(Baothanhhoa.vn) - Ché Lầu là bản người Mông thuộc xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, miền Tây Thanh Hóa. Bản có 58 hộ với 281 nhân khẩu, 567 ha diện tích đất tự nhiên, nằm sâu trong dãy Pha Luông có độ cao hơn chín trăm mét so với mực nước biển, đường đi lại vẫn là đường đất, vào mùa mưa gần như bản bị cô lập với thế giới bên ngoài, nói gần như là bởi may thay vẫn có thể đi bộ vượt qua các con dốc đứng trơn trượt nếu không bị sạt lở và lũ ống từ các con suối nhỏ. Gần hai tiếng đi bộ, dĩ nhiên là tính cả thời gian nghỉ lấy lệ dọc đường, với khoảng hơn chục con dốc cao và sâu, mặt đường bị cày xới nát bươm bởi các loại xe tải hạng nặng chuyên chở luồng, nứa ở những địa hình miền núi. Chúng đã tạo ra vô vàn những ổ voi và sình lấy nối tiếp nhau, đó là còn chưa kể muỗi và vắt rừng luôn tỏ ra mến khách mỗi khi đi qua các con dốc xuyên rừng luồng, bương, giang, nứa ẩm ướt bởi mây phủ quanh năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một đêm ở Ché Lầu

Ché Lầu là bản người Mông thuộc xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, miền Tây Thanh Hóa. Bản có 58 hộ với 281 nhân khẩu, 567 ha diện tích đất tự nhiên, nằm sâu trong dãy Pha Luông có độ cao hơn chín trăm mét so với mực nước biển, đường đi lại vẫn là đường đất, vào mùa mưa gần như bản bị cô lập với thế giới bên ngoài, nói gần như là bởi may thay vẫn có thể đi bộ vượt qua các con dốc đứng trơn trượt nếu không bị sạt lở và lũ ống từ các con suối nhỏ. Gần hai tiếng đi bộ, dĩ nhiên là tính cả thời gian nghỉ lấy lệ dọc đường, với khoảng hơn chục con dốc cao và sâu, mặt đường bị cày xới nát bươm bởi các loại xe tải hạng nặng chuyên chở luồng, nứa ở những địa hình miền núi. Chúng đã tạo ra vô vàn những ổ voi và sình lấy nối tiếp nhau, đó là còn chưa kể muỗi và vắt rừng luôn tỏ ra mến khách mỗi khi đi qua các con dốc xuyên rừng luồng, bương, giang, nứa ẩm ướt bởi mây phủ quanh năm.

Một đêm ở Ché Lầu

Một góc bản Ché Lầu, xã Sơn Thủy (Quan Sơn).

Đoàn chúng tôi gồm Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn, Trạm Kiểm lâm, Tổ Biên phòng Sơn Thủy, Hội Phụ nữ huyện, đặt chân đến nhà trưởng bản lúc đấy khoảng hơn ba giờ chiều. Cái nắng cuối đông hanh hao, thi thoảng những cơn gió từ rừng ùa đến cũng làm mọi người xuýt xoa lành lạnh. Thao Văn Mai, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Ché Lầu, sinh năm 1987, trưởng thành từ 18 năm làm cán bộ đoàn thanh niên bản, đón chúng tôi bằng nụ cười trẻ thơ và mùi thức ăn nưng nức đưa lên từ phía bếp. “Các bác nghỉ ngơi, uống nước cho đỡ mệt rồi ta ăn tạm bữa chiều sớm để chuẩn bị cho buổi tối tuyên truyền, xong việc ta ăn cơm tối sau...”. Vậy là lịch trình vẫn y án như phòng dân tộc huyện đã sắp xếp từ trước, không có gì thay đổi.

Ở Ché Lầu màn đêm buông xuống nhanh lắm, mới thoáng thấy ánh nắng xuyên qua chái nhà mà một lúc sau đã “quáng gà” rồi tối lúc nào không hay. Sáu rưỡi chiều, bóng tối bao phủ khắp bản, không còn nhận ra Ché Lầu của ban ngày nữa, lúc này đứng giữa sân nhà văn hóa nhìn ra xung quanh bóng đêm ngày một đặc quánh, lác đác vài nhà thắp bóng đèn tiết kiệm điện ánh sáng trắng xuyên qua màn xương dày đặc trở nên nhập nhòa, âm thanh của rừng của suối chiếm trọn không gian...

Bảy giờ tối, nhà văn hóa bản không còn chỗ trống, ngoài hè sau cánh cửa là những chị có con nhỏ vừa họp vừa trông con. Đi công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều, tôi nhận thấy một điều bà con dân bản rất tích cực tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Ché Lầu là một ví dụ, đêm về nhiệt độ xuống thấp chắc khoảng gần mười độ, trời rét buốt và sương giá, nhà gần thì vài chục mét nhà xa thì tính bằng cây số, ấy vậy mà không thiếu hộ nào. Để có cái nếp này tôi nghĩ cán bộ từ huyện đến bản đã làm rất tốt công tác dân vận, bởi có vừa lòng dân thì dân mới tin, mới tích cực đón nhận và chủ động tham gia những buổi sinh hoạt đầy tính chính trị như thế này.

Cả hội trường im lặng sau khi đồng chí Thao Văn Mai, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản cất lời, đồng chí ấy “phát sóng ngắn” trong phần khai mạc nội dung hội nghị và giới thiệu đại biểu, bà con vỗ tay rôm rả, sau đó lại trật tự lắng nghe phần trình bày nội dung tuyên truyền do các cán bộ phụ trách trình bày. Thi thoảng có tiếng trẻ con khóc ngoài hè, tiếng mẹ dỗ con khe khẽ, bên trong hội trường vẫn tập trung cao độ.

- Kết hôn cận huyết thống là gì? Vì sao không được kết hôn cận huyết thống? Chị Vi Thị Luận, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện bắt đầu phần tuyên truyền của mình bằng một câu hỏi khó. Khó vì đồng chí nói bằng tiếng kinh trong khi đại bộ phận bà con ở đây đều giao tiếp bằng tiếng Mông. Tất nhiên là sau đấy có đồng chí cán bộ văn hóa xã cũng là người của bản sẽ làm công tác phiên dịch lại bằng tiếng Mông.

- Vì sao phải bảo vệ rừng đầu nguồn? Vì sao phải khai thác có chọn lọc rừng trồng? Đồng chí Lê Ngọc Hiệp, Phó Trạm Kiểm lâm Sơn Thủy cũng bắt đầu phần tuyên truyền của mình bằng câu hỏi, vẫn bằng tiếng Kinh và tất nhiên phần thuyết trình vẫn phải xen kẽ tiếng Mông của người phiên dịch.

- Không có rừng sẽ bị lũ lụt giống như Sa Ná. Giọng của một người đàn ông nhiều tuổi, cỡ gần sáu mươi.

Lấy người nghe làm trung tâm, khuyến khích người nghe cùng tham gia, dùng cách này sẽ làm cho hiệu quả của buổi truyền thông cao hơn và người dân sẽ ghi nhớ được nhiều hơn. Tôi không chắc hiệu quả sẽ cao hơn vì để khẳng định điều này cần phải thông qua kết quả khảo sát, nhưng rõ ràng tôi thấy sự tham gia của người dân là khá chủ động và đặc biệt cách hiểu vấn đề của người dân nơi đây hết sức đơn giản, thể hiện trong những câu trả lời hồn nhiên và ngắn gọn. Tất nhiên sau những câu trả lời như thế cán bộ tuyên truyền sẽ có phần giải thích ngữ nghĩa sâu rộng của vấn đề, nhưng trên bình diện bình dân có thể nói người dân bước đầu đã có những nhận thức đúng về bản chất của từng vấn đề mà cán bộ chuyên môn đặt ra. Tuy chưa hiểu hết mọi góc độ của vấn đề vì hạn chế về mặt ngôn ngữ trình bày cộng với trình độ học vấn còn hạn chế nên những câu trả lời bình dị ấy cũng có thể coi là thay đổi lớn về mặt nhận thức của bà con nơi đây rồi.

Sau phần Luật Biên giới đất liền do Đại úy Mai Chí Thức, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Tổ trưởng Tổ biên phòng Sơn Thủy trình bày với rất nhiều điều khoản, nghị định, hiệp định đến phần của Ban Dân tộc. Và cũng bắt đầu bằng một câu hỏi: “Vụ vừa rồi bà con được nhiều lúa không?”. “Được có mười mấy bì thôi” vẫn là một câu trả lời hồn nhiên và “đúng ý cái bụng” của cụ bà ngồi gần chỗ tôi. Sau phần trình bày của đồng chí Trưởng Phòng Dân tộc huyện, một cụ trạc gần sáu mươi đứng lên hỏi “bác cán bộ cho tôi hỏi, tôi và vợ vẫn đi rừng kiếm măng, chặt nứa chẻ nan được thì có được ra khỏi hộ nghèo không?” - “Bác phải chờ ý kiến xác nhận của chính quyền địa phương...”. “Nếu năm nay cháu đi bộ đội thì có còn đủ điều kiện để xin đi học trường trung cấp nghề không bác?” - “Được chứ. Cháu còn nhận được rất nhiều ưu tiên của Nhà nước”. “Chị cháu trốn đi làm bên Lào lâu rồi giờ xin về có được không bác?” - “Bảo chị cháu về nước lên làm việc với chính quyền xã họ hướng dẫn cho...”. Ông Đinh Xuân Giang, Trưởng Phòng Dân tộc huyện, hơn ba mươi năm gắn bó với bà con dân bản khắp các bản, các xã trong huyện. Mỗi khi thấy ông đến bản người già chào ông, người trẻ gọi là bố, ở Ché Lầu cứ ngoài năm mươi tuổi là lên chức bố rồi, thanh niên trong làng đều gọi là bố, đó là lý do tại sao mà phần của ông lại được bà con hỏi và chia sẻ nhiều vấn đề như vậy. Đây chỉ là phần đầu, càng về sau càng nhiều người hỏi, ông không từ chối ai cả, ai hỏi ông cũng trả lời, ông bảo với tôi “Người Mông trọng lòng tin, khi đã tin thì dễ làm việc, khi đã thất tín với người ta thì không bao giờ người ta tin nữa...”. Ông Giang có lẽ đã trở thành người Mông, trở thành thành viên của bản Ché Lầu này.

- “Bà con mình rất chịu khó, nhưng cây ngô giá trị kinh tế không cao, chỉ giải quyết yếu tố mùa vụ, bà con nên tận dụng diện tích đồi ngô để trồng đào, khí hậu và thổ nhưỡng ở đây rất hợp để cây đào phát triển. Bà con vẫn có thể lấy ngắn nuôi dài bằng cách trồng xen canh cây ngô, cây rau vào vườn đào. Lấy cây đào làm mũi nhọn phát triển kinh tế...”.

- “Trồng thế nào?”; “Lấy giống ở đâu?”; “Bán cho ai?”...

- “Nếu bà con đồng ý với định hướng đó thì tôi sẽ tham mưu cho huyện và xã tạo điều kiện cho bà con đi học tập kinh nghiệm ở Như Thanh, người Vân Du giàu lên nhờ đào đấy. Đường bê tông đang làm rồi, bằng giờ sang năm là đường lên tận trung tâm bản, lúc đó việc đi lại, buôn bán của bà con sẽ dễ dàng hơn, nhiều thương lái sẽ lên tận nơi để mua đào của bà con...”.

Đoạn đối thoại giữa bà con và đồng chí Trạm phó Trạm Kiểm lâm Sơn Thủy, trong phần định hướng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội cho Ché Lầu. Nghe xong phần trả lời của đồng chí trạm phó bà con hồ hởi lắm nhưng trong ánh mắt họ vẫn còn e ngại, trong lời nói vẫn có phần rụt rè, chưa thực sự tin tưởng. Tôi nghĩ chắc đồng chí trạm phó cần thêm thời gian và có mô hình điểm thì mới có thể lấy được lòng tin và sự chủ động tham gia của bà con như ông Giang từng nói “Có được niềm tin của dân thì làm việc gì cũng dễ...”.

Mười giờ đêm, gió rít từng hồi trên những ngọn cây già quanh nhà văn hóa bản, tưởng như toàn bộ núi rừng, những ngôi nhà, người dân và cả chúng tôi đang được ướp trong một chiếc tủ cấp đông khổng lồ với từng nhát gió sắc lẹm cứa vào da thịt. Mọi người lặng lẽ ra về, vài nhóm người vẫn thì thầm bàn tán về những điều vừa được nghe trong buổi tuyên truyền. Họ lầm lũi đi lẫn vào đêm, loang lổ ánh sáng đèn của vài chiếc xe máy, chúng tôi cũng dò dẫm đi trong đêm theo ánh đèn pin le lói, đêm sâu quá, rộng quá và những cơn gió vẫn không ngừng ràn rạt thổi trên những ngọn cây. Bữa cơm tối muộn xong xuôi, mọi người nói nhiều về sáng kiến trồng đào của đồng chí trạm phó trạm kiểm lâm, câu chuyện chưa đi đến tận cùng vì ai cũng oải sau một hành trình mệt nhọc và một đêm làm việc hăng say. Chưa khi nào tôi dễ ngủ và ngủ sâu như đêm hôm ấy, giấc ngủ ùa về để mặc những xạc xào của gió ngoài cửa. Khi ngủ dậy, tôi đứng trước ngôi nhà gỗ thấp lè tè hướng mắt về phía Đông nơi có những ngọn núi thấp hơn ngọn núi nơi tôi đứng thấy màu mây hưng hửng màu nắng. Mọi người trong bản đã đi rừng, đi nương từ bốn năm giờ sáng, bản vắng người, những ngôi nhà im lìm và lặng lẽ bên những cây đào, cây mận già cỗi, xù xì và trụi sạch lá chờ xuân sang để bung nở khoe sắc hồng sắc vàng của hoa, sắc xanh của lá che đi nét thâm nâu, tịch mịch của những mái nhà gỗ. Ngày mới ở Ché Lầu trong lành, bình yên và đẹp mơ màng, tâm hồn tôi như lơ lửng bay trên nền mây đang bao phủ khắp núi rừng nơi vùng cao xa xôi này.

Ký sự của Nguyễn Hải



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]