(Baothanhhoa.vn) - Đình làng Hồ thuộc làng Hồ xưa, nay là thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh (Thường Xuân). Làng Hồ nằm trên dải đất có hồ nước ở giữa làng bên bờ sông Chu, có nhiều cổ tích liên quan đến Lê Lợi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chiêm ngưỡng kiến trúc nghệ thuật đình làng Hồ

Đình làng Hồ thuộc làng Hồ xưa, nay là thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh (Thường Xuân). Làng Hồ nằm trên dải đất có hồ nước ở giữa làng bên bờ sông Chu, có nhiều cổ tích liên quan đến Lê Lợi.

Chiêm ngưỡng kiến trúc nghệ thuật đình làng Hồ

Đình làng Hồ - một ngôi đình có kiến trúc nghệ thuật lâu đời ở xứ Thanh.

Làng Hồ là vùng đất được hai ông Lê Phúc Chân và Lê Phúc Trực đến đây khai hoang lập ấp, mở mang điền thổ. Đến khi làng xã hình thành, đời sống nhân dân khá giả, người dân trong làng mới bàn bạc việc xây dựng các công trình để tôn vinh thần linh, tổ tiên và những người có công với làng xóm. Vì vậy, đình làng Hồ trở thành nơi thờ hai vị Thành Hoàng là Lê Phúc Chân, Lê Phúc Trực - người có công khai hoang lập ấp, tạo lập nên làng Hồ. Sau này phối thờ thêm Lê Phúc Thành, người làng Đông. Lễ hội đình làng Hồ được tổ chức vào các ngày 13 tháng 2; ngày mùng 4, mùng 5 tháng 4; ngày 21, 22 tháng 8 âm lịch để cầu phúc, cầu yên, cầu hòa. Lễ hội được diễn ra với quy mô rộng rãi, trong thời gian diễn ra lễ hội, làng tổ chức rước kiệu, đánh trống, chiêng. Những năm được mùa thì tổ chức rước kiệu mời các làng lân cận đến giao lưu, trồng cây lưu niên (cây dừa, cây kè). Trong thời gian lễ hội còn tổ chức các trò chơi, trò diễn như: Đánh cờ tướng, đánh vật, chọi gà...

Đình làng Hồ được xây dựng trên khu đất rộng, thoáng, cao ráo, ở trung tâm thôn Hồng Kỳ. Đây là một làng quê trù phú, có lịch sử hình thành từ lâu đời, với nhiều dòng họ tụ cư, sinh sống. Theo các cụ cao niên trong làng, đình làng Hồ được xây dựng từ khi mới lập làng, nhưng không ai nhớ rõ quy mô cấu trúc của đình. Đến năm 1635, đình được làm lại bằng tranh tre, nứa lá. Năm 1907, đình được tôn tạo và hoàn thành vào năm 1911, kiến trúc bằng gỗ, đòn tay, rui mè bằng luồng, mái lợp bằng tranh. Đến năm 1927, đình lại tiếp tục được tôn tạo và hoàn thành vào năm 1937, đòn tay, rui mè bằng gỗ, ngói lợp mũi hài. Diện mạo của ngôi đình được tồn tại cho đến ngày nay, chỉ tu sửa vài chi tiết nhỏ.

Cấu trúc của đình trước đây gồm: Cổng đình, sân đình và tòa đại đình. Hiện nay trong khuôn viên của di tích chỉ còn lại sân đình và tòa đại đình. Bộ mái của đình được cấu trúc 2 mái (gồm mái trước, mái sau), đều được lợp ngói liệt và ngói vẩy. Hoành tải rui mè bằng gỗ, nền nhà lát gạch bát màu đỏ. Ở phía ngoài, phần bờ chảy đắp đường gờ chỉ, bờ nóc gắn ngói úp; đao guột để trơn, không trang trí. Đình được mở cửa chính ở hồi theo chiều dọc và các cửa phụ ở hai bên.

Về kết cấu kiến trúc vì kèo, vì 1, vì 3, vì 4, vì 5 cơ bản giống nhau về kiểu liên kết, đó là hệ thống kết cấu theo kiểu “Giá chiêng, kẻ chuyền”. Vì kèo thứ 2 và 6 kết cấu theo kiểu “Chồng rường, giá chiêng”.

Trong kiến trúc đình làng, ngoài bản thân kiến trúc (hình khối) thì nghệ thuật trang trí (điêu khắc) giữ vai trò chủ đạo và quan trọng, góp phần nâng giá trị thẩm mỹ của công trình lên một tầm cao hơn. Ở đình làng Hồ, hình khối kiến trúc của bộ khung gỗ và sự trang trí đường nét (gờ chỉ), nổi, chìm trên các cấu kiện kiến trúc như: Quá giang, câu đầu, kẻ chuyền, kẻ bẩy, xà, đã làm cho nội thất của công trình trở nên mềm mại và uyển chuyển. Các đề tài cũng được thể hiện và trang trí trên những bộ phận khác nhau của kiến trúc, đã làm cho công trình hoàn chỉnh hơn. Đó là hình tượng lá cúc cách điệu chạm nổi trên hệ thống các con rường ở vì thứ 2 và vì thứ 6. Lá cúc ở đây được chạm hình to bản, có đủ sống lá, gân lá, mép lá hình răng cưa gần giống với lá cây dương xỉ. Loài hoa cúc biểu hiện cho bản chất thanh tao, kín đáo và lâu tàn đã thích hợp và ảnh hưởng mạnh tới đạo thiền bình dị, gần gũi thiên nhiên và được sử dụng như một biểu tượng cao quý.

Ở bức vỉ ruồi (vì thuận) vì thứ 6, trên cùng chạm bức phù điêu hình hổ phù ngậm chữ Thọ, bên dưới là cảnh “Quần ngư tranh thực” bao gồm hình tượng rồng, cá, hoa sen trong hồ nước. Ở bức cốn bên tả (từ dưới lên), ở xà đùi chạm hình lá cúc cách điệu, hai bên là tượng nghê chầu quả cầu, phía trên là tượng long mã, tượng rùa, tượng nghê, chim phượng, hoa sen trong vân mây. Ở bức cốn bên hữu (từ dưới lên), trên bề mặt xà đùi là tượng nghê chầu quả cầu, phía trên là tượng rồng, cá chép và hoa lá trong vân mây. Ở vì thứ 2, trên vỉ ruồi chạm hình rồng ngậm chữ Thọ, lá cúc cách điệu, nghê chầu quả cầu, tượng long mã, tượng rùa, chim phượng, hoa sen, cá và hoa lá trong vân mây.

Trang trí hình tượng các linh vật và hoa lá trên hai vì nói trên cho thấy, tượng hổ phù là biểu trưng cho sức mạnh và trấn giữ ở các đền thờ, thờ các thần linh. Hình tượng rồng mang nhiều biểu trưng, ngoài biểu tượng cho vua, cho nguồn gốc dân tộc, cho nguồn gốc về phồn thực quốc gia, nó gắn bó và trở thành biểu trưng cho đạo pháp trong các đền thờ, phật pháp trong các chùa tháp ở Việt Nam. Tượng ngựa hóa rồng là con vật có yếu tố linh thiêng tượng trưng cho điều lành khi thế giới xuất hiện Đức Phật. Tượng nghê là con vật biểu trưng cho một ý nghĩa là hãy thành tâm, nhanh chóng đến với đạo Phật. Tượng chim phượng tượng trưng cho điềm lành báo hiệu đất nước yên vui, phồn thịnh... Tượng rùa biểu trưng cho sự bền vững, trường tồn. Tượng cá hóa rồng vốn là một truyền tích phổ biến ở Việt Nam, liên quan một phần tới cội nguồn, cấu trúc và chức năng của con rồng huyền thoại, nó cũng liên quan đến chuyện thi cử với tích “Ngư Việt vũ môn” của Nho giáo. Hình tượng hoa sen cũng được chạm khắc trên các bức cốn. Sen là biểu tượng của vũ trụ với dáng hình đẹp, màu sắc trang nhã, hương thơm thùy mỵ, thanh khiết, quá trình nở hoa kết hạt thì vi diệu, không nhiễm bẩn, những đức tính ấy đã đưa hoa sen thành biểu tượng phổ biến của Đạo Phật. Hình tượng mây trời là một biểu tượng của thiên nhiên, được dùng để diễn tả tư tưởng Phật giáo.

Ngoài ra, trong tất cả các đấu trụ đỡ các con rường ở các bộ vì đều được chạm khắc hình chữ Thọ nổi, theo kiểu chữ Triện. Mô típ này là một đường gấp khúc lặp đi, lặp lại theo một kiểu dáng nhất định, dùng để trang trí bề mặt của đấu trụ, tạo sự mềm mại hơn là sự phản ánh một chủ đề tư tưởng nào đó!

Bài trí đồ thờ ở đình làng Hồ khác với các ngôi đình khác. Ở đây ban thờ được đặt ở gian cuối tính từ cửa vào. Bệ thờ được xây bằng xi măng gồm 3 cấp. Trên bệ thờ đặt các hiện vật như: Ngai thờ, bài vị của Thành hoàng làng, khay mịch, bát hương, đài nước... và một số đồ thờ khác.

Với kiến trúc độc đáo và những mảng chạm khắc tinh vi, kỹ thuật tinh xảo, bố cục hợp lý, đề tài phong phú, phản ánh một cuộc sống quần tụ, trong một đời sống tươi vui thoải mái, khoáng đạt nói lên óc thẩm mỹ cao và truyền thống nghề mộc của các làng quê xứ Thanh. Các mảng chạm khắc với những đường nét hài hòa, thoáng đãng, sinh động, thực sự là những tác phẩm mỹ thuật, vừa làm tăng giá trị thẩm mỹ của ngôi đình, vừa tạo nên sự linh thiêng đối với người dân và du khách tham quan. Kiến trúc đình làng Hồ cũng như việc bài trí nơi thờ theo chiều dọc của ngôi đình cho chúng ta hiểu biết thêm về một loại hình kiến trúc dân gian truyền thống của cộng đồng cư dân tộc người Mường ở miền núi Thanh Hóa. Đình làng Hồ đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2013. Tuy nhiên, trải qua thời gian năm tháng, đình làng Hồ đã xuống cấp nghiêm trọng, rất cần được trùng tu, tôn tạo, xứng đáng là nơi thờ vị Thành Hoàng có công với dân, với nước.

Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]