(Baothanhhoa.vn) - Quy luật vận động của mọi sự vật, hiện tượng là một đồ thị “xoáy ốc”, mà đặc tính nổi bật nhất là tính kế thừa và tính tiến lên ở một trình độ cao hơn của sự phát triển. “Vận” quy luật ấy để lý giải những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong mấy chục năm qua để thấy rằng, mọi sự vận động theo chiều thuận là quá trình vận động “xoáy ốc” của cả nhận thức - tư duy và hành động – quyết sách, được kế thừa, sáng tạo và nâng tầm giá trị, qua từng thời kỳ và qua mỗi thế hệ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ông Nguyễn Văn Lợi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Đường lớn đã mở!

Quy luật vận động của mọi sự vật, hiện tượng là một đồ thị “xoáy ốc”, mà đặc tính nổi bật nhất là tính kế thừa và tính tiến lên ở một trình độ cao hơn của sự phát triển. “Vận” quy luật ấy để lý giải những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong mấy chục năm qua để thấy rằng, mọi sự vận động theo chiều thuận là quá trình vận động “xoáy ốc” của cả nhận thức - tư duy và hành động – quyết sách, được kế thừa, sáng tạo và nâng tầm giá trị, qua từng thời kỳ và qua mỗi thế hệ.

Đường lớn đã mở!Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: H.N

Mỗi sự vận động và phát triển luôn có bước khởi đầu. Và để hiểu hơn về quá trình ấp ủ ý tưởng, tạo dựng diện mạo và cả những kỳ vọng cho tương lai, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Lợi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Tìm hướng phát triển...

Phóng viên (PV): Thống nhất rằng, công nghiệp chính là xương sống của nền kinh tế. Do đó, xây dựng các công trình trọng điểm như Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủy lợi – Thủy điện Cửa Đạt, Cảng Hàng không Thọ Xuân... là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển ngành công nghiệp.

Vậy, đặt vấn đề xây dựng các công trình chủ lực ấy, ở thời điểm cách đây chừng 2 thập kỷ, hẳn là Thanh Hóa có những cơ sở để tin tưởng và kỳ vọng, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lợi: Như cách đặt vấn đề, để các công trình, dự án đó được hiện hữu thì phải đề cập đến nhiều điều kiện chủ quan và khách quan. Trong đó, không thể không nhấn mạnh đến các yếu tố nội sinh căn bản là hình sông thế núi của mảnh đất địa linh này, đã tạo ra những vị trí đắc địa để chúng ta lựa chọn xây dựng các công trình quan trọng. Chẳng hạn, nếu không có vịnh Nghi Sơn được che chắn bởi Hòn Mê và đảo Biện Sơn, thì cũng không thể có Cảng nước sâu Nghi Sơn, rồi KKTNS và sau này là Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cùng với đó, cần nhấn mạnh rằng, chính ước mong tìm đường để Thanh Hóa sát cánh đi lên cùng sự chuyển mình của đất nước, đã thôi thúc các thế hệ lãnh đạo sớm phát hiện ra những tiềm năng còn ẩn sâu. Từ đó, cùng trăn trở, tìm kiếm giải pháp để biến tiềm năng thành ưu thế. Và rồi, một thành quả hiện hữu là những công trình lớn, đã và đang làm thay đổi sức vóc và diện mạo của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng này.

PV: Vậy, cùng với nguồn lực nội sinh và sự trăn trở, khát vọng phát triển cho mảnh đất này, hẳn là Thanh Hóa đã nắm bắt và chuyển hóa được nhiều nguồn lực quan trọng khác, phải vậy không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lợi: Có thể khẳng định, để có được những công trình có ý nghĩa và tầm vóc như hiện nay, chúng ta không thể quên tình cảm và sự quan tâm to lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua nhiều thời kỳ đã dành cho Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa. Đặc biệt, nếu không có những cơ chế, chính sách thông thoáng, cởi mở dành cho KKTNS, chắc chắn Nghi Sơn sẽ không thể có được sức hút đối với nhà đầu tư. Đồng thời, nếu Trung ương, Chính phủ không dành nguồn vốn đầu tư đáng kể cho công trình Cửa Đạt - giữa thời điểm đất nước còn muôn vàn khó khăn - thì Thanh Hóa cũng chưa thể có hồ Cửa Đạt bảo đảm tưới chủ động cho 87.000 ha đất nông nghiệp và nguồn nước cung cấp cho cả một vùng rộng lớn gần 2,5 triệu dân. Mặt khác, cũng cần nhấn mạnh thêm, nếu tỉnh ta không có những động thái tích cực và năng động trong xúc tiến đầu tư; đồng thời, không tận tình và trách nhiệm với nhà đầu tư, thì bức tranh kinh tế của Thanh Hóa cũng chưa có được sự khởi sắc như hiện nay.

PV: Một vấn đề bao giờ cũng có tính hai mặt của nó và câu chuyện phát triển kinh tế cũng vậy. Để đạt được những mục tiêu và lợi ích lâu dài, không thể không có sự “hy sinh” nhất định nào đó. Điều này phải chăng cũng đúng với Thanh Hóa, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lợi: Đúng vậy. Một trong những yếu tố quan trọng giúp hiện thực hóa các công trình, dự án trọng điểm, là nhận được sự ủng hộ, đồng thuận, thậm chí là cả sự “hy sinh” của hàng vạn hộ dân. Họ đã tự giác rời bỏ quê hương, bản quán vốn gắn bó nhiều đời, để dành đất cho các dự án. Để rồi, sự “hy sinh” không chỉ là nơi ở, mà còn là phong tục tập quán, tình làng, nghĩa xóm và rất nhiều nét đẹp truyền thống văn hóa vốn đã làm nên diện mạo làng quê từ trăm năm, nghìn năm nay. Điều đáng nói hơn, không ít hộ trong số đó đã phải chuyển đến định cư ở những vùng đất xa xôi và họ không bao giờ được chứng kiến, được thụ hưởng thành quả mà những công trình này mang lại. Chính vì vậy, sự ủng hộ và “hy sinh” của người dân là điều rất đáng quý, rất đáng trân trọng.

PV: Với những thành quả bước đầu quan trọng ấy, có thể khẳng định, Thanh Hóa đã lựa chọn đổi mới để phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Song đó cũng là một hành trình không ít khó khăn, thách thức, phải vậy không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lợi: Mỗi một công trình, dự án ra đời đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Chẳng hạn như với Dự án Thủy lợi – Thủy điện Cửa Đạt, thì khó khăn lớn nhất là vốn. Thanh Hóa đặt vấn đề xây dựng công trình này giữa thời điểm ngân sách Nhà nước hạn hẹp. Nếu Quốc hội, Chính phủ cho Thanh Hóa đầu tư, thì tất yếu phải giảm bớt vốn của những công trình khác. Tuy nhiên, trước yêu cầu bức bách của thực tế phát triển, công trình này đã được đầu tư xây dựng.

Giải phóng mặt bằng là một trong những khâu trọng yếu, tác động lớn đến quá trình thực hiện các dự án. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với các địa phương có dự án. Song nếu triển khai một cách rốt ráo, quyết liệt và bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân, thì sẽ góp phần tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Với Dự án KKTNS và Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng vậy. Bên cạnh khó khăn về vốn, công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ cấp thiết của chính quyền các cấp thời điểm bấy giờ. Bởi, để định hình diện mạo cho toàn bộ KKT, với tổng diện tích lên đến 18.611,8 ha và bao trùm toàn bộ 12 xã của huyện Tĩnh Gia (cũ), tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện một cuộc “dời non lấp biển” theo đúng nghĩa đen của từ ấy. Đồng thời, tiến hành một “cuộc vận động lòng dân”, để hàng vạn hộ dân chấp nhận dời khỏi mảnh đất hương hỏa. Chưa hết, còn phải làm thế nào để bà con đến nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn, có việc làm và thu nhập ổn định hơn... Đó là câu hỏi đặt ra và yêu cầu được trả lời thỏa đáng!

Chuyển hóa thành công

PV: Để có được diện mạo KKT động lực Nghi Sơn như hiện nay, là cả một quá trình vận động lâu dài. Vậy, vì sao lại là Nghi Sơn mà không phải là một “sơn” nào hay một ứng cử viên nào khác, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lợi: Nghi Sơn có lợi thế nổi bật và riêng có so với các địa phương khác, đó là Cảng nước sâu Nghi Sơn. Cảng nước sâu này có khả năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn của cả nước, với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới 50.000DWT, năng lực xếp dỡ lên đến hàng trăm triệu tấn/năm. Nhờ đó, Nghi Sơn cũng trở thành lợi thế so sánh của Thanh Hóa với nhiều tỉnh/thành khác. Bởi dọc từ miền Bắc vào đến Vũng Áng (Hà Tĩnh), không nhiều địa phương có điều kiện thuận lợi và lý tưởng cả về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và là cửa ngõ giao lưu quốc tế bằng đường biển, đường bộ, đường không như Nghi Sơn.

Nắm bắt những lợi thế to lớn ấy, năm 2001 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Khu Công nghiệp (KCN) Nghi Sơn. Nhưng nếu chỉ là KCN như mọi KCN khác, thì tiềm năng và thế mạnh của Nghi Sơn sẽ không được phát huy đầy đủ. Do đó, yêu cầu đặt ra lúc bấy giờ là phải xúc tiến thành lập KKTNS. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm khá “nhạy cảm”, vì đã có một số KKT được thành lập nhưng không phát huy được hiệu quả. Thực trạng đó khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi về sự cần thiết của các KKT. Chính vì vậy, việc thành lập KKTNS trở thành vấn đề phải cân nhắc của Chính phủ.

Với quyết tâm chính trị cao và nhận thức rằng, nếu không có KKTNS sẽ không có nhà đầu tư và cũng không có Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực, chủ động trình bày ý tưởng dự án với các bộ, ban, ngành liên quan và có được tiếng nói đồng thuận. Đến ngày 15-5-2006, KKTNS chính thức được thành lập theo Quyết định số 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói, sự ra đời và phát triển của KKTNS gần 15 năm qua, đã và đang minh chứng cho tính đúng đắn trong định hướng, tầm nhìn phát triển và sự nỗ lực không mệt mỏi của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, Nghi Sơn như kỳ vọng, đang trở thành động lực kinh tế của Thanh Hóa và là hạt nhân tăng trưởng của cả vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ.

PV: Ở thời điểm hiện tại, nếu nói về động lực tăng trưởng của Thanh Hóa, thì KKTNS mà “trái tim” của nó – Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn – hẳn là cái tên sáng giá nhất.

Vậy xin ông cho biết, ý tưởng nào đã được nhen nhóm cho sự ra đời đại công trình lọc hóa dầu, với diện mạo, quy mô, tầm vóc và vị thế như chúng ta đang được chứng kiến?

Ông Nguyễn Văn Lợi: Xác định được lợi thế riêng có của Nghi Sơn và nhu cầu phát triển của tỉnh. Đồng thời, xuất phát từ nhu cầu an ninh năng lượng quốc gia, khi Việt Nam chưa thể cân đối được nguồn năng lượng cho phát triển. Từ đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đề xuất với Trung ương về việc xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu tại Nghi Sơn. Năm 1998, Trung ương đã có văn bản khẳng định, Nghi Sơn là 1 trong 3 trung tâm lọc hóa dầu của đất nước. Sau đó, Chính phủ đã giao cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam chuẩn bị các điều kiện và xúc tiến triển khai dự án. Dự án có tổng vốn đầu tư thời điểm bấy giờ là khoảng hơn 3 tỷ USD và bằng nguồn vốn trong nước.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được triển khai, khiến ngân sách Nhà nước không thể cân đối được. Giải pháp được đề xuất lúc này là kêu gọi liên doanh với các đối tác nước ngoài. Những năm tiếp theo, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cùng với tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tìm kiếm, gặp gỡ, đặt vấn đề với một số công ty, tập đoàn dầu khí quốc tế. Trong khi các nhà đầu tư còn băn khoăn, cân nhắc lựa chọn giữa Việt Nam và những thị trường tiềm năng khác, thì KKTNS được thành lập. Sự ra đời của KKTNS với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, đã tạo sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư.

Tháng 4-2008, công ty liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Idemitsu Kosan Co., Ltd., Kuwait Oil Europe BV và Mitsui Chemicals Inc., đã chính thức được thành lập. Đây là sự kiện lớn, tầm cỡ quốc gia và thu hút được sự quan tâm đặc biệt ở thời điểm bấy giờ. Tuy vậy, khó khăn cũng chưa hết khi lúc này kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, khiến dự án không thể triển khai đúng tiến độ. Đến năm 2013 dự án mới được khởi công xây lắp và gần đây nhất, năm 2018 dự án mới đón dòng sản phẩm thương mại đầu tiên.

Có thể nói, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một dự án đạt kỷ lục về thời gian. Bởi từ khi hình thành ý tưởng, đến khi được hiện thực hóa là tròn 20 năm. Đó là một hành trình dài, nhiều trắc trở và thách thức. Song, với nhận thức, quyết tâm và sự kiên trì theo đuổi của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa; sự ủng hộ của Chính phủ bằng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt và sự ủng hộ của Nhân dân, dự án đã hiện hữu và mang đến nhiều kỳ vọng phát triển tốt đẹp. Đồng thời, công trình này cũng trở thành một biểu tượng của tinh thần hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau giữa các đối tác.

PV: Như vậy, “cơ ngơi” mà chúng ta đang có hiện nay là thành quả của một quá trình vận động và đổi mới lâu dài, từ nhận thức đến hành động. Vậy, ông đánh giá như thế nào về vai trò, ý nghĩa của những công trình trọng điểm ấy đối với sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước?

Ông Nguyễn Văn Lợi: Đến thời điểm này, có thể khẳng định, đây là những công trình quan trọng, đã, đang và sẽ là động lực thúc đẩy quá trình đổi mới và phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, đó là những “nam châm” tạo lực hút đầu tư của tỉnh. Để rồi, sau những công trình này, tin rằng sẽ có thêm nhiều dự án lớn được đầu tư tại Nghi Sơn, Lam Sơn – Sao Vàng, Bỉm Sơn, Sầm Sơn và TP Thanh Hóa. Từ đó, nhân lên cơ hội để Thanh Hóa tiếp tục bứt phá và khẳng định vị thế trong danh sách các tỉnh top đầu của cả nước.

PV: Thành quả bước đầu đã được ghi nhận. Song thiết nghĩ, dù có những viên gạch nền vững chãi, nhưng không phải lúc nào con đường phát triển cũng luôn bằng phẳng. Nhìn vào tương lai của mảnh đất này, điều gì khiến ông trăn trở và kỳ vọng?

Ông Nguyễn Văn Lợi: Những thành quả phát triển mà Thanh Hóa đã đạt được những năm qua là niềm vui lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Song, Thanh Hóa vốn là một tỉnh đất rộng, người đông (chỉ riêng khu vực miền núi đã lớn hơn nhiều tỉnh miền núi phía Bắc); cho nên, dù đạt tốc độ phát triển kinh tế và thu ngân sách tăng trưởng cao, thế nhưng bình quân thu nhập đầu người của tỉnh vẫn thấp và thấp hơn mức bình quân cả nước. Đồng thời, Thanh Hóa mới chỉ tiệm cận được khả năng tự cân đối thu, chi ngân sách mà thôi. Đó là điều trăn trở lớn nhất.

Nhanh chóng vượt qua “giới hạn” trung bình, để lọt vào top các tỉnh đứng đầu cả nước, đó là khát vọng của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa. Khát vọng này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, bởi hướng đi đã được xác định và đường lối đã được khai mở. Đặc biệt, thế và lực của Thanh Hóa đã có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất. Đồng thời, lòng tin và quyết tâm của người Thanh Hóa đã được khẳng định. Cùng với đó, những bài học kinh nghiệm quý báu, những ý tưởng tốt đẹp của các thế hệ đi trước đã và đang được các thế hệ sau kế thừa và phát huy có hiệu quả. Ngoài ra, với truyền thống đoàn kết, cách mạng và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ không ngừng được nâng cao. Đó là những căn cứ giúp chúng ta hoàn toàn có thể vững tin ở tương lai không xa, Thanh Hóa sẽ trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển và có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khôi Nguyên (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]