(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa bắt tay vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi là Chương trình XDNTM) với nhiều khó khăn, thách thức: Là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp cơ sở nhiều nhất; điểm xuất phát về kinh tế thấp, bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,7 tiêu chí/xã. Trong 573 xã XDNTM, có 211 xã miền núi, trong số đó lại có tới 102 xã thuộc 7 huyện nghèo...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững

Thanh Hóa bắt tay vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi là Chương trình XDNTM) với nhiều khó khăn, thách thức: Là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp cơ sở nhiều nhất; điểm xuất phát về kinh tế thấp, bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,7 tiêu chí/xã. Trong 573 xã XDNTM, có 211 xã miền núi, trong số đó lại có tới 102 xã thuộc 7 huyện nghèo...

Mô hình thanh long ruột đỏ của gia đình chị Lê Thị Bảy, thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Anh

Đứng trước yêu cầu và thực trạng trên, tỉnh ta đã tập trung triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, cách làm năng động, sáng tạo, trong đó đáng chú ý là ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản triển khai thực hiện; ban hành các cơ chế, chính sách kích cầu hiệu quả, như: Cơ chế để lại nguồn thu tiền sử dụng đất, cơ chế hỗ trợ xi măng, chính sách hỗ trợ đầu tư công trình, chính sách hỗ trợ (thưởng) huyện, xã, thôn, bản đạt chuẩn NTM; chủ động biên soạn tài liệu và tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội thi, phát hành bản tin NTM hằng tháng... để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, mục đích, ý nghĩa của chương trình.

Sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia của toàn xã hội, Chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức của cán bộ và nhân dân về XDNTM đã có sự chuyển biến tích cực; ý thức trách nhiệm, làm chủ của người dân đối với chương trình được nâng cao; cuộc sống người dân nông thôn ngày một khá hơn, thu nhập bình quân của người dân tăng từ 11,02 triệu đồng (năm 2011) lên 24,8 triệu đồng (năm 2017), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,96% (năm 2010) xuống còn 9,22% (năm 2017); hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được tăng cường, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi có nhiều khởi sắc. Đến hết năm 2017, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có lưới điện quốc gia, tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 86,6%, 80,9% số xã có trung tâm văn hóa – thể thao xã, 84,8% thôn có nhà văn hóa, 100% số xã có sân chơi, bãi tập thể thao.

Tính đến nay tổng huy động nguồn lực cho Chương trình XDNTM là 39.273,771 tỷ đồng; toàn tỉnh có 1 huyện, 244 xã (chiếm 42,6%) và 538 thôn, bản (trong đó có 401 thôn, bản miền núi) đạt chuẩn NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 15,3 tiêu chí/xã (tăng 10,6 tiêu chí so với khi bắt đầu triển khai); không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Bài học kinh nghiệm cho thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình XDNTM đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Việc khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, ý thức vươn lên không cam chịu đói nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là yếu tố quyết định. Vai trò của cấp ủy, chính quyền cấp xã là hết sức quan trọng, đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã phải thực sự tâm huyết, trăn trở, có trách nhiệm với công việc, với nhân dân để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành mục tiêu. Ở đâu có cán bộ tâm huyết thì ở đó có phong trào tốt và có điểm sáng. Ở đâu thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phân công, phân cấp, phân việc, phân quyền và phân tiền được rõ ràng, khách quan, minh bạch, không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì ở đó việc khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực để XDNTM được phát huy tối đa và thu được hiệu quả thiết thực. Và ở đâu cơ chế quản lý, điều hành đồng bộ, công tác cải cách hành chính được thực hiện triệt để, cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ được chú trọng thì ở đó hiệu lực công tác quản lý, điều hành được thực thi thông suốt, hiệu suất, chất lượng công tác được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức về XDNTM chưa đầy đủ, vẫn nặng tâm lý trông chờ vào đầu tư của Nhà nước. Trong lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương còn chưa quyết liệt, tâm huyết, hệ thống chính trị vào cuộc chưa được đều tay, còn có biểu hiện ngại khó. Một số cán bộ hiện nay trình độ, năng lực chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ, nhiều địa phương quá chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến đời sống văn hóa, tinh thần, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, xuất hiện tư tưởng “nóng vội”, “chạy theo thành tích” dẫn đến kết quả XDNTM thiếu bền vững như mong muốn.

Kết quả thực hiện chương trình chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa hai khu vực đồng bằng và miền núi (năm 2011 là 2,3 tiêu chí/xã, năm 2017 là 4,0 tiêu chí/xã), vẫn còn 2 huyện: Quan Sơn, Mường Lát chưa có xã đạt chuẩn NTM. Sản xuất tuy có bước phát triển nhưng theo yêu cầu của tái cơ cấu thì vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn chậm, sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, thu nhập của người dân nông thôn thiếu ổn định, chưa bền vững. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít, liên kết sản xuất chưa chặt chẽ, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Một số vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần trong xã hội ở nông thôn (lao động thiếu việc làm, tỷ lệ hộ nghèo, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, hủ tục, nếp sống văn hóa, tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường...) chưa được tập trung giải quyết một cách căn bản.

Việc củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở một số xã sau khi đạt chuẩn NTM chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, có nơi bị tụt hậu so với yêu cầu mới.

Xuất phát từ quan điểm XDNTM là thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, theo tư duy không ngừng tốt hơn, XDNTM cần bước lên một lộ trình mới: Phát triển thực chất, ổn định và bền vững, vừa qua, Trung ương đã triển khai XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Đối với việc xây dựng xã NTM nâng cao, có 5 nội dung trọng tâm: Hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, giáo dục - y tế - văn hóa, cảnh quan - môi trường, an ninh trật tự - hành chính công. Các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể, do từng tỉnh, thành phố quy định hoặc bổ sung phù hợp đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Dựa trên định hướng của Trung ương, tỉnh ta đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tại Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND ngày 10-8-2018 bao gồm 41 chỉ tiêu/15 tiêu chí.

Đối với XDNTM kiểu mẫu, đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí tại Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5-6-2018. Với quan điểm chỉ đạo là: Coi trọng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân, từ đó xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; cải thiện, nâng cao và bảo đảm chất lượng môi trường; xây dựng đời sống văn hóa và bảo đảm an ninh trật tự. Trên cơ sở đó, các địa phương tùy vào điều kiện thực tế và ưu thế, có thể lựa chọn loại hình xã NTM kiểu mẫu nổi trội nhất trong các nhóm tiêu chí đã ban hành (sản xuất, văn hóa, giáo dục, du lịch, môi trường, an ninh trật tự...) để hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

Ở tỉnh ta, năm 2017 UBND tỉnh đã giao Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh dự thảo tiêu chí và triển khai thí điểm mô hình thôn NTM kiểu mẫu tại 3 thôn, gồm: Bái Sơn (xã Hà Tiến, huyện Hà Trung); Xuân Lập (xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) và thôn 3 (xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân). Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện thí điểm, đến nay, dáng dấp “mô hình thôn NTM kiểu mẫu” đã cơ bản được hình thành, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện khá hơn, kinh tế vườn hộ, các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả được nhân rộng, giá trị văn hóa truyền thống của mỗi làng quê được giữ gìn và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng được coi trọng và tinh thần đoàn kết được tăng cường; môi trường sinh thái nông thôn có bước chuyển biến rõ nét, ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường được nâng lên, cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch - đẹp đã được hiện hữu.

Để hướng tới XDNTM bền vững, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về XDNTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Phát huy cho được vai trò chủ thể của người dân vì đó là nguyên tắc cốt lõi làm nên thành công của Chương trình NTM, đảm bảo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ. Muốn vậy, cần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư để họ đủ năng lực làm chủ chương trình.

Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện mở rộng các mô hình phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn liên kết theo chuỗi giá trị, hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao thu nhập của người dân; triển khai thực hiện tốt “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), mà trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, và coi đây là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình XDNTM gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn; thực hiện tốt chương trình hỗ trợ phát triển HTX; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, chú trọng quan tâm đến các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa, tiến bộ; thực hiện tốt công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm một nông thôn yên bình. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng về bảo vệ môi trường; áp dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn; đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào hương ước của thôn, bản và làm cho người dân chuyển từ ý thức “chỉ lo cho nhà mình sang lo cho cộng đồng”, từ đó đẩy mạnh phong trào thi đua “làm sạch môi trường, chỉnh trang khu dân cư xanh - sạch - đẹp gắn với XDNTM kiểu mẫu”, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động tối đa vật chất, tinh thần của cộng đồng trong XDNTM bền vững.

Trần Đức Năng

Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]