nghiệt nhất nhưng cũng đẹp đẽ, nhiệt huyết, tự hào nhất trong lòng những người y, bác sĩ ấy. Chị Tuyết tâm sự: “Sau một thời gian công tác tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, bản thân mình học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm như: cách làm việc nhóm, về chuyên môn, cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân, kinh nghiệm chăm sóc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch”. Quan trọng hơn tất thảy, quãng thời gian ấy khiến chị Tuyết và những y, bác sĩ càng thấm thía sâu sắc trách nhiệm, ý nghĩa công việc của mình, từ đó càng thêm yêu, trân trọng, quyết tâm gắn bó với nghề hơn. “Khi tình nguyện đăng ký tham gia đoàn công tác, tâm thế mình thực sự thoải mái. Lúc đó, mình chỉ tâm niệm một điều: Bản thân còn trẻ tuổi nên cần nỗ lực xông pha, cống hiến hết sức mình. Ai cũng có một gia đình để trở về, một công việc để làm, một niềm đam mê để cống hiến và một Tổ quốc để phụng sự” - chị Tuyết chia sẻ.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]