(Baothanhhoa.vn) - Đơn vị hành chính các cấp ở nước ta giai đoạn từ năm 1945 đến nay nói chung, ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã nhiều lần được điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc góp phần phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện đồng bộ các giải pháp sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội

Đơn vị hành chính các cấp ở nước ta giai đoạn từ năm 1945 đến nay nói chung, ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã nhiều lần được điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc góp phần phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội

Đồng chí Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh (ngày 20-3-2019), do Sở Nội vụ tổ chức. Ảnh: Hồng Hạnh

Tuy nhiên, việc chia, tách đơn vị hành chính các cấp thời gian qua đã nảy sinh một số bất cập và hạn chế, các đơn vị hành chính mới có quy mô diện tích nhỏ, không đồng đều giữa các vùng miền, chưa có sự tương quan phù hợp giữa diện tích tự nhiên với dân số của đơn vị hành chính, vì thế đã gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phân tán nguồn lực địa phương, tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương lớn, ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc tăng... Do đó, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, làm tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ hết sức quan trọng ở các tỉnh, thành trên cả nước trong giai đoạn hiện nay.

Thực tế tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở tỉnh ta cho thấy, nếu như trước năm 1975, toàn tỉnh chỉ có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thị xã và 21 huyện) với 561 đơn vị hành chính cấp xã thì đến nay, sau hơn 40 năm, Thanh Hóa đã có 27 đơn vị hành chính cấp huyện (24 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố) với 635 đơn vị hành chính ở cấp xã. Hiện tại, Thanh Hóa đang là tỉnh có số đơn vị hành chính cấp huyện đứng thứ hai và số đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất trong cả nước. Tổng hợp kết quả rà soát thực trạng đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh hiện có 463 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích; 101 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn dân số; có 66 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số (chiếm hơn 10% tổng số đơn vị thuộc diện phải sắp xếp của toàn quốc). Nhiều xã có chưa tới 100 ha, dân số chưa tới 1.500 người nên gần như không có tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong khi tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, công sở, cơ sở vật chất... bố trí như những đơn vị hành chính có quy mô lớn. Vì vậy, có thể thấy việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện nay là hết sức cần thiết để tăng quy mô đơn vị hành chính, từng bước đảm bảo đủ chuẩn theo quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cũng xem đây là một trong những bước đột phá nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ của địa phương theo tinh thần chủ trương Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 635/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào thực tiễn tổ chức đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh.

Để cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Trung ương trong việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn các địa phương trong tỉnh, ngày 15-3-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị. Cùng thời điểm trên, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND trong đó giao nhiệm vụ chi tiết với lộ trình thời gian cụ thể để các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện; thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai đến toàn thể cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ và nhân dân toàn tỉnh. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành cấp tỉnh tổ chức triển khai, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ theo từng lĩnh vực liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền về sắp xếp đơn vị hành chính được đẩy mạnh, chú trọng về hình thức, phong phú về nội dung nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Theo tinh thần định hướng chung của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo tình hình phát triển cụ thể của từng địa phương. Qua tổng hợp phương án sắp xếp của địa phương, toàn tỉnh sẽ tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã đối với những đơn vị có quy mô diện tích, dân số nhỏ hơn quy định để hình thành đơn vị hành chính cấp xã mới tại 26/27 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, sẽ thực hiện sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn thành 67 xã, phường, thị trấn và thành lập thị trấn mới trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn. Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thông qua, tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm 76 đơn vị (giảm 11,9% đơn vị), từ 635 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 559 đơn vị, gồm: 496 xã, 34 phường và 29 thị trấn.

Với số lượng đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp lớn, khối lượng công việc nhiều, áp lực về tiến độ thời gian phải hoàn thành cao, đến nay ở cấp huyện, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đã nhanh chóng nhập cuộc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch; thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; phân công các đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành huyện ủy là thành viên ban chỉ đạo chịu trách nhiệm phụ trách cụ thể từng địa phương trong triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các xã, phường, thị trấn cũng như đến từng thôn, tổ dân phố trong khu vực sắp xếp; tiến hành lập, niêm yết danh sách cử tri, tổ chức lấy ý kiến cử tri... Ở cấp tỉnh, những nội dung công việc lớn, quan trọng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên toàn tỉnh đến nay như phê duyệt phương án tổng thể, xây dựng đề án tổng thể, tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri của các địa phương thuộc diện sắp xếp, tổ chức họp HĐND cấp xã, cấp huyện thông qua đề án... đã được hoàn thành xong sớm hơn so với quy định của Trung ương.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng còn gặp một số khó khăn như: Trung ương chưa có hướng cụ thể về công tác tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, viên chức và số lượng cấp phó ở đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn băn khoăn đối với việc bố trí, sắp xếp sau khi sáp nhập các xã; ở một số địa phương, một bộ phận nhân dân còn tâm tư, băn khoăn với tên gọi của đơn vị hành chính mới, việc bố trí sử dụng công sở sau sắp xếp, đặc biệt ở những nơi có trụ sở mới được đầu tư xây dựng. Công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cán bộ, đảng viên; tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân, nhất là các chế độ, chính sách đặc thù, chính sách với cán bộ, công chức dôi dư ở một số địa phương chưa kịp thời, sâu sát và toàn diện. Một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của sắp xếp đơn vị hành chính; có tư tưởng lợi ích cá nhân, cục bộ địa phương nên trong chỉ đạo, triển khai thực hiện chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả. Qua tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri đối với những đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp trên địa bàn tỉnh cho thấy: Với tỷ lệ cử tri đồng thuận lên đến 452.187/468.626 cử tri (bằng 93,81% so với tổng cử tri trong danh sách tham gia bỏ phiếu) cho thấy việc sắp xếp làm tăng quy mô đơn vị hành chính cấp xã là đúng đắn, được đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân đồng tình ủng hộ. Cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nên bước đầu đạt được một số thành công như mong muốn.

Hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 là tiền đề quan trọng nhằm ổn định về tổ chức bộ máy; ổn định công tác cán bộ và đời sống sinh hoạt của nhân dân; góp làm tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị, hướng tới tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nguyễn Xuân Thủy

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó trưởng Ban chỉ đạo

sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]