(Baothanhhoa.vn) - Suốt 70 năm qua, đáp lại “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác Hồ, quân và dân Thanh Hóa đã hăng hái thi đua, đóng góp sức người, sức của, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, công tác thi đua – khen thưởng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, như một động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Song, vẫn còn những mặt hạn chế, bất cập đang đặt ra cho công tác thi đua – khen thưởng trước yêu cầu đổi mới một cách toàn diện và hiệu quả. Đây cũng là nội ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thi đua – khen thưởng: Động lực mạnh mẽ của công cuộc đổi mới

Suốt 70 năm qua, đáp lại “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác Hồ, quân và dân Thanh Hóa đã hăng hái thi đua, đóng góp sức người, sức của, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, công tác thi đua – khen thưởng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, như một động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Song, vẫn còn những mặt hạn chế, bất cập đang đặt ra cho công tác thi đua – khen thưởng trước yêu cầu đổi mới một cách toàn diện và hiệu quả. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh.

Các giáo viên và học sinh được biểu dương, khen thưởng do đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi quốc tế.

“Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”

PV: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của công tác thi đua, khen thưởng như là một động lực thúc đẩy phát triển xã hội theo hướng tốt đẹp hơn. Vậy xin ông cho biết, trong bối cảnh hiện nay, công tác thi đua, khen thưởng giữ vai trò như thế nào trong công cuộc đổi mới và phát triển quê hương?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thi đua - khen thưởng là một trong những mặt công tác được Người quan tâm đặc biệt, là động lực thúc phát triển xã hội. Tròn 70 năm kể từ ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta đã trở thành cao trào cách mạng của quần chúng trên tất cả các lĩnh vực. Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong bối cảnh hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác thi đua, khen thưởng có vai trò quan trọng, là động lực mạnh mẽ của công cuộc đổi mới, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia. Theo đó, đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác thi đua, khen thưởng đã được Đảng và Nhà nước ta ban hành, như Chỉ thị 35-CT/TW ngày 3-6-1998, Chỉ thị 39-CT/TW ngày 21-5-2004 và Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016... Đặc biệt, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã nêu cao chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, từ đó khuyến khích các cá nhân, tập thể đem hết tài năng, ra sức thi đua lập nhiều thành tích, nhằm xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần phát triển quê hương, đất nước.

PV: Nếu ví công tác thi đua, khen thưởng như “sợi chỉ đỏ” của tinh thần đoàn kết và tạo sức mạnh vật chất cho mọi hành động của cá nhân, tập thể và cộng đồng dân tộc; vậy thì vấn đề đặt ra lúc này phải chăng là làm thế nào để “giữ lửa” tinh thần và nhiệt huyết cho các phong trào thi đua, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Phải khẳng định rằng, thành quả lớn nhất trong việc thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ là tạo ra sức mạnh chính trị, tinh thần, vật chất cho mọi hành động của cá nhân, tập thể và lợi tích quốc gia. Để phát huy sức mạnh to lớn ấy, cũng là để công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt và “giữ lửa” tinh thần, nhiệt huyết cho các phong trào thi đua, chúng tôi cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thi đua, khen thưởng; đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua, nhằm lôi cuốn đông đảo nhân dân tích cực tham gia; chú trọng xây dựng, lựa chọn mô hình, điển hình tiên tiến làm nhân tố nhân ra diện rộng; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng gắn với cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng... Từ đó, thực hiện tốt lời dạy của Bác “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

PV: Chủ tịch Hồ Chí minh từng chỉ rõ “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Vậy cần giải quyết mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng ra sao để thi đua là cơ sở cho khen thưởng và khen thưởng là động lực để thi đua, hay phản ánh đúng bản chất, hiệu quả của công tác thi đua, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua không phải là sự “ganh đua” thuần túy, mà là “làm tốt công việc hàng ngày là nền tảng thi đua”; còn khen thưởng là “thưởng phạt phải nghiêm minh, có công thì thưởng, có lỗi thì phạt“. Người cũng chỉ rõ, “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”, để cho thấy mối quan hệ biện chứng của thi đua và khen thưởng, hay sự gắn kết kịp thời giữa phong trào thi đua với khen thưởng là yếu tố quan trọng, làm cho phong trào thi đua phát triển vững mạnh.

Trong thực tế, thi đua là cơ sở của việc khen thưởng. Tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua sẽ xuất hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến, làm cơ sở để lựa chọn, bình xét và khen thưởng kịp thời. Thi đua tốt thì có nhiều thành tích để khen thưởng. Mặt khác, khen thưởng được xem là động lực, đòn bẩy để khuyến khích các phong trào thi đua phát triển. Khen thưởng chính xác, công bằng sẽ có tác dụng động viên, giáo dục và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước; tạo động lực cách mạng lôi cuốn, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân vươn lên lập thành tích xuất sắc trên tất cả mọi lĩnh vực. Do vậy, khen thưởng nếu không chính xác, công bằng và công khai, thì không chỉ làm mất tác dụng và ý nghĩa của công tác này, mà còn làm cho phong trào thi đua không đạt được mục tiêu đề ra, cũng như làm mất niềm tin trong quần chúng nhân dân.

PV: Có ý kiến cho rằng, nếu thi đua là biện pháp xây dựng con người mới thì khen thưởng là công cụ quản lý Nhà nước, quản lý con người mới. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Có thể khẳng định rằng, trong giai đoạn hiện nay, thi đua là một biện pháp hữu hiệu xây dựng con người mới, con người XHCN và khen thưởng là biện pháp quản lý Nhà nước, quản lý con người mới. Kết quả thi đua được cụ thể hóa bằng việc hoàn thiện hệ thống văn bản lãnh, chỉ đạo của cấp ủy đảng và cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng; đồng thời, các văn bản về thi đua, khen thưởng phản ánh đúng kết quả phong trào thi đua, sẽ dẫn dắt phong trào thi đua, định hướng phát triển xã hội. Kết quả khen thưởng thể hiện ý chí của chủ thể quản lý Nhà nước, định hướng mọi người nỗ lực phấn đấu hoàn thiện mình, khẳng định mình, lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Một khi chúng ta làm tốt hai công tác này sẽ góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Động lực quan trọng

PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được từ công tác thi đua, khen thưởng ở tỉnh ta những năm qua? Kết quả này đã đóng góp ra sao trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá và “tỉnh kiểu mẫu”, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Đã trở thành truyền thống, vào ngày 20-2 hàng năm (ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tổ chức phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; tổ chức các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề... Đồng thời, coi trọng công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và nhân rộng các điển hình tiên tiến, từ đó, hàng năm tổ chức hội nghị vinh danh, biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, công tác khen thưởng cũng được tỉnh chỉ đạo chặt chẽ, đúng Luật Thi đua - Khen thưởng và đảm bảo nguyên tắc công khai, công bằng, chính xác, kịp thời. Đến nay, toàn tỉnh có 206 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 16 đơn vị và cá nhân là “Anh hùng Lao động”, 94 cá nhân là “Anh hùng Lực lượng vũ trang”, 4.487 bà mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Từ năm 2005 đến 2017, toàn tỉnh có hàng vạn lượt tập thể, cá nhân được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, địa phương khen thưởng. Có thể khẳng định, với nhiều kết quả đạt được, công tác thi đua - khen thưởng đã thực sự trở thành một động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020 và sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PV: Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đã chỉ rõ “Phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, liên tục, nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; nhiều nơi khen thưởng còn thiếu chính xác, chưa kịp thời”. Thực trạng này có xảy ra ở Thanh Hóa không thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh ta đã đạt nhiều thành tích và được Trung ương đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế trong công tác này, cụ thể là có lúc, có nơi các phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, liên tục, sâu rộng, còn mang tính hình thức, chưa gắn chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Công tác khen thưởng còn thiếu chính xác, chưa kịp thời, chưa thực hiện tốt việc nhân rộng điển hình tiên tiến làm cho chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng chưa cao; còn nhiều đơn vị, địa phương, cá nhân chưa coi trọng công tác thi đua mà nặng về đề nghị khen thưởng...

PV: Từ thực tế công tác thi đua - khen thưởng ở tỉnh ta, theo ông, cần những giải pháp căn bản, toàn diện nào nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trong bối cảnh hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trong bối cảnh hiện nay, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu về công tác thi đua, khen thưởng, xem đây là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhất. Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về thi đua, khen thưởng đến mọi tầng lớp nhân dân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua; từng bước khắc phục bệnh thành tích và hình thức trong thi đua, khen thưởng. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua; phát hiện, xây dựng, tổ chức học tập những mô hình mới, hiệu quả, nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến làm hạt nhân nòng cốt trong các phong trào thi đua. Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể chính trị, nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!


Lê Dung (Thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]