(Baothanhhoa.vn) - vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã và đang là “vấn nạn” không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn tạo nên những rào cản trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giảm hiệu quả phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Với bối cảnh thị trường thực phẩm “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng rất khó phân biệt được thực phẩm sạch – thực phẩm bẩn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã và đang là “vấn nạn” không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn tạo nên những rào cản trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giảm hiệu quả phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Với bối cảnh thị trường thực phẩm “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng rất khó phân biệt được thực phẩm sạch – thực phẩm bẩn.

Các mặt hàng thực phẩm an toàn được bày bán tại cửa hàng HC farm (thuộc Công ty CP Thực phẩm xanh HC) - đơn vị tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ảnh: H.T

Chính vì vậy, việc hình thành, xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm rút ngắn khoảng cách giữa người tiêu dùng với thực phẩm sạch trở thành nhu cầu cấp thiết. Nắm bắt được xu thế đó, trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo vấn đề VSATTP, trong đó đặc biệt chú trọng công tác thúc đẩy hoạt động kết nối cung – cầu nông sản, thực phẩm thông qua các hoạt động xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Từ các mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh và bước đầu thu được một số kết quả.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính riêng năm 2017 – năm “bản lề” trong việc thực hiện Kế hoạch số 189 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông – lâm – thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh (2017 – 2020) đã có 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông – lâm – thủy sản tham gia các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó, 5 cơ sở tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm rau, quả an toàn với năng lực cung ứng khoảng 1.150 tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm thịt, trứng gia cầm an toàn với năng lực cung ứng khoảng 2.100 tấn thịt và khoảng 7 triệu quả trứng/năm; 8 cơ sở tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm thủy sản an toàn (các sản phẩm thủy sản tươi sống, đông lạnh, nước mắm...) với năng lực cung ứng khoảng 870.000 lít nước mắm/năm, sản phẩm dạng mắm khoảng 6,4 tấn/năm và sản phẩm thủy sản khoảng 4.700 tấn/năm; 6 cơ sở kinh doanh tổng hợp, đa dạng các mặt hàng nông – lâm – thủy sản với năng lực cung ứng khoảng 150 tấn sản phẩm/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông – lâm – thủy sản tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và đã được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động theo tiêu chuẩn VietGAP (trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản), GMP/SSOP (trong sơ chế, chế biến thực phẩm), HACCP (trong bảo quản, chế biến thủy sản), ISO22.000 (trong kinh doanh sản phẩm nông – lâm – thủy sản). Ngoài ra, 25 địa chỉ kinh doanh thuộc 21 doanh nghiệp được giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn; 6 sản phẩm đã được gắn tem thông minh truy xuất điện tử với tổng số lượng lên đến 260.000 tem.

Bà Lê Thị Huyền Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản nhận định: “Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xây dựng và phát triển đã góp phần to lớn trong việc tăng nguồn cung và từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn của người dân trên địa bàn tỉnh. Từ sự phát triển của các chuỗi cung ứng này đã nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông – lâm – thủy sản, tạo động lực khuyến khích, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tăng cường các mối liên kết, quan hệ hợp tác mở rộng thị trường cho nông sản. Đây là một trong những hướng đi tất yếu giúp nông sản Thanh Hóa nói riêng và nông sản cả nước nói chung đứng vững trước quy luật khắc nghiệt “được mùa mất giá” của thị trường”. Theo bà Thu, việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã tạo nên mô hình nông sản khép kín được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng và các bên tham gia đều được thụ hưởng lợi ích trên nền tảng quản lý chặt chẽ đó. Trong chuỗi liên kết này, các đơn vị sản xuất sẽ được đảm bảo “đầu ra” cho sản phẩm và các quyền lợi trước những biến động của thị trường. Các đơn vị kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm sẽ có được niềm tin từ người tiêu dùng dựa trên những cam kết về tiêu chuẩn chất lượng, VSATTP đã được các cơ quan chức năng kiểm định, cấp chứng chỉ; được hỗ trợ về vốn... Người tiêu dùng khi đến với các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn này sẽ không quá lúng túng trước những mối nghi ngại về nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm. Chị Đỗ Thị Nam Phương, quản lý cửa hàng HC farm (54 Hạc Thành) – cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm tự nhiên, an toàn và đặc sản vùng miền (thuộc Công ty CP thực phẩm xanh HC) cho biết: “So với thực phẩm bày bán tại các chợ truyền thống, sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng trong chuỗi đều là những sản phẩm được kiểm tra định kỳ, được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát VSATTP của các cơ quan chức năng; sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng đã trải qua quy trình chọn lọc khắt khe từ nguồn giống, quy trình sản xuất, chăn nuôi cho đến quy trình giết mổ, sơ chế cũng như quá trình bảo quản và vận chuyển”. Đây cũng là lý do làm nên thương hiệu cho các sản phẩm của Công ty TNHH Anh Minh Giang (xã Lộc Thịnh, Ngọc Lặc), đặc biệt là sản phẩm thịt bò Úc. Chuỗi cửa hàng mang thương hiệu “Bò Úc Anh Minh Giang” không chỉ thu hút đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh mà còn ở các vùng lân cận. Bởi sản phẩm thịt bò Úc Anh Minh Giang được sản xuất dựa trên quy trình khép kín, đầu tư bài bản, khoa học với nguồn giống nhập khẩu trực tiếp, được gắn chíp theo dõi và có mã số riêng để theo dõi tình trạng sức khỏe, kiểm soát cân nặng; sử dụng nguồn thức ăn chủ yếu là thức ăn thô xanh và được nuôi nhốt trong hệ thống chuồng trại tập trung hiện đại, sạch sẽ, thoáng mát.

Lợi ích mà các đơn vị nhận được khi tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là điều không ai có thể phủ nhận được, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn, nhất là trong bối cảnh các chuỗi mới xây dựng, đang trong quá trình tự hoàn thiện và nỗ lực khẳng định thương hiệu, niềm tin với người tiêu dùng. Để mục tiêu của kế hoạch xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020 được đảm bảo thực hiện cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chính sự quyết tâm, kịp thời trong chỉ đạo, sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền cùng với sự tham gia tích cực, chủ động hơn nữa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm an toàn và sự lựa chọn thông minh của mỗi người tiêu dùng sẽ là điều kiện tiên quyết để tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả một cách toàn diện những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, đảm bảo cung cấp cho thị trường thực phẩm, nông sản an toàn.


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]