(Baothanhhoa.vn) - Những căn nhà bị xáo bừa bộn, nứa luồng, tranh rạ, giường tủ tóe tung. Ở đây, hôm qua em bé còn cầm cuốn vần vỡ lòng, giọng ngọng nghịu nũng mẹ, bắt chước tiếng gà:

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vùng cầu

Những căn nhà bị xáo bừa bộn, nứa luồng, tranh rạ, giường tủ tóe tung. Ở đây, hôm qua em bé còn cầm cuốn vần vỡ lòng, giọng ngọng nghịu nũng mẹ, bắt chước tiếng gà:

Vùng cầu

Thăm trận địa Đồi C4 Hàm Rồng. Ảnh: tư liệu

- Ò... ó... o... ò...!

Những trang vở bay tán loạn như cánh bướm. Một chiếc dép nhựa còn lại, bị bom cắt theo chiều dọc, da dép còn ấm hơi người. Một chiếc xe bò bị lật ngược, một bên bánh mắc trên cành cây, còn một bánh tưởng chừng đang quay mù tít mà mắt nhìn lâu thấy như đứng yên. Những đôi thùng bị bóp méo mó lăn xuống lòng hố bom. Chiếc gương lớn của thợ cạo bị vỡ gắn vào cột nhà: Nhịp cầu và khoang trời vô tình bị lồng vào gương. Tôi không hiểu mình vẫn đi hay đứng lại. Có lúc người muốn chui vào hố bom. Lòng cồn cào, bứt rứt.

Không thể đi được đường, mà còn đâu đường mà đi. Nhìn thấy trận địa trước mặt nhưng phải tụt dép ra đi bộ. Hố bom chồng chéo lên nhau. Rồi cũng đến được trận địa, mồ hôi thấm ướt lưng áo. Ai tin rằng ở vùng đất xáo trộn này còn có cuộc sống. Nòng pháo ghếch trên công sự. Bờ công sự hố bom loang lổ. Không tìm thấy màu xanh. Đi sâu vào trận địa vẫn còn mấy khóm chuối bẹ bị tước, lá bị xé rách. Một buồng dài gần chục nải, béo căng. Tôi nghĩ: Mặc dù nắng lửa, buồng chuối này sẽ chín vì gốc nó vẫn vững lắm.

Đến “xê” 19 trước. Nó gần nhất, tiện đường đi các đơn vị. Nhưng cũng có lý do của nó: Xem tay Khủng ra sao. Trước Khủng cùng tiểu đội với tôi. Tôi còn giữ “thiếp mời” dự cưới của cu cậu đây. Cứ mỗi lần thấy mặt chúng tôi đến trận địa sau một trận đánh là anh em đã reo lên: - “Bác sĩ” pháo! Sau khi báo với đồng chí đại trưởng là tôi và Giang xoay trần ra “khám bệnh” cho pháo. Giang lên khóa nòng, tôi dí mũi vào máng tống vỏ đạn lục lọi tìm kiếm. Kể có chui vào bụng pháo mà nhìn thì ngon ăn. Đằng này hết vướng “cần” nọ lại mắc “tay” kia, mỡ quết vào mặt lúc nào, Giang phì cười làm tôi ngớ ra. Đã thế anh chàng lại lấy tay lau mặt cho tôi, lại càng thêm lem luốc hơn.

- Thông nòng đi! Giang vẫn giọng “bác sĩ” gọi khẩu đội:

- Thích thì thông! Pháo thủ đáp lại. Vẫn những người quen nhau nhưng hôm nay tôi thấy khác quá. Vượt qua thử thách, người ở trong trận thấy mình lớn. Tôi thấy đồng chí lớn lên gấp bội.

Bom giặc Mỹ muốn hủy diệt đất này. Đất đập vào người, ai chả nếm. Đại đội 19 vẫn quật tụi Mỹ tối mặt. Đất đá gãi vào lưng, càng căm giận bọn Ních-xơn.

Khẩu pháo bắn thử khạc ba viên trên nền trời, rồi ung dung nhả khói như người hút thuốc.

- Liên xã đấy! Tốt nhé! Giang giao hẹn - hai tay chà chà vào nhau mãn nguyện.

- Ê! Mấy tướng “cà-lê-tô-vít” - Khá đấy! Lại đụng đến biệt hiệu của Bùi Kinh Khủng. Chả là Khủng nổi tiếng chộp “các vị” ngủ gật trong lúc trực ban nên bị đặt tên kỳ quặc để trêu tức. Khủng chẳng bao giờ phật lòng lại còn cười khùng khục như khẩu 14,5 ly bốn nòng.

Tôi và Giang xộc tới, bế hẳn Khủng lên. Thật khó mà nói nên lời. Khủng đã lấy thuốc cưới ra khao quân. Giọng vẫn chững lắm:

- Thằng Ních-xơn côn đồ lại định giật phắt đăng ký khỏi tay! Rồi cười toáng lên. Tay Khủng vẫn múa máy như dân thượng võ.

Lên đến đồi “không tên” thì mất việc. Khẩu đội trưởng Lê Văn Đậu đã “chữa bệnh” và cho pháo “xuất viện” rồi. Nhưng tác phong nghề nghiệp cũng cứ kiểm tra xác định rõ ràng. Trần Kim Đậu, chính trị viên đồi “không tên” đã nắm chặt tay chúng tôi:

- Không tin vào “bác sĩ” nhà à!

- Ấy chết! Giang đỡ lời và hì hì cười - hai tướng này trước đã “cắm chốt” trên cao điểm “Anh hùng” nên cố tri lắm. Để cho Giang và Đậu vào hầm chỉ huy, tôi đứng trên pháo nhìn từ vùng “không tên” đến chân cầu, lòng như bị chà muối. Muốn làm vài ba câu thơ để “đăng” báo tiếp nhưng không tài nào làm nổi. Thọ, chiến sĩ quan trắc đập vào vai tôi, làm tôi bừng tỉnh:

- Ông Bùi thấy bộ mặt “thật” của Ních-xơn chứ! Rồi với giọng sôi nổi Thọ kể: “Hôm đó, tôi và Cự đang tắm bên hố bom giặc đào lần trước. Máy bay giặc Mỹ đến rải bom bừa bãi. Lạ thật, chúng tôi đứng cạnh mà không “việc gì” cũng không bị xây xát anh ạ! Chúng tôi về, Cự vào lấy máy ra đo, tôi trên vị trí đặt khoảng cách bắn cho pháo Mẹ thằng “bê quăng sai”, nó đuổi theo chúng tôi. Lửa từ các trận địa vãi trên nền trời. Thằng “tê” đã phụt cháy ngay một “pháo đài bay” của tụi Mỹ. Thích không! Lúc đó, bom vẫn trên bờ công sự. Đại đội trưởng, tai bị ù đặc, cậu Nguyễn Quang Hưng, một chiến sĩ vừa mới nghe khẩu lệnh vừa gõ kẻng cho pháo bắn. Trần Kim Đậu từ giữa trận địa, mỗi loạt bom nổ lại gào lên:

- A1... A4... vẫn vững đấy chứ!

- Đánh tốt! - các khẩu đội dõng dạc đáp lại. Lê Văn Tâm mới thay khẩu đội trưởng mà đánh cừ lắm. Số hai Nguyễn Mạnh Hùng là sinh viên vào bộ đội nhưng bắt mục tiêu “thánh lắm”. Y tá Nguyễn Văn Hiền đã chiến đấu ở chiến trường vừa làm số 6 tiếp đạn vừa làm liên lạc nắm tình huống báo cho Trần Kim Đậu xử trí - báo cáo súng A3 không nổ! Đậu nghe và lao vào khẩu ba. Anh có vinh dự hơn người khác, được sinh ra nơi quê hương Bác, lại được bảo vệ cầu mang tên ngày sinh của Người, Đậu như con sóc lao khắp trận địa động viên:

- Ối! Thọ bất ngờ la lên - Đậu từ sau ục vào lưng Thọ. Giọng anh thân mật: - Có chi mô mà kể, để mấy ông đi xê Bốn không tối, nó đến còn nện chứ!

Tôi và Giang rời đồi “không tên” về điểm cao “anh hùng”.

Xung quanh điểm cao “anh hùng” bom gọt đỏ ối. Ở xa chỉ nhận ra khi những nòng pháo chuyển động.

Bở hơi tai vượt qua hai dốc mới tới trận địa. Giang ném phịch xe xuống thở phào:

- Nằm yên nhé! Chúng ông còn phải lấy sức đi khám bệnh chứ! Lên chưa khỏi dốc đã bị Vũ Đức Tuân chộp luôn cổ áo:

- Bây giờ mới lò mặt tới! – tôi biết hôm qua khẩu đội Vũ Đức Tuân đã phát hỏa vào loại quyết liệt của điểm cao “anh hùng”.

- Thế nào! Pháo có ọc ạch lắm không?

- Ọc ạch thế nào, mỗi chiến sĩ là một thợ pháo cơ mà! Tuân đáp lại lời Giang với giọng tự tin. Tôi chạy lại phía Hồ Ngọc Khải (tiểu đội trưởng thay quyền trung đội trưởng).

- Thế nào ông? Đánh khỏe chứ!

- Người đây, còn đánh chác à! Cứ nhìn đống vỏ đạn và hố bom kia thì biết. Mẹ nó, ra Hà Nội và Hải Phòng bị đánh cho nhừ đòn, lại mò tới cây. Này, mấy ông đài phát thanh nghiêm khắc quá, cứ rơi tại chỗ mới công nhận. Vùng mình mấy bước đã tới biển. Rơi năm chiếc là tớ không chịu được.

- Gớm! Cứ tính 47 chiếc như dạo sáu lăm ấy!

- Đúng! Phải quật như vậy! Dương Văn Chợ chêm vào giọng khoái chá.

- “Bê” ông an toàn chứ! - tôi hỏi Khải.

- An toàn tuyệt đối, chỉ “bê” một bị thương hai.

- Ai đấy? - tôi lo lắng hỏi.

- Dương Văn Dinh - “Đôn béo” ấy mà!

- Vào đâu?

- Chân! - Khải lấy máy “nghiền đá” ra ti tách bật lửa châm thuốc. Không đợi tôi hỏi đã kể: Lúc đó vào giữa trận đánh - ở giữa trận địa, bí thư liên chi Hà Đình Phấn tuyên bố kết nạp đồng chí Nguyễn Quang Hưng vào đoàn. Tiếng hoan hô từ các khẩu đội nổi lên. Bom đạn còn nồng nặc. Ở trên sở chỉ huy, Hồ Minh Yên hô bắn nhưng vì dây điện thoại bị đứt, Lê Văn Thọ từ hầm chỉ huy ùa ra đi chữa dây. Mặc cho đất đá quăng vào đau ê người, lúc nằm xuống tránh bom, lúc lồm cồm bò dậy hết thắt lại nối. Khi nghe từ đầu đằng kia giọng đoàn trưởng Nguyễn Văn Khuy truyền về:

- Đại đội 4 anh hùng nghe rõ chưa? - Đánh rất khá! Đánh rất khá! - Tiếng chuông reo ròn tan.

Đoàn viên Bùi Xuân Sơn bị thương vào tay, nhất quyết không chịu rời vị trí; giọng nằn nì:

- Pháo còn, người còn, phải giữ bằng được cầu!

Một loạt bom bỏ từ sườn khẩu đội một. Từng cột khói khổng lồ như nấm dựng. Pháo 1 lặng đi. Tiếng động cơ địch gầm rít trên đầu - Dương Văn Dinh trên vị trí tiếp đạn, bị thương vào chân khụy xuống lại nhoài người dậy thao tác. Dương Văn Chợ từ số 1 nhảy sang số 5 ấn đạn lại về số 1 đạp cò. Y tá Trần Xuân Vượng chạy vào băng, Dương Văn Dinh đề nghị:

- Đồng chí cắt hộ chân cho tôi để dễ thao tác!

Nghe kể đến đây tôi nhớ đến Nguyễn Văn Điền, cách đây hơn sáu năm, tại mảnh đất này, Điền bị mười một vết thương, mỡ lồi đã lấy cờ ấn vào tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Chính ở đất này, Hà Xuân Cự bị thương giấu đồng đội chỉ với lý do đơn giản: “Sợ không được tiếp tục ở lại chiến đấu!”. “Bộ ba”: Chức - Động - Thịnh chuyền bom bi nổ chậm, quẳng ra ngoài công sự mà nổ giòn cứ nghe như “pháo tết ấy”!

Tôi sang trận địa khí tài lúc nào mà không hề hay biết. Nghe từ trong hầm, tiếng đọc báo: “Giữa ngày giỗ các vua Hùng, Ních-xơn đem bom đạn ra bắn phá miền Bắc. Giữa ngày giỗ tổ tiên, giặc Mỹ đem bom đạn đến đào mồ. Giữa ngày giỗ các vua Hùng, đại hội 4 lắng nghe lời non sông gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” - lời của Đảng vang vọng khắp hai miền: “Mỗi công dân phải là một chiến sĩ kiên cường, chống Mỹ, cứu nước!”.

Tôi nhìn lên bảng tin ở giữa trận địa, một dòng chữ sáng ngời “Đáp lời Đảng gọi, bộ đội Hàm Rồng quyết đánh và quyết thắng!”. Ngày này năm 1967 tại nơi đây trong lúc chiến đấu ác liệt đã mọc lên dòng chữ: “Thà gục trên mâm pháo quyết không để cầu gục”. Ở trên điểm cao anh hùng này, anh hùng đâu chỉ chịu đựng đạn bom, anh hùng không chỉ tính ngày tính tháng mà ở mỗi cán bộ và chiến sĩ đã tìm thấy chung thế đứng của mình: Thế xung phong!

Chúng tôi ra phía cầu, lúc mặt trời gối đầu trên điểm cao “quyết thắng”. Nắng chiếu rọi vào vùng hố bom đỏ ối. Lần này chúng tôi đi bộ để được ngắm nhìn cầu. Tôi muốn nói bao lời về dòng sông, ngọn núi. Về Nam Ngạn, Đông Sơn, Yên Vực... Đã bao lần Hàm Rồng ra quân rồi. Từ chiếc máy bay thứ nhất đến chiếc thứ 100, 101 và con số lớn dần theo thời gian... Tiếng hò từ phía Nam Ngạn bay lên:

Đứng trên Núi Ngọc ta thề

Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương.

Từ Nguyên Tĩnh

(Ghi chép về sự kiện máy bay B52 Mỹ “rải thảm” ở Hàm Rồng tháng 4-1972)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]