(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu tháng ba dịu dàng như cơn gió khiến lòng người vương vấn mãi hơi tình rạo rực của mùa xuân. Tháng ba - “mùa con ong đi lấy mật”, tháng của những yêu thương nối dài trong vô vàn nỗi nhớ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sống mãi kỷ niệm trong tôi!

Những ngày đầu tháng ba dịu dàng như cơn gió khiến lòng người vương vấn mãi hơi tình rạo rực của mùa xuân. Tháng ba - “mùa con ong đi lấy mật”, tháng của những yêu thương nối dài trong vô vàn nỗi nhớ.

Chiến sĩ biên phòng tuần tra biên giới. Trần Đàm

Sau những hân hoan dâng trào của mùa xuân với những dự định mới mẻ cho một khởi đầu an lành, tháng ba về trong một nốt trầm xao xuyến, trong những kỷ niệm xưa cũ, những nỗi niềm không dễ gì gọi thành tên. Với tôi, những ngày đầu tháng ba mang một ý nghĩa đặc biệt. Tôi muốn dành những ngày này để viết về bố, viết về niềm tự hào của tôi khi được làm con của một chiến sĩ biên phòng như một lời chúc chân thành nhất từ sâu thẳm đáy lòng khi ngày kỷ niệm thành lập lực lượng biên phòng toàn dân đang đến rất gần.

Tôi lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội là lính trinh sát đã sống và đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Bác tôi đã cùng đồng đội mãi mãi nằm lại nơi chiến trường Bình – Trị - Thiên một thời khói lửa. Tôi còn nhớ như in câu chuyện kể về bác trước lúc lên đường nhập ngũ. Ngày bác xách ba lô lên đường nhập ngũ, ông cố tôi bệnh nặng nằm liệt giường. Bà cố một thân một mình chăm sóc chồng và nuôi dưỡng năm người con. Bác nắm chặt tay cố, dặn dò: “Con đi chuyến này một là xanh cỏ hai là đỏ ngực thì con về với mẹ”. Sự thật bác đi và không bao giờ quay trở lại. Ông cố nghe tin bác hy sinh không chịu đựng được nỗi đau cùng với bệnh nặng đã qua đời sau đó vài ngày. Và rồi chẳng biết cơ duyên thế nào, mẹ lấy bố cũng là lính như ông, như bác, chỉ khác một điều bố là lính mang quân hàm xanh. Bố tôi nhập ngũ từ khi vừa tròn hai mươi tuổi để giờ đây trở thành người lính biên phòng với hơn hai lăm năm kinh nghiệm. Bát Mọt đã trở thành quê hương thứ hai của bố tôi và Đồn Biên phòng Bát Mọt (xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) đã trở thành máu thịt gắn bó.

Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã quen với cuộc sống xa bố. Do điều kiện, tính chất công việc, bố tôi thường một, hai tháng mới về thăm nhà một lần. Bố về nhà mang theo niềm vui của mẹ và cả sự ngưỡng mộ, tò mò của tôi. Tôi cũng như mẹ, yêu bố và yêu cả màu xanh áo lính bố khoác trên mình. Màu xanh hiền hòa, thân thuộc đến lạ. Nó hợp nhất với màu xanh của lá, của cây – toàn những thứ hiền lành, có ích, chẳng gây hại đến ai bao giờ. Mỗi lần bố về lại mang theo thật nhiều câu chuyện: Chuyện về đơn vị, chuyện về mảnh đất biên giới xa xôi nơi núi rừng và bà con dân bản coi bố như con đẻ. Toàn những con người, sự vật, sự việc mà tôi không hề quen biết nhưng cuốn hút, khơi gợi tôi rất nhiều. Tôi thường hình dung về biên giới – nơi có những cánh rừng bạt ngàn một màu xanh thẳm, nối tiếp nhau chạy dài, ẩn chứa trong nó nhiều điều kỳ thú và những cột mốc quốc gia. Bố nói đó là những điều thiêng liêng mà bố và đồng đội của mình đang ngày đêm dốc lòng bảo vệ. Bố vun vén cho giấc mơ tuổi thơ tôi bằng những câu chuyện thấm đượm tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, tình đồng chí, đồng đội như thế. Những cột mốc thể hiện chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; hình ảnh về những con người quấn bên hông chiếc váy thổ cẩm nhiều hoa văn, màu sắc, trên lưng địu một cái gùi bên trong có một đứa trẻ đang say ngủ. Tôi cũng thường nghĩ về cuộc sống của bố, của những người lính biên phòng khác và mong mỏi một ngày nào đó có thể chính mình trải nghiệm về mảnh đất và con người nơi đây, về cuộc sống của bố và những chiến sĩ biên phòng khác tại Đồn Biên phòng Bát Mọt.

Với những giấc mơ đi và đến nhiều chân trời mới lạ; với mong mỏi một ngày nào đó được đến với biên giới và những bản làng, với bà con dân tộc thật thà mến khách. Và quan trọng hơn, tình yêu với màu áo xanh biên phòng đã cho tôi một trải nghiệm mà có lẽ, suốt những ngày tháng sau này của cuộc đời mình tôi sẽ không bao giờ quên được. Điểm đến đầu tiên trong chuyến đi thực tế lên Bát Mọt của tôi là cột mốc 353. Nếu đã đến biên giới mà chưa chạm tay vào cột mốc thì quả thật là điều đáng tiếc. Với kinh nghiệm đi đường rừng thuộc diện thâm niên nhất; cũng xét trên quan hệ cá nhân đặc biệt, bố được giao nhiệm vụ chuyên chở và hướng dẫn tôi trong suốt quá trình tôi đi thực tế tại địa bàn. Tôi theo chân bố lên đường tuần tra, tìm đến cột mốc 353 chỉ để chạm tay vào cột mốc rồi khoái trá hôn lên hai chữ Việt Nam khắc sâu ở đó để cảm nhận niềm tự hào dân tộc cuộn lên trong từng tế bào của cơ thể mình.

Bảy giờ sáng, khi mây mù còn lảng vảng trên đỉnh những ngọn núi mờ xa, mang theo cái không khí ẩm ướt đặc trưng của núi rừng, sau khi nghe Trung tá Hà Sỹ Thanh (lúc bấy giờ là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bát Mọt) ân cần dặn dò vài điều, bố con tôi bắt đầu lên đường. Theo trục đường 507 giáp với nước bạn Lào, xe cẩn trọng lăn bánh.

Đoạn đường từ Đồn Biên phòng Bát Mọt đến cột mốc 353 chỉ vỏn vẹn có hai cây số nhưng người ngồi đằng sau như tôi có cảm tưởng nó dài không hồi kết. Hai cây số đoạn đường này chính là chỉ số đo lường sức khỏe, ý chí, sự khéo léo, độ nhanh nhạy và kinh nghiệm của các chiến sĩ biên phòng. Suốt đoạn đường đi không đâu là không có đá, có vũng lầy. Đường sau những ngày mưa trơn như ai đổ mỡ, lại đang trong quá trình sửa chữa nên việc đi lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Xe có lúc đi như bò trên đường, bánh xe cố bám xuống mặt đường vẫn không khỏi bị lắc, đảo do trơn trượt. Có lúc xe nhảy chồm lên giận dữ vượt qua đoạn đường chỉ toàn là đá. Ở đằng sau ôm khư khư lấy eo bố, một to một nhỏ trên chiếc xe máy, tôi gần như bất động, ngay cả thở cũng không dám thở mạnh vì sợ làm nặng thêm đôi tay đã nổi hết gân xanh của người đằng trước. Khi đến gần Trạm kiểm soát biên phòng Khẹo, xe vượt vũng lầy. Tôi “được lệnh” án binh bất động trên xe. Chiếc xe máy Future Neo – loại xe “xịn” nhất trong các dòng xe số của đại gia Honda vốn “chinh chiến” rất khỏe, tiếng động cơ nghe rất êm tai nhưng hôm nay cũng đã phải “xin hàng” giữa vũng lầy. Mất cả nửa tiếng đồng hồ, xe cứ thế phát ra những tiếng ì ì, nước dưới chân thở khùng khục, bất chấp mọi nỗ lực. Cuối cùng, bố đã phải quay sang cười khổ với tôi: “Con xuống xe giúp bố đẩy qua chỗ này”. Hai bố con loay hoay trong đám sình lầy ngập gần hết bánh xe, cố gắng đẩy chiếc xe về phía trước mới thấy xe nặng nhọc lăn bánh. Qua được cái tao đoạn ấy, tôi phát hiện một chiếc dép của mình đã nằm lại vũng lầy kia rồi. Nhìn quần áo dính đầy bùn đất, chân có dép chân không, hai bố con lại nhìn nhau cười khổ. Xe tiếp tục tiến về phía trước, đường tuần tra đã nghiêng mình chào đón. Gần chạm đích, xe phải vượt qua một đoạn dốc dài, hai bên sườn dốc bị hõm sâu xuống, trơ sỏi đá, tạo nên sống trâu duy nhất để xe đi qua. Tôi nhìn con dốc quái gở này, thở dài và tưởng tượng ra những rãnh khoai lang ở dưới xuôi bác tôi hay trồng. Tôi đề nghị bố để tôi xuống đi bộ cho xe bớt nặng. Bố cẩn thận từng bước cho bánh xe không trượt ra khỏi đường đi nhưng đến gần cuối dốc, do không chống chân kịp, xe vẫn bị đổ. Người thì không sao nhưng một chiếc gương xe đành phải để lại đoạn dốc này. Gương lành gương vỡ, nhìn chiếc xe lần này hai bố con chẳng ai bảo ai cùng nhau cười lớn. Đại ngàn không thiếu gió nhưng mồ hôi vẫn đầm đìa trên trán và lưng áo, ướt cả một khoảng màu xanh thẫm. Suốt quãng đường đi gian khó ấy, tôi nghĩ về nhiều điều. Những người lính biên phòng như bố tôi luôn phải làm việc trong điều kiện thời tiết, địa hình khắc nghiệt lại thường xuyên phải vắng nhà, xa vợ xa con. Sau những chuyến đi rừng dài ngày, sau những giờ luyện tập, huấn luyện vất vả, những ông bố khác có thể trở về bên gia đình ăn bữa cơm đầm ấm, quây quần để nghe thấy tiếng vợ ân cần hỏi han, tiếng con trẻ cười đùa, reo lên sung sướng rằng: “Bố vĩ đại đã về” thì những người chiến sĩ biên phòng ấy chỉ có thể nghe thấy tiếng kẻng lãnh đạm, khô khốc báo hiệu đã đến giờ ăn cơm. Rồi những khi mệt mỏi, ốm, đau, nếu không có những người đồng chí, đồng đội bên cạnh, họ sẽ phải làm thế nào? Vậy điều gì đã khiến bố tôi và đồng đội của bố yêu màu xanh áo lính đến thế? Hai mươi tuổi bố vào bộ đội để rồi gắn bó với nó suốt 25 năm qua. Là màu xanh của đại ngàn, tình người nồng ấm nơi vùng cao đã thu hút bố, như cái cách mà màu xanh quân phục đã thu hút mẹ, khiến mẹ yêu và gắn bó với bố đến bây giờ, phải không? Mẹ cũng như bao nhiêu người phụ nữ có chồng là lính biên phòng khác. Mẹ yêu bố và yêu cả công việc của bố. Mẹ vẫn thường nói với tôi rằng: “Mẹ chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi khi lấy chồng là bộ đội biên phòng. Mẹ chỉ muốn là hậu phương vững chắc để bố yên tâm công tác. Con ốm mẹ có thể lo liệu được. Những ngày lễ, tết bố không về được mẹ cũng không cần hoa hay quà tặng. Mẹ chỉ mong bố luôn mạnh khỏe, bình an”. Có những người vợ đảm đang và thấu hiểu như thế, biên giới hẳn đã không còn cảm thấy xa xôi nữa những người chiến sĩ biên phòng nhỉ?

Theo những dòng cảm xúc miên man không đầu không cuối, cột mốc 353 đã hiện ra trước mắt tôi từ lúc nào không hay. Cột mốc được ốp bằng đá hoa cương, chân trụ vững chãi trên nền đất cứng, mặt trước là dòng chữ bằng tiếng Lào, mặt sau khắc sâu hai chữ Việt Nam thiêng liêng. Đứng trước dòng chữ bình dị, vốn đã thân thuộc như máu thịt, bỗng chốc tôi thấy mình thật bé nhỏ, thấy tự hào về mảnh đất mình đã đi và đến. Giữa đại ngàn lộng gió, tôi lặng lẽ nhìn người chiến sĩ biên phòng nghiêm trang đứng chào cờ trước cột mốc quốc gia mà như đã thấy cả sự bình yên nơi biên giới. Và tôi biết chắc một điều rằng, bình yên cũng sẽ ở bên tôi mãi. Vì bên đời, tôi có một người lính biên phòng luôn che chở, dõi theo.


Ký của Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]