(Baothanhhoa.vn) - Từ xưa cho tới nay, miền núi xứ Thanh là một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ở miền núi - nguồn lực phát triển du lịch

Từ xưa cho tới nay, miền núi xứ Thanh là một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Biểu diễn khua luống của dân tộc Thái (Bá Thước). Ảnh: Lê Công Bình

Nếu như đồng bằng sông Mã là cái nôi hình thành dân tộc Việt xứ Thanh, lưu giữ những câu chuyện cổ từ thời hồng hoang lịch sử với các huyền thoại về ông khổng lồ đào sông cõng núi, mở xóm dựng làng, làm nên non sông, xã tắc như truyền thuyết về ông B­ưng, ông Lau, ông Vồm... đội đá vá trời, sắp đặt giang sơn, khai phá ruộng đồng t­ươi tốt của người Việt, thì trong kho tàng truyền thuyết, truyện cổ của đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Thanh bắt gặp quả bầu - biểu tượng về nguồn gốc và sự ra đời của các dân tộc anh em; cây Thần - cây Si trong mo Đẻ đất đẻ nước của ng­ười Mường cành ngả ra tới đâu thành bản, thành làng tới đó. Hệ thống các nhân vật khổng lồ như­: Ông Thu Tha bà Thu Thiên của người M­ường, Ải Lậc Cậc, Khăm Panh của người Thái, Chương Han của người Khơ Mú... sáng tạo ra muôn vật, dạy cách trồng trọt, truyền nghề, lập nên những chiến công và kỳ tích phi thường, bảo vệ cuộc sống...

Miền núi địa bàn rộng lớn chiếm 2/3 diện tích cả tỉnh có 6 tộc người sinh sống, điều này tạo nên cho xứ Thanh sự đa dạng về văn hóa. Miền Tây tỉnh Thanh là miền đất của sử thi: “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, “Khăm Panh”, Ú Thêm... của người Thái khá nổi tiếng, phản ánh quan niệm của những con người tối cổ về tự nhiên, xã hội, con người. Truyện thơ: Nàng Nga – Hai Mối, Út Lót Hồ Liêu, Nàng Ờm chàng Bồng Hương... đặc sắc, tích hợp những truyện thơ của cả nước nhưng vẫn mang những nét riêng của truyện thơ Mường.

Với loại hình du lịch tìm về cội nguồn, những truyền thuyết và câu chuyện cổ như đồi Lai Ly, Lai Láng, nơi có cây Chu đá, lá Chu đồng bông thau quả thiếc trên ngọn núi thiêng thuộc Mường Ký (xã Kỳ Tân, Bá Thước), hòn đá vía Mường Xia (Quan Sơn), núi Làn Ai có cây Bồ yêu mỗi năm rụng một lá (Bá Thước)... giúp cho giới nghiên cứu và khách du lịch theo hành trình rong ruổi khám phá và tìm thấy những quan niệm và triết lý biện chứng về vũ trụ, con người, vòng đời, lễ tục, tín ngưỡng, phương thức sản xuất của những người thuở hồng hoang, để thả hồn theo trí tưởng tượng bay bổng mà hình dung và mường tượng về những con người và địa danh thời sơ sử in đậm trong hệ thống truyền thuyết, truyện cổ ở miền Tây tỉnh Thanh này.

Lời ăn, tiếng nói, phương ngữ cũng là nét riêng tạo nên sắc thái văn hóa xứ Thanh không lẫn vào đâu được. Giữa người Thái Tây Bắc và người Thái Thanh - Nghệ, người Mường Trong (Thanh Hóa) và người Mường Ngoài (Hòa Bình), cũng có sự phát âm khác nhau. Người Mường Trong vẫn tự hào: Đất thì xường, mường thì rang/ Kẻ Chợ, Mường Ngoài còn đang có tiếng. Vì vậy, muốn hiểu ngôn ngữ của người Thái và Mường của cả nước thì phải hiểu ngôn ngữ của các tộc người này ở xứ Thanh. Hay muốn hiểu tiếng Việt cổ, phải nghiên cứu ngôn ngữ của người Mường, trong đó có người Mường Trong - Thanh Hóa là hiện tượng “hóa thạch” ngôn ngữ không còn nhiều trong cuộc sống hiện đại có sức hấp dẫn du khách đến lạ kỳ về sự khám phá ngôn ngữ cổ xưa của dân tộc.

Đối mặt với thiên nhiên và môi trường sống khắc nghiệt, với các thế lực cản trở con người để tồn tại; qua quá trình lao động, từ xa xưa đồng bào đã đúc rút và tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống. Những bài học đó được họ ghi nhớ và trao truyền bằng những câu tục ngữ, thành ngữ cô đọng: Sống rừng nuôi, chết rừng chôn. Lúa dưới nước, cá dưới nước/ Khéo làm có ăn, siêng nằm chết đói. Hay: Khách đến nhà đừng đánh chó/ Có bạn đến nhà chớ đánh con...

Là miền đất của giao lưu buôn bán từ xuôi lên ngược và từ ngược về xuôi theo dòng Mã giang lắm thác nhiều ghềnh, chính nơi cuối sông, đầu núi này (Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc) từng xuất hiện chợ tình duyên (400 năm trước): Chợ Quan Hoàng, nơi Nàng Nga mở hội kén chồng, làm nên bản tình ca đẹp “Chuyện nàng Nga - Hai Mối”, thiên tình sử thấm đẫm tình đời, ngân mãi trong lòng người khi mùa xuân đến. Quan Hoàng - chợ tình duyên xốn xang lòng nam thanh, gái lịch của ngày hôm qua, chợ này cần được phục dựng và sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước dắc díu nhau về chợ, nhớ mãi mối tình đẹp son sắc thủy chung của lứa đôi xưa Nàng Nga, Hai Mối.

Miền núi tỉnh Thanh là cái nôi của trò diễn. Đồng bào Thái có múa quạt, múa nón, trò diễn kin chiêng boọc mạy; đồng bào Mường có múa pồn pông, trò diễn trong đám ma; người Dao có múa rùa, múa bát; ngư­ời Mông có múa ô, múa khèn; người Thổ có múa bắt nhái... đó là cơ sở để hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu sau này.

Miền núi xứ Thanh là miền đất của dân ca, dân vũ phong phú và đa sắc màu. Dòng Mã giang chảy qua những cánh rừng, làng bản chở theo những làn điệu dân ca say đắm lòng người. Đồng bào các dân tộc có vốn văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc nh­ư: Khặp (Thái), xường rang, bọ mẹng (M­ường), pả dung (Dao), hát tơm (Khơ Mú), hát giã cốm (Thổ), hát gầu (Mông)... Người Mường tự hào với: Xường Mường Trám/ ngâm xuống nước đến tám mươi đời/ Khi vớt lên vẫn còn tươi nguyên giọng ấy/ Xường Mường Trám không đem bán lấy lúa, lấy tiền/ Ai vừa tình vừa duyên thì ta cùng hát. Dân ca chính là điệu hồn của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh với nhiều cung bậc tình cảm tinh tế, thiết tha mà đằm thắm ngợi ca con người, cuộc sống, cảnh vật thiên nhiên với nhiều loại hình: Hát giao duyên, dân ca nghi lễ, hát đối đáp, hát ru... Những lời ca, điệu hát ấy từ non cao đổ vào biển cả dân ca của 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tạo nên sự thống nhất trong đa dạng mà đậm đà hương sắc.

Tộc người Mường ở Thanh Hóa đến nay vẫn còn giữ được dấu ấn của văn hóa Đông Sơn qua ngôn ngữ, tín ngưỡng, hoa văn thêu dệt và sử dụng âm nhạc cồng chiêng. Đồng bào Thái, Khơ Mú, Dao, Mông... có nghề nhuộm chàm, trồng bông, xe lanh, kéo sợi... làm ra nhiều y phục đẹp, thể hiện khiếu thẩm mỹ, sự tinh tế về kỹ thuật hòa sắc của các tác phẩm nghệ thuật do chính những con người chịu thương, chịu khó tạo nên.

Đồng bào Mường có âm nhạc cồng chiêng, đàn đỉnh; người Thái có khua luống, tăng bu, trống chiêng, trống âm, pi é, pi mốt; người Mông có kèn lá, kèn môi, khèn; người Dao có chuông, kèn; người Thổ có trống tăng, khua luống... với muôn sắc mầu và cung bậc tình cảm yêu người, yêu đời, thiên nhiên.

Miền núi xứ Thanh gần như­ hội đủ các tín ngưỡng gắn với môi trường sống như­: Thờ thần Núi có tới 114 nơi thờ, thờ Mẫu Thượng ngàn 48 phủ đền thờ, Mẫu Thoải 64 điểm thờ. Thờ nhân thần có công dựng bản, lập mường, bảo vệ cuộc sống như: Lê Lợi, Lê Lai, Tư Mã Hai Đào, Khằm Ban, Hà Công Thái, Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao... mang đậm sắc thái miền núi xứ Thanh.

Miền đất này có các loại hình lễ hội tiêu biểu đó là: Lễ hội gắn với các hiện tượng của tự nhiên: Ngọn núi, dòng sông, cánh đồng, bến nước; lễ hội thờ các nhân vật huyền thoại có bóng dáng lịch sử; lễ hội thờ những người có công dựng làng, lập bản, truyền dạy nghề nghiệp; lễ hội tôn vinh các anh hùng lịch sử và lễ hội của các tôn giáo. Cứ “xuân thu nhị kỳ”, bắt gặp đủ sắc màu hội lễ xốn xang, lay động lòng người, biết ơn tiền nhân, hướng về cội nguồn dân tộc. Các làng bản người Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ... mở hội khai hạ, xuống đồng. Bản Lùm Nưa, Mường Trịnh Vạn mở hội Nàng Han cầu cho nhân khang, vật thịnh; làng Ngọc, Cẩm Lương mở hội cầu nước; bản Ban (Quan Hóa) đưa cây mạ xuống ruộng, mong ước mùa về “lúa tốt bằng mây, lúa xây sậm hạt”...

Mỗi bản làng miền Tây xứ Thanh đều gắn với một địa danh lịch sử, ở đó không chỉ chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể quý giá, mà chính ở các di tích này còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu như­: Thần tích, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa ẩm thực, các nghi lễ, tục kiêng khem... gắn với các nhân vật được thờ phụng, qua đó giúp cho du khách và giới nghiên cứu khám phá và nhận biết về lịch sử của con người, miền đất nơi đây, tô đẹp cho truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Với vùng địa lý đặc thù và thiên nhiên hào phóng ban cho: Đất mường ta cơm trắng/ Nước mường ta, nước trong/ Một mẻ chài được trăm con cá/ Một phát ná được trăm con chim... Mỗi làng bản ở xứ Thanh đều có những sản vật nổi tiếng gắn với văn hóa ẩm thực về đồ ăn: Cơm đồ, lợn thui, cá hấp, canh lóng, canh uôi, cá mè sông Mực, vịt Trạc Nhật, vịt Cổ Lũng, tôm Vụng Chiếng, cá lăng sông Mã, nếp cẩm, xôi đồ, cá nướng; đồ uống: Rượu siêu, rượu cần và những món ăn nổi tiếng: Cơm nếp, đùi gà/ Nhà ta có ngọc.

Di sản văn hóa của đồng bào miền núi tỉnh Thanh kết tụ trí tuệ, tinh hoa và tâm hồn của cha ông trong trường kỳ lịch sử đấu tranh với thiên nhiên và trong quá trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Để di sản văn hóa phi vật thể trở thành nguồn lực phát triển du lịch bền vững, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành văn hóa, thể thao và du lịch và đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa là: Tiếp tục s­ưu tầm, nghiên cứu, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể: Ngôn ngữ, chữ viết, tục ngữ, dân ca, dân vũ, dân nhạc, tri thức dân gian, hội hè... của đồng bào các dân tộc để đáp ứng nhu cầu h­ưởng thụ và sáng tạo văn hóa của quần chúng, phát triển văn hóa du lịch. Điều tra, phân loại di sản văn hóa phi vật thể của mỗi tộc người để bảo tồn và phát huy những nét hay đẹp, loại bỏ những cái xấu, lạc hậu, nhằm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Đầu tư kinh phí làm phim, ghi hình, chụp ảnh các lễ hội cổ truyền, tín ngưỡng mang đậm sắc thái văn hóa của mỗi tộc người; in ấn, xuất bản các sản phẩm văn hóa, văn nghệ dân gian... phổ biến, giới thiệu với bạn bè quốc tế. Có chính sách đãi ngộ, tôn vinh và phong tặng danh hiệu nghệ nhân ­ưu tú, nghệ nhân dân gian để động viên họ cống hiến và truyền dạy các tri thức dân gian cho quần chúng, đặc biệt là lớp trẻ để giá trị văn hóa này không bị thất truyền.

Di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trải qua hàng nghìn năm đã kết tinh thành giá trị, góp phần hình thành sắc thái văn hóa xứ Thanh, tạo nên tính cách con người xứ Thanh anh dũng, quật c­ường, v­ượt lên gian khó để chiến thắng thiên tai và các thế lực bạo tàn, song lại thấm đẫm tính nhân văn, giầu lòng nhân ái và đức hy sinh xả thân vì nghĩa lớn, vì lợi ích và sự trường tồn của cộng đồng. Những giá trị văn hóa đó cần khai thác và phát huy để phát triển du lịch bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống giàu đẹp, nhân văn ở miền núi tỉnh Thanh trong thời kỳ CNH, HĐH.


TS Hoàng Minh Tường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]