(Baothanhhoa.vn) - Khi giá lạnh mùa đông tan dần để mùa xuân tràn tới, là khi lá hoa muôn màu đua nở với nhân gian. Thiên nhiên đâu có vô tình, mà có một lập trình để cho mùa xuân đem đến an vui, hạnh phúc cho muôn người sau những tháng ngày nắng nung đỏ lửa, bão tố, mưa giông.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thơ tình mùa xuân

Khi giá lạnh mùa đông tan dần để mùa xuân tràn tới, là khi lá hoa muôn màu đua nở với nhân gian. Thiên nhiên đâu có vô tình, mà có một lập trình để cho mùa xuân đem đến an vui, hạnh phúc cho muôn người sau những tháng ngày nắng nung đỏ lửa, bão tố, mưa giông.

Hoàng Thi Anh

Trong không gian tươi đẹp ấy, hoa nở, bướm vờn, chim chóc hót ca, hân hoan đón chào một năm mới cùng bao niềm vui mới. Thơ tình mùa xuân như một “món quà quý”, mỗi mùa xuân về những vần thơ chắp cánh bay lên cùng sự thăng hoa của bao tâm hồn yêu thơ, yêu người, yêu cảnh, yêu quê hương Việt Nam không bao giờ vơi cạn.

Nói đến thơ tình mùa xuân chúng ta không thể không nhớ đến những vẫn thơ tao nhã, thấm đẫm chất quê của nhà thơ Nguyễn Bính. Không gian nghệ thuật rộng mở không giới hạn trong thơ xuân của ông gợi miền ký ức của bao thế hệ gắn với phong tục tết quê thấm đẫm hồn xưa cũ. Trong bài “Thơ xuân”, mở đầu bài thơ ông viết: “Đây cả mùa xuân đã đến rồi/ Từng nhà mở cửa đón vui tươi/ Từng cô em bé so màu áo/ Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười”. Có ai trong chúng ta không một lần đón tết xúng xính quần áo mới mẹ mua, đem so cùng chúng bạn. Đó là niềm vui chờ đợi đã lâu, là những ngày đếm lùi thời gian để có ngày “Từng nhà mở cửa đón vui tươi/ Từng cô em bé so màu áo”... Thơ hay không chỉ mang đến cho bạn đọc một thông tin về một câu chuyện, nhân vật, tình, cảnh, mà thơ hay còn bởi nói được tiếng lòng của số đông quần chúng nhân dân, mà nhà thơ Nguyễn Bính là một trong số đó. Có ai một thời tuổi trẻ lòng không xôn xao, náo nức đón xuân về?! Những chàng trai, cô gái đang yêu lòng càng xốn xang gấp bội: “...Và tựa hoa tươi cánh nở dần/ Từng hàng thục nữ dậy thì xuân/ Đường hương thao thức lòng quân tử/ Vó ngựa quen rồi ngõ ái ân”. Có nhiều người đã từng ví người con gái đang yêu đẹp như hoa, trong bài “Thơ xuân” Nguyễn Bính tả cô gái đẹp ở tuổi dậy thì như từng cánh hoa tươi hé nở dần. Đây là một vẻ đẹp thanh khiết, tràn đầy thơ mộng, khiến các bậc quân tử phải “thao thức” bởi hương sắc của những nàng thơ mỗi bận xuân về.

Nếu không gian nghệ thuật trong thơ tình mùa xuân của Nguyễn Bính trải rộng bao nhiêu, thì không gian nghệ thuật trong thơ tình của Hàn Mặc Tử đôi khi lại thu hẹp và cụ thể bấy nhiêu. Những chi tiết tưởng vô cùng dung dị lại trở nên ấn tượng sâu sắc với bạn đọc. Trong bài “Mùa xuân chín” tác giả viết: “Trong làn nắng ửng: khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc,/ Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”. Một bức tranh ấm áp tràn ngập màu sắc hiện lên trên từng ngôn ngữ chứa đựng âm thanh, hình ảnh sống động, trong khung cảnh êm đềm, đó là “nắng ửng”, “khói mơ”, “lấm tấm vàng”, “tà áo biếc”... Có hình ảnh rõ nét, có hình ảnh chỉ là ảo giác của cái bóng, nhưng chỉ một khổ thơ bốn dòng, Hàn Mặc Tử đã vẽ nên một bức tranh xuân hoàn chỉnh, thơ mộng. Tài năng của nhà thơ là cách sử dụng từ giản dị mà khắc, chọn được những nét đẹp cơ bản của ý tưởng đem trình bày trong một không gian cụ thể: “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời/ Bao cô thôn nữ hát trên đồi/ Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi”. Cỏ xanh, bầu trời, đồi núi... nào có xa lạ gì?. Điều khiến cỏ xanh gợn tới chân trời là bởi trên đồi ấy xuất hiện “mấy cô thôn nữ hát trên đồi”. Phải chăng, trong số các cô thôn nữ ấy, có một má hồng đã là nàng thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử? Vì thế chăng lời thơ đượm vẻ liêu trai, man mác nỗi buồn, tiếc nuối xuân thì cho má hồng không chờ được người tri kỷ, ngày mai đành bỏ dở cuộc chơi. Dù cuộc chơi đẹp quá, như chốn bồng lai bởi có cỏ xanh gợn tới trời, trên đồi thôn nữ hát khác gì cảnh Tiên...

Thơ tình mùa xuân luôn gắn với thiên nhiên tươi đẹp – món quà của đất trời ban tặng cho con người. Nhà thơ Hồ Dzếnh lấy cây lá, mặt hồ, cánh chim bay và “Em” để đưa vào bức tranh miêu tả mùa xuân của mình. Cũng dịu dàng và sâu lắng lắm, như bài “Ý xuân” ông viết: “...Sắc biếc giao nhau cành bắt cành/ Nước trong hồ ngợp thủy tinh xanh/ Chim bay, cánh trĩu trong xuân ý/ Em đợi chờ ai, khuất bức mành?”. Mọi cảnh vật, từ hoa lá, đến bầu trời, mặt nước, cánh chim khi mùa xuân về đều trở nên lộng lẫy hơn ngày thường. Và cũng có lẽ, “người vui nên cảnh đẹp”, vì có một cô gái đang chờ ai sau bức mành nên cành lá bỗng nhiên xanh biếc và mặt hồ ngợp sắc màu thủy tinh, cánh chim bay cũng như trĩu xuống... Chỉ khổ thơ này thôi, bạn đọc đủ hiểu vì sao sắc lá xanh đến thế, mặt hồ trong đến thế, chính là tình yêu đã khiến bức tranh trở nên huyền ảo cho dù sự xuất hiện của cô gái không rõ hình hài, nhưng sức gợi của câu thơ rất lớn: “Em đợi chờ ai, khuất bức mành”.

Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu trong bài “Nụ cười xuân” cũng có một “nàng thơ” đặc biệt. “Nàng thơ” của Xuân Diệu đã bước ra bên ngoài, thể hiện sự quyết đoán và mạnh mẽ hơn các “nàng thơ” của Nguyễn Bính “Em là con gái trong khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già” và Hồ DZếnh “Em đợi chờ ai, khuất bức mành?”. Ngôn ngữ biểu hiện trong thơ tình mùa xuân của Xuân Diệu vẫn lấy mùa xuân làm tiêu đề chính, để kể một câu chuyện có một nhân vật quan trọng, đó là một thiếu nữ “làm duyên, đứng mỉm cười”: “Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui/ Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời/ Sao buổi đầu xuân êm ái thế! Cánh hồng kết những nụ cười tươi/.../ Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người/ Chưa từng hẹn đến – giữa xuân tươi/ Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy/ Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười”.

Đã có bao cuộc hội ngộ, chia ly rồi đoàn tụ ở những ga tàu. Hình ảnh con tàu, tiếng còi tàu đã đi vào tâm khảm bao thế hệ với những ký ức còn tươi nguyên nỗi nhớ, khảm vào tâm hồn chúng ta một thời không thể nào quên, đặc biệt là vào dịp tết đến, xuân về. Nhà thơ Đoàn Cao với bài “Chuyến tàu cuối năm” đã nói hộ lòng bạn đọc: “...Đêm không ngủ nhìn ra ngoài đêm ngủ/ Một mình tôi soi bóng một mình tôi/ Tàu dừng lại tránh một tàu đi ngược/ Xuân xưa qua, xuân mới cận kề rồi”.

Với nhà thơ Thanh Hải thì chỉ với bài “Mùa xuân nho nhỏ” đã đưa ông lên thi đàn Việt Nam với ngôi vị sang trọng. Bài thơ vẫn lấy không gian nghệ thuật là dòng sông, hạt mưa, cánh đồng, nương mạ... của làng quê yêu dấu Việt Nam làm nền để chuyển tải những ý tưởng về mùa xuân, người lính trên mảnh đất Việt Nam kiên trung và anh dũng, nhưng không kém phần xinh đẹp lãng mạn trong đời và trong thơ. Đọc mỗi khổ thơ chúng ta như thấy hương xuân đã hóa nên mật ngọt tràn khắp nẻo tâm hồn, xóa đi những lo âu, nhọc nhằn của năm cũ để đón chào năm mới hân hoan và hạnh phúc:

“Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng/ Mùa xuân người cầm súng/ Lộc giắt đầy quanh lưng/ Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương mạ/ .../ Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao/... / Đất nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao/ Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước/ Ta làm con chim hót/ Ta làm một nhành hoa/.../ Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc/.../ Mùa xuân ta xin hát/ Câu Nam ai, Nam bình/ Nước non ngàn dặm mình...”.

Thơ tình mùa xuân đem đến cho chúng ta những thi vị đặc sắc trong tâm hồn trước một năm mới với hy vọng đạt nhiều thành công mới. Đây cũng là một trong những động lực để chúng ta thành công bắt đầu từ mùa thứ nhất – mùa xuân. Mùa xuân đất nước, gia đình, tình yêu mà thiên nhiên hào phóng ban tặng những hoa thơm, quả ngọt cho đời hương vị đắm say, nồng nàn và thơ tình mùa xuân dần đã thành “rượu ngọt” của bao tâm hồn người Việt mỗi khi tết đến, xuân về.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]