"Ôi chưng cất thịt da mình./Chảy trên mặt giấy hiện thành ngày xưa./Chữ nào còn khuất trong mưa./Chữ nào trầm tích vọng chưa thành lời./Chữ nào năm tháng đánh rơi".

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Đường Cổng Trời huyền thoại” của Nguyễn Minh Khiêm

“Ôi chưng cất thịt da mình./Chảy trên mặt giấy hiện thành ngày xưa./Chữ nào còn khuất trong mưa./Chữ nào trầm tích vọng chưa thành lời./Chữ nào năm tháng đánh rơi”.

Vì chẳng thể quên bất cứ sự kiện nào đã đi qua cuộc đời mình, nên với nhà văn Nguyễn Minh Khiêm, đường Cổng Trời, cái tên gắn bó cả một thời tuổi trẻ của ông, dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến vẫn còn vang tiếng thổn thức.

Mở đầu là trận lũ quét bất ngờ ập xuống Mường Lát tháng 8-2018. Đó cũng là lý do mà nhà văn Nguyễn Minh Khiêm đã có lần chia sẻ: Nếu không có trận Đại hồng thủy này, nhiều trang truyện ký Đường Cổng Trời của tôi chắc không thể viết được. Tôi không cầu mong điều này xảy ra. Nhưng Cổng Trời là thế. Mường Lát là thế. Quan Hóa, Quan Sơn là thế”. Cách đây hơn bốn mươi năm ông đã “là lính trong Đội Thanh niên tình nguyện (42-12) mở đường Hồi Xuân - Tén Tằn... Đó là những năm tháng oanh liệt, hào hùng nhất, niềm tự hào lớn nhất của tuổi trẻ Thanh Hóa” (tr.10). May mắn được lịch sử chọn làm người lính tiên phong đầu tiên cho cuộc cách mạng vĩ đại đó, bởi ở đó, “thượng nguồn sông Mã là chỗ thiên nhiên nghịch ngợm ngẫu hứng nhất của xứ Thanh” (tr.16).

Dòng sông Mã hào hùng, khắc nghiệt là thế, mất mát là thế. Nhưng dưới cái nhìn nghệ sĩ, nhà văn Nguyễn Minh Khiêm đã nhận ra những vẻ đẹp hồi sinh lãng mạn và thần tiên. Dẫu “năm nào cũng kinh hoàng, năm nào cũng khe dời, núi chuyển, năm nào cũng rừng mất, đồi tan. Ấy thế mà chỉ sau một cái nháy mắt của tạo hóa, tất cả lại kín bưng, tất cả lại thần tiên tất cả lại mê hoặc lòng người. Không ai phát hiện được dấu vết của mất mát” (tr.20-21). Thiên nhiên kỳ diệu là vậy, Mường Lát đẹp là vậy và hơn hết, chính những người thanh niên tham gia mở đường năm nào đã góp phần để có một Mường Lát như ngày hôm nay. Trên tuyến đường ấy, có một thời gần 4 ngàn thanh niên đã được huy động.

Con đường Hồi Xuân - Tén Tằn là một “Quyết định lịch sử” - một con đường mang tính chiến lược lâu dài về văn hóa, kinh tế, quân sự, an ninh - quốc phòng, biên giới, hữu nghị, không phải đáp ứng nhu cầu trực tiếp hôm nay mà cho mãi mai sau” (tr.49). Trong những khó khăn ấy, là dòng suối Khiết hiền hòa để các mế, các ún, các ả gùi sắn, gùi ngô, gùi lúa, gùi củi từ rẫy bây giờ cũng nghỉ rửa chân tay cho mát. Nước suối Khiết trong vắt, nhìn thấy đáy” (tr.72).

Trên cung đường cổng trời huyền thoại, ngoài đường Hồi Xuân - Tam Chung; Hồi Xuân - Tén Tằn; còn có Nam Động - Lốc Toong nối đường 217 với đường Hồi Xuân - Tén Tằn. Trong 16 chương, nhà văn Nguyễn Minh Khiêm đã làm sống lại một giai đoạn lịch sử. Có một sự so sánh khá thú vị: “Ngày xưa bảo là rừng núi của ta. Nhưng con thú muốn đi ngang thì đi, muốn đi ngược thì đi, muốn đi ngày thì đi, muốn đi đêm thì đi. Dân bản ta không đi được như con thú. Dân bản chỉ loanh quanh cái rẫy quanh nhà thôi. Bây giờ, có con đường rồi, ta muốn đi ngang thì đi, muốn đi dọc thì đi. Đi ban ngày cũng được. Đi ban đêm cũng được. Nhưng con thú thì không được như thế. Ngày xưa rừng núi là của con thú. Bây giờ rừng núi mới là của dân bản. Cũng như ngày khác đêm ấy” (tr.127-128).

Nhiều tên bản, tên xã, tên con đường được nhà văn Nguyễn Minh Khiêm nhắc đến. Chẳng hạn là bản Khằm “nếu gọi Cổng Trời là vùng trời thủng thì bản Khằm là trung tâm, là rún của vùng trời thủng. Mù vây bủa bản Khằm quanh năm. Mưa mù mịt bản Khằm quanh năm. May ra, một năm, bản Khằm có năm, sáu chục ngày thấy nắng" (tr.149). Hay bản Cò Cài “đồi dốc cheo leo hiểm trở nhưng không đâu khó khăn bằng đi Cò Cài”. Rồi Pù Nhi - “Tây Tạng của Thanh Hóa với sự huyền bí và nhiều câu chuyện nhuốm màu liêu trai chí dị”. Bạn đọc nhìn thấy cái hiện thực “Để chinh phục con đường ấy, không thiếu những giọt nước mắt, những sự hy sinh,... linh hồn những người lính đã làm nên linh hồn một con đường” (tr.224). Để đường Cổng Trời trở thành huyền thoại chỉ có thể lý giải bằng sức trẻ, khao khát cống hiến của tuổi trẻ, danh dự của tuổi trẻ. Họ là thế hệ vàng trong chống Mỹ và sau chống Mỹ. “Vàng thật sự. Vàng từ ý nghĩ đến việc làm. Vàng từ phẩm chất đạo đức cống hiến hưởng thụ” (tr.207). Đường Cổng Trời huyền thoại chính vì nơi ấy “Khó khăn thế, khốc liệt thế nhưng ai cũng rất hồn nhiên yêu đời. Họ đã sống một thời quá đẹp trên gian nguy thử thách. Cho đến bây giờ tôi vẫn trẻ trung bởi tình cảm của họ, tiếng cười của họ và tình yêu của họ dành cho tôi” (tr.85).

Nhưng bên cạnh cái hiện thực ngồn ngộn ấy là những yếu tố nghệ thuật, cách xử lý câu chuyện luôn có sự đan xen giữa hiện thực và quá khứ. Đọc ký “Đường Cổng Trời huyền thoại” (Nxb Hội Nhà văn, 2020) của Nguyễn Minh Khiêm ta không phải căn ke bằng những số liệu, những chi tiết đúng sai. Ở đó chủ yếu được viết bằng sự trải nghiệm, sự đau đáu của một nhà văn.

Con đường Hồi Xuân - Tén Tằn ấy đã được không ít nhà văn xứ Thanh khai thác. Sự vạm vỡ của mảnh đất, sức thanh xuân căng tràn khi người ta đặt chân đến nơi này là mạch nguồn để những trang viết ra đời. “Tôi đã ở Cổng Trời 18 tháng, ở Lát-xê 6 tháng và ở Pù Nhi 6 tháng. Tôi hiểu sự khắc nghiệt của Cổng Trời. Những chịu đựng của lính “mở đường thời ấy đã ngoài tưởng tượng của hàng triệu người. Đau thương, mất mát của Mường Lát bây giờ lại ngoài tưởng tượng của tôi hàng triệu lần”. Có lẽ vì thế 500 trang ký của nhà văn Nguyễn Minh Khiêm không phải là chuyện “bổn cũ soạn lại” mà vẫn còn “nóng hổi”.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]