(Baothanhhoa.vn) - Truyện dài: “Tiếng vọng rừng xanh” là tập sách của nhà văn Đào Hữu Phương viết cho thiếu nhi, Nhà nước tài trợ phát hành cho các trường THCS miền núi, vùng sâu, vùng xa do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Với chủ đề đấu tranh chống lại cái ác, sự hèn hạ để đem lại công bằng cho con người và trên hết là yếu tố triết lý về luật Nhân Quả mà nhà văn gửi vào tác phẩm có tính giáo dục thiếu niên, đề cao tính nhân văn và lòng cao thượng, dũng cảm, trung thực, biết tri ân công lao của những người ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Triết lý về nhân quả trong “Tiếng vọng rừng xanh” của Đào Hữu Phương

Truyện dài: “Tiếng vọng rừng xanh” là tập sách của nhà văn Đào Hữu Phương viết cho thiếu nhi, Nhà nước tài trợ phát hành cho các trường THCS miền núi, vùng sâu, vùng xa do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Với chủ đề đấu tranh chống lại cái ác, sự hèn hạ để đem lại công bằng cho con người và trên hết là yếu tố triết lý về luật Nhân Quả mà nhà văn gửi vào tác phẩm có tính giáo dục thiếu niên, đề cao tính nhân văn và lòng cao thượng, dũng cảm, trung thực, biết tri ân công lao của những người đã hy sinh cho quê hương, sống có ích cho cộng đồng và xã hội.

Với hơn một trăm trang viết, truyện dài Tiếng vọng rừng xanh có hai nhân vật chính là Tuấn Minh và Tú. Trong một chuyến Tuấn Minh được nghỉ hè về thăm quê nội gặp Tú là con ông chú. Vô tình hai bạn phát hiện một chiếc trống đồng bị bọn trộm giấu trong hang. Từ nút thắt này, Tuấn Minh và Tú lập ra kế hoạch âm thầm xác minh ai là kẻ gian giấu mặt? Quá trình diễn biến câu chuyện với nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, họ lại phát hiện thêm hai vụ việc khác.

Đoạn văn tả cảnh hai cậu bé dũng cảm vượt sông, suối đi tìm dấu vết một kẻ nghi ngờ - đó là Lò Văn Sao, người chuyên đi buôn gỗ trong khu vực này, gã còn làm nghề xe ôm. Gã có hình dạng giống Hoàng Mai, con nuôi ông họa sĩ già cùng trên phố với Tuấn Minh. Hoàng Mai vi phạm tội danh khắc nhiều con dấu giả tiếp tay cho tội phạm đang bị truy nã: “Tú giương đèn bin lên bấm,... Bỗng từ trong một ngách hang, tiếng con lu sủa ăng ẳng... cạnh chỗ con lu có một cái bì xác rắn. Cái bì đựng vật gì bên trong, thoạt nhìn tưởng như là một đứa trẻ lên ba, lên bốn. Hai anh em cùng nhào lại, tháo đoạn thừng buộc túm bên trên mở ra xem, rồi cùng thốt lên: Trống đồng! - Sao lại có trống đồng ở đây? Tú suy nghĩ rồi nói: Em nhớ ra rồi. Đây là cái trống đồng ông trưởng bản Tùm đào được tháng trước. Tuấn Minh ngạc nhiên hỏi: - Em nói sao? Vùng mình cũng đào được trống đồng?- Vâng!... Nhưng sau đó em nghe nói có người mang giấy giới thiệu của Giám đốc Bảo tàng tỉnh lên thu hồi đem về thành phố rồi kia mà. Sao bây giờ nó lại ở đây?. Ngày mai anh em mình phải ghé vào nhà Lò Văn Sao đi...”.

Trong mỗi tâm hồn con người đã có sẵn tính hướng thiện và mong muốn đấu tranh chống lại kẻ bất lương. Nhà văn Đào Hữu Phương đã dẫn dắt câu chuyện thông qua hai nhân vật bằng một giọng văn truyền cảm, tạo ra các mắt xích sự kiện, vụ việc để nhân vật đi tìm lời giải bằng hành động thẳng thắn, dũng cảm, tự tin và có cả sự tò mò của tuổi trẻ để muốn chứng minh việc làm của một kẻ giấu mặt đang khiến không gian bình yên thôn bản bị đe dọa. Tự trong tâm hồn hai đứa trẻ thấy trách nhiệm công dân của mình là không buông bỏ câu chuyện dang dở một cách vô trách nhiệm. Phải vượt qua nỗi sợ hãi, những cản trở của khó khăn trên con đường đi tìm sự thật không làm cho các em nhụt chí. “... Trầy trật mãi chiếc xe đạp mới cõng được hai thằng lên đỉnh dốc. Tuấn Minh định nhảy xuống nghỉ một lúc cho hoàn hồn thì Tú đã cho xe lao thẳng xuống dốc, tốc độ mỗi lúc một nhanh”. Hai bạn trẻ tìm đến ngôi làng có kẻ tên thực là Hoàng Mai đội lốt đứa em sinh đôi xấu số lấy tên của em mình là Lò Văn Sao trà trộn sống trong dân bấy lâu nay nhưng chưa bị phát giác.

Việc điều tra kẻ trộm trống đồng giấu trong hang chưa có kết quả, bà thím họ đến nhà ông nội hai bạn thông báo bị mất con trâu, tài sản giá trị nhất của bà. Hoàn cảnh của bà thím rất khó khăn. Theo lời kể trong làng thì chồng thím là liệt sĩ chống Pháp, con trai duy nhất của bà thím khi lên cao trận trên núi bắt phi công rơi lại đầu hàng theo phi công lên máy bay bặt vô âm tín mấy chục năm nay. Bà thím bị mọi người xa lánh, trừ nhà ông bà nội hai bạn trẻ. Sự việc này xảy ra khiến Tú và Tuấn Minh càng nghĩ đến sự nghi ngờ Lò Văn Sao là có cơ sở.

Khi đọc những dữ kiện trên, bạn đọc cho rằng nhà văn Đào Hữu Phương đưa ra quá nhiều dữ kiện trong cùng một câu chuyện về hai bạn trẻ trong một kỳ nghỉ về quê. Tuy nhiên, càng đọc, bạn đọc càng thấy biệt tài xử lý tình huống của Đào Hữu Phương khi đưa các nhân vật chính về một tuyến và thêm vào đó các nhân vật trung gian và nhân vật phản diện đan cài vào nhau mà không trùng lặp, không ngắt quãng hay phi lý về bố cục sắp xếp sự kiện khiến câu chuyện cuốn hút bạn đọc.

Tạm để lại vụ việc cái trống đồng bị kẻ gian trộm cắp giấu trong hang, hai bạn cất công đi tìm con trâu cho bà thím họ. Họ lại không quản khó khăn, vào rừng sâu rồi phát hiện ra cũng trong một cái hang: “... Một con trâu bị xâu mũi bằng sợi thừng đay dài, buộc vào đá đang nằm đánh hàm nhai cỏ”. Qua kết nối xâu chuỗi các thông tin, Tú, Tuấn Minh biết chủ mưu trộm trâu chính là Lò Văn Sao.

Những khao khát khám phá mọi bí mật của vùng quê nội khiến anh em Tú, Tuấn Minh cất công đi lên đỉnh núi cao mấy chục năm trước mà anh Kiên con bà thím họ bị quy kết leo lên máy bay Mỹ trốn theo giặc khiến Tú, Tuấn Minh băn khoăn. Bằng trực cảm và cả linh cảm, họ nghi ngờ vụ việc này có nhiều khuất tất bởi khi tìm hiểu về anh Kiên con bà thím họ, Tuấn Minh và Tú phát hiện ra khi xưa anh bất đồng ý kiến với một số cán bộ xã, nhưng anh là người thẳng thắn, trung thực, dũng cảm... Làm sao anh để mẹ già ở quê mà phản bội được... Vụ việc thứ ba cũng dần được Tú và Tuấn Minh điều tra khi tiếp cận với ông Đốc, người thứ hai cùng anh Kiên được phân công lên cao điểm bắt phi công nhảy dù khi chiếc máy bay Mỹ đã cháy thuở xưa. Do bản chất hèn hạ, sợ chết, sợ máy bay địch yểm trợ thả quân xuống càn quét nên thời điểm đó ông Đốc không lên tiếp cận tên lính dù mà lại lùi lại sau để một mình anh Kiên lên cao điểm bắn trả máy bay khi nó thả thang dây cứu nguy cho giặc lái nhảy dù. Anh bị đạn từ máy bay địch xả xuống và cánh quạt máy bay thổi rơi xuống vực. Lẽ ra ông Đốc phải về thông báo sự việc, nhưng bản chất vốn hèn hạ lại lưu manh nên ông ta bịa ra việc anh Kiên ra hàng rồi leo lên máy bay Mỹ mất tích cùng với tên giặc lái để trốn tội và thoái thác trách nhiệm. Việc này khiến bà thím họ của Tú và Tuấn Minh sống trong tủi nhục nhiều năm nay. Với cách tiếp cận khéo léo, hai bạn trẻ đã ghi âm được câu chuyện xưa khi ông Đốc buột miệng kể ra và cho rằng hai đứa trẻ không đáng để ông ta đề phòng...

Bạn đọc thấy thỏa mãn trong cách giải quyết vấn đề khi các chiến sĩ công an điều tra ra kẻ đánh cắp trống đồng và trộm trâu chính là tên Hoàng Mai, kẻ đang bị truy nã đã mang tên Lò Văn Sao (tên đứa em sinh đôi của mình) để trà trộn trong dân cư và thông điệp luật Nhân Quả nhà văn đưa ra trong đoạn văn sau: “... Bất chợt, nhìn thấy chiếc xe thùng màu trắng, bên hông in dòng chữ cảnh sát hình sự màu xanh đậu lù lù giữa sân, tên Hoàng Mai hốt hoảng dừng lại. Từ trong nhà ba bốn sắc phục màu vàng bất ngờ lao ra: “Hoàng Mai, anh đã bị bắt!”.

Về cuối câu chuyện nhà văn để nhân vật Đốc cho lương tâm ông ta tự phán xét bởi từ khi để mặc anh Kiên đối mặt với quân thù và bị rơi xuống vực, ông ta còn vu oan cho anh Kiên theo giặc, từ đó cuộc sống của ông ta không còn bình yên vì những ám ảnh của tội ác do ông ta âm thầm gieo rắc. Tuy không ai biết, nhưng những ám ảnh luôn ghì rít ông ta trong ân hận dày vò.

Anh Kiên đã được minh oan và truy tặng liệt sĩ. Bà thím của Tú, Tuấn Minh được sống những ngày cuối đời thanh thản. Tú và Tuấn Minh được các chú công an, ông nội và bà thím họ cùng bà con dân bản khen ngợi. Nhưng điều quan trọng là hai bạn trẻ nhận ra trong khoảng thời gian về quê, hai bạn đã kết hợp với nhau làm những việc tốt, đầy ý nghĩa và có bao trải nghiệm thú vị. Đó là phần thưởng quan trọng nhất để hai em tiếp bước trên con đường trưởng thành rèn luyện nhân cách, đấu tranh chống lại cái ác, sự hèn hạ để đem lại công bằng cho con người và đó cũng là yếu tố triết lý về luật Nhân Quả mà nhà văn muốn gửi vào tác phẩm thông qua những nhân vật tuổi niên thiếu của mình.

Viên Lan Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]