(Baothanhhoa.vn) - Cô Lê Thị Lọc ở thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) là cháu gái của liệt sĩ Lê Văn Đẩu, cho biết: “Bác tôi tham gia dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Pháp rồi hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1953.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải quyết tồn đọng sau chiến tranh

Cô Lê Thị Lọc ở thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) là cháu gái của liệt sĩ Lê Văn Đẩu, cho biết: “Bác tôi tham gia dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Pháp rồi hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1953.

Cán bộ chính sách xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) thăm hỏi thân nhân gia đình liệt sĩ Lê Văn Đẩu. Ảnh: N.A

Mấy chục năm qua, gia đình tôi đã rất vất vả để làm hồ sơ cho bác tôi, bây giờ hồ sơ đã hoàn tất, mong Nhà nước xét duyệt để bác tôi sớm được công nhận liệt sĩ”. Cũng theo cô Lọc kể lại, sở dĩ đến giờ phút này bác cô chưa được công nhận liệt sĩ là vì hồ sơ chưa đầy đủ thông tin, giấy tờ. Hồi đó, bác cô đi kháng chiến, trong gia đình ai cũng khẳng định là đi bộ đội chứ không phải đi dân công, thế nên trong hồ sơ đều khai nhận là đi bộ đội, nhưng khi sao lục hồ sơ bên quân đội thì không có thông tin gì. Hồ sơ trả về cho xã, xã rà soát nhiều lần, cuối cùng cũng hỏi thăm được thông tin của những người đi kháng chiến cùng đợt với bác cô. Đợt đó có 5 người đi thì 4 người hy sinh, một người may mắn sống sót trở về ở xã bên đã xác nhận bác cô đúng là đi dân công hỏa tuyến. Sau mấy chục năm mong mỏi, chờ đợi, cuối cùng gia đình cô đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuyển lên cơ quan chức năng và đang trình Chính phủ phê duyệt.

Ngoài trường hợp của liệt sĩ Lê Văn Đẩu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã tiếp nhận hồ sơ của liệt sĩ Nguyễn Quang Gia (xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn) và thống nhất đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công trong dịp này.

71 năm qua, chính sách ưu đãi người có công của Đảng và Nhà nước đã cơ bản giải quyết được các chế độ cho người có công với cách mạng. Thế nhưng những tồn đọng sau chiến tranh chưa được giải quyết vẫn đè nặng lên hình hài đất nước, trách nhiệm của thế hệ đi sau và những tâm tư, khát vọng của thế hệ đi trước...

Công cuộc tìm kiếm thông tin liệt sĩ vẫn là vấn đề nan giải, phức tạp và nhức nhối của những người đang sống. Thanh Hóa hiện còn hàng nghìn ngôi mộ chưa tìm thấy hài cốt, tên tuổi; nhiều người hy sinh nhưng gia đình không hề biết thông tin; có những người bị thương trở về chưa được giải quyết chế độ, chính sách ưu đãi vì mất hoặc không còn giấy tờ gốc, không có căn cứ để xác định... dẫu chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm. Khó khăn nữa dẫn đến tồn đọng sau chiến tranh là do người có công đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương nên không nắm bắt được thông tin làm hồ sơ chính sách. Có một số trường hợp, thân nhân gia đình người có công không đủ trình độ kê khai hoặc kê khai không đầy đủ dẫn đến gây khó khăn trong việc xác định thông tin hồ sơ. Một số bất cập khác là những người tham gia kháng chiến đã được giám định dưới 21% (hưởng trợ cấp 1 lần) khi tái phát vẫn chưa được giám định lại để xếp hạng thương tật; con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị tàn tật nhưng không thuộc danh mục bệnh tật nên không được giám định để hưởng trợ cấp; công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” chưa được phát huy hết vai trò nhất là ở vùng sâu, vùng xa... Một phần trách nhiệm là do chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong việc rà soát đối tượng người có công. Một phần do cán bộ chính sách chưa nắm bắt hết chủ trương, chính sách nên công tác tuyên truyền, hướng dẫn chưa đến nơi đến chốn...

Trao đổi về một số giải pháp tháo gỡ tồn đọng sau chiến tranh, ông Đỗ Văn Mười, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, tạo sức lan tỏa trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ chính sách ở cơ sở để họ nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người có công. Ngành lao động - thương binh và xã hội cũng sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát lại các đối tượng người có công được hưởng chế độ; đồng thời đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều kiện về thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể các cấp để kịp thời giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh và công tác chăm lo cho người có công được thực hiện tốt hơn.


Anh Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]