(Baothanhhoa.vn) - Trong thời gian qua, các địa phương khu vực miền núi của tỉnh đang tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển đàn vật nuôi chủ lực có lợi thế gắn với nhu cầu của thị trường. Do đó, việc thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao và chuỗi khép kín.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi ở miền núi

Trong thời gian qua, các địa phương khu vực miền núi của tỉnh đang tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển đàn vật nuôi chủ lực có lợi thế gắn với nhu cầu của thị trường. Do đó, việc thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao và chuỗi khép kín.

Thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi ở miền núi

Dự án Khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao, an toàn tại xã Thạch Tượng (Thạch Thành).

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu, triển khai công tác đầu tư xây dựng, các địa phương khu vực miền núi của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thủ tục hành chính nhanh, gọn... để tạo sức hấp dẫn cho các doanh nghiệp khi đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Điểm nhấn trong thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi gắn với chế biến trên địa bàn các huyện miền núi là Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại xã Phú Nhuận (Như Thanh). Dự án được ứng dụng công nghệ hiện đại với quy mô 2.000 con bò, tổng vốn đầu tư hơn 224 tỷ đồng, trên diện tích 34 ha. Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, hiện năng suất sữa bình quân tại trang trại bò sữa đạt 29,2 lít/con/ngày, tổng sản lượng toàn trang trại đạt hơn 58.000 lít/ngày. Việc đầu tư dự án này không chỉ mang lại diện mạo mới cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện Như Thanh mà còn góp phần đưa kỹ thuật chăn nuôi bò sữa nhân rộng trong nhân dân, cung cấp nguồn sữa tươi nguyên liệu đạt chất lượng cao cho nhà máy chế biến. Ngoài ra, dự án còn tạo việc làm cho hàng nghìn hộ dân của các huyện Như Thanh, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc thông qua hợp đồng cung cấp nguyên liệu làm thức ăn nuôi bò sữa cho công ty. Mới đây, tại xã Thạch Tượng (Thạch Thành) triển khai dự án Khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao, an toàn tại khu vực Bắc Việt Nam, do Công ty TNHH Dịch vụ và Chăn nuôi New Hope Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện trên diện tích 112,5 ha, có quy mô 500.000 con/năm, trong đó, giai đoạn 1 là 70.000 con/năm, giai đoạn 2 là 430.000 con/năm, với tổng mức đầu tư 50 triệu USD. Hiện công ty đã hoàn thành chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng các trạm biến áp và khoan các giếng nước ngầm. Đồng thời, đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phân khu chuồng trại phục vụ chăn nuôi. Ngoài ra, các huyện miền núi của tỉnh đã thu hút được nhiều dự án chăn nuôi gắn với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, như: Chuỗi Chăn nuôi lợn của Công ty CP Nông sản thực phẩm Việt Hưng tại xã Thành Tâm (Thạch Thành); Dự án chăn nuôi Bò Úc của Công ty CP Chăn nuôi Bá Thước, tại xã Lương Trung; Dự án “ứng dụng công nghệ cao để chăn nuôi lợn giống, sản xuất thức ăn lên men và sản xuất phân bón” của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương tại xã Minh Tiến (Ngọc Lặc)... Ngoài ra, tại địa phương cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng tập trung ở các địa phương khu vực miền núi vẫn còn hạn chế, do khó khăn trong việc tích tụ đất đai. Đây cũng chính là rào cản khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, quy mô lớn. Khâu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi luôn trong tình trạng bấp bênh, hầu như các trang trại đều phải tự lo đầu ra. Tình hình chăn nuôi có nhiều bất lợi do dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh... Ngoài ra, những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng cũng khiến các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn sau khi đã thu xếp được vốn để thi công dự án. Đơn cử như Dự án trang trại chăn nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao Tiger tại xã Trí Nang (Lang Chánh) tổng mức đầu tư 849 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi T.I.G.E.R đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016 và hoàn thành dự án tháng 12-2019. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới xây dựng đạt hơn 90% các hạng mục công trình và đang tiến hành lắp đặt thiết bị chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải sau biogas... và công ty đang đề nghị được gia hạn thời gian hoàn thành dự án.

Xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tiêu biểu là cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020. Đối với từng dự án, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng và không quá 3,5 tỷ đồng/khu đối với miền núi... cùng với đó, tỉnh cũng có một số chính sách đặc thù, như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ... Hàng năm, tỉnh sẽ bố trí ngân sách hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư trong việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, dịch vụ tư vấn và áp dụng khoa học công nghệ... Ngoài ra, 11 huyện miền núi trong tỉnh đều ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng bền vững. Tại huyện Như Xuân, để khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ 25 triệu đồng/trang trại chăn nuôi trâu, bò có tổng đàn từ 20 con trở lên; hỗ trợ 10 triệu đồng/trang trại chăn nuôi dê có tổng đàn từ 100 con trở lên; hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm; trồng cỏ chăn nuôi... Từ các chính sách khuyến khích, đến nay, huyện Như Xuân đã có gần 20 trang trại chăn nuôi gia súc đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phát triển được gần 10.000 con trâu, 4.000 con bò, 20.000 con lợn, 10.000 con dê...

Việc thu hút các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư vào chăn nuôi gắn với chế biến ở các huyện miền núi đạt được những kết quả đáng khích lệ; gắn kết vùng nguyên liệu với khu chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao.

Đẩy mạnh liên kết phát triển chăn nuôi

Thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi ở miền núi

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã thu hút được Công ty CP Nông sản Phú Gia và Công ty CP Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân, đầu tư cụm trang trại để liên kết chăn nuôi gà phục vụ chế biến xuất khẩu theo chuỗi công nghệ cao tại hai xã Minh Tiến và Lam Sơn, với công suất khoảng 2,8 triệu con gà thịt/năm. Việc liên kết được thực hiện theo phương thức, doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn, chịu trách nhiệm tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng, chống dịch bệnh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi con nuôi đạt kích cỡ thương phẩm. Mô hình liên kết được thực hiện theo hướng tập trung, quy mô lớn và theo chuỗi, nên con nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh và bảo đảm thu nhập của người chăn nuôi. Ðể việc liên kết chăn nuôi thực sự mang lại hiệu quả, huyện Ngọc Lặc tiếp tục khuyến khích và luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi. Áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị (từ giống, thức ăn đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm) để nâng cao chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Phạm Công Cúc

Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc

Từng bước phát triển trang trại chăn nuôi ở miền núi

Thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi ở miền núi

Phát triển kinh tế trang trại, gia trại được xem là hướng đi phù hợp với khu vực miền núi để khai thác lợi thế về đất đai, nguồn lao động dồi dào. Đây còn là bước đệm để người dân mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Những năm gần đây, các huyện miền núi của tỉnh đã đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đến tháng 3-2020, trên địa bàn các huyện miền núi đã xây dựng được 42 trang trại chăn nuôi với quy mô vừa và nhỏ; 67 trang trại quy mô lớn. Chăn nuôi tập trung quy mô lớn được xác định là giải pháp then chốt để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, áp dụng các công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất ở các huyện miền núi. Các địa phương miền núi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, thực trạng phát triển trang trại chăn nuôi ở khu vực miền núi chủ yếu chăn nuôi gia công, thu nhập của người chăn nuôi chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào các công ty thuê chăn nuôi. Chăn nuôi nông hộ hiệu quả kinh tế còn thấp, sản xuất theo chuỗi liên kết còn ít và chưa bền vững.

Ông Mai Thế Sang

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi

Thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi ở miền núi

Từ năm 2015-2020, huyện Như Thanh đã thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển chăn nuôi được 18 dự án quy mô lớn, như: Dự án chăn nuôi lợn ngoại quy mô 2.400 lợn nái, 6.000 lợn thịt tại xã Xuân Khang; 14 dự án chăn nuôi gà liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô 30.000 con/lứa tại các xã Xuân Du, Cán Khê, Thanh Tân; dự án chăn nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả tại xã Xuân Du; dự án chăn nuôi lợn ngoại xã Thanh Tân; dự án chăn nuôi gà công nghệ cao 4A tại xã Mậu Lâm... Để thu hút các cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư các dự án phát triển chăn nuôi, huyện Như Thanh luôn tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, thủ tục thuê đất để triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, huy động nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng bảo đảm cho việc đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Ông Vũ Hữu Tuấn

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh.

Phát triển chăn nuôi gắn với kiểm soát dịch bệnh

Thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi ở miền núi

Phần lớn các hộ dân trên địa bàn miền núi vẫn còn duy trì chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán nên khó kiểm soát về dịch bệnh và môi trường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, như: Cúm gia cầm H5N1, lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh, dịch tả lợn... gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Vì vậy, việc quản lý chặt chẽ các hoạt động liên quan đến chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y là rất cần thiết. Trong đó cần tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng; công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm phải được triển khai kịp thời. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho người chăn nuôi về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Người chăn nuôi cũng cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Sau khi xuất bán đàn vật nuôi, chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ; khi nhập giống gia súc, gia cầm người chăn nuôi cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch đề phòng lây lan mầm bệnh, tránh thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến an toàn dịch bệnh trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thế Huy

(Thôn Tân Lập, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân)

Bài và ảnh: Hải Đăng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]