(Baothanhhoa.vn) - Lam Sơn là vùng đất linh thiêng, bởi đây là nơi sinh ra vị anh hùng dân tộc – Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi. Từ vùng đất này, 600 năm trước, Lê Lợi đã tập hợp nghĩa binh, dựng cờ khởi nghĩa chống ngoại xâm, giữ vững giang sơn xã tắc. Đây cũng là nơi an táng các vua và hoàng thái hậu triều Hậu Lê, và dày đặc các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mang đậm những dấu ấn của một vương triều tồn tại dài nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khát vọng Lam Sơn

Lam Sơn là vùng đất linh thiêng, bởi đây là nơi sinh ra vị anh hùng dân tộc – Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi. Từ vùng đất này, 600 năm trước, Lê Lợi đã tập hợp nghĩa binh, dựng cờ khởi nghĩa chống ngoại xâm, giữ vững giang sơn xã tắc. Đây cũng là nơi an táng các vua và hoàng thái hậu triều Hậu Lê, và dày đặc các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mang đậm những dấu ấn của một vương triều tồn tại dài nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.

Khu Di tích lịch sử Lam Kinh nhìn từ trên cao. Ảnh: M.H

Cách đây hai mươi năm, lần đầu tiên tôi về thăm di tích Lam Kinh. Khi ấy nơi đây là một vùng rừng núi hoang sơ, các tòa điện miếu xưa chỉ còn lại dấu tích là những chân tảng lớn nằm rải rác trên nền cỏ dại, cùng với đôi rồng chầu bằng đá lên nền chính điện. Để có hình hài, dáng vóc bề thế như ngày hôm nay, một thời gian dài với những nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh Thanh Hóa và các ngành chức năng, các công trình kiến trúc của Lam Kinh đã từng bước được phục dựng. Cũng gian truân lắm, nhiều tranh cãi lắm, cuối cùng, khát vọng phục dựng Lam Kinh xứng tầm với công lao của các bậc tiền nhân cũng đã trở thành hiện thực.

Con đường lát đá phẳng phiu dẫn du khách vào chiếc cầu Bạch làm bằng đá hoa cương, xây hình bán nguyệt bắc qua dòng sông Ngọc trữ tình. Trước mặt là Nghinh Môn bề thế, bên tả Nghinh Môn là giếng Ngọc trong vắt, bên hữu là cây đa thị cổ thụ. Bước qua Nghinh Môn là sân rồng rộng lớn. Tiếp đến là khu chính điện, rồi đến chín tòa thái miếu phía sau.

Lam Kinh có một hệ thống lăng mộ và bia ký của các vị Vua và Hoàng Thái hậu, đây là những di sản văn hóa vô cùng giá trị mà ông cha ta đã để lại cho hậu thế. Có ba trên năm bia đá ở đây đã được công nhận là bảo vật quốc gia, bởi chúng mang giá trị nổi bật, đại diện cho tất cả các bia ký thời Lê Sơ trên cả nước nói chung và ở Lam Kinh nói riêng. Đó là bia Vĩnh Lăng – bia của vua Lê Thái tổ, bia Chiêu Lăng – bia của vua Lê Thánh tông và bia Khôn Nguyên Trí Đức – bia của Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao – thân mẫu vua Lê Thánh tông. Đây là những hiện vật độc bản, cũng là những pho sử liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu kiến trúc mỹ thuật thời Lê Sơ, là minh chứng cho sự phát triển huy hoàng nhất của một triều đại phong kiến tự chủ ở Việt Nam.

Nhiều năm trước lên Lam Kinh, tôi được anh Trịnh Đình Dương – lúc ấy là Trưởng Ban Quản lý di tích dẫn đi thăm các cây di sản. Ở Khu di tích lịch sử Lam Kinh có 18 cây cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam, có tuổi đời từ 300-600 tuổi. Trong đó, có 13 cây thuộc Khu di tích Lam Kinh và 5 cây thuộc khu đền thờ Trung Túc vương Lê Lai. Những cây cổ thụ khiến cho rừng Lam Kinh mang vẻ đẹp huyền bí, linh thiêng. Trong đó, nổi bật nhất là cây đa thị, gọi như vậy bởi cây đa và cây thị cùng mọc chung một gốc, thân bện vào nhau như hai cơ thể hòa làm một, cứ như vậy chung sống suốt 300 năm. Vài năm trước, cây thị chết đi, nay lại có một nhánh khác mọc lên, tiếp tục quấn quýt với cây đa. Ở trước mộ vua Lê Thái tổ có cây sui cổ thụ gần 600 tuổi, “cụ” cây này không có vẻ già nua mà vẫn xanh tốt như một tráng niên. Gần phía Đông Bắc của bia Dụ Lăng (bia Vua Lê Hiến tông) có cây dổi cổ thụ cũng 600 tuổi. Nằm phía Đông Bắc khu di tích là cây đa kéo có tuổi đời gần 600 năm. Ngay cạnh tường thành phía Tây sân rồng có cây ruối 300 tuổi. Khu đền Tép nơi thờ Trung Túc vương Lê Lai có 5 cây di sản gồm hai cây đại, hai cây sấu và một cây đa tía. Hai cây đại trồng bên tả, hữu cổng tam quan đều có tuổi thọ hơn 600 năm. Rừng Lam Kinh còn ẩn chứa những câu chuyện kỳ bí có thật: Tại sân lăng mộ Đức Thái tổ có cây ổi “biết cười”, chỉ cần dùng ngón tay cù khẽ vào thân cành, thì các phiến lá ở đầu ngọn cây sẽ rung lên theo nhịp ngón tay như bị nhột mà cười. Thời điểm xây chính điện Lam Kinh, nhà thầu thiếu một cây cột cái chưa tìm đâu ra; có một cây lim cổ thụ gần đó đang xanh tốt bỗng nhiên chết, thân của nó đã được dùng để làm cột cái của tòa chính điện. Câu chuyện cây lim “hiến mình” , nhìn ở góc độ tâm linh, càng làm cho rừng Lam Kinh thêm linh thiêng.

Mới đây, nhà thơ Trịnh Anh Đạt, một Việt kiều từ Mỹ về quê hương đã lên thăm Lam Kinh. Qua một sáng tác của mình, ông đã nhắc tới truyền thuyết “lá cây đánh giặc”: Năm xưa, Nguyễn Trãi dùng kế sách lấy mật, mỡ viết lên lá cây rừng tám chữ: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, sâu kiến ăn đục thủng lá thành dòng chữ, lá rụng trôi theo sông suối, người dân nhìn thấy cho đây là điềm trời, lũ lượt theo chủ soái Lê Lợi đánh giặc. Từ đây, nhà thơ Trịnh Anh Đạt đã nêu ý tưởng: Nên chăng tại Lam Kinh xây dựng một tượng đài nghệ thuật tôn vinh chiếc lá đánh giặc, “tượng đài lá” ấy sẽ tạo dấu ấn thu hút khách tham quan về với đất thiêng Lam Kinh. Đây có lẽ là một trong những gợi ý mà ngành văn hóa tỉnh Thanh cần lưu tâm, để tạo nên những điểm nhấn khác biệt, độc đáo cho du lịch Lam Kinh.

Về Lam Kinh vào dịp lễ hội “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”, chắc hẳn du khách sẽ vô cùng thích thú khi được xem trò diễn dân gian Xuân Phả. Đây là một trò cổ của làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, vừa mang dáng dấp của nghệ thuật cung đình, lại vừa có nét kỳ dị, huyền bí, được xem là một trong số những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo bậc nhất xứ Thanh. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là những điệu múa mà các nước chư hầu trình diễn khi sang nước ta tiến cống, nó có thể xuất phát từ thời Đinh – Tiền Lê, đã từng được biểu diễn ở Lam Kinh vào thời Hậu Lê mỗi dịp vua và các quần thần về bái yết sơn lăng. Sau này, khi nhà Lê không còn, Lam Kinh trở thành phế tích, các điệu múa được lưu truyền vào dân gian, trong đó làng Xuân Phả còn giữ được cả 5 tấn trò. Năm 1936, đội trò của làng Xuân Phả từng vinh dự được biểu diễn ở cung đình Huế cho vua chúa và các quan lại triều Nguyễn, và nếu không xảy ra đại chiến thế giới lần thứ 2 thì đội trò này đã được đưa sang Pháp biểu diễn. Với những giá trị văn hóa nghệ thuật vô cùng đặc sắc, tháng 9-2016, trò diễn Xuân Phả được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từ đây tạo đà cho việc tiếp tục đề nghị UNESCO công nhận trò Xuân Phả là di sản văn hóa nhân loại.

Trò Xuân Phả thường chỉ được biểu diễn ở Lam Kinh vào mỗi dịp lễ hội. Tôi chợt nghĩ, nên chăng hãy tổ chức một đội ngũ nghệ sĩ dân gian chuyên nghiệp tại Lam Kinh, phối hợp với các trò chơi, trò diễn dân gian tiêu biểu khác ở các vùng miền xứ Thanh, tạo nên một sân khấu hoạt động thường xuyên để phục vụ du khách hàng ngày. Như vậy, du lịch Lam Kinh sẽ có thêm sức hút và ấn tượng độc đáo, lại tôn vinh được các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian xứ Thanh.

Không còn cảnh vắng lặng u tịch như hàng chục năm trước, Lam Kinh ngày nay đã trở thành một điểm đến quan trọng trong bản đồ du lịch tỉnh Thanh và cả nước. Lại nhớ về 20 năm, lần đầu tiên tôi về thăm vùng đất thiêng Lam Sơn. Thời ấy, Lam Sơn đã nổi tiếng về sự thành công của mô hình phát triển kinh tế “công – nông” kết hợp. Tôi rất ấn tượng với câu chuyện đẹp như cổ tích về một con người đã đi đầu trong công cuộc khai phá, biến những đồi hoang trở thành một vùng mía đường trù phú. Nhìn màu xanh bát ngát của những đồi mía, ít ai tưởng tượng được, trước kia vùng đất này chỉ là những dải đồi hoang trơ trọi, với cây bụi và đá ong, cuộc sống người dân nghèo nàn, không có những con đường trải nhựa phẳng lỳ với nhà máy ống khói vút cao như bây giờ. Đó là câu chuyện dài về những người đã “dệt màu xanh trên vùng đất đỏ” của núi đồi Lam Sơn.

Người “kiến trúc sư” của mô hình kinh tế này chính là Anh hùng Lao động Lê Văn Tam. Sau này nhiều dịp được tiếp xúc, làm việc với ông, tôi luôn ấn tượng ở phong cách từ tốn của một con người điềm đạm, nhưng giàu ý tưởng sáng tạo và say sưa cống hiến. Đến nay tuổi đã cao, nhưng nội lực của ông vẫn rất đáng khâm phục; chưa bao giờ ông ngừng trăn trở, suy nghĩ, sáng tạo để làm cho vùng đất Lam Sơn giàu hơn, đẹp hơn. Những năm trước, ông say sưa nói chuyện mía đường và nông nghiệp sạch, còn giờ đây, câu chuyện của ông chất chứa niềm khao khát biến Lam Sơn thành một trung tâm văn hóa – du lịch của xứ Thanh. Bằng những ý tưởng đột phá mới, Anh hùng Lao động Lê Văn Tam cùng các cộng sự đang tiếp tục thực hiện Dự án Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam. Đây sẽ là một điểm đến đặc trưng, với những dấu ấn hoàn toàn khác biệt so với những khu du lịch hiện có trong tỉnh và cả nước. Lấy tre luồng, một loại cây bản địa của vùng rừng núi miền Tây Thanh Hóa để phát triển du lịch, tác giả của ý tưởng này mong muốn tạo nên một vùng văn hóa đậm đà bản sắc xứ Thanh trên vùng đất Lam Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung.

Sự xuất hiện của Công viên tre luồng Thanh Tam sẽ là điểm nhấn để Lam Sơn trở thành một trung tâm du lịch lớn bậc nhất tỉnh Thanh, là địa chỉ du lịch lý tưởng của du khách muôn phương, nơi xuất phát và kết nối các điểm đến du lịch trong và ngoài tỉnh. Thay vì chỉ biết đến Khu di tích Lam Kinh, du khách về miền đất Lam Sơn sẽ được trải nghiệm thêm nhiều điều lý thú. Những trang sách mới về vùng đất Lam Sơn đang tiếp tục được viết lên bằng sức lao động trí tuệ dồi dào của người Anh hùng Lê Văn Tam và các cộng sự. Không cần tưởng tượng nhiều, sau khi xem bản đồ tổng thể và chi tiết cùng với phối cảnh 3D của dự án, chúng tôi đã được ông Lê Văn Tam dẫn đi tham quan thực địa. Trung tâm của công viên là tượng đài Đức Thái tổ sừng sững trên đỉnh đồi lộng gió, với dáng vóc khoan hòa, trang phục giản dị gần gũi với nhân dân. Chung quanh Người là một vườn hoa nhiều màu sắc, biểu trưng cho thời đại thái bình thịnh trị. Dưới chân đồi là một bảo tàng dựng bằng chất liệu tre luồng, bên trong trưng bày các hiện vật cổ chế tác từ tre luồng, đó là những công cụ dùng trong sản xuất, sinh hoạt của người Việt ở nhiều vùng miền, nhiều ngành nghề, qua các thời kỳ lịch sử.

Không chỉ là mía đường hay hoa trái sạch, Lam Sơn sẽ ghi dấu ấn với du khách bằng một loài cây mà hàng ngàn năm trước đã cùng Thánh Gióng ra trận diệt xâm lăng, và đã đi vào thơ như một biểu tượng đẹp về tâm hồn người Việt: Cây tre Việt Nam. Tre luồng tiếp tục là cảm hứng chính của toàn bộ công viên Thanh Tam. Sẽ có một khu vườn rộng lớn với sự hội tụ tất cả các loại tre luồng trong nước và trên thế giới được đưa về trồng. Đến đây, du khách có thể tìm kiếm không gian nghỉ dưỡng yên tĩnh, thanh tịnh: Thư giãn trong các vườn thiền râm mát, hay nghỉ ngơi ở các bugalow nằm bên bờ hồ thoáng đãng, giải trí bằng các trò chơi dân gian đặc sắc; khám phá, trải nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, lao động thủ công nghề đan lát tre luồng; và thưởng thức những dịch vụ ẩm thực độc đáo với những món ăn chế biến từ tre luồng và những sản vật cây trái của chính vùng “đất ngọt” Lam Sơn.

Trong tương lai rất gần, Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam sẽ là điểm đến du lịch lý thú của du khách mọi miền. Nơi đây mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch vừa khác biệt, vừa đặc sắc, giàu tính bản địa, trong không gian hòa đồng với thiên nhiên, phù hợp với mọi lứa tuổi. Du khách có thể thụ hưởng những kỳ nghỉ dưỡng dài ngày tại đây và tham gia những tour du lịch khám phá di tích, danh lam thắng cảnh quanh vùng. Từ công viên tre luồng Thanh Tam, có thể thiết lập những tour du lịch nội địa đến với các địa chỉ du lịch khác của Thanh Hóa, như Bến En - Như Thanh; cụm di tích danh thắng Cửa Đặt, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên – Thường Xuân; Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu - Pù Luông, Khu Cao Sơn – Bá Thước; thác Ma Hao - Lang Chánh; Am Tiên - Triệu Sơn; suối Cá Thần – Cẩm Thủy; thác Voi, thác Mây, rừng Cúc Phương – Thạch Thành... Từ đây, cũng có thể xuôi về các vùng biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa.

Dù mới chỉ là bước khởi đầu và còn rất nhiều việc phải làm, nhưng tin tưởng rằng trong tương lai khi Dự án công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam hoàn thành, du khách có thể từ Sài Gòn bay thẳng ra Cảng Hàng không Thọ Xuân, về nghỉ dưỡng tại đây và đi tham quan các nơi trong địa bàn tỉnh Thanh.

Vùng đất Lam Sơn xưa đã đi vào bản anh hùng ca trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Lam Sơn ngày nay sẽ tiếp tục tỏa sáng bởi khát vọng cống hiến, tình yêu lao động, sức sáng tạo của con người trong thời đại mới.


Mai Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]