(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có nhiều núi non nổi tiếng trong lịch sử. Dư địa chí của Nguyễn Trãi kể hai ngọn núi tiêu biểu: Na Sơn, Tùng Sơn. Cả hai dãy núi nay đều gắn liền tên tuổi với cuộc khởi nghĩa núi Nưa của Bà Triệu. Chúng ta có thể bổ sung thêm: Lam Sơn và Chí Linh sơn, Tam Điệp và Biện Sơn, Hùng Lĩnh và Hàm Rồng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Núi Chí Linh

Thanh Hóa có nhiều núi non nổi tiếng trong lịch sử. Dư địa chí của Nguyễn Trãi kể hai ngọn núi tiêu biểu: Na Sơn, Tùng Sơn. Cả hai dãy núi nay đều gắn liền tên tuổi với cuộc khởi nghĩa núi Nưa của Bà Triệu. Chúng ta có thể bổ sung thêm: Lam Sơn và Chí Linh sơn, Tam Điệp và Biện Sơn, Hùng Lĩnh và Hàm Rồng...

Miếu thờ nghĩa quân Lam Sơn trên núi Chí Linh (Lang Chánh). Ảnh: Thanh Phương

Chí Linh sơn, nếu hiểu theo chữ Hán, có nghĩa dãy núi cực kỳ thiêng liêng, thực ra nó phiên âm từ địa danh Pù Rinh hay Bù Rinh, tiếng Thái là núi cao. Đúng. Bù Rinh cao nhất huyện Lang Chánh: Từ 1.180m đến 1.291m. Trước thời Nguyễn, khi vua Minh Mệnh chưa thành lập châu Thường Xuân, núi cao nhất châu Lang Chánh, cũng là cao nhất tỉnh: Núi Bù Ta Leo 1.500m. Khu vực địa hình núi Chí Linh (Bù Rinh) rộng lớn nhất miền thượng du Thanh Hóa. Bù Rinh – Chí Linh đã được các nhà địa lý học nước ta nghiên cứu kỹ lưỡng, chia ra hai địa vực: Địa vực đồi cao chân núi Bù Rinh và địa vực núi thấp Bù Rinh. Cả hai địa vực ngày nay nửa Tây Nam thuộc xã Giao An, Đông Bắc xã Trí Nang, phần phía Tây của các xã Giao Thiện, Giao An và bao gồm các xã Yên Khương, Yên Thắng, phần Tây Nam của xã Tam Văn, phần Tây của các xã Trí Nang, Giao An và phần cực Tây Bắc của các xã Giao Thiện, Giao An. Do các nếp lồi và võng phức hợp của núi cao đồi thấp, các thung lũng xâm thực ăn sâu hình chữ V lặp lại, tạo nên thế núi dãy Bù Rinh trùng trùng điệp điệp khiến địa hình trở nên phức tạp. Những dòng chảy sông Cảy, sông Âm, sông Sảo, chỗ luồn xuyên qua núi, nơi uốn lượn quanh đồi, khi lên thác, lúc xuống ghềnh giữa đại ngàn âm u, rừng sâu càng thăm thẳm, non cao thêm hiểm trở, không thấy dấu chân người, chỉ có vết móng dã thú qua lại dẫm đè lên nhau...

Dãy Chí Linh sơn quanh co, khuất khúc, theo hướng Tây - Bắc dài khoảng 15 km, trên bình diện chừng 50 km2, cấu tạo bằng nhiều loại đá cổ và được che phủ bởi những tán rừng á nhiệt đới, chen nhau tầng tầng lớp lớp thực vật, không ít loài quý hiếm. Ở đây cũng là quê hương giống quế Thanh nổi tiếng vùng Đông Nam Á. Không còn nhiều khu rừng nguyên sinh, phần lớn là rừng tái sinh. Những nơi dễ khai thác thường bị tàn phá trọc trụi để làm nương rẫy do yêu cầu dân sinh và lợi ích cá nhân. Rừng trồng mới chưa đủ đem lại màu tươi xanh cho đại ngàn từ thiên vạn cổ. Không còn tiếng “chim kêu vượn hót”. Hươu nai dần dần vắng bóng thì chúa sơn lâm cũng lùi sâu vào núi thẳm. Đôi khi xuất hiện loài thú lớn: Voi, bò tót, tê giác một sừng, trâu rừng... Một số động vật đặc trưng: Khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, voọc, ếch cây, thằn lằn bông đuôi dài, cóc nước, cáo lửa, sóc bụng đỏ, cu cu xanh đuôi nhọn, vẹt đậu xám... Theo khảo sát khoa học, riêng huyện Lang Chánh phát hiện thấy 360 loài chuột. Nó là đối tượng săn bắt thường xuyên của cày, cáo, cú vọ, mèo rừng... nhưng khả năng sinh tồn và phát triển vô cùng lớn.

Sách Lam Sơn thực lục cho biết xưa núi Chí Linh ở Mường Giao Lão. Mường Giao Lão nay là các xã Giao An, Giao Thiện, Trí Nang. Những xã này không bao gồm toàn sơn phận dãy Bù Rinh. Nói chính xác: Núi Bù Rinh nằm ở khu vực ranh giới hai huyện Lang Chánh, Thường Xuân. Lam Sơn thực lục của Lê Lợi nói núi Chí Linh mà ba lần nhà vua lui quân về đây để củng cố lực lượng, là khu vực dãy Bù Rinh thuộc địa phận huyện Lang Chánh, không phải phần núi ở huyện Thường Xuân. Ở Mường Giao Lão có địa danh Mường Mọt. Nghĩa quân rút về Giao Lão đầu tiên đóng ở Mường Mọt, sau mới lui sâu vào rừng thẳm núi cao, dựa núi làm thành, lấy khe làm hào. Nơi này có cửa núi mở đường ra vào Chí Linh sơn. Sự tích thác Ma Hao kể rằng: Một lần Lê Lợi cùng mấy tướng sĩ ra ngoài cửa núi để nghe ngóng tình hình quân địch. Đi theo có một con chó săn rất tinh khôn, khỏe mạnh. Bất chợt gặp toán giặc rất đông cũng đang đi vào hướng cửa núi để dò la tin tức. Lê Lợi cùng mấy tướng sĩ vượt qua suối bơi về. Do thác cao nước xoáy, dòng suối quá sâu, con chó săn không đủ sức vượt qua. Nó thấy giặc cũng dẫn theo mấy con chó ngao hung dữ, liền quyết phen này đánh nhau với chúng. Sau một hồi cấu xé đàn chó ngao, con chó săn bị thương nặng, nhảy xuống suối. Sau khi giặc rút, Lê Lợi cùng mấy tướng sĩ ra suối mò vớt được xác con chó săn dũng cảm. Lê Lợi sai tướng sĩ đào huyệt chôn cất nó, vua tự tay đắp cho con chó trung thành với chủ một nấm mồ rất cao và đặt tên thác là thác Ma Hao. Ma Hao là chó ngáp. Vì khi mới vớt được xác chó lên bờ nó còn ngáp mấy cái như nói lời vĩnh biệt rồi mới chịu nhắm mắt!

Đối với nghĩa quân Lam Sơn, núi Chí Linh là khu cứ địa quan trọng sau đất Lam Sơn. Trong khoảng năm, sáu năm của thời kỳ đầu khởi nghĩa Lam Sơn, Bình Định vương rút về căn cứ Linh Sơn ba lần để củng cố lực lượng, tránh đối đầu với giặc Minh người đông ngựa khỏe.

Lần thứ nhất, tháng 4 năm Mậu Tuất, sau khi khởi nghĩa được 4 tháng, cứ địa Lam Sơn bị tướng Minh nội quan Mã Kỳ ở thành Tây đô (Thành Nhà Hồ – Vĩnh Lộc) đem quân đến đánh. Bình Định vương dùng mưu “tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu”, lui binh đóng ở Lạc Thủy (Ngọc Lặc), đặt phục binh đuổi theo để đánh úp. Khi Mã Kỳ đến, quân ta đổ ra đánh. Các tướng Lê Thạch, Lê Ngân và Nguyễn Lý đua nhau xung phong, chém hơn nghìn thủ cấp giặc, bắt được quân nhu và khí giới của chúng rất nhiều.

Cách vài ngày sau, Đạo Ái phụ đạo sách Nguyệt Ấn, phản bội, dẫn địch đi đường tắt đến đánh úp, quân nghĩa bị vỡ, chạy tan tác, chúng bắt được vợ và con gái Lê Lợi. Bình Định vương thu thập số quân tan vỡ còn sót lại rồi cùng các tướng Đinh Lễ, Đỗ Bí, Nguyễn Xí lặng lẽ rút vào núi Chí Linh. Đóng ở đây hơn 10 ngày.

Lần thứ hai, tháng 4 năm Kỷ Hợi (1419), nghĩa quân tấn công đồn Nga Lạc, bắt được tướng chỉ huy địch là Nguyễn Sao đem chém. Nhưng bấy giờ thế địch đang rất mạnh, sau những cuộc chiến đấu ác liệt, quân ít, tướng hiếm, nếu địch đến, lại phải đánh nữa, chắc không thắng được. Cho nên, Lê Lợi quyết định rút về núi Chí Linh để bảo toàn lực lượng.

Đóng trong núi Chí Linh, được bảo vệ vững chắc như ở trong một tòa thành thiên nhiên vĩ đại do tạo hóa đã kỳ công xây dựng. Nhưng cũng đúng như Binh pháp nói: Nơi an toàn nhất chính là chỗ nguy hiểm nhất. Quân Minh đã dò biết nơi ở của Bình Định vương. Đầu tiên nghĩa quân đóng ở Trịnh Cao, bị giặc đánh úp, phải rút sâu vào trong núi. Tướng Mã Kỳ bổ sung quân vây chặt bốn mặt, chẹn giữ các cửa ngõ, dùng kế vây thành diệt viện. Bị cắt đứt đường tiếp tế, Bình Định vương phải giết 4 thớt voi và con ngựa mình cưỡi để lấy thịt để nuôi quân. Giặc mỗi ngày kéo đến thêm đông nghịt, bao vây mấy vòng. Tình thế quẫn bách, Lê Lợi buộc phải dùng mưu Kỷ Tín cứu Lưu Bang. Vương nhóm họp các tướng. “Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín xưa, để ta ẩn náu trong rừng núi, sẽ mưu tính đại sự về sau?”. Tướng Lê Lai khảng khái xin vâng, quả nhiên giặc bị mắc lừa, tưởng đã bắt giết được chủ soái Bình Định vương.

Xem quốc sử đến đây, vua Tự Đức, nhà bình sử thông thái và nghiêm khắc, cầm bút châu phê: “Vua nhà Lê có tài như vua nhà Hán là Cao tổ, tôi nhà Lê lại cũng trung liệt như tôi nhà Hán, ngàn năm bất hủ!”. Chí lý thay, lời vua Tự Đức!

Đóng quân ở núi Chí Linh hai tháng, Bình Định vương sau khi củng cố lực lượng, tháng 10 năm Canh Tý (1420), tiến ra vùng Lạc Thủy. Tướng giặc Lý Bân nghe tin bố trí, phục binh đánh úp nhưng lại trúng quân mai phục của Lê Lợi. Tiếp đến Bình Định vương thắng trận ở Ba Lẫm, Quan Dã (Quan Hóa), tiến đóng ở Sách Khôi. Tướng Minh Mã Kỳ ngầm ước hẹn với tư trưởng phản bội là Man Sát đem mấy vạn binh người Lào và một trăm thớt voi, giả vờ chi viện cho nghĩa quân Lam Sơn, nhưng mục đích phối hợp với địch để tiêu diệt đối phương. Đại Việt thông sử chép: Bình Định vương bảo tướng sĩ: “Quân địch bao vây bốn mặt, ta không còn lối thoát. Đây là chỗ binh pháp gọi là “tử địa”, phải đánh chớp nhoáng mới sống, nếu chậm trễ là chết!”. Quân tướng nhất tề xung trận như chớp giật sấm vang, đánh tan 10 vạn quân Mã Kỳ và 3 vạn quân Man Sát. Về phía nghĩa quân, sự hy sinh cũng không nhỏ, chỉ còn lại đúng là “quân không một lữ” (Bình Ngô đại cáo). Nghĩa quân lại phải lui quân về núi Chí Linh ba tháng để củng cố lực lượng. Sau này, đất nước hòa bình, dân tộc giải phóng, văn hào Nguyễn Trãi viết bài phú Núi Chí Linh ca ngợi núi thiêng cũng là ca ngợi công đức vua Lê cao vòi vọi như Chí Linh sơn:

Vậy thì, đức thịnh vua ta, Hán Cao tổ làm sao sánh kịp, sẽ cùng hai đế ba vương mà lừng danh!

Than ôi! Xưa qua nay lại, trăm đời thịnh suy:

Vua Nghiêu trước làm Đường hầu, vua Thuấn nguyên xưa hàn vi,

Thành Thang khởi binh từ đất Bạc, Thái vương thiên đô sang đất Kỳ.

Đế vương nổi lên ai cũng thế này,

Thì sự nghiệp vua ta, thực từ núi này mà xây dựng

Và công đức thịnh của vua ta há chẳng cùng núi này vòi vọi muôn đời!

Bèn chắp tay cúi đầu mà dâng bài ca rằng:

Trời sinh thánh hoàng, đất dấy nghiệp vương,

Kiền khôn mờ ám, gặp vận phi thường.

Trông núi này cao ngất, nghĩ đến ngày xưa gian khổ

Nhớ vương nghiệp xây nên, quên lãng sao đang?

Chúng ta ôn lại những trang lịch sử cực kỳ gian khổ và vô cùng hào hùng của dân tộc, “Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần”. Thực tế không chỉ mấy tuần, ba lần vào Chí Linh cộng lại là 5 tháng, 10 ngày, có bao nhiêu ngày hết lương, quân ta phải dùng măng tre và củ, quả rừng để sống qua ngày. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi nỗi cơ cực của vua Lê Lợi và tướng sĩ nghĩa quân trong thời gian nửa năm trời trong núi Chí Linh!

Nhà thơ Nguyễn Mộng Tuân, một danh thần khởi nghĩa Lam Sơn, cũng sáng tác phú Núi Chí Linh; khắc họa hình tượng Bình Định vương Lê Lợi: “Nằm đống củi thề trời chung chẳng đội, gối ngọn đòng buồn đêm tối miên man. Nguyền một tấm lòng, vững với đá kia không chuyển; gắng từng sọt đất, đắp nên núi nọ cho toàn...” (Nguyễn Sĩ Lâm dịch). Nguyễn Mộng Tuân nói đúng. Tạo hóa xây nên Bù Rinh (1.291m) cao sánh với Bù Ta Leo (1.500m), tương đương Bù Bua (1.261m), Bù Gió (1.200m)... nhưng chỉ với riêng Bù Rinh được nổi danh trong lịch sử với tên Linh Sơn – Núi Thiêng do vua Lê đắp nên. Linh Sơn hay Sơn Linh cũng như địa linh. Không phải núi linh thiêng tạo nên anh hùng dân tộc Lê Lợi mà anh hùng dân tộc Lê Lợi làm cho núi trở thành linh thiêng. “Phá vòng vây khốn quẫn tạo cuộc hanh thông. Chín phần tử một phần sinh, tuy ở chốn hiểm nghèo mà có ngất trời khí thế. Bao nhiêu nghịch, bấy nhiêu thuận, khéo tùy cơ lợi dụng, thật là tột bậc anh hùng!” (Chí Linh sơn phú – Nguyễn Mộng Tuân). Tác giả ca ngợi tài dùng binh như thần của Lê Lợi ở núi Chí Linh cũng như nhiều nơi khác. Quốc sử chép: Nguyễn Trãi tìm đến yết kiến Lê Lợi ở Lỗi Giang (1420) dâng Bình Ngô sách được vua vui lòng thu nhận. Đáng chú ý nhất trong Bình Ngô sách có kế sách “không chủ trương đánh thành mà đánh vào lòng người”. Không tìm thấy quyển sách Bình Ngô, người ta vẫn lấy làm tiếc, trong khởi nghĩa Lam Sơn, GS Phan Huy Lê gọi là Tập Bình Ngô sách, thực ra không có quyển hay tập gì cả, chỉ là một bài sớ, hoặc trình bày bằng lời. Lê Lợi khen Nguyễn Trãi có đọc binh thư hiểu binh pháp, nhưng đó chỉ mới là lý thuyết, tài năng hơn kém chính ở chỗ cách vận dụng. Cho nên Lê Lợi dùng binh pháp Tôn Tử, tướng Minh cũng dùng binh pháp Tôn Tử, kế “đánh thành là hạ sách, đánh vào lòng người mới là thượng sách” chép trong mục Mưu công thiên của Tôn Tử binh pháp cũng phải đến cuối cuộc chiến Lê Lợi mới vận dụng khi thời cơ cho phép. Lê Lợi bậc kỳ tài quân sự. Sách lược “dùng đại nghĩa thắng hung tàn – Lấy chí nhân thay cường bạo” không hề thấy trong binh thư binh pháp cổ. Đúng như lời khen của vua Tự Đức: “Bình Định vương là bậc tài trí sáng suốt, lại giỏi dụng binh, các tướng chẳng ai sánh kịp. Vì thế chiến thắng được quân địch mạnh lớn, khai sáng được cơ nghiệp, dõi truyền được quốc thống. Đáng lắm thay!” (Việt sử cương mục).

Núi Chí Linh trải qua 600 năm là ngôi sao sáng rực rỡ trời Tây, rạng danh trong lịch sử dân tộc. Đây là một di tích danh thắng lịch sử, một điểm du lịch tổng hợp phong phú thú vị, hấp dẫn đối với du khách bốn phương. Trước hết, núi Chí Linh cần được đầu tư xây dựng thành một khu bảo tồn thiên nhiên và lịch sử. Rồi đây đại ngàn sẽ được tái sinh vẫy gọi các loài chim, thú quý hiếm, đặc sản rừng Thanh trở về đoàn tụ. Do đặc điểm khí hậu mát mẻ, trong lành thích hợp nhu cầu nghỉ dưỡng của con người và trồng khôi phục các loài cây dược liệu quý hiếm: Quế, sâm, phụ tử... Sách Địa lý Thanh Hóa (1955) nói: Quế là sản vật đặc biệt, quế Bù Rinh và quế Bù Ta Leo đều thuộc loại tốt nhất ở Thanh Hóa.

Theo bà con địa phương, hiện nay Chí Linh – Bù Rinh còn nhiều di tích khởi nghĩa Lam Sơn, như: Thác Ma Hao, vườn cam vua Lê, hòn đá Bình Định vương hay ngồi, suối rượu, nơi hòa nước sông chén rượu ngọt ngào...


Hoàng Tuấn Phổ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]