(Baothanhhoa.vn) - Tôi đã đến nhiều nơi khác nhau, gặp gỡ những nhân chứng lịch sử để ghi lại ký ức thời chiến mà họ đã trải qua và cũng từng đến nhiều vùng đất ở cả hai miền Nam, Bắc để tìm lại những chứng tích chiến tranh. Nhiều lần đứng trước những phần mộ liệt sĩ quê Thanh Hóa còn nằm ở các nghĩa trang, hay ở nơi rừng sâu núi thẳm cách xa quê nhà hàng trăm, hàng ngàn cây số, lòng tôi không khỏi đau đớn, xót xa...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tháng bảy về nguồn

Tôi đã đến nhiều nơi khác nhau, gặp gỡ những nhân chứng lịch sử để ghi lại ký ức thời chiến mà họ đã trải qua và cũng từng đến nhiều vùng đất ở cả hai miền Nam, Bắc để tìm lại những chứng tích chiến tranh. Nhiều lần đứng trước những phần mộ liệt sĩ quê Thanh Hóa còn nằm ở các nghĩa trang, hay ở nơi rừng sâu núi thẳm cách xa quê nhà hàng trăm, hàng ngàn cây số, lòng tôi không khỏi đau đớn, xót xa...

Dâng hương liệt sĩ trước giờ cất bốc hài cốt về quê hương tại Nghĩa trang Phú Quốc. Ảnh: M.H

Thuộc thế hệ sinh ra không biết đến chiến tranh, nhưng từ khi còn rất bé, tôi nhớ bà nội thường chỉ lên mảnh thép gỉ cắm xuyên qua đầu cây cột hè và bảo: “Kia là mảnh bom giặc Mỹ bay vào trong trận chúng đánh chợ Kiểu”. Rồi bà thấm nước mắt, kể tên những người trong gia đình, dòng họ hy sinh thời chiến tranh, hầu như nhà ai trong họ cũng có người hy sinh, có người đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Một thời đạn bom khốc liệt, với những mất mát, đau thương mà toàn dân tộc phải hứng chịu vẫn còn nằm sâu trong ký ức của lớp người cao tuổi. Thế hệ trẻ chúng tôi mãi mãi ghi ơn các liệt sĩ, thương, bệnh binh và thân nhân của họ - những người đã hy sinh thân mình, hy sinh hạnh phúc riêng tư, suốt đời chịu đựng nỗi đau chiến tranh, để gìn giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tôi đã từng lên Tây Bắc để thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, đó là chuyến đi thực tế sáng tác cùng chị em câu lạc bộ nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh. Tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, tên tuổi liệt sĩ quê Thanh Hóa được ghi dày đặc trên các bức tường, cho thấy Thanh Hóa là một trong những địa phương có số người hy sinh ở chiến trường Điện Biên lớn nhất. Đến khu vực Nghĩa trang Đồi A1, chúng tôi gặp phần mộ của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện nằm cùng với 3 anh hùng khác là Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Đây là những anh hùng liệt sĩ tiêu biểu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tên tuổi họ luôn sống mãi cùng năm tháng. Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện quê ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Câu chuyện ông lấy thân mình cứu pháo đã được ghi vào lịch sử, tên ông cũng được đặt cho nhiều đường phố, trường học trên khắp đất nước. Chúng tôi dâng hương lên phần mộ của ông, khói nhang nhòa mắt và cùng rưng rưng khấn: “Bác ơi, chúng cháu là thế hệ trẻ lên thắp hương cho bác, mong hương hồn bác vui nơi chín suối, phù hộ cho chị em văn nghệ sĩ chúng cháu mắt sáng lòng trong, bút sắc”...

Còn nhớ, dịp kỷ niệm 50 năm Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa, tôi đã cùng ekip làm phim đi thăm lại những địa danh in dấu người Thanh Hóa ở Quảng Nam. Năm tháng trôi qua, những kỷ vật của mối tình Thanh – Quảng thời kỳ kết nghĩa hầu như không còn lưu giữ được, nhưng tên tuổi của những người con quê Thanh Hóa thì có ở hầu khắp các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Các cán bộ Quảng Nam cho chúng tôi biết: Người Thanh Hóa chiến đấu, hy sinh ở Quảng Nam nhiều hơn tất cả các tỉnh, thành khác, có những người nằm xuống xác định được tên tuổi, quê quán để lập bia mộ, nhưng có nhiều người do chiến tranh ác liệt, không còn để lại gì để minh định được danh tính, nên chỉ đề là “mộ vô danh”. Có những ngôi mộ tập thể mười mấy người, trong đó có cả người Thanh Hóa. Có những nghĩa trang, liệt sĩ Thanh Hóa nhiều đến nỗi chúng tôi không có đủ thời gian để dâng hương cho từng phần mộ, đành khấn trước một ngôi mộ đại diện và cáo lỗi với các liệt sĩ còn lại.

Trong chuyến đi ấy, chúng tôi đã tìm đến những địa danh Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn từng chiến đấu. Đây là một đơn vị bộ đội do Thanh Hóa thành lập để chi viện trực tiếp cho tỉnh Quảng Nam kết nghĩa, được mệnh danh là “quả đấm thép” trên chiến trường miền Nam. Con số gốc ban đầu của tiểu đoàn là năm trăm người, nhưng đến khi kết thúc chiến tranh, hầu hết đã hy sinh hoặc bị thương phải ra quân, chỉ còn lại bốn người. Năm trăm anh em mà chỉ còn bốn người lành lặn trở về, chiến tranh thật tàn khốc! Sau ngày đất nước toàn thắng, bốn chiến sĩ đặc công Lam Sơn “gốc” ấy chụp chung một tấm hình kỷ niệm và còn lưu giữ đến nay. Câu chuyện mà những người lính đặc công Lam Sơn còn sống kể cho chúng tôi nghe thật rùng rợn. Đặc công là mũi tấn công đầu tiên và hoàn toàn bí mật, cách đánh “xuất qủy nhập thần”, ra trận trên người chỉ duy nhất một chiếc quần xà lỏn để dễ dàng chui qua dây thép gai. Có đêm mật phục trong doanh trại địch, anh em bị lính Mỹ đi tiểu trúng đầu mà vẫn phải nằm im, có lần phải bôi cả phân chó béc-giê khắp người để lừa bầy chó canh của địch. Đã có những cái chết vô cùng đau đớn trước mũi súng quân thù và trong cả những hoàn cảnh trớ trêu của chiến tranh.

Đến Cam Ranh, một vùng biển tươi đẹp của Khánh Hòa, chúng tôi được lãnh đạo Lữ đoàn 101 Hải quân đưa đi thăm tượng đài liệt sĩ Gạc Ma. Nhờ đó, chúng tôi được biết thêm những câu chuyện cảm động về khí phách của những người Thanh Hóa trong cuộc chiến giữ biển đảo quê hương. Trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988, 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hy sinh ở khu vực đảo Gạc Ma. Năm người con của quê hương Thanh Hóa đã hy sinh trong trận chiến đấu ấy, trong đó có anh hùng thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, quê huyện miền biển Quảng Xương.

Hầu như ở bất cứ nơi đâu đặt chân đến, tôi cũng tìm được tên tuổi những người Thanh Hóa đã hy sinh cho Tổ quốc. Chúng tôi từng đến Khu di tích Hòn Đất ở Kiên Giang để dâng hương tưởng niệm tại phần mộ nữ anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng, nguyên mẫu ngoài đời của nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức. Những tưởng liệt sĩ nằm xuống nơi đây chỉ có du kích và bộ đội địa phương, nhưng khi xem những tấm bia ghi danh liệt sĩ ở hai bên tượng đài chiến thắng Hòn Đất, chúng tôi khá ngạc nhiên khi vẫn tìm thấy tên 3 liệt sĩ quê Thanh Hóa.

Mùa hè 2017, chúng tôi cùng đoàn cựu chiến binh (CCB) bộ hải quân Thanh Hóa ra đảo Phú Quốc để đưa hài cốt các liệt sĩ Thanh Hóa về quê hương. Tại Nghĩa trang liệt sĩ Dương Đông có 3.309 ngôi mộ cá nhân và 3 mộ tập thể, trong đó riêng tỉnh Thanh Hóa có 131 mộ, hầu hết là những anh em hy sinh trong thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam. Do đường sá xa xôi nhiều chặng, đi lại khá tốn kém, nên những gia đình nghèo, neo đơn không đủ điều kiện kinh tế và nhân lực để đưa hài cốt liệt sĩ về. Được sự hỗ trợ của Ban liên lạc CCB Hải quân Thanh Hóa và sự đóng góp kinh phí của các nhà hảo tâm, những năm gần đây đã có hàng chục ngôi mộ liệt sĩ Thanh Hóa được cất bốc đưa về quê nhà. Những CCB, dù tuổi đã cao, sức không còn khỏe, nhưng vẫn vượt cả ngàn km để đưa đồng đội về. Trong buổi tiễn đưa hài cốt liệt sĩ, rất đông bà con Phú Quốc đến dâng hương. Cầm mic phỏng vấn anh Nguyễn Viết Trung vào đưa hài cốt cha về sau 40 năm, thấy mắt anh đỏ hoe, tự nhiên tôi cũng nghẹn ngào không cất nên lời.

Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, có người gửi lại thân mình nơi chiến trường khói lửa, có người thì bị tù đày, tra tấn chết đi sống lại bởi sự tàn ác đến đỉnh điểm của giặc thù.

Đến thăm nhà tù Phú Quốc, không khó để tôi tìm ra tên tuổi những anh hùng liệt sĩ tiêu biểu quê Thanh Hóa ngay trong phòng trưng bày tư liệu và hiện vật, di ảnh của các liệt sĩ. Vào tham quan khu vực nhà giam, chúng tôi rơi nước mắt khi thấy những mô hình diễn tả lại cách tra tấn tù nhân cộng sản vô cùng dã man của giặc. Có những đồng chí bị địch dùng ván gỗ ép vỡ lồng ngực rồi đóng buloong vào, bị đục xương đầu gối, dùng cây sắt nung đỏ xuyên qua bắp chân, đóng đinh vào xương sọ; đốt lửa vào bụng, đổ nước xà phòng nóng vào miệng, soi đèn cao áp đến mù mắt, nhổ răng, ném vào chảo dầu... Cô thuyết minh viên đã kể về tấm gương bác Nguyễn Trọng Lượng, quê huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa: Do lãnh đạo chi bộ đảng trong nhà tù, bác bị địch trừng phạt 100 roi cá đuối, 50 chày vồ vào đầu gối và mắt cá chân. Khi chiếc roi đầy gai sắc quấn chặt vào người, chúng lại giật mạnh ra, khiến da thịt bác bị dứt từng mảng nát bươm, hai bên sườn hở cả xương trắng. Chúng còn đóng 10 chiếc đinh vào đầu các ngón tay bác và nói: “Để ông không thể bóp cò súng”...

Bên cạnh những liệt sĩ đã xác định được danh tính và quy tập phần mộ về các nghĩa trang, vẫn còn đó hàng trăm ngàn mộ liệt sĩ vô danh, hàng ngàn hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy... Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều liệt sĩ hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, hiện vẫn nằm lại trên nước bạn Lào. Từ năm 2012 đến nay, đã có 186 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào được đưa về an táng tại quê nhà. Tôi đã từng tham gia chuyến đi cùng đội quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Hủa Phăn. Khi đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, các anh phải vào những chốn thâm sơn cùng cốc, luồn rừng lội suối nhiều ngày, ăn mì tôm, lương khô, chịu đựng vắt và muỗi rừng cắn. Có như thế mới tìm được hài cốt, vì những khu vực giao tranh xưa thường nằm ở địa hình rừng rú hiểm trở.

Đến nay đã có hơn 700 công trình nghĩa trang, đài tưởng niệm, nhà bia vinh danh liệt sĩ được xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần thắp sáng ngọn lửa tri ân đối với những người con anh dũng của quê hương đã mãi mãi nằm lại chiến trường. Nhưng ở nơi quê nhà, nỗi đau của những người thân vẫn còn đó. Dẫu chỉ còn chút xương cốt tượng trưng, nhưng quê hương, người thân vẫn luôn mong ngóng, chờ đợi các bác, các anh trở về. Vì vậy, dù khó khăn vất vả, những người đồng đội còn sống hôm nay vẫn luôn nỗ lực để tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ về trước khi quá muộn.

Tháng bảy tri ân, tháng bảy về nguồn, mong rằng lòng tri ân, đạo hiếu “Uống nước nhớ nguồn” luôn được thể hiện bằng những hành động thiết thực và kịp thời nhất.


Mai Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]