(Baothanhhoa.vn) - Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình

Dã ngoại cuối tuần hay trong những ngày nghỉ lễ là lựa chọn của nhiều gia đình trẻ. Ảnh: P.V

Gia đình Việt Nam truyền thống được gắn kết một cách bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên. Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt, như: Sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái; sự tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, anh em... Cha ông ta luôn dăn dạy con cháu cách giao tiếp ứng xử nhân văn từ trong truyền thống gia đình người Việt, là con phải báo hiếu với cha mẹ, là niềm tự hào của cha mẹ. Đã có nhiều câu ca dao, tục ngữ đúc rút những kinh nghiệm, cách ứng xử quý báu trong quan hệ gia đình, như:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Hoặc: “Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”.

Hay: “Chị ngã, em nâng”, “Em thuận, anh hòa là nhà có phúc”...

Cũng vì lẽ đó, những người không giữ được tình cảm anh chị em hòa thuận trong gia đình thường bị lên án.

Còn vợ chồng, ngoài “nghĩa tào khang” là trách nhiệm chung xây dựng gia đình, duy trì giống nòi, nuôi dạy con cái nên người. Nếu vợ chồng thuận hòa, đoàn kết thì “tát bể Đông cũng cạn”.

Nhiều gia đình Việt Nam xưa nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hoá đã tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng noi theo. Đó chính là gia lễ, gia phong - cái gốc của gia đình, giữ cho con người Việt Nam, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt.

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Nước ta đang thực hiện tiến trình CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa. Sự mở cửa hội nhập đã đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước. Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Thời kỳ này, dù văn hóa ứng xử đã có nhiều thay đổi so với trước đây, nhưng những khuôn phép của mỗi gia đình vẫn là sự duy trì giá trị ứng xử của gia đình truyền thống và áp dụng linh hoạt cái mới.

Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình

Con cái là niềm hạnh phúc của cha mẹ. Ảnh: Đ.A

Trong gia đình hiện đại, quan hệ giữa vợ và chồng được xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Nền tảng của một gia đình hạnh phúc là mối quan hệ ứng xử tốt đẹp, hiểu biết, thông cảm và thương yêu nhau giữa vợ và chồng; sự thương yêu, hy sinh của cha mẹ vì con cái và sự kính trọng, biết ơn và hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Thông qua các cách truyền đạt bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cha mẹ đã truyền cho con cái những giá trị, niềm tin, thái độ và cả những tri thức về thế giới xung quanh. Văn hóa giao tiếp trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của trẻ. Từ nhỏ, nếu trẻ được sống trong một gia đình hạnh phúc, nền nếp thì lớn lên trẻ thường sẽ thành một công dân có văn hóa, phẩm chất đạo đức tốt. Do vậy, những cử chỉ, lời nói, hành vi của ông bà, cha mẹ, người thân phải là những tấm gương sáng để trẻ noi theo một cách tự nhiên, không khiên cưỡng. Khi chồng nóng thì vợ bớt lời, khi cha mẹ già ốm đau, bệnh tật thì con cháu quan tâm, động viên, chăm sóc. Con cháu đối xử với ông bà, cha mẹ bằng tấm lòng hiếu kính, ứng xử với hàng xóm, xã hội bằng thái độ hòa nhã, lịch sự...

Cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa một mặt có tác động tích cực, nhưng mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng cũng tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh, đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề, tác động đến đời sống gia đình Việt Nam. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thuỷ chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Bạo hành trong gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Không ít người làm cha, làm mẹ mải kiếm tiền và vun vén cho hạnh phúc ích kỷ của bản thân mà không làm tròn bổn phận, trách nhiệm của đấng sinh thành. Do thiếu giáo dục nền tảng đạo đức, thiếu tính làm gương của cha mẹ, không ít người con không nghĩ đến tình phụ mẫu mà bất chấp làm mọi việc trái với luân thường đạo lý...

Để giữ gìn và xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình, các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về văn hóa, gia đình, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các luật khác có liên quan đến gia đình. Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Tuyên truyền tầm quan trọng giữ gìn các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, ý thức được xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ là việc riêng của mỗi nhà mà còn là trách nhiệm của cả xã hội. Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc góp phần tạo nên sức mạnh của đất nước.

Có người nói rằng: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”. Đối với mỗi người Việt Nam, gia đình luôn là cội nguồn của mọi thành công, là điểm xuất phát và nơi nương tựa để vượt qua mọi khó khăn trong công việc và cuộc sống. Khi đạt được thắng lợi hay thành công, sau chúng ta là gia đình. Khi gặp khó khăn hay thất bại, gia đình là nơi đem lại hy vọng và nghị lực. Vì thế, hãy giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình để gia đình luôn là nơi bình yên, là tổ ấm của mỗi người.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Đức Anh - 15:58 21/06/19

 Trả lời

Bài viết thật tuyệt vời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]