(Baothanhhoa.vn) - Tôi đã có những ngày “du ngoạn Mã giang” vô cùng lý thú, lúc thì băng ngang, khi thì đi dọc, lúc ở thượng nguồn, khi xuôi hạ nguồn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du ngoạn Mã giang

Tôi đã có những ngày “du ngoạn Mã giang” vô cùng lý thú, lúc thì băng ngang, khi thì đi dọc, lúc ở thượng nguồn, khi xuôi hạ nguồn...

Du lịch trên sông Mã. Ảnh: S.M

Dòng sông Mã từ Lào chảy về, xuyên qua đất Sơn La, đến biên giới Lào - Việt thì đổ vào Thanh Hóa qua vùng biên giới Tén Tằn, Mường Lát. Sông tiếp tục xuôi về Quan Hóa, nhận thêm nhánh sông Luồng rồi về Bá Thước, Cẩm Thủy; đến giữa huyện Vĩnh Lộc nhận thêm nhánh sông Bưởi; tiếp tục chảy dọc bờ tả Vĩnh Lộc và bờ hữu Yên Định, đến đất Hà Trung thì chia làm hai nhánh, tạo thành ngã ba sông “một con gà gáy 6 huyện cùng nghe”. Nhánh sông lớn xuôi theo đất Thiệu Hóa, đến ngã ba Đầu thì nhận thêm sông Chu đổ vào. Từ đây, nhánh chính và các chi lưu của dòng sông Mã xuôi ra biển lớn theo ba cửa: Lạch Hới, Lạch Trường, Lạch Sung. Sông Mã có tổng chiều dài 512km, trong đó phần trên Việt Nam dài 410 km. Lưu vực của sông Mã rộng 28.400 km2, phần ở Việt Nam rộng 17.600 km2. Phù sa của sông Mã đã kiến tạo nên một đồng bằng rộng lớn thứ ba ở Việt Nam và dòng sông cũng kiến tạo nên những giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt, mang tính chất tiểu vùng, được gọi là nền văn minh sông Mã.

Nếu đi dọc sông Mã bằng thuyền, ta có thể quan sát được sự mênh mang dài rộng của dòng sông và phong cảnh hai bên bờ, với non xanh nước biếc đẹp đến nao lòng. Chúng tôi có rất nhiều lần thả flycam bay dọc triền sông, vượt lên trên núi Ngọc, núi Rồng, vượt lên cả cột phát sóng trên đồi Quyết Thắng để thấy được toàn cảnh sông Mã từ trên cao. Cũng có lần từ trên máy bay trực thăng đi cứu hộ, cứu nạn mùa lũ, thu lấy những cảnh quay sông Mã cuồn cuộn đỏ ngầu như con ngựa bất kham. Con sông đẹp hùng vĩ, nhưng cũng dữ dội vô cùng! Nhà thơ Quang Dũng đã dựng nên một hình ảnh thơ tuyệt đẹp và rất đúng về bản chất dòng sông: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Và để cảm nhận được thanh âm dữ dội của nó, phải lên miền Tây vào mùa mưa lũ.

Sông Mã có hàng chục cây cầu bắc qua, có cầu phao, cầu tạm, nhưng cũng có những cây cầu lớn. Cầu Chiềng Nưa là một trong những cây cầu lớn bắc qua sông Mã trên đất Mường Lát. Chiếc cầu có một đầu cong cong như lưỡi liềm, nhưng ấn tượng nhất là độ cao của nó so với mặt nước sông. Tôi đã nhiều lần đứng trên cầu mà nghe tiếng dòng sông “Gầm lên khúc độc hành” giữa đại ngàn. Nhưng nay, khi thủy điện tích nước, tiếng gầm gào ấy dường như tắt hẳn, nhưng bù lại, đoạn sông này trở thành một mặt hồ phẳng lặng, để cây núi mây trời điệu đà ghé xuống soi gương chải tóc.

Về đến Cửa Hà Cẩm Thủy, sông Mã như dềnh lên, dồn hết những viên cuội già, cuội trẻ từ miền ngược dừng lại cửa sông này. Lần đầu tiên lên Cửa Hà tôi đã hăm hở nhặt cả một túi cuội về làm kỷ niệm. Từ đây xuôi về Vĩnh Lộc thì dòng sông hiền hòa hơn, không ghê gớm cuồn cuộn những ghềnh thác gào rú nữa. Đến huyện Vĩnh Lộc - quê hương Di sản Thành Nhà Hồ, thì hợp lưu với sông Bưởi. Đến cuối huyện, tại ngã ba Bông, sông Mã chia tách thành 2 nhánh. Ngã ba Bông là vùng tụ thủy tiếp giáp giữa các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định. Vùng đất này đậm đặc văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì chỉ quanh khu vực ngã ba sông này trong bán kính khoảng 1km đã có tới 3 ngôi đền lớn thờ Mẫu.

Đền Cô Bơ nằm ngay bên bờ tả ngã ba sông thuộc đất Hà Trung là địa danh nổi tiếng thờ hóa thân của Mẫu Liễu Hạnh, đây là nét đặc trưng của tục thờ Đạo Mẫu ở xứ Thanh. Tôi đã rất nhiều lần lên đền dâng hương, vãn cảnh và ngồi chầu rìa xem các thanh đồng nhập giá. Đây là hoạt động vừa mang yếu tố tâm linh vừa mang màu sắc nghệ thuật dân gian, bởi khi nhập giá, thanh đồng vừa múa vừa hát theo các tích trò gắn với hình tượng hóa thân của Mẫu Liễu Hạnh. Các đệ tử vây quanh đệm theo tiếng đàn nhịp phách và những làn điệu cung văn làm không khí trở nên rộn rã tươi vui như một hoạt cảnh trên sân khấu lớn.

Ngã ba Đầu (hay còn gọi là ngã ba Giàng), chính là địa danh được gọi là Bàn A Thập cảnh (hội tụ 10 cảnh đẹp của xứ Thanh). Đôi bên bờ sông đều có những đền chùa nổi tiếng linh thiêng. Đây cũng là nơi dòng sông Chu hợp lưu với sông Mã sau khi rong ruổi một hành trình dài từ đất nước Lào, qua Nghệ An và chảy vào xứ Thanh. Từ đây sông cũng tách ra một nhánh gọi là sông Lèn, là nơi xưa kia những con đò dọc hoạt động và điệu hò sông Mã được cho là sinh ra từ đây. Hò sông Mã có nhiều khúc thức, làn điệu khác nhau và từng làn điệu có nguồn gốc, ý nghĩa riêng, được hát theo từng hoàn cảnh: Khi thuyền rời bến, khi xuôi dòng, khi ngược dòng, khi trăng lên, khi mắc cạn... lúc khoan, lúc nhặt, khi dồn dập, khi êm ái... Nó thể hiện tâm hồn, tình cảm của những người dân sinh sống trên sông và đôi bờ.

Có lẽ du khách khi đến Thanh Hóa, hoặc dẫu chỉ đi qua Thanh Hóa bằng đường bộ, đường sắt, sẽ không quên ngắm cảnh khi qua cầu Hàm Rồng. Hàm Rồng vốn là một thắng tích nổi tiếng từ xa xưa, đã khiến biết bao tao nhân mặc khách đều say đắm thả hồn thơ: “Ai xui ta nhớ Hàm Rồng - Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây” (Tản Đà). Nơi đây, cây cầu lịch sử ghi dấu những chiến công của quân dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên đỉnh núi Rồng bên bờ Nam có động Long Quang, cửa động thông hai đầu như đôi mắt rồng lúc nào cũng mở. Trên vách đá của động Long Quang vẫn còn lưu những bài thơ của các bậc vua chúa khắc lên. Trên sườn núi uốn lượn, Thiền viện Trúc Lâm được xây dựng khang trang, tạo thêm nét linh thiêng. Ngay bên cạnh thiền viện, di tích Đồi C4 vẫn được giữ nguyên với những ụ, hầm pháo cao xạ thời chống Mỹ. Núi Cánh Tiên bên cạnh có đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ. Xuôi về phía Nam theo triền đê khoảng 1km là di tích tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ đắp đê năm 1972... Phía sau dãy núi Rồng là thắng cảnh hồ Kim Quy, động Tiên Sơn và làng cổ Đông Sơn. Quần thể thắng tích Hàm Rồng chỉ trong khoảng 2km2 nhưng đậm đặc di tích và thắng cảnh.

Bên kia sông đối diện dãy núi Rồng là một bãi bồi rộng lớn. Vào mùa đông, bà con trồng rau cải, đến mùa cải đơm bông, là cả một bãi hoa vàng rực rỡ, trở thành điểm đến cho du khách gần xa đến ngắm hoa, chụp ảnh. Mạn sông này còn có cụm di tích chùa Sùng Nghiêm, đền - nghè Yên Vực. Đây là quần thể di tích tâm linh tọa lạc trên đất làng Yên Vực, thuộc phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa. Cụm đền – nghè - chùa này là điểm phối thờ cả Thần - Thánh - Phật, nằm giữa vùng thắng cảnh tuyệt đẹp, xa xa là cầu Hàm Rồng nối hai đầu núi Ngọc, núi Rồng.

Khi lang thang trên triền sông Mã miền Tây xứ Thanh, chúng tôi được xem dân bản địa đánh bắt tôm cá trên sông. Cá lăng, tôm sông... là những đặc sản của dòng sông ban tặng cho con người. Canh cá lăng nấu măng chua, rau má quấn tôm sông là những món ăn đậm chất Thanh mà tôi rất thích. Đặc biệt, những con tôm càng được đánh bắt từ sông được chiên lên vàng rộm, giòn ngọt, khi ăn thì quấn thêm những cọng rau má tươi xanh của đồng đất quê Thanh, vị thơm bùi hòa quện nhau rất đặc trưng. Nó khiến tôi nghiện lúc nào không hay, và mỗi lần có bạn về Thanh, tôi nhất định phải tìm bằng được tôm sông và rau má để đãi.

Sông Mã đã góp phần tạo nên cho vùng đất quê Thanh những di tích, danh thắng, những nét văn hóa độc đáo. Cụm từ “Nền văn minh sông Mã” mà các nhà nghiên cứu lịch sử hay dùng luôn khiến tôi tự hào, bởi mình có hạnh phúc được là một cư dân được sinh ra bên bờ sông Mã, gắn bó với sông và cũng là một “sản phẩm” của nền văn minh ấy!


Mai Hương (Đài PTTH tỉnh)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]