(Baothanhhoa.vn) - Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (29-7-1930 – 29-7-2020) cũng chính là ngày lịch sử đi vào trái tim của hàng triệu người dân Thanh Hóa. Lật giở cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, tập 1 (1930-1954), từng câu, chữ trong cuốn sách dày hàng trăm trang dẫu chưa khái quát hết bối cảnh lịch sử nhưng phần nào đã giúp người đọc hình dung được bối cảnh lịch sử, công tác chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng trải qua nhiều gian nan như thế nào!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhen lên những“đốm lửa” phong trào cách mạng

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (29-7-1930 – 29-7-2020) cũng chính là ngày lịch sử đi vào trái tim của hàng triệu người dân Thanh Hóa. Lật giở cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, tập 1 (1930-1954), từng câu, chữ trong cuốn sách dày hàng trăm trang dẫu chưa khái quát hết bối cảnh lịch sử nhưng phần nào đã giúp người đọc hình dung được bối cảnh lịch sử, công tác chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng trải qua nhiều gian nan như thế nào!

Nhen lên những“đốm lửa” phong trào cách mạngDi tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương (xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa).

Cùng chung bối cảnh lịch sử trước năm 1930, Thanh Hóa cũng như nhiều địa phương khác, đời sống người dân vô cùng khó khăn, sưu cao thuế nặng, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, quyền tự do dân chủ bị thực dân Pháp tước đoạt. Tất cả các giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tiểu thương, thợ thủ công, dân nghèo, tri thức, học sinh... đều bị bóc lột và ít nhiều có mâu thuẫn với chế độ phong kiến. Đầu thế kỷ XX, sự phân hóa giai cấp xã hội ngày càng rõ, mâu thuẫn dân tộc, giai cấp ngày càng sâu sắc. Đó là tiền đề dẫn đến cách mạng dân tộc và cách mạng xã hội. Các phong trào đấu tranh theo khuynh hướng tư tưởng phong kiến và tư sản, như: phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, các phong trào đấu tranh của Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, các cuộc bạo động của Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo... nhưng tất cả các phong trào đấu tranh đó đều bị thực dân Pháp và tay sai dìm trong biển máu và thất bại vì thiếu đường lối lãnh đạo khoa học, triệt để cách mạng.

Vào những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào yêu nước của Nhân dân Thanh Hóa chuyển mình theo khuynh hướng mới. Trong khi các cuộc đấu tranh theo ý thức hệ tư sản đang diễn ra sôi nổi, những mầm mống đầu tiên của tư tưởng vô sản bắt đầu được lan truyền, bám rễ thông qua nhiều thanh niên yêu nước của tỉnh đã ra tỉnh ngoài, nước ngoài tìm đường giải phóng quê hương, đất nước, như: Đinh Chương Dương, xã Hải Lộc (Hậu Lộc); Lê Hữu Lập, xã Xuân Lộc (Hậu Lộc) - là thanh niên ưu tú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và là người Thanh Hóa đầu tiên được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Vào thời điểm này, các phong trào yêu nước trong tỉnh sôi động. Tiêu biểu là phong trào đấu tranh đòi ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu và cuộc vận động làm lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Cuộc đấu tranh đã lan từ Trường Tiểu học Pháp Việt, thị xã Thanh Hóa, huyện Đông Sơn đến các trường trong tỉnh, tạo cơ hội cho đồng chí Lê Hữu Lập và các chiến sĩ cách mạng tuyên truyền, phổ biến con đường yêu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Để gây dựng phong trào cách mạng và tiến tới thành lập Tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên ở địa phương, tháng 5-1926, tại số nhà 26, phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), đồng chí Lê Hữu Lập đã thành lập Hội đọc sách báo gồm 10 người, lấy tên “Thập nhân chi hội”. Hội đọc sách báo nhanh chóng phát triển về các huyện, như: Đông Sơn, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Thọ Xuân... góp phần nâng cao lòng yêu nước, chí căm thù đế quốc và bè lũ tay sai, bồi dưỡng truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường. Tiêu biểu trong những nhân cốt đầu tiên của “Hội đọc sách báo cách mạng” là đồng chí Lê Công Thanh (làng Mao Xá, tổng Xuân Lai, phủ Thiệu Hóa, nay là xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa). Đồng chí Thanh đã thành lập Hội đọc sách báo cách mạng tại làng Mao Xá gồm 6 người và từ đó lan tỏa ra nhiều địa phương trong phủ, đồng chí Thanh làm hội trưởng. Hội đã học tập nghiên cứu các tài liệu cách mạng, tuyên truyền kết nạp hội viên và chia nhóm, giữa các nhóm được bảo đảm nguyên tắc bí mật... Những hoạt động của các tổ chức hội trên ở phủ Thiệu Hóa và nhiều nơi khác trong tỉnh là bước chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và nhân sự cho việc thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở địa phương.

Sau thời gian chuẩn bị thành lập các tổ chức hội trên địa bàn của tỉnh, đồng chí Lê Hữu Lập đã tuyển chọn được một số đồng chí sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện cách mạng và kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, trong đó có các đồng chí: Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Khang (thị xã Thanh Hóa); Hoàng Trọng Phựu, Hoàng Khắc Trung (Thiệu Hóa); Nguyễn Mậu Sung (Thọ Xuân)... Đầu năm 1927, nhiều tiểu tổ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội hình thành và hoạt động ở thị xã Thanh Hóa và các phủ, huyện, sau đó tiến hành thành lập Tỉnh bộ Thanh Hóa, đồng chí Lê Hữu Lập được cử làm Bí thư. Lực lượng cán bộ của Tỉnh bộ ngày càng được tăng cường, số cán bộ cử đi đào tạo ở Quảng Châu (Trung Quốc) trở về nước, mọi mặt công tác của Tỉnh bộ triển khai thuận lợi và tích cực hơn. Công tác bồi dưỡng chính trị cho hội viên được coi trọng. Các lớp huấn luyện từ 5 đến 7 hội viên lần lượt tổ chức tại thị xã Thanh Hóa, Thọ Xuân, Thiệu Hóa... đã truyền tải sâu nhiều kiến thức và cách mạng giải phóng dân tộc, phương pháp vận động cách mạng, tổ chức cách mạng... giúp cán bộ, hội viên có cơ sở lý luận và phương pháp thâm nhập vận động quần chúng. Cùng với đó, Tỉnh bộ Thanh niên Thanh Hóa tổ chức in ấn truyền đơn theo nội dung chỉ đạo của Tổng bộ và hướng dẫn kế hoạch rải truyền đơn cho các tiểu tổ thanh niên, hội đọc sách báo, tạo ảnh hưởng lớn từ thị xã Thanh Hóa đến các huyện, phủ. Cùng với đó, Tỉnh bộ Thanh niên Thanh Hóa đã xây dựng “Chi điếm hưng nghiệp hội xã” (doanh nghiệp của một tư sản với mục đích tổ chức vận động chấn hưng hàng nội địa, khẩu hiệu là: Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam), nhằm lấy kinh phí và tạo ra địa điểm hội họp, liên lạc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước, thương nòi, góp phần cổ vũ phong trào yêu nước, tạo cơ sở tư tưởng, mở rộng phạm vi hoạt động của Tỉnh bộ Thanh niên.

Tháng 4-1928, thực hiện Chỉ thị của Kỳ bộ Thanh niên Trung kỳ, Tỉnh bộ lâm thời Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, hội nghị đại biểu các tiểu tổ toàn tỉnh được tổ chức và thống nhất chủ trương công tác mới là tích cực phát triển hội viên thanh niên trong công nhân, nông dân, đồng thời vận động chấn hưng hàng nội hóa, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, giành quyền sống hàng ngày cho quần chúng lao khổ... Hội nghị đã mở ra bước phát triển mới của phong trào cách mạng trong tỉnh. Đó là sự ra đời và hoạt động công khai của một số hội nghề nghiệp, như: Hội đánh tranh, hội cày thuê, hội tương tế ái hữu... ngày càng làm cho ảnh hưởng của Tỉnh bộ Thanh niên sâu rộng, quan hệ hoạt động giữa Hội Thanh niên với Đảng bộ Tân Việt ngày thêm mật thiết và thúc đẩy sự phân hóa trong nội bộ Đảng bộ Tân Việt. Một số đảng viên Tân Việt tự nguyện gia nhập tổ chức thanh niên.

Cuối năm 1928, đồng chí Lê Hữu Lập, Bí thư Tỉnh bộ được điều động vào Kỳ bộ Trung kỳ nhận công tác mới, đồng chí Hoàng Khắc Trung được cử thay đồng chí Lê Hữu Lập làm Bí thư Tỉnh bộ và tổ chức hội nghị thống nhất chủ trương giải tán thanh niên, thành lập Đảng Cộng sản. Nằm ở vị trí giáp liền giữa Trung kỳ và Bắc Kỳ lại có nhiều đường giao thông xuyên Việt đi qua nên các chiến sĩ trong Tổ chức Thanh niên và Đảng Tân Việt Thanh Hóa thường được tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng mới. Nhiều cán bộ trong Tổ chức Thanh niên và Tân Việt đã ra tỉnh ngoài hoạt động và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có các đồng chí Lê Công Thanh, Nguyễn Chí Hiền, Nguyễn Doãn Chấp, Lê Tất Đắc...

Đồng chí Lê Công Thanh (Thiệu Toán, Thiệu Hóa) nguyên là Ủy viên Chấp hành Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên tỉnh Thanh Hóa được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam và được Xứ ủy Bắc kỳ giao nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Thanh Hóa.

Nhen lên những“đốm lửa” phong trào cách mạng

Học sinh Trường THCS Đông Văn tham quan Cụm Di tích Hàm Hạ.

Từ những “đốm lửa nhỏ” - những phong trào đấu tranh, quá trình chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng, chính trị, tổ chức nhân sự để thành lập các chi bộ đảng đầu tiên, các chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh lần lượt được thành lập, tạo tiền đề để thành lập Đảng bộ Thanh Hóa vào ngày 29-7-1930. Kể từ đây, Nhân dân Thanh Hóa được tập hợp, đoàn kết đấu tranh dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, thổi bùng sự phát triển phong trào cách mạng của cả nước.

Bài và ảnh: Lê Hà

Bài viết sử dụng tư liệu “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tập I (1930 -1954)” do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu biên soạn năm 1999-2000.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]