(Baothanhhoa.vn) - Cách đây tròn 2 thế kỷ, sử gia Phan Huy Chú đã có nhận xét  khá chính xác về vị thế chiến lược của trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa) trong tiến trình lịch sử dân tộc như sau: “Thanh Hoa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vị thế chiến lược của Thanh Hóa trong lịch sử dựng nước, giữ nước và tiến trình cách mạng Việt Nam

Cách đây tròn 2 thế kỷ, sử gia Phan Huy Chú đã có nhận xét khá chính xác về vị thế chiến lược của trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa) trong tiến trình lịch sử dân tộc như sau: “Thanh Hoa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An.

Vị thế chiến lược của Thanh Hóa trong lịch sử dựng nước, giữ nước và tiến trình cách mạng Việt NamCác tòa thái miếu trong Khu Di tích lịch sử Lam Kinh.

Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn quan trọng. Đến triều Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước...”. Về đặc tính cơ bản của người xứ Thanh cũng được sử thần phong kiến xưa đánh giá tương đối xác đáng: “Kẻ sĩ chuộng văn học, trọng khí tiết. Đời nào cũng có anh tài phóng khoáng lỗi lạc, cũng là nhờ tinh túy núi sông hun đúc...”.

Trên đây là nhận xét tổng quát nhất về cảnh quan thiên nhiên, vị thế địa - chính trị Thanh Hóa cũng như cốt cách, bản lĩnh con người xứ Thanh. Nhận định trên đã được minh chứng bằng thực tiễn lịch sử dân tộc Việt Nam trải gần hai thiên niên kỷ qua hành trạng, sự nghiệp của các bậc hào kiệt, anh thư người Thanh Hóa như Đô Dương, Lê Thị Hoa (tướng lĩnh tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thế kỷ I), Triệu Thị Trinh (thế kỷ III), Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn (thế kỷ X), Hồ Quý Ly (thế kỷ XIV-XV), và đặc biệt là anh hùng dân tộc Lê Lợi và đội ngũ tướng lĩnh người Thanh Hóa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (thế kỷ XV)... Sự nghiệp vẻ vang và cao cả nhất của Lê Hoàn chính là đã lãnh đạo Nhân dân Đại Cồ Việt đánh tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Tống năm Tân Tỵ (981) và ba lần trực tiếp chỉ huy tấn công Champa ở phía Nam, buộc vua Champa phải giữ lễ xưng thần triều cống Đại Cồ Việt, xây dựng mối quan hệ giao hảo giữa hai quốc gia, khiến dân biên giới yên ổn làm ăn. Sử cũ đánh giá Lê Hoàn “trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự...”.

Cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly là một nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với quốc gia Đại Việt đương thời và sau này. Thành tựu lớn nhất mà nhà Hồ để lại sau gần 7 năm trị vì (1400-1407) là tiếp tục sự nghiệp Nam tiến của các triều đại trước, mở rộng cương vực lãnh thổ về phía Nam, lập nên 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, làm nền tảng để Lê Thánh tông bình Chiêm lập thêm đạo Quảng Nam, mở rộng đất đai của Đại Việt đến tận núi Đá Bia (Phú Yên) năm Tân Mão (1471).

Năm Bính Tuất (1406), quân Minh xâm lược nước ta, đặt ách đô hộ, bóc lột và đồng hóa Nhân dân ta. Đầu năm Bính Thân (1416), người anh hùng Lê Lợi với 18 người bạn cùng chí hướng tổ chức Hội thề tại Lũng Nhai (làng Mía, nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), quyết tâm dựng cờ khởi nghĩa đã mở đầu cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trường kỳ 10 năm ròng rã đầy gian nan thử thách. Trong danh sách 19 người tham gia Hội thề Lũng Nhai (kể cả chủ tướng Lê Lợi) thì có 16 người quê ở xứ Thanh. Như vậy, những hạt nhân đầu tiên của khởi nghĩa Lam Sơn, của phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV là đội ngũ tướng lĩnh xứ Thanh. Sau 6 năm hoạt động ở miền núi rừng Thanh Hóa (1418-1424), nghĩa quân Lam Sơn tiến quân vào Nghệ An, rồi từ đó xây dựng, củng cố lực lượng tiến công ra Bắc vây thành chặn viện, giải phóng đất nước (cuối năm 1427), thiết lập vương triều Lê (1428).

Thế kỷ XV quốc gia Đại Việt phát triển thịnh trị, đặc biệt dưới triều đại của Lê Thánh tông (1460-1497) và bắt đầu có chiều hướng suy vi sau khi Lê Hiến tông mất (năm 1504) để sau đó triều đại Lê sơ trượt dài trên bước đường khủng hoảng và suy vong, tạo điều kiện cho Mạc Đăng Dung xây dựng lực lượng lật đổ nhà Lê, lập nên nhà Mạc năm 1527.

Trong cuộc nội chiến Nam - Bắc triều (1533-1592), Thanh Hóa là đất căn bản của công cuộc trung hưng. Nhân tài, vật lực đều huy động ở hai xứ Thanh, Nghệ. Công thần trung hưng được vinh phong sau này cũng phần lớn người xứ Thanh. Có thể nói, trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, dẹp nội loạn, xứ Thanh có một vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ ở điều kiện tự nhiên mà quan trọng nhất là tiềm năng, tiềm lực con người. Ở đấy thể hiện rõ ràng, đầy đủ nhất về “Thế xứ Thanh”.

Thế kỷ XVI-XVIII, đất nước bị chia cắt thành Đàng Trong - Đàng Ngoài. Đàng Trong do các chúa Nguyễn (mở đầu là chúa Tiên Nguyễn Hoàng) quản lý; Đàng Ngoài do chính quyền Lê - Trịnh quản lý. Trong cái thế không thể vươn ra phía Bắc, các chúa Nguyễn phải đẩy mạnh quá trình Nam tiến, mở mang lãnh thổ về phía Nam. Chưa bao giờ tốc độ Nam tiến lại nhanh và hiệu quả như thời các chúa Nguyễn trị vì đất Đàng Trong. Chỉ trong vòng hơn 100 năm toàn bộ miền đất Nam bộ sình lầy, hoang hóa đã được các luồng cư dân người Việt và một số cộng đồng cư dân khác tràn vào khai phá, xây dựng làng ấp, thiết đặt bộ máy quản lý. Đến năm 1757, về cơ bản các chúa Nguyễn đã là chủ nhân của toàn bộ miền đất Nam bộ và các quần đảo lớn như Phú Quốc, Côn Đảo, Hoàng Sa, Trường Sa, để đến các vua triều Nguyễn sau này việc quản lý, khai thác khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo này càng có hiệu quả thiết thực hơn.

Trừ một thời gian ngắn nhà Tây Sơn quản lý đất nước (1788-1802), còn phần lớn thời gian từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XX, bản lĩnh, trí tuệ, công lao đóng góp của người xứ Thanh được tỏ rõ qua sự hiện diện của các triều đại gắn với ba dòng họ lớn: Lê, Trịnh và Nguyễn - có nguồn gốc đích thực xứ Thanh. Thực tế lịch sử nêu trên đã khẳng định tầm vóc, vị trí trọng yếu của mảnh đất Thanh Hóa trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vị thế ấy, tầm vóc ấy được thể hiện cụ thể qua hành trạng, sự nghiệp của những nhân vật kiệt xuất, của những vọng tộc, cự tộc ở xứ Thanh trong lịch sử.

Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ (1867), hai lần đánh ra Bắc Kỳ (1873, 1882)... buộc triều đình Huế phải ký Hiệp ước công nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp (Hiệp ước Giáp Tuất - 1874) và nhận sự bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ (Hiệp ước Patơnốt - 1884). Sau khi cuộc tấn công quân Pháp ở Kinh thành Huế do vị vua trẻ yêu nước Hàm Nghi và phe chủ chiến trong triều đình Huế khởi xướng thất bại (7-1885), vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) xuống chiếu Cần vương.Văn thân, sĩ phu Thanh Hóa lập tức hưởng ứng, dựng cờ khởi nghĩa Cần vương, xây dựng căn cứ địa Ba Đình, Mã Cao... tổ chức chống Pháp. Phong trào Cần vương Thanh Hóa phát triển sâu rộng, gắn bó với những tên tuổi tiêu biểu như Trần Xuân Soạn, Tống Duy Tân, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước, Cao Bá Điển, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt... Trên địa bàn Thanh Hóa cũng như trên phạm vi cả nước, đến năm 1896, về cơ bản phong trào Cần vương bị thực dân Pháp dập tắt.

Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước, đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập ở Việt Nam gần như bị khủng hoảng về đường lối và lãnh đạo. Chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3-2-1930), trực tiếp lãnh đạo và vạch ra đường lối chiến lược đúng đắn thì phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta mới thực sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả.

Ở Thanh Hóa, đầu thập niên 20 của thế kỷ XX đã xuất hiện một số hạt nhân yêu nước như Đinh Chương Dương, Lê Hữu Lập tham gia Tâm Tâm xã, rồi gia nhập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và đào tạo. Dấu mốc quan trọng mang tính bước ngoặt trong phong trào cách mạng ở Thanh Hóa là sự ra đời của ba chi bộ Đảng Cộng sản trong năm 1930, đó là Chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn) thành lập ngày 25-6-1930; Chi bộ Thiệu Hóa, thành lập ngày 10-7-1930 và Chi bộ Thọ Xuân, thành lập ngày 22-7-1930. Ngày 29-7-1930, 11 đại biểu của ba chi bộ trên đã tổ chức hội nghị tại nhà đồng chí Lê Văn Sĩ (làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân), quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 3 người: Lê Thế Long, Vương Xuân Cát và Lê Văn Sĩ, do đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và cơ sở đảng các cấp, phong trào đấu tranh giành độc lập của Nhân dân Thanh Hóa phát triển vượt bậc, quần chúng được trưởng thành hơn về nhiều mặt. Hòa chung cùng cao trào tổng khởi nghĩa diễn ra trên phạm vi toàn quốc, ngày 20-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa đã thắng lợi trọn vẹn. Ngày 23-8-1945, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa do Lê Tất Đắc làm Chủ tịch đã ra mắt Nhân dân trước cuộc mít tinh của hàng vạn quần chúng tham dự.

Chính quyền cách mạng non trẻ ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Ngay từ ngày đầu cuộc kháng chiến nổ ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hóa. Ngày 20-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, nói chuyện với các đại biểu nhân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, đồng thời Người viết thư gửi đồng bào thiểu số Thanh Hóa. Trong bài phát biểu, Người nhấn mạnh: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì làm sao phải cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu”. Để Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, làm tốt vai trò của một tỉnh hậu phương thì theo Người phải “làm cho người nghèo đủ ăn; người đủ ăn thì khá giàu; người khá giàu thì giàu thêm; người nào cũng biết chữ; người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”. Muốn vậy thì cần “đem tài dân, sức dân của dân, làm lợi cho dân”. Những lời động viên, nhắn nhủ và tình cảm thắm thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các tầng lớp Nhân dân Thanh Hóa chính là nguồn khích lệ to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa nỗ lực, phấn đấu thực hiện hiệu quả nhất nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, xứng đáng là hậu phương lớn, sẵn sàng cung ứng nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến. Trong thư gửi đồng bào Thanh Hóa tháng 6-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt khen ngợi các xã Tân Tiến (huyện Nông Cống); Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa) và Đông Anh (huyện Đông Sơn) đã có nhiều đóng góp giúp đỡ bộ đội địa phương.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), hàng vạn người con ưu tú của xứ Thanh đã tham gia chiến đấu, vận lương, tải đạn trên các chiến trường. Tỉnh Thanh Hóa đã làm tốt công tác trừ gian, trấn áp các tổ chức phản động, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn; làm tốt nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và phục vụ các chiến trường. Bên cạnh nguồn lương thực, thực phẩm cung ứng cho các chiến trường đầy đủ và vượt chỉ tiêu, trong công tác vận lương, tải đạn dược, vũ khí, quân trang, quân dụng trong các chiến dịch, lực lượng dân công Thanh Hóa có những đóng góp rất to lớn. Cụ thể là, số dân công (dài hạn và ngắn hạn) được huy động trong các chiến dịch Quang Trung, chiến dịch Trung Du, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Tây Bắc và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ là hơn 1 triệu người với khoảng 27,227 triệu ngày công lao động. Trong chiến dịch Thượng Lào, dân công Thanh Hóa làm nhiệm vụ giao thông vận tải và tải lương cho chiến trường bạn đã đóng góp 60% nhân tài vật lực cho chiến trường, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Phục vụ tiền tuyến khá nhất”. Trong các chiến dịch, Thanh Hóa đã huy động hơn 10 ngàn xe đạp thồ (dài hạn và ngắn hạn); hai đơn vị xe đạp thồ của huyện Hậu Lộc và thị xã Thanh Hóa đã vinh dự được nhận cờ danh dự của Hồ Chủ tịch. Hình ảnh chiếc xe đạp thồ của dân công Thanh Hóa trên các chiến trường được xem là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (21-7-1954), Thanh Hóa cùng Nhân dân miền Bắc bước vào giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh, chuẩn bị cơ sở vật chất cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Ngày 13-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa lần thứ 2. Người đánh giá cao những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong lần về thăm Thanh Hóa năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến mọi mặt hoạt động của tỉnh nhà. Trong bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI ngày 19-7-1960, Người đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua, Người lưu ý: phải bàn thiết thực thi đua thế nào cho nhanh, nhiều, tốt, rẻ, chống được lãng phí, thi đua giữa các nhà máy để sớm hoàn thành kế hoạch 3 năm và chuẩn bị kế hoạch 5 năm. Người nhắc nhở: nhà máy phải giúp đỡ HTX cải tiến nông cụ và đẩy mạnh sản xuất vụ mùa. Phải giúp đỡ có kế hoạch, từ đầu đến cuối, giúp cho có thủy có chung.

Vào thời điểm Thanh Hóa cũng như các địa phương miền Bắc chuẩn bị hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) thì đế quốc Mỹ dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc bộ” để phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng hải quân và không quân ra miền Bắc Việt Nam. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Thanh Hóa là địa bàn trọng điểm đánh phá. Các địa danh như Đò Lèn, cầu Hàm Rồng, phà Ghép... trở thành mục tiêu oanh tạc của máy bay Mỹ. Vừa sản xuất vừa chiến đấu, người dân Thanh Hóa đã làm nên những điều kỳ diệu. Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965-1968), lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ tỉnh Thanh Hóa đã bắn rơi 297 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái. Nhằm động viên kịp thời các trung đội dân quân gái, các phụ lão dân quân Thanh Hóa bắn rơi máy bay Mỹ, riêng trong năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thư khen: Thư khen quân và dân Thanh Hóa bắn rơi máy bay thứ 1.700 và 1.701 (ngày 6-3-1967); Thư khen trung đội dân quân gái huyện Hậu Lộc bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ (ngày 5-7-1967); Thư khen trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) bắn rơi chiếc máy bay thứ 2.400 bằng súng bộ binh ngày 14-10 (ngày 17-10-1967); Thư khen trung đội dân quân gái xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia) bắn rơi một máy bay Mỹ (ngày 22-10-1967); Thư khen trung đội dân quân gái xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ (ngày 17-11-1967); Thư khen trung đội dân quân gái xã Hà Phú và Hà Toại (Hà Trung) bắn rơi một máy bay Mỹ (ngày 18-11-1967) và Thư khen trung đội dân quân gái xã Hoằng Trường, Hoằng Hải (Hoằng Hóa), ngày 20-11-1967. Cuối tháng 12-1968, đoàn cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ra Hà Nội làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ngày 20-12-1968, Đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp. Trong buổi nói chuyện, Người đã đánh giá cao thành tích của Thanh Hóa trong cuộc chiến đấu: bắn rơi 297 máy bay Mỹ, đồng thời ghi nhận những thành tựu to lớn của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp. Người ân cần nhắc nhở: cán bộ phải đi sát sản xuất, đi sát quần chúng và phải dân chủ với dân. Đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình để tiến bộ.

Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (1969-1973), các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bắn rơi 92 máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc B52. Ngoài ra, Thanh Hóa còn tổ chức rà phá thành công nhiều loại bom mìn, thủy lôi mà đế quốc Mỹ thả dày đặc ở các cửa sông, bến cảng trọng yếu.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có khoảng 25 vạn cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên ưu tú của Thanh Hóa đã tham gia bộ đội, thanh niên xung phong; có 43.976 là liệt sĩ, có 4.424 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, có 76 người được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang. Tính đến năm 2018, có 187 tập thể được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Năm 1975, đất nước thống nhất, Thanh Hóa cùng Nhân dân cả nước bắt tay vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau hơn 30 năm đổi mới toàn diện, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên hầu hết các lĩnh vực: chính trị ổn định, kinh tế phát triển bền vững, nền văn hóa đa dạng, phong phú giàu bản sắc, nền giáo dục hiện đại cho con người và vì con người, hệ thống y tế cộng đồng tất cả vì sức khỏe của người dân...

Là một tỉnh có số dân đứng thứ ba cả nước, đất rộng, giàu tiềm năng, Thanh Hóa đang hứa hẹn trở thành một tỉnh thịnh vượng như khát vọng của biết bao thế hệ người xứ Thanh.

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ

Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]