(Baothanhhoa.vn) - Lim xanh có tên khoa học là Erythrophloeum fordii oliv thuộc họ vang là cây đặc hữu của Việt Nam, là loài nguy cấp, quý, hiếm, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo Nghị định số 32/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khôi phục và phát triển rừng lim xanh Thanh Hóa

Lim xanh có tên khoa học là Erythrophloeum fordii oliv thuộc họ vang là cây đặc hữu của Việt Nam, là loài nguy cấp, quý, hiếm, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo Nghị định số 32/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ.

Cây lim xanh nghìn năm tuổi tại Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh). Tư liệu

Lim xanh là cây gỗ lớn có chiều cao trên 30m, đường kính có khi tới 2,5m; gỗ có màu nâu xám, rất nặng thuộc nhóm II. Cây chịu bóng lúc nhỏ, lớn lên ưa sáng và thường chiếm tầng trên của rừng; gỗ rất bền, chịu được mưa nắng, ít cong vênh, nứt nẻ, thường dùng trong xây dựng, đồ mộc cao cấp; không chỉ có vậy, nấm lim xanh còn có giá trị rất cao trong y tế, chăm sóc sức khỏe con người.

Lim xanh phân bố chủ yếu ở các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, nhưng tập trung nhiều nhất ở Thanh Hóa, với gần 200 ngàn ha tại các huyện: Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Bá Thước, Thạch Thành và một số địa phương khác. Nhận thức được giá trị về kinh tế, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học của lim xanh, trước năm 1945, người Pháp đã tổ chức trồng hàng chục ngàn ha lim xanh tại Phố Vạc, Cẩm Thủy; Mục Sơn; Thọ Xuân và một số khu vực của huyện: Như Thanh, Bá Thước, Thạch Thành, Ngọc Lặc...

Sau kháng chiến chống Pháp, năm 1956 Thanh Hóa được Chính phủ giao khai thác gỗ lim và gỗ hồng sắc để xẻ tà vẹt khôi phục lại tuyến đường sắt Bắc Nam. Tỉnh đã thành lập 5 cơ sở khai thác và xẻ gỗ ở Đồng Mưa (Như Xuân), Tân Thành (Thường Xuân), Hồ Điền (Bá Thước), Năng Cát (Lang Chánh) và đã cung cấp hàng vạn thanh tà vẹt, hàng chục vạn mét khối gỗ tròn. Do khai thác quá mức và kéo dài hàng chục năm liên tục, khai thác không gắn với tái sinh nên trong khoảng 30 năm, các khu rừng lim xanh đã bị cạn kiệt, gần như tuyệt chủng. Đến giữa những năm 90 của thế kỷ trước, tất cả các khu rừng lim xanh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản bị khai thác cạn kiệt, chỉ còn lại rất ít cây xa đường ô tô, nơi địa hình quá phức tạp, không thể vận chuyển được và một phần diện tích rừng lim xanh trồng thời Pháp thuộc tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy.

Thực hiện các chương trình, dự án về lâm nghiệp, trong những năm qua ngành lâm nghiệp đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, khôi phục rừng lim Thanh Hóa, nhưng do nguồn lực còn hạn chế, nên đến nay toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 20 ngàn ha rừng có lim xanh phân bố, tương đương 10% diện tích rừng lim xanh trước đây. Số lượng và chất lượng cây lim xanh còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về đất đai, điều kiện sinh thái của tỉnh.

Thanh Hóa có điều kiện khí hậu, lập địa tương đối phù hợp với sinh trưởng, phát triển của lim xanh. Với 383.110 ha rừng tự nhiên là môi trường rất tốt để xúc tiến tái sinh tự nhiên, tái sinh có trồng bổ sung lim xanh; phần lớn diện tích rừng có lim xanh thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng đang giao cho các chủ rừng Nhà nước quản lý, nên rất thuận lợi cho việc kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển kinh tế, du lịch sinh thái... Tuy nhiên, lim xanh có chu kỳ kinh doanh dài, khoảng 30 năm trở lên, là cây ưa bóng lúc nhỏ, chỉ phù hợp với trồng bổ sung dưới tán rừng, hoặc những nơi có trảng cây bụi, thảm tươi, nên chi phí nhân công trồng, chăm sóc lớn, trong khi điều kiện kinh tế người dân khó khăn, khả năng huy động vốn trồng tập trung với quy mô lớn rất hạn chế, trong khi đó mức đầu tư hỗ trợ cho làm giàu rừng, khoanh nuôi có trồng bổ sung lim xanh từ các chương trình, dự án rất thấp (1,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600 nghìn đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo).

Do vậy, để khôi phục và phát triển rừng lim xanh tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở đánh giá cụ thể thực trạng rừng lim xanh Thanh Hóa, những khó khăn, vướng mắc cũng như tiềm năng thế mạnh trong việc phát triển rừng lim xanh, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề sau:

Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân và cộng đồng là giải pháp quan trọng hàng đầu góp phần khôi phục và phát triển bền vững rừng lim xanh. Nội dung tuyên truyền tập trung vào giá trị kinh tế, văn hóa, khoa học, môi trường gắn với đời sống cộng đồng. Hình thức tuyên truyền chủ yếu thông qua hội nghị công bố đề án, hội nghị họp thôn bản, tập huấn, các hội diễn văn nghệ, cổ động; đài phát thanh và truyền hình các cấp dành nhiều thời lượng phát bài, tin điển hình trong việc khôi phục và phát triển bền vững rừng lim xanh.

Hai là, trước mắt, khẩn trương tuyển chọn những cây lim xanh sinh trưởng, phát triển tốt, đủ tiêu chuẩn công nhận cây trội lấy giống để chủ động nguồn giống phục vụ gieo ươm; đầu tư nâng cấp 1 vườn ươm có quy mô khoảng 1 triệu cây giống lim xanh/năm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về vườn ươm cây giống lâm nghiệp theo tiêu chuẩn ngành 04-TCN-52-2002. Từng bước nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô đối với lim xanh để tạo giống có chất lượng cao, sạch bệnh, với số lượng lớn, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu trồng rừng hàng năm. Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá thực trạng, tình hình sinh trưởng, phát triển và xu hướng diễn thế lim xanh, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trồng mới, trồng bổ sung, xúc tiến tái sinh tự nhiên lim xanh cho từng dạng lập địa trên địa bàn tỉnh. Tổ chức nghiên cứu và chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng rừng thâm canh, trồng bổ sung lim xanh dưới tán rừng, xúc tiến tái sinh tự nhiên để sớm hình thành rừng lim xanh có chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Hướng dẫn xây dựng các mô hình nông, lâm kết hợp; mô hình phát triển dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, mô hình trồng, chế biến nấm lim xanh... để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời giúp người dân có thêm thu nhập, lấy ngắn nuôi dài.

Ba là, tập trung huy động và lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững của Trung ương; vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh; vốn hỗ trợ từ ngân sách huyện, vốn của các doanh nghiệp, chủ rừng và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để thực hiện có hiệu quả đề án khôi phục và phát triển rừng lim xanh Thanh Hóa. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh liên kết với các hộ gia đình để đầu tư trồng bổ sung lim xanh trong rừng tự nhiên, rừng trồng sản xuất theo phương thức: Doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, các hộ gia đình góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có sản phẩm khai thác hưởng lợi theo tỷ lệ góp vốn, để hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bốn là, đấu mối phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế kêu gọi hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đối với rừng tự nhiên, rừng trồng có lim xanh, để đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới và nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp; xây dựng mô hình liên kết các hộ gia đình trồng rừng thông qua HTX, tổ HTX, hội nông dân; liên doanh, liên kết giữa chủ rừng Nhà nước với các hộ gia đình để xây dựng mô hình cấp chứng chỉ rừng FSC theo nhóm, giảm chi phí cấp chứng chỉ rừng. Phổ biến và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng để làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc kinh doanh rừng; tổ chức đào tạo, tập huấn về các tiêu chí, tiêu chuẩn chứng nhận quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cho đối tượng là cán bộ khuyến lâm, kiểm lâm viên địa bàn, cán bộ lâm nghiệp và các chủ rừng để triển khai thực hiện.

Ảnh: Tư Lệu


Nguyễn Đình Hải (Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]