(Baothanhhoa.vn) - Chùa Mật Đa thuộc cụm Di tích lịch sử Nam Ngạn, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1989.

Dấu ấn cách mạng ở chùa Mật Đa

Chùa Mật Đa thuộc cụm Di tích lịch sử Nam Ngạn, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1989.

Dấu ấn cách mạng ở chùa Mật ĐaChùa Mật Đa (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa).

Theo văn bia còn lưu giữ thì chùa Mật Đa lúc đầu ở ngoại đê sông Mã, thuộc ấp Hòa Bình, xã Nam Ngạn, được xây dựng vào thời Hậu Lê - đời Bảo Thái năm thứ tư, tức năm Quý Mão 1723. Thuở ban sơ, ngôi chùa chỉ là nhà tranh vách đất, dùng để thờ Phật. Tượng Phật được tôn tạo bằng đất nung rất đẹp, cung kính, trang nghiêm. Vị sư đầu tiên trụ trì là Hòa thượng Tuệ Minh (tên húy là Nguyễn Công Huy), người đã trụ trì chùa Đại Khánh (làng Vồm), đồng thời ngài cũng đã nhiều năm hành đạo ở chùa Thụy Nguyên, Bằng Nguyên (nay thuộc TP Hải Phòng).

Chùa Mật Đa là một ngôi chùa cổ của Thanh Hóa còn giữ được nguyên vẹn với kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc bộ. Chữ “Mật Đa tự” mang hàm nghĩa là nơi có hoa thơm, quả ngọt của đất Phật, có nhiều phúc đức nên từ xa xưa chùa đã thu hút rất đông khách thập phương về chiêm bái, thể hiện tâm linh, cầu phúc, làm việc thiện giúp đời.

Cảnh chùa phong quang, hoa văn trang trí rất độc đáo. Quy mô ngôi chùa mang kiến trúc hình chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 2 gian hậu cung. Bên trong chính điện có treo một bức đại tự sơn son thếp vàng chạm 3 chữ “Mật Đa tự”. Ở gian giữa có 4 chữ “Pháp giới mông huân”. Gian ngoài cùng treo một bức có 4 chữ “Tam giới độc tôn”. Hậu cung là cung Tam bảo nơi đặt tượng Phật. Phía Tây Nam ngôi chùa là nhà Tăng và nhà Tổ. Kết cấu của chùa với bộ khung gỗ vững chắc, cột bằng gỗ lim, chùa lợp bằng ngói đất nung mái cong. Trong chùa bài trí tượng pháp khá đầy đủ. Đặc biệt chùa có hai tượng hộ pháp khuyến thiện và trừ ác cao hơn 3m. Sau khi xây dựng tôn tạo nhiều lần, về mặt kiến trúc điêu khắc của chùa đã có sự thay đổi hài hòa đan xen giữa các nền nghệ thuật của các thời Trần, Lê, Nguyễn...

Chùa có 4 pho tượng rất đẹp do thập phương công đức. Tại bia số 2 bên trái chùa có ghi ngôi chùa này được trùng tu vào thời Bảo Đại năm thứ 3 Mậu Thìn 1928. Sau khi Hòa thượng Tuệ Minh viên tịch, tiếp đến là sư cụ Thích Đàm Mão trong những năm trụ trì kế đăng tại ngôi chùa này đã tu hành đắc quả. Đến năm Kỷ Sửu 1949, ngày 20-8, cụ quy tiên thoát quả nên lấy ngày này là ngày giỗ Tổ hàng năm của chùa.

Mật Đa tự không chỉ là một ngôi chùa đẹp linh thiêng trong tâm nguyện của Nhân dân, mà còn mang dấu ấn của một di tích lịch sử, có công trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược. Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn không bao giờ quên hình ảnh các nhà sư trong chùa đã tích cực tham gia chiến đấu. Một sự kiện nổi bật là vào hồi 8 giờ sáng ngày 26-5-1965 diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa hai hạm tàu hải quân của ta với máy bay của địch trên sông Mã, khu vực Hàm Rồng. Máy bay địch hết tốp này đến tốp khác đến ném bom, bắn rốc két, tên lửa vào hai hạm tàu, vào trận địa dân quân, vào làng Nam Ngạn. Đến 10 giờ, trên hạm tàu gần hết đạn, dân quân Nam Ngạn đã vác đạn bơi trên sông ra tiếp tế cho hạm tàu. Chị Ngô Thị Tuyển không kịp cắt rời hai hòm đạn dính vào nhau, cứ thế vác một lúc hai hòm đạn pháo cao xạ nặng 98kg lên hạm tàu. Đến 11 giờ, trận đánh kết thúc, về phía ta có nhiều chiến sĩ hy sinh và bị thương nặng. Sư cụ Thích Đàm Xuân đã mở cửa chùa đón thương binh vào cấp cứu, quy tụ thi hài các chiến sĩ hy sinh vào chùa để tiến hành khâm liệm theo nghi thức Phật giáo.

Chùa Mật Đa trở thành sở chỉ huy của trận địa bảo vệ cầu Hàm Rồng, là nơi tập kết lương thực, thực phẩm, đạn dược, nơi cấp cứu nuôi dưỡng ban đầu cho thương binh. Hình ảnh sự cụ Đàm Xuân (bấy giờ là trụ trì chùa) cùng các đệ tử dỡ nhà làm hầm trú ẩn cho bộ đội, dân quân; lấy cánh cửa chùa làm cáng cứu thương. Thương bộ đội, dân quân nắng khát ngoài trận địa, cụ chặt dừa ở vườn chùa mang cho bộ đội uống, chặt lá dừa làm lá ngụy trang...

Chỉ nằm cách cầu Hàm Rồng gần 2km theo đường chim bay, nên chùa Mật Đa đã trở thành địa điểm cứu chữa thương binh quan trọng của trận địa bảo vệ cầu Hàm Rồng. Sự cụ Thích Đàm Xuân, sư thầy Thích Đàm Duyên (đệ tử của sư cụ Thích Đàm Xuân) đã không quản hy sinh, cứu chữa được cho rất nhiều bộ đội, dân quân du kích và thanh niên xung phong bị thương. Các cụ đã để lại tiếng thơm cho muôn đời, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý. Cố nhà thơ Huy Cận đã đề thơ tặng chùa và sư cụ Thích Đàm Xuân hai câu rằng:

Cởi áo cà sa, ký lên Tam bảo

Xông pha chiến trường, giết giặc lập công.

Sư cô Thích Đàm Chung, trụ trì chùa Mật Đa cho biết: Nếu như trong chiến tranh, chùa Mật Đa là nơi có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thì hôm nay chùa là một “địa chỉ đỏ” về tín ngưỡng của Nhân dân TP Thanh Hóa và khách thập phương. Bên cạnh việc tổ chức các sinh hoạt Phật giáo cho phật tử và Nhân dân, nhà chùa đã tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp. Nhà chùa không ngừng phấn đấu tôn tạo chùa ngày càng đẹp đẽ, khang trang, xứng với cơ ngơi cửa Phật, với danh hiệu “Chùa cảnh tinh tiến gương mẫu”. Chùa Mật Đa sẽ sống mãi với những trang sử hào hùng của dân tộc và trong tâm thức tăng ni, đồng bào phật tử và Nhân dân cả nước cũng như của Nam Ngạn - Hàm Rồng, Thanh Hóa.

Một ngày chớm thu, được vãn cảnh chùa, lại được sư cô Thích Đàm Chung kể chuyện về lịch sử hình thành cũng như những đóng góp của nhà chùa cho cách mạng, chúng tôi thực sự cảm kích và biết ơn trước tấm lòng, đức hy sinh cao cả của các vị tiền bối. Thời gian tới, thiết nghĩ cần tiếp tục đầu tư tôn tạo, sửa chữa cũng như bảo vệ các hạng mục của chùa, cùng với sự quan tâm ủng hộ của tăng ni, phật tử, Nhân dân và khách thập phương để chùa Mật Đa có cơ ngơi xứng tầm hơn nữa với danh hiệu của một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, luôn giữ mãi hình ảnh và ý nghĩa của câu ca:

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Nguyễn Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]