(Baothanhhoa.vn) - Kỷ nguyên 4.0 và nền kinh tế số toàn cầu đã và đang tạo ra “làn sóng” chuyển đổi số (CĐS) ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi phương thức sống, làm việc, học tập... góp phần tạo ra nhiều “giá trị mới”.

Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu

Kỷ nguyên 4.0 và nền kinh tế số toàn cầu đã và đang tạo ra “làn sóng” chuyển đổi số (CĐS) ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi phương thức sống, làm việc, học tập... góp phần tạo ra nhiều “giá trị mới”.

Chuyển đổi số - xu hướng tất yếuThực hiện chuyển đổi số, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện thanh toán phí dịch vụ không dùng tiền mặt.

Hòa nhịp xu hướng số, những năm qua Công ty CP Tramexco (TP Thanh Hóa) đã số hóa trong việc chấm công online, hoàn thiện bảng công, bảng lương cho từng vị trí. Nhờ sử dụng phần mềm chấm công tại hiện trường bằng công nghệ định vị tọa độ GPS giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả thời gian cũng như hiệu suất làm việc của người lao động tại từng công trình. Từ đó, tiết kiệm tối đa thời gian truy xuất công, làm công, làm lương mỗi tháng của bộ phận nhân sự, kế toán. Ngoài ra CĐS còn giúp Tramexco số hóa và phê duyệt đề xuất trực tuyến; số hóa công việc - tự động hóa giao việc; số hóa hồ sơ nhân sự; số hóa văn bản hành chính, quản lý tài liệu... mang lại nhiều tiện ích và giá trị trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã kịp thời chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh theo hướng số hóa để thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 và xu hướng chung của thế giới, giúp nâng cao hiệu suất công việc, năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường, gia tăng lợi nhuận cũng như cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Để hỗ trợ doanh nghiệp CĐS, Thanh Hóa đã triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ Thông tin và Truyền thông đến các doanh nghiệp trên địa bàn. Tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng chuyên trang CĐS (http://chuyendoiso.thanhhoa.gov.vn), nhằm tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp CĐS; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trực tuyến và trực tiếp cho trên 800 doanh nghiệp để triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn về CĐS. Hỗ trợ miễn phí giải pháp CĐS về tài chính kế toán cho 190 doanh nghiệp (chiếm 1,46% số doanh nghiệp đang hoạt động). Hỗ trợ đào tạo, trợ giá các giải pháp CĐS cho 3.677 doanh nghiệp, hộ kinh doanh (chiếm 27%).

Thanh Hóa cũng đã xây dựng sàn thương mại điện tử kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn (https://www.nongsanantoanthanhhoa.vn/); Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Thanh Hóa triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử của VCCI Thanh Hóa. Toàn tỉnh hiện có 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại, 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, 20% cơ sở kinh doanh vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán phí dịch vụ không dùng tiền mặt.

Với ngành tài nguyên và môi trường, đã triển khai nhiều ứng dụng, như: Hệ thống thông tin hồ sơ đất đai, khoáng sản của các tổ chức trên địa bàn tỉnh; cơ sở dữ liệu (CSDL) tài nguyên nước; CSDL tài nguyên môi trường biển; CSDL đa dạng sinh học và an toàn sinh học; phần mềm cảnh báo lũ ống, lũ quét; phần mềm hệ thống thông tin đất đai (Vilis); phần mềm đo vẽ bản đồ địa chính (Famis); phần mềm quản lý và in bản đồ (Mapinfo); bộ phần mềm biên tập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (TMV. Map, TMV - Cadas); phần mềm thu thập và xử lý các đối tượng đồ họa (Microstation); phần mềm tích hợp CSDL tài nguyên môi trường (ArcGIS)... Hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, cố định được đầu tư và đưa vào vận hành, sử dụng tại 3 điểm (bao gồm 2 trạm quan trắc môi trường không khí; 1 trạm quan trắc môi trường nước biển) cơ bản đã đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, đưa ra những phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thời gian tới sẽ xây dựng CSDL đất đai; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin và CSDL tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, CSDL của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành trong tỉnh.

Thanh Hóa hiện có 100% các bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện; các phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực y tế; triển khai các ứng dụng thông minh trong chẩn đoán hình ảnh (xây dựng hệ thống PACS) kết nối với hệ thống quản lý bệnh viện (phần mềm HIS); chia sẽ dữ liệu giữa các cơ sở y tế với hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội để chi trả chế độ theo quy định. Các cơ sở y tế đã triển khai phần mềm thống kê y tế (https//baocao.tkyt.vn) và phần mềm báo cáo thống kê tổ chức và nhân lực y tế (https//nhanluc.tkyt.vn). 27/27 bệnh viện tuyến huyện đã kết nối hệ thống khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương. Trong đó, có 5 bệnh viện huyện (Mường Lát, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Đông Sơn) đã được Vietttel hỗ trợ 100% trang thiết bị phục vụ kết nối khám, chữa bệnh từ xa. 65% các bệnh viện công lập triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 95% bệnh viện công lập đã triển khai hóa đơn điện tử.

Ngành giáo dục đã triển khai sử dụng thống nhất, đồng bộ các ứng dụng trong toàn ngành như: CSDL ngành giáo dục và đào tạo về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phần mềm quản lý trường học Vnedu, Smas, quản lý trường học Misa; sổ liên lạc điện tử; phần mềm quản lý nhân sự (PMIS); quản lý văn bằng chứng chỉ; quản lý các kỳ thi; quản lý sáng kiến kinh nghiệm; hệ thống điều hành tác nghiệp trên thiết bị di động; quản lý phổ cập, xóa mù; phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục; thẻ điểm danh thông minh; phần mềm tuyển sinh đầu cấp... Đã triển khai thí điểm dự án xây dựng phòng học thông minh, thư viện điện tử, giáo án điện tử để triển khai cho các trường trong toàn tỉnh. CĐS đã hỗ trợ đắc lực cho việc dạy học trong tình hình dịch bệnh COVID-19, giúp ngành giáo dục hiện thực hóa quyết tâm “dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, “cú hích” để thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo, linh hoạt thay đổi phương thức dạy học, góp phần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Nỗ lực thúc đẩy CĐS toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch, quyết định về CĐS, mới đây nhất, ngày 3-3-2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa đang bắt tay vào triển khai đề án, tiến hành thành lập tổ công tác triển khai kế hoạch phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử của Chính phủ theo đúng lộ trình đề ra nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự sáng tạo, phát triển đột phá về cách thức quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước để phục vụ người dân hiệu quả.

Với nhiều cơ chế, chính sách và quyết tâm của đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp, Thanh Hóa đang từng bước CĐS, “tạo đà” thúc đẩy tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội phát triển theo hướng hiện đại, nỗ lực phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]