(Baothanhhoa.vn) - Nhắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, tư tưởng và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX không ai có thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của một nhà báo, nhà văn và nhà văn hóa – tư tưởng xuất sắc Phan Khôi (1887–1959).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa - tư tưởng Phan Khôi

Nhắc đến tiến trình vận động và phát triển của văn hóa, tư tưởng và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX không ai có thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của một nhà báo, nhà văn và nhà văn hóa – tư tưởng xuất sắc Phan Khôi (1887–1959).

Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa - tư tưởng Phan Khôi

Ông sinh ra tại làng Bảo An, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; là con của Phó bảng Phan Trân, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu. Ông là tác giả của những tác phẩm tiêu biểu như: “Chương Dân thi thoại”, “Việt ngữ nghiên cứu”... Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân – người dành nhiều tâm huyết cho Phan Khôi, đã có những nhận định: “Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng..., ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức”.

Phan Khôi hoạt động không ngừng nghỉ trên nhiều lĩnh vực và ở bất kỳ lĩnh vực nào ông cũng tỏ ra xuất sắc. Đọc các tác phẩm báo chí của Phan Khôi, người ta dễ dàng nhận thấy một bản lĩnh vững vàng, tinh thần quả cảm dám nhìn thẳng nói thật, không ngần ngại mà đối thoại với mọi tầng lớp người và mọi vấn đề đang tồn tại trong xã hội đương thời. Hiện diện trên những trang báo ấy, Phan Khôi khẳng định riêng cho mình một thương hiệu. Trong suốt cuộc đời mình, Phan Khôi đã viết hàng nghìn bài cho hàng chục tờ báo khác nhau. Nhiều khi ông tự mình đứng ra đảm nhận một chuyên mục, chủ yếu là các chuyên mục có dạng hài đàm - tiểu phẩm báo chí: “Câu chuyện hằng ngày” trên “Đông Pháp Thời Báo”; “Thần Chung”, “Những điều nghe thấy” trên “Trung lập”; “Dưới mắt chúng tôi” trên “Phụ Nữ thời đàm”; “Tiểu phê bình” trên “Phụ Nữ thời đàm”; “Có có không không” trên “báo Tràng An”; “Lý luận của tôi” trên “Tuần báo Sông Hương”... Chính những chuyên mục ấy đã làm nên một Phan Khôi với tinh thần, cốt cách khiến người khác phải ngưỡng mộ.

Có thể nói, tiểu phẩm báo chí là một địa hạt riêng và độc đáo để Phan Khôi có điều kiện thể hiện cá tính của mình. Phan Khôi là mẫu hình lý tưởng cho câu ca quen thuộc “Quảng Nam hay cãi”. Quả thật, mỗi con người khi sinh ra mặc nhiên đã mang sẵn trong mình một sợi dây vô hình nào đó gắn kết, hòa quyện đất và người lại với nhau. Phan Khôi cũng vậy. Đời ông là những chuyến đi. Ông nay đây mai đó, trong Nam ngoài Bắc theo những trang văn trang báo của mình nhưng cội nguồn văn hóa của mảnh đất Quảng Nam – quê hương ông lại ăn sâu vào tiềm thức, tâm hồn, thậm chí chi phối toàn bộ sự nghiệp sau này. Trong những năm đầu thế kỷ XX, đời sống văn chương – báo chí của nước ta trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết là nhờ những cuộc “bút chiến”, chủ yếu xoay quanh các nhân vật: Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Ngô Đức Kế, Trần Trọng Kim... sau là sự góp mặt của nhóm Tự lực văn đoàn. Những gương mặt này, cũng như Phan Khôi, đều là những con người thích đối thoại. Nổi bật trong tiếng nói tranh luận của Phan Khôi là sự hăng hái, thẳng thắn, thậm chí có phần quyết liệt. Trong mọi “cuộc chiến”, ông không cho phép mình im lặng. Ông thích đi đến tận cùng của vấn đề và nếu chưa thỏa mãn được điều đó, ông vẫn tiếp tục “cãi”. Cá tính “hay cãi” của con người Quảng Nam đã giúp ông đủ tự tin, bản lĩnh, sự mạnh mẽ và xông xáo mà chấm ngòi bút của mình vào mọi khía cạnh của đời sống; chủ động tiếp cận mọi vấn đề với tâm thế của một người phản biện. Đọc các tiểu phẩm báo chí của Phan Khôi, ai cũng dễ dàng nhận thấy, điểm mới lạ, đặc sắc, hấp dẫn nhất của chuyên mục chính là thái độ mỉa mai, châm biếm, đả kích một cách hài hước, sâu cay những thói hư tật xấu, việc làm chưa tốt, những hạn chế, tồn tại trong xã hội. Thậm chí, ông thẳng thắn “điểm mặt chỉ tên” đối tượng cụ thể để mà phê phán, công kích như: “Đọc cuốn Nho giáo của ông Trần Trọng Kim”, “Về cái ý kiến chấn hưng quốc học của ông Phạm Quỳnh”; “Trung Lập giành lại cái nhân cách cho quốc dân dưới bàn chân kẻ vô lễ”... “Cãi” với một người đã khó, đã mệt mỏi; trong khi đó, Phan Khôi chấp nhận “đối đầu” với cả xã hội đang đầy rẫy những rối ren, ngang trái. Bản lĩnh của con người “xứ Quảng” đã tạo nên một bản lĩnh Phan Khôi trên mặt báo khó ai bì kịp.

Con người xứ Quảng không chỉ nổi tiếng “hay cãi” mà hơn thế, họ còn là những con người “luôn đấu tranh cho sự vươn lên của tâm hồn, tinh thần bất khuất, đức tính chịu khó, hăng hái làm việc nghĩa, rất can đảm, sẵn sàng hy sinh đấu tranh chống giai cấp thống trị... Đó là cái trầm lặng của con người nghĩ nhiều, cảm nhiều, hành động nhiều và gặp trường hợp nào cũng biết nói lớn. Cái cá tính ấy được thể hiện qua hành động vô cùng phong phú. Người xứ Quảng rất giàu tình cảm, nhưng không bộc lộ ồn ào mà lại thầm kín, bền chặt. Họ rất giản dị, thiết thực, thẳng thắn, chân thành rất giàu nghị lực. Đó là mẫu người có ý chí cương quyết, có con tim hào hùng”. Những đức tính ấy dễ dàng có thể tìm thấy ở con người Phan Khôi. Ông không chỉ giỏi “cãi”; giỏi “lý sự” mà trên hết ông còn có thể chứng minh cho những lý lẽ của mình bằng hành động thực tiễn. Ông cũng tiêu biểu cho phẩm chất của con người xứ Quảng nói là làm, nói được làm được. Từ những ngày đầu tham gia phong trào Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục sau đó có khoảng thời gian bị bắt ngồi tù cho đến sau này, khi tiếp tục sự nghiệp viết văn – viết báo, Phan Khôi đều chứng tỏ được mình trước cuộc đời: Bản thân ông tuy xuất thân từ Nho học nhưng không phải là sĩ phu cựu học chỉ biết hô hào cải lương sách vở và cổ vũ cho sách Thánh hiền vốn dĩ đã bộc lộ rõ sự chậm tiến, lỗi thời. Ông tân tiến hơn rất nhiều so với thế hệ cùng thời, ông cổ xúy cho tư tưởng “bạo động” của Phan Châu Trinh, lựa chọn con đường viết báo với mong mỏi dùng ngòi bút của mình góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Những phẩm chất của con người “xứ Quảng” trong Phan Khôi không cho phép ông an phận làm một nhà Nho “gõ đầu trẻ” hay một ông quan mũ áo chỉnh tề. Ông là một nhà thơ, nhà báo, nhà văn hóa, nhà xã hội học, nhà dịch thuật, nhà ngôn ngữ và cho dù ở bất kỳ cương vị nào đều xuất sắc, đi đầu. Là một nhà thơ, Phan Khôi cùng với bài thơ “Tình già” đã trở thành ngọn gió mát lành xua tan đi không khí ảm đạm, gò bó của nền văn học cũ, mở đầu cho “thời đại thi ca” trong lịch sử văn học nước nhà. Ngọn gió ấy không chỉ kéo theo một mình nó mà hơn thế, nó đã tưới tắm, ươm mầm, làm phát triển cả một thế hệ: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương... Khi là nhà ngôn ngữ học, Phan Khôi trở thành “Ngự sử văn đàn” được nhiều người trọng vọng, kính nể. Với tư cách là một nhà báo, Phan Khôi cũng luôn là người đi tiên phong, là người mở đầu cho nhiều điều tốt đẹp khác. Chỉ riêng những tiểu phẩm báo chí của ông đã nói lên được vai trò tiên phong và những đóng góp to lớn của Phan Khôi đối với báo chí nước nhà. Viết tiểu phẩm báo chí, Phan Khôi là một trong những người đầu tiên khai sinh ra phương thức hài đàm, cho nó một chỗ đứng và khẳng định vị trí của nó trong đời sống báo chí và bạn đọc.

Cả cuộc đời và sự nghiệp của Phan Khôi đều thấy đậm nét cá tính con người “xứ Quảng”. Tính ngay thẳng, cương trực, hay “cãi”, ưa lí sự; sự nhạy cảm với những cái mới đã giúp Phan Khôi khẳng định được cái tôi cá nhân của mình với thế hệ trí thức đương thời. Đồng thời, từ các bài viết của mình, Phan Khôi đã định hình cho một thể loại báo chí mới mẻ ra đời và tiếp tục được kế thừa, phát huy cho đến ngày hôm nay. Những tiếng cười đả kích, châm chọc, chế giễu thói hư tật xấu trong xã hội đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi chúng ta. Và hơn thế, nó đã trở thành công cụ hữu hiệu, tiên phong để báo chí cất lên tiếng nói trước những vấn đề của xã hội. Ông đã tạo ra được tiếng nói phản biện xã hội tích cực, sâu sắc, tựa như một ngọn giáo luôn lao về phía trước; trở thành hình mẫu trí thức đáng để thế hệ con cháu hôm nay học tập, noi theo.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 PHAN AN SA - 09:03 25/09/20

 Trả lời

Lần đầu tiên tôi được đọc trên báo Thanh Hóa một bài viết về Phan Khôi. Lại là một bài báo viết rất sâu sắc, chứng tỏ tác giả Hương Thảo rất am hiểu Phan Khôi. Tôi cảm ơn báo Thanh Hóa và tác giả.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]